Bao lì xì

(VNBĐ – Văn học thiếu nhi). Nó vừa đi vừa chu môi huýt gió, chu tới mỏi rã mà chỉ nghe phèo phèo nước bọt phun ra. Nó còn ngậm hai ngón tay thổi, cũng chẳng nghe được gì ngoài tiếng phù phù đáng ghét. Vậy là con chào mào đít đỏ đã thuộc về tay thằng Cú Tỉn.

Con em cứ lèo nhèo đòi uống nước, không chịu đi nữa. Kiểu này biết khi nào hai anh em mới tới nhà nội.

– Ngó qua ngó lại có chỗ nào uống không mà cứ mè nheo – Nó bực bội càu nhàu – Đã nói trước khi đi uống nhiều trừ hao rồi mà…

Con em phụng phịu:

– Uống nhiều rồi nhưng tại em đi tiểu mấy lần xẹp lép.

Nói vậy thôi nhưng nó cũng xốc em lên lưng bước nhanh, phía trước có cái chợ nhỏ. Má thường dắt anh em nó tới đó.

Hút rột rột hết sạch trái dừa xiêm, con em khoan khoái xoa bụng cười ỏn ẻn. Nó chỉ xin ca nước lạnh, rồi cũng qua cơn khát. Giờ thì con em bước nhanh hơn cả nó. Đúng là con gái, không chịu cực khổ được, mới khát nước chút đã ỉu xìu. Hèn chi ba nó cưng con em hơn ai hết, đàn ông có lẽ phải cưng chiều phụ nữ.

Nhà nội hôm nay đám giỗ bác Hai. Ba má đi làm từ sớm, dặn anh em nó tự dắt nhau qua. Bác Hai mất hồi nhỏ, nghe đâu nhỏ hơn con em bây giờ. Bác Hai bị té sông khi câu cá, người kế là ba nó, kế nữa là mấy cô mấy chú. Bởi vậy mỗi khi có đám là đông đảo ồn ào, mọi người ở xa dồn về đông đủ.

Con em trở lại nhanh nhảu lau chau như cũ. Nghiêng ngó từng khóm hoa dại bên đường, cúi xuống hít hà từng nụ hoa chớm nở xinh xinh. Hoa dại làm gì có mùi thơm, đúng là con gái giỏi tưởng tượng. Nó chỉ mong mau tới nhà nội, còn phải qua hai cái cầu nhỏ, mấy ngả rẽ và mấy đám ruộng nữa mới chạm đích.

Thằng Tú con cô Sáu hứa cho nó siêu nhân từ hồi hè. Hôm qua nó cũng gọi điện thoại nhắc nhở. Chỉ lo một chuyện là con chào mào đít đỏ. Nó cũng hứa cho thằng Tú nhưng bây giờ chẳng biết nói sao!

Vò nát cả nùi lá nó vẫn chưa nghĩ ra cách. Con chào mào đã “nộp” cho thằng Cú Tỉn, đó là học phí bắt buộc. Chỉ tức là phí đã nộp và nó chưa thành tài. Phải công nhận Cú Tỉn giỏi khó ai bì kịp. Chỉ cần một cái lá nhỏ mà nó thổi thành bản nhạc nào cũng được. Đưa hai ngón tay lên môi hít réo rắt như còi cảnh sát. Còn huýt sáo thì hỡi ơi thần thánh, còn hay hơn đàn nhạc sĩ. Nó mê mẩn, bao nhiêu bánh kẹo hay đồ chơi nó đưa hết cho Cú Tỉn chủ yếu để nghe nó trổ tài.

Mà thằng Cú Tỉn cũng ma mãnh. Biết nó thích nên cứ khiêu khích. Kì kèo bớt thêm rồi Cú Tỉn cũng đồng ý nhận con chào mào đít đỏ quý giá của nó để dạy trổ tài. Vậy mà cả tháng, nó chỉ phun ra toàn nước bọt hôi rình. Ngậm muốn tróc da hai ngón tay cũng chẳng khác nào ngậm kẹo mút. Lá cây gom cả rổ, rách tươm cũng chưa hề lọt tai một âm thanh dù như dế kêu.

