An nhiên cùng mây chiều, lửa tối

(VNBĐ – Bút ký). Cao nguyên La Vuông là quần thể núi – đồi – suối – bãi, nằm ở độ cao 700m so với mực nước biển, thuộc địa phận thôn La Vuông, xã Hoài Sơn của thị xã Hoài Nhơn.

Tương truyền nơi đây là chốn ẩn thân của dòng tộc chúa Nguyễn trên đường trốn chạy quân Trịnh và nhà Tây Sơn. Nhiều địa danh gắn với sự kiện này nay vẫn còn như: Núi Chúa, Vườn Cam, Suối Thần, Bãi Bằng Lạc… Sau năm 1975, La Vuông là nông trường bò lớn nhất tỉnh ta với hai thảo nguyên: Cầu Lầy và Đồng Vuông rộng hơn 150 ha “đủ sức” để chăn thả tự nhiên hơn 3.000 con bò lúc cao điểm. Đến những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, mô hình chăn nuôi tập trung không còn hiệu quả nên nông trường bò bị giải thể thay vào đó là nông trường dứa. Dứa tiếp tục thất bại vì không tìm được đầu ra. Công nhân lặng lẽ xuống núi, cùng người bản địa lập làng kinh tế mới mưu sinh, bỏ lại một vùng đất bốn mùa mây giăng gió hú.

Cao nguyên La Vuông tiếp giáp với núi rừng nguyên sinh tỉnh Quảng Ngãi ở phía Bắc và xã An Hưng (An Lão) phía Tây Nam. Ngoài những di tích lịch sử: Trường lũy, Đường mòn Hòa Bình – tuyến đường vận chuyển vũ khí, đạn dược cho trận đánh Đồi Mười vang dội nay là ngã ba Đông Dương, Sân bay dã chiến của không vận Hoa Kỳ…, nơi đây còn có khí hậu mát mẻ quanh năm.

***

Chúng tôi đến bãi cỏ Đồng Vuông – trung tâm cao nguyên xanh La Vuông – vào giữa buổi chiều hè. Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến đây là sự khác biệt về khí hậu. Vừa oi bức, người tươm tươm mồ hôi ở trung tâm xã Hoài Sơn, đã ráo hoảnh, se mát khi qua đèo, đặt chân đến Đồng Vuông.

Đồng Vuông có độ dốc rất thấp, xuôi nhẹ về phía Đông. Đây là vùng đất pha sỏi dưới chân một cụm núi nhô ra từ dãy Trường Sơn Đông trước khi cụp xuống đồng bằng. Địa hình vuông vức, gồm những trảng đất bằng xen với triền gò và lũng cạn. Nhón chân trông xa, dễ khiến người nhìn ngỡ một cánh đồng bằng phẳng được gác trên những ngọn núi cao. Có lẽ vì những đặc điểm này mà người ta gọi nó là Đồng Vuông? Thực vật ở Đồng Vuông chủ yếu là cỏ. Cỏ may xen cỏ chỉ, cỏ gấu, chen kín mặt đất, dệt nên thảm lụa xanh dày dài ngút ngát. Cỏ gấu đang mùa kéo dây đẻ nhánh, cỏ chỉ uốn tóc – đúc gà đón chào mùa mới, cỏ may chóc ngọn đơm bông làm duyên với gió núi và cà khịa với những ai đi ngang qua. Tất cả diễn ra trong êm đềm nhưng sinh động. Lác đác trên thảo nguyên, cao hơn các loài cỏ là những khóm sim, mua, ổi sẻ đang mùa giao duyên. Sim đang cho trái chín, ổi ướm vị ngọt chua, mua nở hoa tím ngát, xao xuyến mọi ánh nhìn. Lần trong từng vạt cỏ, thảo nguyên có những lối mòn ẩn mình rất khéo. Các lối mòn đã kết nối những trảng cỏ xích lại gần nhau. Chúng được tạo ra từ những nhóm người thường xuyên tổ chức cắm trại dã ngoại trên cánh đồng này. Và vô tình, những lối mòn ấy lại là những con đường hành quân kiếm ăn của các loài chim: đa đa, cút rẹp, te te… làm cho thảo nguyên càng thêm sinh động. Điểm xuyết trên thảm lụa dờn xanh mênh mông của thảo nguyên là bóng dáng những cây cổ thụ: sổ, chùm móc, sơn cốm… xiêu xiêu, lả lơi, trầm mặc, tạo thêm nét hữu tình cho không gian. Những tán cổ thụ này là nơi đi về, làm tổ đẻ trứng của các loài bồ cắt, chim ưng. Bằng chứng là trên các ngọn cây có rất nhiều tổ cũ, cỏ rác đã mục. Thỉnh thoảng vài chú chim ưng từ ngọn cây sải cánh xuống vùng hồ La Vuông kiếm mồi rồi thất bại quay về, miệng không ngớt “quéc quéc”. Dưới những bóng cổ thụ, đàn bò trên một trăm con rộn rạo chia nhau chỗ nằm sau từng buổi đi ăn…

