Tiệm ảnh cưới Xuân Tình

(VNBĐ – Truyện ngắn). An theo chị Tình từ trước khi cái tiệm ảnh cưới này ra đời. Lúc đó, chị Tình thuê mặt bằng ở một quận vùng ven, chuyên phục vụ các dịch vụ làm đẹp bình dân như cắt uốn duỗi nhuộm tóc, sơn móng tay, gội đầu các kiểu. Khách là các chị công nhân, bà nội trợ, thi thoảng là mấy cô giáo trường mầm non tư thục gần đó. Trước khi vào việc lắm khi còn hỏi giá trước, cho chắc. Bo thêm cho thợ là khái niệm không có trong từ điển. An khi ấy mới ngoài hai mươi, từ quê lên học nghề, được chị nuôi ăn ở ngay tại tiệm. Phía trên cái sa-lon bé xíu tạm bợ ấy là căn gác gỗ ngày nắng thì nóng hầm hập, hôm mưa thì nước len lén nhỏ giọt từ mái xuống. An ngủ lại đấy cùng với hai mẹ con chị Tình. Bé Ly mới vào lớp một, nằm đong đưa chân mà gò từng nét sổ nét ngang bên cạnh.

Ba của bé Ly là ai, An chẳng biết, cũng chưa từng nghe chị Tình nhắc tới. Mãi sau này, khi anh Phan xuất hiện, An mới phong thanh hiểu rằng, chị Tình làm mẹ đơn thân từ thuở còn ở quê. Chán ghét cảnh túng quẫn nên chị Tình thà ôm con đi thành phố lập nghiệp, chứ chẳng muốn “chết dí” ở cái xứ khỉ ho cò gáy ấy. Đó cũng là lý do mà anh Phan, dẫu vô cùng có lòng, thì vẫn phải dứt áo ra đi, sau vài năm lui tới, nhiệt tình gọi bé Ly là “con” xưng “ba”. Nhớ lại, khoảng thời gian đầu chị Tình cũng dựa vào anh Phan nhiều. Anh siêng lắm, ngoài lúc chạy xe chở khách thì luôn mang mấy cái ghế sô-pha bám đầy bụi dơ ra giặt lại. Gắn cửa kiếng cho tiệm, mua thêm cái máy lạnh một ngựa. Tự thay tôn cho căn gác, đóng trần la phông. Có bóng nam giới trong nhà, mọi thứ hanh thông, thuận tiện hơn hẳn. Chị Tình kiếm được nhiều khách hơn, tom góp đủ thuê chỗ rộng rãi để lên đời. Nhưng anh Phan cản. Anh bảo, từ từ, không gấp, tích cóp thêm đã. Khi nào đủ lực rồi hãy thay đổi. Nhưng chị Tình không đồng ý. Chị nói anh nhát. Đàn ông mà chẳng dám dấn thân thì bao giờ khá được? Cứ loay hoay lượm bạc cắc cả đời à? Anh Phan không tự ái nhưng buồn hẳn. Chị Tình giận dỗi một mình dời sang chỗ mới. Chị bảo, nếu anh ngại thì thôi, đừng miễn cưỡng, khác nhau quan điểm, khó tiếp tục lắm.

Sau lưng anh Phan, chị Tình kể với khách khứa rằng, đàn ông mà chỉ giỏi loanh quanh việc nhà, không có của nả thì vứt! Chúng ta là đàn bà, chẳng thể nào phí đời bên cạnh mẫu người không sự nghiệp được. Thà dứt khoát để tìm kiếm cơ hội khác, ngon hơn. Các chị em hôm ấy đang làm đẹp ở tiệm đều gật gù đồng ý, lại khen chị Tình sáng suốt. Thời buổi này, yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à, chuẩn lắm chứ!

An không dám khuyên chị Tình. Cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, sự từng trải lẫn cảm nhận, An đều không là gì so với chị. Nên dù rất quý người đàn ông hiền lành kiệm lời, chỉ biết lẳng lặng lo toan cho tiệm, An cũng đành. May mà trời thương. Chị Tình sau đó gặp được mặt bằng tốt, thợ thuyền hợp ý làm lâu dài, khách khứa ra vào tấp nập.