Có lẽ Cú Tỉn giấu nghề, nhưng thời hạn mười ba ngày đã qua nên nó phải đứt ruột giao con chim cho thằng Cú, cả cái lồng đẹp như cung điện cũng theo con chim. Thằng Cú Tỉn hăm dọa sẽ cột dây vô chân con chào mào trên cửa sổ. Nó đau lòng lắm, đành phải giao cái lồng để cứu con chim.

Người tốt luôn luôn như vậy, không cần bắt chước người lớn. Nó vẫn hiểu điều đó.

Trước khi đi mẹ nó không quên nhắc hai anh em mặc thêm áo vì vẫn còn lạnh. Một năm có bốn mùa, nó khoái mùa Xuân nhất. Không phải vì mùa Xuân hoa nở tưng bừng đẹp đẽ như ti vi, báo chí hay ca ngợi. Nó chẳng quan tâm chuyện đó. Mùa Xuân có nghĩa là Tết, mà Tết luôn được nghỉ học.

Chuyện nghỉ học thì kể cả đứa chăm ngoan giỏi cũng thích. Vì ít nhất không phải dậy sớm, không phải thò ra hứng gió lạnh teo cả mũi.

Thật ra nó cũng không quan tâm lắm chuyện được nghỉ học cả tuần. Có hai chuyện quan trọng, một là được ăn thoải mái món khô bò thơm phức, hai là được lì xì.

Nó mê món khô bò đâu từ thế kỉ trước kìa. Cái vị mặn mặn ngọt ngọt cay cay, cái mùi thơm sực nức làm người ta ngây ngất. Chắc người sáng tạo món ăn này phải thông minh lắm. Bình thường mẹ cấm anh em nó mua mấy bì khô ở trước cổng trường. Đó là hàng không có nguồn gốc và hết hạn sử dụng. Chuyện này nó cũng hiểu nên chỉ dám rớt nước miếng nhìn bạn bè nhai nhóp nhép.

Còn lì xì thì nó mê hơn một chút nữa vì không phải làm gì mà vẫn được tiền. Chỉ cần mặc đồ đẹp và khoanh tay lễ phép chúc Tết ngay lập tức được mọi người cho cái phong bao đỏ chói. Đôi khi nó nghĩ, phải chi mà mỗi năm có chừng ba bốn cái Tết thì trẻ em có khi giàu hơn người lớn.

Điều đó không phải tự nhiên nó bịa đặt. Mỗi lần Tết là ba mẹ nó hay càm ràm. Nhất là mẹ, phải lau dọn giặt giũ, đi chợ mua nhiều thứ. Rồi mẹ phải chuẩn bị nhiều bao lì xì nữa. Rõ ràng, chỉ có trẻ em mới được nhận tiền. Tiền lì xì sau Tết được nhét vô con heo đất cất kĩ. Khoái nhất là cất trong tủ đồ của anh em nó.

Tự nhiên nó cười khanh khách khi nghĩ tới chuyện này. Con em đang đi chợt dừng lại ngơ ngác. Bây giờ nó mới giật mình nhìn con bé em. Thánh thần ơi, ôm bó hoa dại to chảng. Quần áo dính đầy hạt cỏ may, đầu tóc cũng vậy. Trên mặt còn bị xước một đường rướm máu, vậy mà nó tươi như hoa. Đúng là phụ nữ nhỏ phức tạp và không hiểu biết.

Theo tay con em chỉ, nó nhìn quanh. Đúng là hoa nở nhiều, đủ sắc màu. Bướm thì không đếm nổi, chúng bay lượn vòng vèo trên mấy bụi hoa. Nhìn cũng vui mắt, đằng xa đàn bò đang chậm chạp gặm cỏ. Xa hơn nữa, sau rặng cây phía trước có bầy chim đang líu lo là nhà nội. Chắc đông vui lắm, nó lại nhớ con chào mào đít đỏ.
Hoa thì có gì đẹp, mấy bộ xếp hình, mấy con siêu nhân thần thánh của nó còn đẹp hơn nhiều. Đã vậy không bao giờ héo xèo như hoa. Đúng là phụ nữ nhỏ phức tạp, không hiểu biết bằng đàn ông nhỏ.