Du khách cắm trại tận hưởng không gian tuyệt vời tại La Vuông. Ảnh: Trần Lan Anh

Cuối ngày, ánh chiều Đồng Vuông yếu ớt. Mây trời đáp nhanh xuống cỏ, quệt ngang một lượt như trêu đùa rồi vội bay đi. Mây nhẩn nha thật lâu trên những ngọn cây cổ thụ, mây la đà trên mấy vạt hoa mẫu đơn hay ép mình mỏng toanh len vào bên trong từng căn lều của du khách như thể thám thính, tò mò. Đám này chưa kịp rời đi, đám khác đã ập đến, chen nhau…

Tầm nhìn của chúng tôi lúc này bị thu hẹp hoàn toàn. Mọi người vội khoác thêm áo và chỉ chuyện trò được với những ai ở cự ly gần… Cũng may, mây trời chỉ bỡn cợt một lúc rồi trả lại không gian tự do cho thảo nguyên. Nhưng lúc này, ánh đèn năng lượng mặt trời dưới chân tượng Quán Thế Âm Bồ tát được ai đó dựng ở phía Tây đồng đã phát sáng…

Màn đêm đã buông xuống thảo nguyên.

Đêm ở Đồng Vuông thật bình yên và lạ lẫm. Sau bữa cơm chiều, chúng tôi đón lấy một cơn mưa bất chợt. Mưa không lâu, không làm đọng nước dưới chân nhưng cũng đủ hơi góp thêm chút lạnh. Lúc này, các lều trại đã chong đèn led năng lượng. Trước lều, một đống lửa củi gộc được đốt lên làm ấm cả thảo nguyên. Bên ánh lửa bập bùng, chúng tôi ngồi bên nhau đợi trăng lên. Một người trong đoàn bày ra chai rượu Bàu Đá với vài món nhắm đơn giản và mấy trái bắp của bà con Hoài Sơn cho để nướng. Thế là chúng tôi có ngay cái cớ để thay nhau cất tiếng ca trong đêm Trường Sơn thăm thẳm. Tiếng ghi ta tràn qua đêm thảo nguyên mê hoặc kéo gần nhưng người xa lạ bên nhau.

“Trăng! Trăng kìa!”. Một người reo lên. Mọi người nhổm dậy nhìn. Tôi dõi mắt xuyên qua ánh lửa chỉ thấy hình thù cùng màu đỏ ối của trăng, rất ma mị. Tôi nhủ thầm: Có lẽ do cơn mưa lúc nãy, trời còn nhiều ghèn mây nên trăng bị lấp. Nhưng thôi kệ, có còn hơn không! Thế là tôi thả hồn theo trăng, mặc cho tiếng hát, tiếng đàn vẫn lanh lảnh bên tai. Trăng ngoi lên một quãng thì lọt ra ngoài vùng mây xám. Trong khoảnh khắc này, quả thật trăng trên thảo nguyên đẹp đến lạ lùng. Bóng trăng to, tròn vành vạnh. Ánh trăng tươi mới, chiếu sáng khắp bầu trời, nhuộm thắm cả những áng mây màu tối. Trăng bàng bạc mặt đất, sáng cả thảo nguyên, làm mờ mọi ánh đèn lều trại, lung linh bóng cây cổ thụ, nhấp nháy hàng triệu triệu giọt nước đầu ngọn cỏ và ửng hồng những khuôn mặt trẻ trung…

Đêm càng vào sâu. Khi tiếng đàn hát không còn, tôi vào lều trại, ngả lưng. Đã lâu mải nằm nệm, nay thả lưng trên sỏi – cỏ, tôi chợt nghe ký ức của một thời nghèo khó ùa về. Đó là những ngày hè leo núi cắt chổi hanh hao gánh về bán, góp tiền mua quần áo, sách vở. Đêm đến, không chiếu chăn, phải lót cây hanh hao lên đá sỏi…

Giờ nằm giữa cao nguyên La Vuông, tôi được nghe lại tiếng chim te te lảnh lót. Loài chim này thức suốt đêm thâu. Mỗi khi chúng kêu tức thị có người hoặc loài vật khác xuất hiện. Trong tiếng kêu ấy, tôi lơ mơ nhận ra bóng mẹ tôi cùng đôi quang gánh liêu xiêu qua Gò Te Te đi về hướng núi, mắt chợt cay nhòe…
Đêm ở Đồng Vuông càng thêm lạ khi mới ba giờ sáng, bò đã be be tìm nhau. Tiếng lộc rộc càng nhặt, làm tôi phải bật dậy kéo cửa lều hé nhìn. Thì ra đàn bò trên thảo nguyên rủ nhau lên rừng sớm. Chúng vừa đi vừa gặm cỏ, tiếng lạo xạo xa dần về phía rừng xanh.

