(VNBĐ – VHDGBĐ).
Nằm trong vùng địa lý – văn hóa ven biển Trung bộ, Bình Định mang đậm sắc thái của một miền đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa.
Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, lại nằm ở vị trí gần như trung tâm của đất nước, chính vì vậy từ trong quá khứ, Bình Định đã là nơi định cư của cư dân cổ Sa Huỳnh từ thời tiền sử và sơ sử và kế tiếp sau đó là vùng đất do người Champa quản lý. Kế thừa thành tựu của giai đoạn trước với bàn tay khối óc cần cù sáng tạo vùng đất Bình Định trở thành một trong những trung tâm văn hóa, chính trị kinh tế của đất nước trong nhiều thế kỷ.
Từ năm 1471, khi trở thành một phần của lãnh thổ Đại Việt thuộc Quảng Nam thừa tuyên, Bình Định đã trở thành miền đất hứa của những cuộc di dân ồ ạt từ các vùng khác nhau ở phía Bắc vào định cư, sinh sống, và sau đó, là người Hoa cũng đến đây lập phố, buôn bán. Trong bối cảnh đó, người Chăm (cư dân bản địa) chấp nhận ở lại, cùng cộng cư sinh sống với người Việt và người Hoa. Từ góc độ của vấn đề di cư, cộng cư, ba cư dân Chăm – Việt – Hoa cùng chung sống bên nhau, tiếp thu văn hóa của nhau để làm nên bản sắc văn hóa vùng này. Chính vì vậy, bộ mặt văn hóa dân gian của miền Trung nói chung, Bình Định nói riêng mang một sắc thái riêng, không giống phía Bắc và Nam bộ.
Về mặt địa lý, cư dân và phong thổ, miền Trung kể từ Thanh, Nghệ Tĩnh đến Bình Trị Thiên gần như không lẫn với nhau. Nhưng từ Trung Trung bộ đến Nam bộ, tôi thống nhất với cách phân chia của nhà thơ Tố Hữu, thể hiện trong đoạn thơ sau: “Ai đi Nam Ngãi, Bình Phú, Khánh Hòa/ Ai vô Phan Rang Phan Thiết/ Ai lên Tây Nguyên, Kon Tum, Đắk Lắk/ Khu Năm dằng dặc khúc ruột miền Trung”. Tuy nhiên, tìm hiểu sâu hơn, chúng ta sẽ thấy từng vùng đó lại có tính liên kết riêng. Vùng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa trong ca dao có câu: “Anh về Bình Định thăm cha/ Phú Yên thăm mẹ/ Khánh Hòa thăm em”; hay: “Đồn rằng Bình Định tốt nhà/ Phú Yên tốt lúa/ Khánh Hòa tốt trâu”. Nội dung những câu ca nói trên là, trong cái chung, từng địa phương vẫn có những điểm khác nhau nhất định.
Xét riêng về văn hóa dân gian Bình Định, theo tôi, có thể tìm thấy từ văn hóa Sa Huỳnh. Cố nhiên, rất khó có thể khẳng định được một cách chắc chắn mô hình sinh hoạt văn hóa dân gian của họ như thế nào. Vì một lẽ, đây là một cư dân mà trong đó nhà nước mới hình thành sơ khai, chưa có chữ viết. Dựa vào các sản phẩm văn hóa vật chất để lại trong mộ táng, trên đồ tùy táng, chúng ta có thể đoán định về những nghi thức, nghi lễ trong việc đánh bắt và săn bắn, nghi lễ táng tục…
Champa là cư dân sinh sống ngay trên mảnh đất của người Sa Huỳnh trước đó. Về tính logic, người Chăm không thể không kế thừa những thành tựu văn hóa trước đó của người Sa Huỳnh. Bằng chứng đã được khẳng định qua khai quật tại thành Cha thuộc Nhơn Lộc, An Nhơn. Các nhà khảo cổ học nhận thấy, trong tầng văn hóa xuất hiện lớp gốm dưới cùng là Sa Huỳnh và kế tiếp là gốm Champa là khá rõ. Điều đó xác nhận một thực thể mà từ trước tới nay giới nghiên cứu chưa giải thích được. Qua khai quật khảo cổ học, có thể khẳng định, người Champa đi lên và kế tiếp từ người Sa Huỳnh là chắc chắn.