Tuy vậy nó cũng không càu nhàu con em. Lỡ con em khóc ở đây thì hơi mệt. Nó ngồi xuống gỡ từng hạt cỏ may trên người, vuốt tóc thẳng thớm và lau mồ hôi cho con em. Phụ nữ nhỏ hay khóc nhè, phụ nữ lớn hay la mắng. Đàn ông lớn nghiêm khắc, chỉ có đàn ông nhỏ là lịch sự thôi.

Rồi nó lẳng lặng xốc con em lên lưng, bước nhanh về phía rặng cây có bầy chim líu lo… Con em gác bó hoa trên lưng nó, chà lên cổ hơi ngứa nhưng nó cố chịu. Sợ con em phải cầm trên tay, mỏi tội nghiệp. Nó thương con em nhất nhà. Nắng vẫn chói chang, gió lành lạnh đủ để không cởi áo khoác…

Bỗng dưng trước mũi giày nó, xuất hiện một bao lì xì đỏ chói. Chắc là của ai làm rớt, nó nóng ran cả người… Xung quanh vắng lặng, nó lật đật thả tuột con em xuống và chụp cái bao lì nhét gọn vô túi áo rồi cúi gằm mặt, bước tiếp.

Mồ hôi lòng thòng chui tọt xuống mắt cay chát, thở ra hít vô nhiều hơn bình thường gấp mấy lần. Hai chân cũng bước chen lấn nhau rồi nhưng nó vẫn cố sức cõng con em tới bậc thềm nhà mới thả tuột xuống.

Co giò vụt chạy vô phòng khách ôm chặt người bà nội con em chẳng thèm liếc thằng anh. Phụ nữ lúc nào cũng khó hiểu!

Không thể đếm được bao nhiêu người trong nhà. Năm nay mọi người đều có mặt vì nghe nói ông nội đọc di chúc gì đó. Ồn ào náo nhiệt còn hơn lớp nó khi vắng cô giáo.
Người lớn còn mất trật tự hơn cả con nít.

Vậy mà lúc nào cô giáo cũng đập chập chập cây thước bự chảng lên bàn hô hét tụi nó. Người lớn phức tạp và ít chịu nhận lỗi. Nó mong mình là người lớn, làm trẻ em cực mà chẳng có quyền.

Mà thôi, chuyện nó quan tâm bây giờ là cái bao lì xì đỏ chói kia. Rõ ràng khi nhặt lên nó cũng kịp bóp nhẹ, chứng tỏ có tiền ở trong. Có điều là bây giờ chỗ nào cũng có người, nó không thể móc ra kiểm tra cho chắc.

Len lén thò tay nhét cái bao lì xì xuống sâu đáy túi quần rồi chạy ra vườn sau. Ở đó đang tụ tập hơn mười anh chị em họ của nó. Nó ít hứng thú mấy trò chơi con nít tào lao nên chỉ lẳng lặng leo lên chạc ba cây ổi ngồi.

Mọi người đang mải mê chơi nên không ai chú ý tới nó. Như vậy càng khỏe, nếu không lại bị sai khiến muốn chóng mặt, nào là nhặt bóng, nhặt dép rồi lấy giùm nước uống…

Thằng Tân con cô Tám tự dưng ú ù lên, mới hồi hè còn lùn tịt lại còn mặc quần tuột dây thun. Dân thành phố lớn nhanh hơn nhà quê tụi nó. Sao nghe nói ở đó bụi bặm ô nhiễm mà sao con nít lớn nhanh vậy nhỉ? Chắc là được ăn nhiều món ngon rồi? Bé Nu hay khóc nhè cũng lớn nhanh, nhanh hơn cả con em nó. Bé Nu hay bứt tóc, cắn rồi giành đồ chơi của con em. Mỗi khi bị như vậy là nó phải dỗ dành con em khổ sở.