Mười năm. Chị Tình giờ là chủ của một cơ ngơi vững vàng. Dưới trệt, là khu trưng bày áo cưới, cả thuê và bán. Trên lầu, là nơi để khách chụp hình, thư giãn, lại có cả một quầy cà phê nghỉ chân xinh xẻo. An trở thành quản lý chung cho chị, dưới một người nhưng trên hơn chục người. Tính ra, chị Tình không bạc với nhân viên, nhưng với đàn ông mà nói thì…

Lúc nhanh lúc chậm, lúc dài lúc ngắn, nhưng hầu như luôn có người đàn ông ngang qua, phụ đỡ chị Tình làm ăn. Nhiều lúc An trộm nghĩ, chị đúng là hồng nhan bạc triệu, nhờ đó mà cuộc sống kinh tế khấm khá hẳn. Nhưng chị Tình lại cho rằng bản thân chị bạc phận. Ít có ai thật tình ở lại, toàn lợi dụng thanh xuân của chị, háo sắc mà thôi.

May nhờ chị đẹp! An cũng công nhận vậy. Nhất là sau này, chị sửa soạn chưng diện, mua sắm không ngơi tay. Nhiều khi An thầm nhận xét, chị chắc còn “teen” hơn cả con gái chị nữa kìa! Bé Ly nay đã lớn, phổng phao so với cái tuổi mười bốn của mình. Không còn là cô nhóc nằm đòng đưa trong căn gác gỗ lỗ chỗ mà gò từng nét sổ nét ngang năm xưa nữa. Hôm trước, chị Tình gào lên khi phát hiện trong bóp viết của Ly có hai cái bao cao su. May mà đều còn mới! Nhưng tuổi này, tò mò gì cơ chứ, mang theo làm gì cơ chứ? Chị Tình điên nhất bởi Ly không thèm đếm xỉa tới thái độ của mẹ, lầm lì: “Muốn hiểu sao cũng được”. Chẳng buồn giải thích hay lo sợ gì. Con với cái. Chị Tình hậm hực bảo, phải theo dõi nó kỹ lưỡng hơn mới mong!

Minh họa: Lê Trọng Nghĩa

Ly sở hữu đôi mắt to của mẹ, mái tóc dày, những ngón tay thon dài. Nhưng ngực nó lại khác mẹ, đầy đặn, nảy tưng tưng sau làn áo mỏng. Nhằm lúc Ly ra tiệm mà quên mặc áo lót, An ái ngại kéo con bé vào trong, nhắc nhở. Ly vùng vằng bảo, có sao đâu cô An. Thả rông cho mát. Nói xong nó thản nhiên chúi đầu vào điện thoại, chat chít liên tục. An tình cờ ngang qua, đọc được một câu của Ly nói với bạn gái thân mà điếng cả người:

– Thằng đó dâm lắm, cứ đòi xem hình “ở dưới” của tao!

An cứ phân vân không biết có nên méc lại với chị Tình không. Sợ mẹ con lại ồn ào chí chóe. Mà không cảnh báo cho chị, An cứ thấy bất an. Dạo này chị Tình cũng ít có thời gian để mắt tới con. Chị còn bận chuyện yêu đương riêng tư. Nhìn cảnh chị ngày vui bữa buồn, lúc rạng rỡ khi sa sút vì tình cảm, An chẳng dám chất lên tâm trạng của chị thêm nỗi lo về đứa con gái mới lớn.

Tình yêu hiện tại của chị là một gã chỉ trạc tuổi An. Tức là nhỏ hơn chị Tình gần chục tuổi. To cao đẹp trai, thân hình lực lưỡng lấp ló vài hình xăm hầm hố. Chạy một chiếc mô tô mà từ xa đã nghe tiếng ầm ì. Nghe bảo xe ấy chị ra tiền mua tặng cho người yêu. Chị Tình thi thoảng ngồi sau xe, vòng tay ôm người tình sát rạt. Hồ hởi vui sướng trước bao nhiêu cái nhìn tò mò xen lẫn ngưỡng mộ của khách khứa trong tiệm.
Vài ba lần, An bắt gặp ánh mắt thô lố của gã bồ chị Tình dành cho bé Ly. Con bé chẳng biết vô tư hay cố ý, mà rất thân mật thoải mái với “chú”. Dựa dẫm, nói năng đều tùy tiện. Khuất mắt chị Tình, là gã hau háu nhìn Ly. Có lần chị Tình đi lấy mẫu mới ở xa, bé Ly còn đánh bạo leo lên xe cho “chú” chở đi chơi lòng vòng. Hào phóng đãi nó uống trà sữa, mua sắm linh tinh nữa. Con bé chẳng chút gì đề phòng, nghi ngại. An hôm đó làm như vô tình kể lại chuyện hai chú cháu “đi dạo phố” trước mặt chị Tình. Nhưng rồi An thất vọng khi thấy chị chẳng lưu tâm, còn tỏ ra vui vì hai chú cháu hợp ý. Chứ như lần trước, bé Ly phản đối người tình của chị, còn mệt nữa. Thôi kệ, nó ưng cái bụng là mừng rồi…