Do nhiều nguyên nhân, hiện nay, không còn một văn bản nào về văn học của người Chăm. Nhưng bi ký của người Chăm để lại cho biết hầu những tác phẩm cổ đại nổi tiếng của Ấn Độ đều có mặt và biết đến ở Champa. Dù rằng, không có một văn bản nào cho ta biết đích xác về sự tồn tại về bộ sử thi này, song chắc chắn thế kỷ XV vẫn còn lưu truyền ở Champa. Bằng chứng là trong Lĩnh Nam chích quái do Vũ Quỳnh, Kiều Phú thời trung đại biên soạn, có truyện Dạ Thoa tuy rất ngắn, nhưng lại tóm tắt được hầu như toàn bộ nội dung của sử thi Ramayana của Ấn Độ.
Những sinh hoạt mang tính dân gian được các sử gia Trung Hoa ghi chép trong Chư phiên chí (nhà Tống). Đó là ghi chép về những ngày lễ, hội hè trong năm gần giống như phong tục Ấn Độ. Ngoài ra, người Chăm còn tổ chức một số ngày hội mà theo các nhà nghiên cứu đó là những tín ngưỡng mang tính bản địa của người Chăm, ví dụ: vào những ngày Tết, người dắt voi ra khỏi thành phố và để cho nó đi lại tự do với dụng ý xua đuổi tà ma trong một năm đã qua. Tháng tư hàng năm, người ta tổ chức những hội đua thuyền đánh cá. Ngày rằm cuối năm, người ta cho xây ngoài thành một cái chòi cao, vua và các quan cho áo vào đó rồi đốt đi để cúng trời.
Một trong những nhu cầu của Bình Định ngay sau khi trở thành lãnh thổ của Đại Việt, đó là phải có bộ máy quản lý cư dân. Nói cách khác, việc lập làng đã trở thành đòi hỏi bức thiết ở Bình Định lúc bấy giờ. Mô hình làng Bình Định buổi sơ khai mang những nét rất riêng. Làng Bình Định trải dài theo dọc triền sông, sau đó mới tản ra. Trong làng, không chỉ có vài dòng họ lớn mà còn có rất nhiều dòng họ gộp lại. Đối với người Việt, khi lập làng xã là phải có đình. Bởi đình làng sẽ đảm bảo việc liên kết cộng đồng, kết nối giữa các cư dân thuộc nhiều vùng miền khác nhau trên vùng đất mới này. Đình làng vùng này khác với đình làng phía Bắc, đó là nhiều làng mới có một đình. Ở Bình Định, thường ba xã, thậm chí năm xã mới có một đình. Cho nên, vùng này thường có đình làng “ngũ xã”.
Việc thờ Thần Hoàng làng ở Bình Định cũng không giống như các làng phía Bắc. Do nhiều làng, dòng họ khác nhau lập nên đình làng nên không thể tôn thờ một ai có công lập làng để trở thành Thần Hoàng làng. Trong tình thế như vậy, để dung hòa các thành viên trong các làng, Thần Hoàng làng Bình Định thường là thiên thần, không có nhân thần. Cho nên, các sắc phong đình làng Bình Định đều lấy vị thần từ phía Bắc vào như Bạch Mã Tôn thần hoặc Thái Giám Cao Các. Đây là những vị Thần Hoàng rất phổ biến ở các đình làng vùng Nghệ Tĩnh.
Một vấn đề khác cũng cần lưu ý, đó là sự tiếp thu, dung hợp lối sống văn hóa khác nhau trên cùng một vùng đất. Như ta biết, khi mới vào định cư ở vùng này, người Việt cư trú đan xen với cư dân bản địa là người Chăm. Cho nên, trong một số đình làng người Việt còn thờ cả rắn Naga, hoặc bà chúa Hỏa… Không chỉ tiếp thu văn hóa của cư dân bản địa (Chăm), trong tín ngưỡng của người Bình Định còn có cả văn hóa Trung Hoa. Trong một vài ngôi chùa ở Bình Định, chúng ta thấy họ vừa thờ Thần Hoàng làng vừa thờ cả Quan Thánh đế quân (đình làng thôn Hanh Quang ở Tuy Phước là một ví dụ). Là cư dân sống ven biển, sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản, tục thờ cá Ông (cá voi) nên dọc theo ven biển Bình Định đều có đền thờ Nam Hải tôn thần. Nhưng việc thờ cúng vị thần Nam Hải ở Bình Định cũng không phải giống nhau, các làng biển ở phía Bắc tỉnh khác với các làng biển ở phía Nam tỉnh.