Bên kia, bên gốc xoài già mát rượi, chị Mai Ngọc con của bác Tư đang cắm cúi trên cái điện thoại nối cây sào dài như cần câu cá. Chị nghiêng đầu, ẹo cổ chum môi chụp ảnh đủ kiểu một mình, chẳng cần nhờ ai đó chụp giùm. Người thành phố sướng không tính hết!

Trò chụp ảnh của chị Mai Ngọc thu hút hơn. Nó quay qua ngắm chị, không đẹp bằng hồi hè. Khi đó chị tóc dài thả che lưng, môi không tô đỏ chót chét như bây giờ. Nhưng bây giờ chị Ngọc của nó ốm nhách như con hố khô. Nếu thằng Tú ốm cho chị mập thì có lẽ đúng hơn.

Có một thứ nó không quên nhìn là đồng hồ. Tự nhiên hôm nay kim chạy lò mò như rùa. Nó mong mau hết giờ, chỉ mong được ra khỏi nhà để xé cái bao lì xì.

Nó đã suy nghĩ về số tiền trong bao. Sau Tết má thu hết tiền lì xì của anh em cho vô con heo đất rồi nhét dưới gầm giường. Sáng cũng ăn tại nhà nên nó chưa bao giờ có tiền như bạn bè trong lớp. Má nó cẩn thận, sợ ăn vặt ở cổng trường đau bụng nên ngày nào cũng bỏ bánh, sữa vô cặp. Nó ghét sữa bánh của má. Muốn được một lần tự tay trả tiền cho cô bán căn tin ở trường. Người lớn lúc nào cũng tự do sung sướng.

Chuyện đầu tiên nó sẽ làm là lấy lại con chim chào mào từ tay thằng Cú Tỉn.

“Bộp”, một bàn tay vỗ mạnh lên mông đít làm nó giật mình mém chút nữa bổ nhào xuống. Hoảng hồn quay lại, con siêu nhân màu đỏ mới cáu loang loáng trước mắt:

– Thực hiện lời hứa một cách đúng đắn, bắt đầu sự trao đổi như đã hẹn – Thằng Tú khua khua tay.

Tuột ào từ trên cây ổi xuống đất, nó chụp con siêu nhân ôm riết vô ngực. Thằng Tú lay lay vai:

– Chào mào của em đâu? Chào mào của em đâu?

Nó giật mình ấp úng:

– Chim đang… ở nhà anh.

– Sao anh không mang qua?

– Nó đang… bệnh nặng lắm.

– Nó… nó bị bệnh gì?

– Bị… bị rụng lông à còn bị đau họng nữa. Nó đang bị sốt cao lắm.

Thằng Tú chưng hửng, buồn xo:

– Vậy là tới hè em mới có thể gặp được. Thôi anh ráng chữa trị cho nó, đừng để sút cân.

Nó gật gật đầu nhưng không dám nhìn thẳng vô mặt thằng em khờ khạo. Dân thành phố ngố hơn dân nhà quê nó, chuyện lạ có thật. Nhưng tội nghiệp thằng em thì đúng hơn!

“Chỉ nói dối một lần này thôi. Chiều nay quyết tâm lấy lại con chim từ Cú Tỉn”. Nó giật mình mò tay vô túi quần, bụng nóng ran, tim đập thình thịch khó thở. Trong nhà mọi người đã quây quần bên mâm cơm. Đám trẻ chơi trò trẻ nhỏ tào lao đằng kia cũng biến mất từ khi nào.

Nó là đứa háu ăn, nhưng hôm nay không thấy ngon miệng chút nào. Nó mong cho bữa ăn kết thúc nhanh…

Cuối cùng thì cũng xong.

Con em ở lại chơi, qua trưa ba má mới ghé được. Nó phải đi học nên về sớm, chiều lại qua, năm nào cũng vậy, không bàn bạc nữa.