An càng chẳng biết lựa lời sao để cảnh báo. An cũng tin là bé Ly chẳng phải dại dột khờ khạo gì, mà sừng sỏ rành đời so với độ tuổi của nó. Chỉ đành thở dài buông một câu than thầm: Sao trẻ con thời nay đáo để vậy không biết nữa…

***

An tỉ mẩn chuẩn bị các thứ đạo cụ. Hôm nay thứ Bảy, có một gia đình đã đặt chụp hình kỷ niệm ngày cưới. Ông chồng tự lái chiếc xe hơi thường thường, chở vợ con tới. Hai thằng con trai cách nhau khá nhiều tuổi. Kiểu như lúc khấm khá muốn kiếm thêm, sinh ráng vậy. Bà vợ hơi béo, sồ sề, da cũng thô ráp. Khi An vào phấn, phải dặm rất kỹ khuôn mặt mới đỡ mốc. Nhưng cái cách bà vợ nói chuyện lại dễ gây cảm tình. Dịu dàng và chân thành. Nhìn gia đình họ lựa quần áo, chọn thợ, in hình, thì biết cũng thuộc dạng ổn định, đã có của ăn của để. Phú quý sinh lễ nghĩa, phải no đủ thì người ta mới bắt đầu nhớ tới lễ lạt này nọ. Thế nhưng, bà vợ cứ lo phiền phức tốn kém, nhiều lần gạt đi các dịch vụ cộng thêm mà An gợi ý. Nhưng cậu con trai lớn cương quyết phải có một bộ hình hoàn hảo cho ba mẹ:

– Hồi trẻ mẹ đã cực khổ quá rồi…

Qua câu chuyện, An hiểu ra, buổi chụp hình vui vẻ này là do chính cậu con trai lớn “bày vẽ ra”, chữ mà bà mẹ dùng. Miệng nói thế nhưng mắt chị ấy long lanh hạnh phúc. Cậu con trai bảo, hồi xưa ba mẹ đến với nhau chẳng có được bữa tiệc xôm tụ, gia đình nội ngoại không chúc phúc, thì bây giờ đủ điều kiện, phải bù đắp lại.

Ông chồng thêm vào, như thể giải thích lý do họ chọn cách “trưởng giả” và “cải lương” này. Ngày đó nghèo quá, bên vợ không ủng hộ, hắt hủi, may mà cô ấy chịu khổ, không chê bai gì. Ngay cả nhẫn cưới cũng tạm bợ. Nói xong, ông xòe bàn tay ra, để thấy cặp nhẫn mới toanh chắc là mới sắm. Hấp hôn không phải điều gì quá hiếm lạ ở tiệm Xuân Tình này. An gặp nhiều đôi, nhiều gia đình tới đây lắm rồi. Những câu chuyện đời diễn ra ở chốn ấy khiến cho An từng đi từ ngạc nhiên này tới bất ngờ khác. Có ông chồng lạnh nhạt cau có, mặc vợ xoay xở, kiểu như “trả nợ đời cho xong, mua lấy yên thân một lần”. Lại có ông chồng rất xun xoe hợp tác, sẵn sàng ôm ấp hôn hít khí thế, nhưng lúc tạm nghỉ thì lãng ra một góc, hơn hớn thì thầm mấy câu qua điện thoại. Họ lén lút gọi cho ai thì hiểu rồi đấy! Đa phần là cảnh các bà vợ vừa làm đạo diễn vừa là diễn viên, tha hồ tạo dáng tung tẩy, coi như dịp ôn lại thanh xuân một cách “quá hớp” vậy.