Về ẩm thực Bình Định, tôi cho rằng mang màu sắc của Chăm, Việt và Hoa. Chẳng hạn, nước chấm với cư dân phía bắc là xì dầu (nước tương) còn người Chăm dùng nước mắm từ cá biển, có mùi thơm và hương vị đậm đà. Đến định cư ở Bình Định, người Việt không chỉ học được cách đánh cá xa bờ mà còn học cách làm nước mắm của người Chăm. Họ làm ra được nhiều loại mắm: mắm nêm (mắm đục), mắm trong, mắm ruốc và cả mắm ruột cá… Tục ăn nước mắm đã rất phổ biến trong người Việt và người Hoa. Ngược lại, người Chăm cũng chịu ảnh hưởng văn hóa của người Việt, Hoa. Họ dần chuyển từ ăn bốc sang dùng đũa, bát; không còn dọn dưới nhà mà đưa lên trên bàn ăn. Có những món ăn chỉ Bình Định mới có, như bánh hỏi lòng heo (Việt – Hoa), bánh tổ Hoài Nhơn, bánh ít lá gai…
Trong các trò chơi dân gian ở Bình Định, đứng đầu bảng là trò đấu võ. Đây là trò chơi rất được ưa chuộng, một hình thức đua tranh không chỉ bó hẹp trong một nhóm người, một dòng họ mà đã trở thành làng võ. Bình Định có làng võ, làng Tuồng, Bài chòi trong cơ cấu làng.
Trước đây, nói đến võ Bình Định, một số nhà chuyên môn cho rằng địa phương này có môn phái bí truyền. Từ góc độ nghiên cứu, tôi nghĩ không hẳn như vậy. Họ cho rằng, võ Bình Định là kết tinh trí tuệ, gân cốt của bốn phương dung hợp tạo nên, ngoài nguồn nội lực mà người ta quen gọi là bản địa, còn có sự đóng góp của môn phái võ Trung Hoa (môn phái Tàu Sáu An Thái, Nhơn Phúc là một ví dụ). Theo tôi, có thể còn có cả võ của người Chăm nữa. Vì lẽ đó, người nghiên cứu rất khó bóc tách, tìm kiếm cái gọi là võ Bình Định theo một đường biên rạch ròi.
Bình Định còn có thú chơi chọi gà. Tất nhiên, trò chơi này không chỉ có Bình Định mà hình như phổ biến cả miền Trung. Đây là trò chơi diễn ra quanh năm, nhưng phổ biến nhất là vào dịp mùa xuân (Tết Nguyên đán). Tương truyền, từ trò chơi này mà một trong những lãnh tụ khởi nghĩa Tây Sơn là Nguyễn Lữ đã sáng tạo ra bài Hùng kê quyền nổi tiếng. Chọi gà là một thú chơi tao nhã rất phổ biến ở Bình Định, nhưng thường đi với cờ bạc, cho nên, các nhà quản lý thường cấm.
Bình Định không chỉ có những làng truyền thống về võ, mà còn là nôi sản sinh ra trường phái nghệ thuật Tuồng Đào Tấn, nôi của Bài chòi, và các làn điệu dân ca như Hát Hò, hát Huê tình… “Ngày rảnh việc, thì hay hát tuồng”.
Hát Tuồng là một nét văn hóa dân gian hình ở Bình Định. Chưa thể xác định về nguồn gốc, nhưng theo tôi, về mặt nào đó có tiếp thu từ kiểu múa, hát của người Chăm (mặt nạ tuồng). Nếu đem so sánh, nó gần như đầu Kala và Naga trong điêu khắc Chăm vậy.
Trong nghệ thuật dân gian, ở Bình Định còn một loại hình nghệ thuật được giới lao động bình dân rất ưa thích, đó là Bài chòi. Có rất nhiều định nghĩa khác nhau cho loại hình nghệ thuật này, nhưng định nghĩa đơn giản nhất và được giới nghiên cứu chấp nhận nhất là Bài chòi là một kiểu đánh bài ngồi trên chòi mà chơi.
Bài chòi trước kia chỉ là một trò chơi phổ biến trong cư dân Bình Phú, tức là Bình Định và Phú Yên, tồn tại trải dài từ đèo Bình Đê tới chân đèo Cả. Qua bên kia chân đèo, không còn nghe ai nói đến trò chơi này. Nay, ở các tỉnh như Quảng Nam và Khánh Hòa cũng phổ biến, ngoài duy trì biểu diễn dân gian, các tỉnh còn có cả đoàn chuyên nghiệp nữa. Ở Bình Định, cái nôi Bài chòi là Hoài Hảo, thuộc huyện Hoài Nhơn, các nơi khác cũng có nhưng không nhiều.
