Ba dấu ấn từ một kỳ họp Quốc hội

(VNBĐ – Thời đàm). Sau bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 26.6, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc giữa Đoàn ĐBQH tỉnh với MTTQ và các tổ chức thành viên để nghe thông báo nhanh kết quả của kỳ họp.

Trong vòng 23 ngày làm việc, chia làm 2 đợt (đợt 1 từ ngày 22.5 đến ngày 10.6; đợt 2 từ ngày 19.6 đến ngày 24.6), Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, ghi thêm dấu ấn với nhiều sự đổi mới, nhiều quyết sách kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Kỳ họp Quốc hội đã xem xét cho ý kiến và thông qua với số lượng lớn hơn so với thông lệ các dự án, dự thảo. Trong đó, có nhiều dự án, dự thảo có nội dung phức tạp, phạm vi tác động rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của đại đa số người dân và doanh nghiệp. Việc xem xét, ban hành các dự án luật này có ý nghĩa quan trọng nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, tạo sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, bảo đảm an ninh, quốc phòng, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường chất lượng quản trị, điều hành các tổ chức tín dụng và hoàn thiện hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Quốc hội đã thông qua 08 luật gồm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Đấu thầu; Luật Giá; Luật Giao dịch điện tử; Luật Hợp tác xã; Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Thông qua 17 nghị quyết trong đó có 03 nghị quyết quy phạm pháp luật, gồm: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Quốc hội cho ý kiến lần 2 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật gồm Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế – xã hội, ngân sách Nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.

Ba dấu ấn nổi bật, đóng góp vào thành công chung kỳ họp đó là: Thứ nhất, về công tác tổ chức, đã chia kỳ họp thành hai đợt thay vì một đợt như những lần trước. Trong quãng nghỉ giữa hai đợt đã giúp các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra có thời gian tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu; tổng hợp báo cáo và giải trình các nội dung đại biểu quan tâm. Quãng nghỉ này cũng giúp nhiều đại biểu địa phương kiêm nhiệm có thời gian xử lý công việc khác. Thứ hai, về công tác lập pháp, kỳ họp có khối lượng công việc khổng lồ, lên đến 20 dự án luật và các nghị quyết quan trọng, một con số kỷ lục trong việc xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội, đòi hỏi các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ cũng như các đại biểu phải làm việc hết công suất. Thứ ba, kỳ họp diễn ra trong không khí sôi nổi, các ý kiến đóng góp cho các dự án luật, nghị quyết và những vấn đề quan trọng khác có số ý kiến đóng góp rất lớn, thậm chí số đăng ký phát biểu kỷ lục. Đại biểu dẫn chứng trong các phiên chất vấn, số đại biểu đăng ký chất vấn các Bộ trưởng từ 100 – 120 lượt; có những phiên thảo luận như Luật Đất đai (sửa đổi) có hơn 170 đại biểu đăng ký phát biểu, tranh luận kỳ họp chỉ đáp ứng mới hơn 1/3 số đăng ký). Đây là dự án luật chuyên ngành khó, đồ sộ, liên quan đến hơn 100 luật, bộ luật khác nhau. Điều này thể hiện tinh thần làm việc trách nhiệm, nghiên cứu chuyên sâu của đại biểu…

Tại cuộc tiếp xúc, đại biểu Lê Kim Toàn, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, đã trao đổi nhiều vấn đề về tình hình đất nước. Sau hai năm bị tác động bởi dịch COVID – 19, cả nước đã nỗ lực đạt được những kết quả tích cực. Có 13/15 chỉ tiêu của Quốc hội đạt và vượt, thu nhập bình quân đầu người tăng lên song từ cuối năm 2022 bước sang năm 2023 nhiều chỉ số đã giảm, lao động việc làm biến động, thu ngân sách bị ảnh hưởng kéo theo những tác động nhiều mặt của xã hội. Khó khăn dự báo sẽ còn kéo dài sang năm 2024, thậm chí là hết nhiệm kỳ của Đại hội Đảng.

Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang đứng trước rất nhiều thách thức, trong đầu tư công, những quyết định của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV liên quan đến kinh tế không chỉ giải các nút thắt cho thúc đẩy kinh tế trước mắt mà còn có tác động lâu dài.

DƯƠNG HIẾU

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hướng về đồng bào vùng bão lũ

Ngày 11.9, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định đã tổ chức Lễ phát động kêu gọi cán bộ và Nhân dân cùng chung tay góp sức hỗ trợ cho người dân vùng bão lũ…