Bình minh ở thảo nguyên Đồng Vuông trong lành vô ngần. Mở đầu là tiếng chim cút um… um… um… phát ra rất khẽ từ những khóm cỏ rất gần. Tiếp đến là những tràng gáy vang vang của mấy chú chim đa đa như được dội từ vách núi phía sau lưng. Hương thơm của hoa cỏ quyện trong hương hoa chìu. Phóng tầm mắt về đường chân trời để ngắm mặt trời lên như soi rõ một vùng biển bạc Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) với lô nhô tàu thuyền. Gần hơn chút nữa, các xã, phường phía bắc thị xã Hoài Nhơn ẩn hiện trong những hàng dừa xanh ngát. Các hồ thủy lợi: Cẩn Hậu, Hóc Quăn, An Đỗ ở xã Hoài Sơn xanh trong màu nước.

***

Tôi gặp anh Võ Văn Thanh, 57 tuổi, ở thôn An Đỗ, xã Hoài Sơn – người chăn bò gắn bó lâu năm với La Vuông. Anh cho biết: “Cao nguyên La Vuông có hai mùa rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 7 đến hết tháng 11 âm lịch và mùa nắng là những tháng còn lại. Mùa mưa trên cao nguyên dầm dề, lạnh giá nhưng đến mùa nắng thì trời chỉ còn sương mai, mây chiều và rất mát!”. Qua trò chuyện cùng anh, tôi được biết: Khoảng 5 – 6 năm nay du khách đến La Vuông ngày một nhiều. Có ngày trên 20 lượt, mỗi lượt trung bình 5 – 6 người. Họ dựng trại ở Đồng Vuông, Cầu Lầy rồi leo Núi Chúa, tắm thác Ba Tầng ở Suối Thần. Họ đến đây bất kể ngày giờ nào nhưng nhiều nhất là những ngày cuối tuần và lễ Tết. Họ đi bằng nhiều phương tiện: xe máy, ô tô, nhiều nhất là xe bán tải. Đa số ở lại đêm và ở lại nhiều ngày. Nhiều nhóm có số người lên đến vài chục, gồm cả trẻ em và người già. Họ đến từ các tỉnh lân cận, như: Gia Lai, Quảng Ngãi, Phú Yên nhưng nhiều nhất vẫn là khách trong tỉnh. Họ đến mang theo lều, bạt, thức ăn, nước uống, đèn năng lượng, thậm chí cả máy phát điện… đủ để nghỉ ngơi, vui chơi trong một khoảng thời gian nhất định.

Trò chuyện với các em: Chiến, Mạnh, Nhật, Sương, Mai ở xã Hoài Sơn – những người vừa mới xong kỳ thi tốt nghiệp THPT xét ĐH, đang rủ nhau cắm trại ở Đồng Vuông – các em có cùng một suy nghĩ: Chọn nơi đây để nghỉ vui sau một chặng đường dài nhằm lấy lại sức để bước tiếp ngày mai…

Anh Nguyễn Minh Khải, 42 tuổi, ở phường Bồng Sơn (Hoài Nhơn) – người cùng vợ con đêm qua dựng lều cạnh chúng tôi – chia sẻ: “Gia đình tôi thường xuyên cắm trại ở điểm này. Có khi một ngày, có khi 2 – 3 ngày nhưng chuyến nào cũng đáng nhớ. Ngồi nhìn cảnh vật, chúng tôi nghĩ ra nhiều điều bổ ích. Tình nghĩa vợ chồng càng thêm gắn bó. Con cái ngoan hiền, hiếu thảo và yêu gia đình hơn”. Còn anh Lê Thanh Tú, 39 tuổi, quê ở phường Hoài Hương (Hoài Nhơn) đang làm ăn ở Bàu Bàng, Bình Dương – có vợ mắc bệnh trầm cảm – thường xuyên đưa vợ lên thảo nguyên này nghỉ dưỡng. Qua nhiều chuyến đi, chị đã đỡ dần. Anh tâm sự: “Ai chỉ đâu tui đưa vợ đi đó nhưng không chỗ nào chữa khỏi. Tình cờ về thăm quê, tui đưa bả lên đây nghỉ nhưng lại rất may. Nhờ không gian yên tĩnh và trong lành này mà bả khỏe ra; vui vẻ, hoạt bát hơn…”.

Đúng vậy! Không gian trong lành cũng là bài thuốc quý giúp chữa lành hoặc góp phần chữa lành nhiều căn bệnh nan y!

BÙI TẤN PHƯỚC

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Làm nghệ nhân Bài chòi và làm thơ

Lý Thành Long là con nhà nòi hát Bội và Bài chòi dân gian. Từ bé, những làn điệu Bài chòi từ những nghệ nhân bên nhà ngoại đã cuốn hút anh…

Góp lửa cùng đồng đội

Trong chiến tranh và cả trong thời bình, những người lính quân khí luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, sát cánh cùng các binh chủng khác hoàn thành sứ mệnh lịch sử…

Soi trong mắt trẻ…

Bằng tình yêu thương, sự quan tâm chân thành, những người lính đã làm cha, làm mẹ “đỡ đầu”, tạo thêm điểm tựa tinh thần để các trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn vững tin đi về phía trước…

Trở lại Trung đoàn 739

Tôi có dịp trở lại với Trung đoàn bộ binh 739 vào những ngày nắng tháng Tám… Thấm thoắt đã 10 năm trôi. Đường vào không phải băng qua con đường đất bụi mù…