Bảo vệ sự thống nhất trong đường lối và mục tiêu phát triển văn hóa của Đảng

(VNBĐ – Tiếng nói văn nghệ sĩ). Đường lối văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam là kim chỉ nam cho các hoạt động phát triển văn hóa của đất nước ta từ khi thành lập Nhà nước dân chủ cho đến nay. Trải qua gần 80 năm phát triển, những thành tựu về lý luận đã được khẳng định qua các nghị quyết, chủ trương và chính sách văn hóa.

Đường lối văn hóa của Đảng ta chính là sự biểu hiện của sức mạnh văn hóa. Nó đã và được nhân lên bởi lực lượng tinh thần, trí tuệ, lương tri của cả dân tộc với bề dày của truyền thống hàng nghìn năm lịch sử cũng được huy động bằng nhiều cách, nhiều phương diện và có tác động lan tỏa đến các mặt của đời sống chính trị, văn hóa của đất nước ta hiện nay.

1. Đường lối văn hóa của Đảng, nền tảng lý luận của sự phát triển văn hóa ở Việt Nam
1.1. Sự nhất quán trong chủ trương, chính sách về văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam

Trong định hướng chính sách phát triển quốc gia, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, thể hiện tầm cao, chiều sâu của trí tuệ và trình độ phát triển. Những giá trị của văn hóa có sức sống bền vững và lan tỏa, làm nên sự trường tồn của mỗi quốc gia, dân tộc. Kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng vai trò của văn hóa, đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cùng xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong tham luận Các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam luôn nhất quán, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh: “Các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam luôn nhất quán, không ngừng phát triển trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, là cơ sở quan trọng để hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy các nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”(1).

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, con người đối với sự phát triển bền vững của đất nước trong điều kiện mới. Do đó, hệ thống chính sách văn hóa của Đảng đều hướng tới việc kiến tạo và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tạo nền tảng, động lực để thúc đẩy đất nước phát triển bền vững. Đặc biệt, các chính sách ấy đã minh định một quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(2).

1.2. Mọi hoạt động văn hóa đều hướng đến việc xây dựng và phát triển con người Việt Nam
Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa của Đảng và Nhà nước ta hiện nay đều xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm(3). Bên cạnh đó, trong chương trình hành động của các cấp ủy cần nhận thức đúng đắn việc trao quyền cho người dân trong sứ mạng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, gắn nhiệm vụ phát triển văn hóa với trách nhiệm cộng đồng, giúp cho các bạn trẻ hiểu rõ những vấn đề cốt lõi của văn hóa và thúc đẩy họ trở thành những nhân tố cốt lõi, là chủ thể của việc xây dựng một nền văn hóa tương lai đậm đà bản sắc dân tộc, hiện đại và hội nhập sâu rộng với thế giới.

Về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”, trong phát biểu tại Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh vào, sáng ngày 17 tháng 02 năm 2022, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng: “cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đồng thời, tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các chương trình hành động nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trên lĩnh vực văn hóa – văn nghệ đã ban hành”(4).

Về định hướng giao lưu hợp tác văn hóa, Đảng và Nhà nước ta đã xác định văn hóa là sự dây kết nối, công cụ ngoại giao nhằm đưa Việt Nam hội nhập với thế giới một cách có chiều sâu, ổn định, bảo đảm lợi ích quốc gia – dân tộc, từ đó có thể huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế đất nước thành nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội. Do vậy trong định hướng phát triển văn hóa thông qua văn hóa là phương cách tôn vinh các giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước.

Từ chủ trương giao lưu ấy, chúng ta cần tiếp tục quảng bá các giá trị văn hóa về đất nước, con người Việt Nam, chú trọng việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam; giải quyết bài toán nguồn lực cho phát triển ngoại giao văn hóa với phương châm “lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm” – họ vừa là chủ thể thụ hưởng vừa là đối tác. Đây là quan điểm chỉ đạo sáng suốt và khẳng định vai trò chủ thể của người dân trong tiến trình phát triển văn hóa hiện nay.