Co giò phóng nhanh ra khỏi cổng, mặc cho con Vện quấn quít chạy theo. Mọi ngày nó cũng nấn ná vuốt ve con Vện vài phút. Qua hết đoạn đồng trống, nó run run mở bao lì xì ra, đếm đi đếm lại vẫn không biết bao nhiêu. Chưa bao giờ nó cầm số tiền lớn như vậy. Đầu năm nhặt được của rơi thì chắc chắn cả năm sẽ may mắn.

Nó nhẩm tính: trước tiên phải mua lại con chào mào cho thằng Tú, ăn hết những món ở căn tin lâu nay chảy nước miếng thòm thèm. Rõ ràng tụi bạn ăn từng ngày mà có đứa nào bị đau bụng đâu. Má nó chỉ lo xa thôi. Mua thêm bốn con cho đủ bộ “năm anh em siêu nhân”. Chuyện khó khăn nhất là giải thích cho ba má sự xuất hiện của bộ siêu nhân đó.

Mà thôi việc này tính sau. Còn một chuyện nữa, bọn thằng Pháp hay làm bộ phách với nó vì được tụi con gái lớp 5C theo chơi. Nó thừa hiểu thằng Pháp không học giỏi, thường trốn học và hay bị phạt. Nhưng nó có nhiều tiền, ngày nào cũng mua cả mớ bánh kẹo, kem ở căn tin phát cho bọn con gái. Chỉ có đứa thông minh như nó mới điều tra được lí do bí ẩn đó. Chiều nay nó sẽ kéo hết bọn con gái trong lớp ra căn tin. Tuyên bố rằng cứ ăn uống thoải mái, tiền bạc nó trả hết. Để coi thằng Pháp sẽ tức tối như thế nào. Nó bật cười khanh khách.

Số tiền còn lại nó giấu trong kẹt cửa sổ trong phòng. Đó cũng là cái kho bí mật của nó, tiếc là không có thứ gì bí mật để cất giấu. Không cần đếm nữa, cứ theo ý định như vậy. Nó đút bao lì xì vô túi rồi rảo bước nhanh, sắp đến giờ học rồi.

Đang cắm cúi bỗng giật mình khi có tiếng thút thít bên gốc cây. Một cụ già cũng gầy nhom như chị Ngọc. Nhìn kĩ lại thì cụ già đen và da nhăn hơn nhiều. Cụ ngồi khóc bên vệ cỏ, tóc tai rối bù. Chiếc nón lá rách bươm, cạnh đó là một bao đồ cũ kĩ và chai nước cạn veo.

Nó rụt rè:

– Bà ơi, sao bà lại khóc? Bà có khát nước không, cháu đi mua cho bà ạ?

Cụ già quệt nước mắt:

– Bà bị mất tiền cháu ơi, số tiền mọi người lì xì hôm Tết. Bà muốn dùng tiền đó để chữa bệnh cho con trai. Nhưng bây giờ không còn nữa, bà biết làm sao đây!

Nó sững người một lát.

Rồi thò tay vô túi quần và nó lại ngồi xuống rụt rè:

– Bà ơi, có phải tiền này không ạ?

LÊ PHA LÊ

(Văn nghệ Bình Định Xuân Tân Sửu 2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nơi yên nghỉ cuối cùng

Màn đêm dần buông xuống, hai bên vệ đường không còn một bóng người. Khải cứ đi lang thang trong vô định, tìm kiếm một cái gì đó mà mình đã đánh mất rất lâu…

Giọt lệ nàng An Nhiên

An Nhiên là tiểu thư trong một hào môn dưới triều Chúa Nguyễn Phúc Thuần. Nàng giỏi cầm, kì, thi, họa, nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn…

Làng dừa bên bờ sóng

Làng tôi nhìn về hướng biển Đông xanh thẳm. Làng như con thuyền bập bềnh bên triền sóng, là lá chắn cho dãy phố sầm uất của thôn Tân Thành, Tam Quan, Hoài Nhơn xưa…