Một loại hình văn hóa dân gian nữa rất được dân vùng Nam, Ngãi, Bình Phú ưa thích đó là hát Hò (Bình Định gọi là hát Hố). Lối hát này xuất phát từ lối hát giã gạo, vì chỉ khi giã gạo người ta mới có lối sinh hoạt này. Trong lúc giã gạo, để quên đi sự mệt nhọc, những nam thanh, nữ tú thường có lối hát đối đáp giữa các bên với nhau. Do tính chất công việc, cho nên việc hát Hò thường diễn ra vào ban đêm, địa điểm ngay tại nơi sân chủ nhà có lúa giã.
Hát Huê tình, cũng giống như hát Hò, cũng trai gái đối đáp nhau, chỉ khác hát Huê tình dài hơn, nhịp điệu chậm hơn và khi hát không có người “hò hê”. Hát Huê tình thường diễn ra trong lúc lao động sản xuất như tát nước, nhổ mạ cấy, nhổ đậu phộng, hái dâu… Ngày nay, hát Huê tình cũng như hát Hò gần như chỉ còn đọng lại trong ký ức và trên các trang viết mà thôi.
Bình Định còn có trò hát Ống, thường nam nữ hát đối đáp, có khi một tốp nam và một tốp nữ thay nhau hát đối đáp. Giọng người chuyền qua dây nghe mơ hồ, không thể nhận ra người thực, nhưng câu hát thì rất rõ.
Hát Ống không chỉ có Bình Định, nhiều nơi – trong đó có cả dân tộc ít người ở phía Bắc – cũng có trò chơi này. Ngay ở vùng Nghệ – Tĩnh cũng phổ biến, và họ mang theo trò chơi này khi vào định cư vùng đất mới.
Cũng là trò chơi hát đối đáp, Bình Định còn có kiểu hát Kết. Trò hát này diễn ra ngay tại nơi lao động, hội họp, trên sông nước, nơi tụ tập đông người. Ngoài hình thức hát trong lao động, hát kết còn phổ biến trong sinh hoạt làng xã vùng này. Ngoài các hình thức sinh hoạt dân gian trên, Bình Định còn có hình thức nói vè, nổi tiếng nhất là nói vè Chàng Lía.
Bình Định còn nhiều trò chơi dân gian diễn ra trong các lễ hội. Đó là những trò chơi gắn liền với cuộc sống hàng ngày, cả trong lao động sản xuất lẫn sinh hoạt, phản ánh tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu lao động của người dân trong các làng quê xưa vào dịp đầu xuân. Bên cạnh các trò chơi của người lớn, Bình Định còn có các trò chơi của trẻ như: trò chơi đánh trổng, đánh cù, đánh cờ gánh, cờ chém, kiện tướng đánh trận, trò dú hộ…
Có thể nói, Bình Định là vùng đất giàu có các giá trị văn hóa dân gian, đã và đang chờ được tiếp tục tìm hiểu, khám phá. Nhưng, Bình Định cũng như cả nước đang bước vào thời kỳ đô thị hóa nhanh nông thôn, cơ cấu làng xã đâu còn như xưa, quan hệ láng giềng cũng không còn đơn giản như ta tưởng. Mảnh đất văn hóa dân gian đang ngày càng bị thu hẹp. Chỉ nói riêng Bài chòi thôi, ngay nơi mảnh đất đã sản sinh ra nó giờ chỉ còn tồn tại chủ yếu trên sân khấu chuyên nghiệp. Các loại hình khác đã lùi xa từ lâu rồi. Tiếng trống chầu đâu còn thôi thúc. Đã có nhiều chủ trương bảo tồn, nhưng sự mất mát đang là một thực tế không cứu vãn nổi.
Bút danh: Đinh Bá Hòa.
Năm sinh: 1952.
Nơi sinh: Hưng Châu, Hưng Nguyên, Nghệ An.
Quê quán: Hưng Châu, Hưng Nguyên, Nghệ An.
Điện thoại: 0905.512.724.
Email: hoabaotang@gmail.com.
Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Hội viên Chi hội VNDG Bình Định
(Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định).
Tác phẩm chính: Địa chí Bình Định tập Bình Định di tích và danh thắng (2000), Gốm cổ Champa Bình Định (2008), Văn hóa xã hội Bình Định (2012).
ĐINH BÁ HÒA
(Văn hóa dân gian Bình Định 2011 – 2020, NXB Văn hóa – Văn nghệ 2020).