2. Những kiến nghị về việc định hướng bảo tồn và phát triển văn hóa của Việt Nam hiện nay
2.1. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với việc khẳng định địa văn hóa của từng vùng miền
Có thể nói, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, văn hóa là “tấm thẻ căn cước” không chỉ của mỗi dân tộc mà còn là “chứng thư” cho những khác biệt của mỗi vùng miền. Trong xu thế hiện nay, dưới ánh sáng lý luận của Đảng, các đơn vị quản lý và thực hành bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cần có những hiểu biết, ứng dụng thích đáng và chiến lược khác nhau, thích ứng với từng điều kiện cụ thể nhằm bảo tồn di sản các giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam và phục vụ cho công tác phục hưng văn hóa, thúc đẩy sự phát triển văn hóa, nhằm hướng đến sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước trong tương lai. Địa văn hóa là dấu hiệu có tính chuyên biệt của mỗi vùng miền, đó là những giá trị sinh thái nhân văn mà con người ở mỗi vùng đất cụ thể đã hấp thu và kiến tạo nên trong quá trình phát triển văn hóa cộng đồng cụ thể. Nó có ý nghĩa chiến lược quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của từng vùng miền cụ thể trong tổng thể chung của văn hóa Việt Nam. Do đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bên cạnh việc tôn vinh những giá trị cốt lõi, chúng ta cần quan tâm đến yếu tố mang tính khu biệt này.

Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV, năm 2023 tại Bình Định. Ảnh: S.P

Việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu của từng cộng đồng trên địa bàn cụ thể cần nhằm hướng đến quá trình phục hưng không gian văn hóa đặc trưng của vùng đất này trong lịch sử hình thành và phát triển. Vì thế, cần phải có một cái nhìn tổng quan, logic và có tính kế thừa đối với những công trình kiến trúc, lễ hội, nghệ thuật biểu diễn truyền thống và hoạt động văn hóa trên địa bàn trước khi xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị. Do đó, trong quá trình triển khai, nếu chúng ta quan tâm đến vấn đề này sẽ góp phần định hình được vị thế địa văn hóa của từng địa phương trên bản đồ văn hóa và du lịch hiện nay ở khu vực và quốc gia. Quá trình khẳng định những nét khu biệt của địa văn hóa của từng vùng miền trong tổng thể chung sẽ thúc đẩy việc xây dựng lòng tự hào về quê hương, tạo điểm nhấn văn hóa, sức hút du lịch trong bối cảnh kiến tạo các cộng đồng văn hóa – du lịch mang sắc màu địa phương và có tính chuyên biệt.

2.2. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phải gắn liền với nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số
Di sản văn hóa là hiện thân của truyền thống, trầm tích sinh hoạt, tín ngưỡng và giao lưu của các cộng đồng văn hóa. Việc tìm hiểu, khẳng định, xác tín những giá trị bất biến và khả năng lan tỏa của nó là vấn đề khoa học và cần nguồn tư liệu điền dã, thành văn phức tạp. Do vậy, công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của di sản này cần phải tuân thủ theo một chiến lược khoa học, thiết thực và phù hợp với đặc trưng văn hóa, đặc điểm vật chất, phi vật chất và khả năng lưu trữ của di sản. Vì thế, hệ thống đề án, kế hoạch bảo tồn, phát huy khi xây dựng cần dựa trên những ý kiến tham mưu, kết luận khoa học, đánh giá khách quan và có trách nhiệm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Hệ thống đề tài khoa học & công nghệ được đề xuất nghiên cứu cần có tính ứng dụng, tư vấn giải pháp và hướng đến việc cụ thể hóa các vấn đề được đặt ra từ các di sản văn hóa của từng địa phương cụ thể.

