An Nhơn Tự hào một danh xưng!

(VNBĐ – Thời đàm). Ai ai cũng được sinh ra và lớn lên từ một vùng đất, ai ai cũng có quê cha đất tổ, quê hương bản quán. Nhưng không phải quê hương bản quán nào cũng như nhau nên niềm tự hào dành cho quê hương ở mỗi con người cũng khác. Người sinh ra nơi hoang vu, khắc nghiệt hẳn là điều kiện sống, môi trường sống sẽ khó khăn, thiếu thốn và cuộc trưởng thành vì thế chẳng thể dễ dàng.

Người An Nhơn có một niềm tự hào về quê hương rất lớn lao! Tự xa xưa ở vùng đất này đã có câu ca: “Có dở cũng ở Đất Thành/ Phèng la có bể cũng còn cái vành keng keng”.

Danh xưng An Nhơn bắt đầu từ năm 1832, khi vua Minh Mạng lập Phủ An Nhơn gồm các huyện Tuy Phước và Tuy Viễn. An Nhơn gắn liền với tên núi, tên sông, là chỉ dấu cho vùng đất thiêng, là đất võ, đất học, là nơi hội tụ bao anh tài của đất nước. Thực sự người An Nhơn có lý khi tự hào về quê hương mình!

Nhìn về xa xôi của lịch sử, câu chuyện về vị vua Chăm pa là Chế Mân đổi châu Ô, Lý để rước công chúa Huyền Trân của nhà Trần và giữ tình hòa hiếu diễn ra ngay trên vùng đất này. Sâu xa hơn, vùng đất Bình Định nói chung và An Nhơn nói riêng sớm được hình thành với những cư dân đầu tiên ở phía Nam của nước Việt Thường, trải qua nghìn năm Bắc thuộc, sau trở thành kinh đô Đồ Bàn của Vương quốc Chăm pa hơn 500 năm, từ năm 983 đến năm 1471. Rồi câu chuyện về vua Thái Đức – Nguyễn Nhạc, một trong ba anh em Nhà Tây Sơn dựng thành Hoàng Đế từ năm 1776 đến năm 1793 với bao chiến công hiển hách của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn “áo vải cờ đào” trong thế kỷ 18. Và nơi đây, vị anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ bao lần tế cờ tại đàn Nam Giao xuất quân vào Nam ra Bắc dẹp giặc, lật đổ tập đoàn phong kiến Chúa Trịnh, đánh đuổi hai mươi vạn quân Thanh xâm lược, bảo vệ bờ cõi đất nước. Là nơi vị ân sư Trương Văn Hiến từ Nghệ An vào truyền thụ võ nghệ, rèn đức luyện tài, hun đúc ý chí khởi nghĩa cứu dân giúp nước cho ba anh em nhà Tây Sơn.

Trường Thi Bình Định cùng với Văn Miếu Bình Định tọa lạc trên đất An Nhơn từng vinh danh bao bậc khoa bảng tài hoa trở thành những vị quan thanh liêm, yêu nước thương dân; những sĩ phu sáng ngời nghĩa khí trong đội quân Nguyên soái Bình Tây Mai Xuân Thưởng; những chiến binh quả cảm trong phong trào Cần Vương chống Pháp như: Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo, Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Bá Huân mà nổi bật là vị anh hùng dân tộc Võ Duy Dương (tức Thiên hộ Dương) – người quy tụ trai tráng từ thành Bình Định vào Nam xây dựng căn cứ Đồng Tháp Mười, tổ chức nhiều trận đánh Pháp vang dội.

An Nhơn cũng là vùng đất văn chương, nghệ thuật với nhóm thơ Bàn Thành tứ hữu: Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên đặt một dấu son trong hành trình thơ Việt; là cái nôi của nghệ thuật Bài chòi, nghệ thuật Hát bội và Võ cổ truyền – là những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Bình Định.

Chính vùng đất biên viễn từng là kinh đô của các vương quốc cổ và triều Tây Sơn đã hun đúc nên khí chất của người An Nhơn trượng nghĩa và chung thủy.

Truyền thống ấy, khí chất ấy tiếp nối và rạng ngời thêm dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng và Bác Hồ. Ngay từ cuối những năm 1930, Chi bộ Hồng Lĩnh – một trong ba chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bình Định được thành lập góp phần mở ra con đường cách mạng để nhân dân An Nhơn tích cực đóng góp sức người, sức của cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, những người con An Nhơn kiên trung đã chịu biết bao gian khổ, hy sinh mà những tấm gương anh hùng LLVTND như: Trần Thị Kỷ, Võ Thị Yến, Nguyễn Bèo, Phan Năm, Lâm Văn Thạnh… vẫn ngời chói đến muôn thế hệ.

Mang niềm tự hào về danh xưng của vùng đất, bước vào công cuộc đổi mới đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Nhơn luôn chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn, thử thách, tích cực khai thác tiềm năng và lợi thế, huy động mọi nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế – xã hội toàn diện, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, tăng dần tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và thương mại dịch vụ, phát triển nông nghiệp toàn diện, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, từng bước làm thay đổi diện mạo quê hương mình. Ghi nhận về sự phát triển toàn diện về kinh tế – xã hội, nhất là về xây dựng và phát triển đô thị, ngày 28.11.2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về thành lập thị xã An Nhơn, tạo động lực để phát triển nhanh hơn nữa về tốc độ đô thị hóa; về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thu hút nguồn lực đầu tư, chỉnh trang đô thị…

Giờ đây, sau 10 năm trở thành thị xã, An Nhơn đã ngày càng phát huy mạnh mẽ vai trò của đô thị vùng phía Nam tỉnh Bình Định, thể hiện chức năng là một trung tâm kinh tế, văn hóa phía Nam tỉnh, là đô thị vệ tinh của thành phố Quy Nhơn. Sự phát triển toàn diện và nhanh chóng đã giúp cho An Nhơn sớm hoàn thành các tiêu chí và tiêu chuẩn để ngày 02.3.2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký Quyết định số 219/QĐ-BXD công nhận thị xã An Nhơn là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Bình Định – một bước tạo đà mới cho An Nhơn tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển đô thị để đến năm 2025 trở thành thành phố!

Tự hào về danh xưng An Nhơn, mỗi người dân dù đang sống ở quê hương bản quán hay đang làm ăn, phát triển sự nghiệp ở khắp nơi cũng đều luôn hướng về quê nhà, luôn sẵn lòng góp công sức của mình cho cái đích đến rất gần và cũng rất vẻ vang: thành phố An Nhơn văn minh, xinh đẹp từ năm 2025!

DƯƠNG HIẾU

(Văn nghệ Bình Định số 104 tháng 12.2021)

 

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hướng về đồng bào vùng bão lũ

Ngày 11.9, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định đã tổ chức Lễ phát động kêu gọi cán bộ và Nhân dân cùng chung tay góp sức hỗ trợ cho người dân vùng bão lũ…