An hiểu là thật, không phải “diễn sâu”. Từng cử chỉ thân mật, nâng niu của ba người đàn ông già trẻ dành cho người phụ nữ duy nhất trong gia đình ấy thật khiến cho người ta phải ghen tị. Đứa nhỏ, ngoại trừ mấy lúc chụp hình ra, luôn nắm lấy tay mẹ. Người chồng luôn đi đằng sau, một tay đỡ lưng, một tay cầm đuôi váy giúp vợ, chốc chốc lại hỏi xem có cần đứng lại nghỉ một tí không. Ánh mắt họ dành cho nhau đầy kiên nhẫn, trìu mến. Người đàn bà viên mãn ấy cười suốt, nhưng nói rất ít. Dường như chồng và hai đứa con đều rất hiểu ý chị, không cần phải nhắc nhở gì nhiều.

Chị Tình mới đến, theo thói quen sẽ đon đả ra chào khách. Nhưng chẳng hiểu sao, chị bỗng lựng khựng khi nhìn thấy quang cảnh trước mặt. Chọn đứng bên ngoài để quan sát với khuôn mặt che giấu cảm xúc. An bất chợt tưởng tượng ra một đoạn quá khứ lâm li. Kiểu như chị Tình với ông khách nọ “đã lâu không gặp”. Bởi xưa chị chê họ nghèo khó, nên họ hận người hận đời, cố gắng cày cuốc lập nghiệp. Bây giờ giàu có thì tình cờ biết người yêu cũ mở tiệm Xuân Tình, bèn đưa vợ con tới tận nơi để xả giận, phô phang cho biết! Đại khái thế. Nghĩ xong, An buồn cười với ý nghĩ, gia đình nọ đâu giống như kiểu “lật mặt nhanh như người yêu cũ”. Cứ nhìn cái cách họ đối đãi với nhau, thì rõ.

Có tiếng rẹt ga bim bim ngoài cửa. Rồi thì gã bồ cao to đẹp trai, thân hình lực lưỡng của chị Tình tiến vào, hất hàm hỏi An vừa trờ xuống tầng dưới:

– Chị Tình tới chưa cưng?

An gật đầu thay câu trả lời. Gã thanh niên xấn lại, đứng sát bên An. Hơi thở còn phảng phất mùi rượu bia, dù mới sáng sớm. Không khó để An nhận ra sự cợt nhả của gã. Cái nhìn hau háu, mấy lần tỏ ra lịch thiệp, muốn giúp đỡ này nọ. Có lẽ gã nghĩ, thính thì cứ thả, con cá nào đớp thì câu, mất mát gì đâu mà sợ. Xin lỗi, An đẹp chứ đâu có ngu, chẳng dại gì mà dây vào “người của chị Tình”! Tốt nhất tránh xa cho nó lành, chớ để chị Tình nghi ngờ, hiểu lầm. Từng bắt gặp gã ỡm ờ với các em trên mạng lẫn ở tiệm, nhưng An không dám mách lại chị Tình. Chị đã khổ vì gã nhiều rồi, không cần thiết phải dặm thêm. An còn muốn tiếp tục làm ở đây, dành dụm thêm chút nữa trước khi bắt đầu sự nghiệp riêng của mình. Thà chậm mà chắc, An vẫn nhớ lời anh Phan, người đàn ông đầu tiên của chị Tình mà An biết. Dù trước đấy, có bao nhiêu nam giới đã qua tay chị Tình, thì An cũng đành chịu!

An quay lên lầu. Giữa chừng cầu thang, bắt gặp chị Tình vẫn đang đứng ở một góc khuất, lặng lẽ quan sát gia đình nọ. Dường như chị có chút gì phảng phất trước khung cảnh đầm ấm ngọt ngào trước mặt. Là mắt An bị mờ, hoặc do cái đầu nhiều tưởng tượng của An mà ra? Một phụ nữ khôn ngoan mạnh mẽ như chị Tình, lẽ nào lại đang thẫn thờ thèm muốn thứ hạnh phúc tầm thường sến sẩm ấy chứ?

HOÀNG MY

(Văn nghệ Bình Định số 92 tháng 12.2020)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Lê Văn Hiếu

Ta lăn lóc đứng ngồi
Ta lên rừng xuống bể
Nay ta chín – ta vẫn là hạt gạo
Vẫn đăm đắm cánh đồng chiều
Vẫn thương câu hát gánh qua sông…

Mê Cung

Giây phút Minh nhận ra trái tim của mình cũng là một mê cung là khi cậu nhìn vào mắt người con trai đó. Bộ dạng nó áp sát vào người cậu như muốn tìm kiếm ở đó một sự chở che, nương náu và an ổn…