Đơn cử trường hợp tỉnh Bình Định. Hiện nay, các công trình kiến trúc văn hóa tiêu biểu của tỉnh nhà đang đứng trước nguy cơ mai một. Thậm chí, một số di tích còn bị hư hoại hoàn toàn. Chính vì lẽ đó, ta sẽ rất khó khăn trong việc tìm về các giá trị nguyên bản cổ xưa khi tiếp cận với các công trình kiến trúc này, như hệ thống tháp Chăm, thành Hoàng đế, hệ thống cảng thành Hổ Cơ, cảng thị Nước Mặn, lịch sử kiến tạo chữ Quốc ngữ cũng như các lễ hội tiêu biểu ở Bình Định. Việc thiết kế, tạo dựng không gian 3D các công trình, di sản văn hóa sẽ góp phần lớn trong quá trình giữ gìn và phát huy di sản văn hóa ngay cả khi di sản đó chỉ còn trong tiềm thức. Thông qua lời kể, mô tả của những người đi trước, tích hợp với việc nghiên cứu tài liệu, tư liệu, khảo sát thực tế, cũng như nhờ đến các phần mềm công nghệ, ta có thể mô phỏng nền không gian 3 chiều đối với di tích, kết hợp với kính thực tế ảo để giúp cho du khách quan tâm đến lịch sử, cội nguồn di tích có thể hình dung được kiến trúc di tích trong quá khứ ngay trên nền kiến trúc được tu bổ hiện tại. Cách làm này sẽ gia tăng tính trải nghiệm, mới lạ, tạo nên nét riêng biệt cho di tích, hứa hẹn thu hút lượt lớn những người quan tâm cũng như các du khách hiếu kỳ.

Để giới thiệu và quảng bá cho du khách có cái nhìn bao quát hơn, hiểu rõ hơn về kiến trúc di tích, ta có thể sử dụng trình mô phỏng để mô phỏng di tích đó và quảng bá nó trên nền tảng mạng xã hội để khách du lịch có thể dễ dàng tìm hiểu trước khi quyết định tham quan. Thêm vào đó, ta có thể tạo ra một sơ đồ vị trí các địa điểm tham quan, các địa điểm lịch sử, văn hóa tiêu biểu trên bản đồ du lịch của địa phương kèm những thông tin cơ bản về di tích đó để du khách nắm rõ được vị trí của các di sản cũng như tạo điều kiện cho các nhà lữ hành có thể nắm biết vị trí và tạo ra các chương trình tour du lịch văn hóa hợp lý. Đây cũng là một phương pháp được rất nhiều điểm tham quan du lịch ở Việt Nam có quy mô lớn thực hiện để dễ dàng giới thiệu cho du khách.

Có thể nói, từ nhận thức về sự phát triển căn bản, toàn diện của văn hóa thông qua các nguyên tắc khoa học và công nghệ số sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa địa phương. Điều này đòi hỏi sự chung tay và trách nhiệm của các nhà quản lí, chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng đối với việc giám sát quá trình sử dụng, bảo tồn và phát huy giá trị thiết thực về văn hóa của mỗi vùng miền cụ thể.

2.3. Bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương cần dựa vào cộng đồng
Đưa di sản văn hóa đến với cộng đồng là phương cách truyền thông tốt nhất về bề dày lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam. Vì thế, kế hoạch bảo tồn di sản văn hóa hiệu quả và khoa học không chỉ giúp giữ gìn được giá trị di sản độc đáo này mà còn phải quan tâm vấn đề đưa di sản đó đến với cộng đồng trong cuộc sống đương đại. Muốn làm được điều ấy, các cơ quan quản lý cần phải làm ‘trẻ” và “khỏe” di sản. Bên cạnh việc phục nguyên không gian văn hóa của di sản, chúng ta cần xác định, lựa chọn, thúc đẩy và phát huy những giá trị bất biến, vượt tầm của di sản để đầu tư, thúc đẩy sự tương tác, lan tỏa đến cộng đồng.

Đưa di sản đến với cộng đồng các bạn trẻ và khách du lịch cũng là một phương án cần triển khai khẩn cấp. Hiện nay, trong hoạt động du lịch, các di tích lịch sử – văn hóa trở thành điểm đến không thể thiếu trong các chương trình du lịch văn hóa. Thực tế tồn tại hiện nay, một bộ phận hướng dẫn viên không đầu tư tìm hiểu về di sản văn hóa các địa phương, do đó đã gặp không ít khó khăn khi hướng dẫn thuyết minh cho du khách các vấn đề có tính khu biệt của vùng địa văn hóa của từng địa phương. Vì thế, trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình du lịch, hướng dẫn viên cần sử dụng các thông tin tri thức đã được số hóa để truyền tải tốt hơn những thông điệp từ quá khứ của cha ông để lại, giúp cho du khách hiểu thêm, yêu thêm và mong muốn quay trở lại.

Chuyển tải các giá trị cốt lõi của văn hóa đến với nhà trường và cộng đồng dân cư cũng là một vấn đề cần quan tâm. Hiện nay, thực hiện chương trình giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018, việc giới thiệu và tổ chức quảng bá, tìm hiểu các di sản tiêu biểu của địa phương đến các bạn học sinh đã và đang tạo được hiệu quả lan tỏa rất rốt. Việc làm này cần được tổ chức thường xuyên thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, thuyết trình, cuộc thi tìm hiểu về di sản văn hóa quê hương. Ngoài ra, để nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn di sản, các địa phương cần có chương trình sinh hoạt công dân, giới thiệu, khẳng định và nêu bật những ưu lợi thế của di sản văn hóa địa phương. Cùng với niềm tự hào là trách nhiệm chung tay bảo vệ, hạn chế sự xâm hại di sản văn hóa.

KẾT LUẬN
Đường lối và chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán và có tính kế thừa. Quan điểm chỉ đạo của Đảng về văn hóa được đề xuất hoàn toàn phù hợp với từng thời kì lịch sử và luôn nhấn mạnh yếu tố con người cũng như vấn đề khác biệt văn hóa của từng địa phương trong tổng thể chung của văn hóa Việt Nam. Đây chính là điều kiện tiên quyết để xây dựng chính sách và hành lang pháp lý cho việc thực thi các chủ trương bảo tồn và phát triển văn hóa trong điều kiện hiện nay.

Văn hóa là câu chuyện của nhân văn, do vậy vấn đề vai trò chủ thể của con người, vì con người và hướng đến con người là nhiệm vụ cốt lõi mà khi bảo tồn và phát triển văn hóa chúng ta cần quan tâm đến. Trong đó, vai trò của cộng đồng văn hóa và thế hệ trẻ là điều kiện tiên quyết. Ngoài ra, để có thể lan tỏa văn hóa và các giá trị của nó, chúng ta cần phải lưu tâm đến vấn đề ứng dụng công nghệ hiện đại và phù hợp với từng điều kiện, loại hình, vấn đề văn hóa.

Với những quyết sách mang tính nhân văn và khoa học, các chủ trương chính sách của Đảng ta hiện nay đã và đang phát huy giá trị tiên phong, là kim chỉ nam lý luận cho quá trình vận hành và phát triển văn hóa Việt Nam hiện đại, hội nhập và bền vững ngày nay, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của văn hóa Việt Nam trong tiến trình phát triển của khu vực và thế giới.

Bình Định, tháng 5 năm 2024

TS. VÕ MINH HẢI

(Giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn; hội viên Hội VNDG Việt Nam; hội viên Hội VHNT Bình Định)

* Chú thích:

(1) https://nhandan.vn/cac-chu-truong-duong-loi-cua-dang-ve-xay-dung-phat-trien-van-hoa-con-nguoi-viet-nam-luon-nhat-quan-post730360.html

(2) tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-3663.

(3) Lê Thị Thu Hiền (chủ biên), Giáo trình Đường lối văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam (dùng cho các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật), Nxb Văn học, Hà Nội, tr.04.

(4) https://nhandan.vn/moi-hoat-dong-van-hoa-deu-phai-huong-toi-xay-dung-phat-trien-con-nguoi-post730357.html

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chống hoạt động IUU bao giờ kết thúc?

Sau bảy năm bị áp thẻ vàng (2017 – 2024) và qua bốn đợt thanh tra của EC, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thay đổi và đã có sự chuyển biến tích cực: ban hành Luật Thủy sản và các văn bản…