(VNBĐ – Bút ký). Hằng đêm, những người dân quê tôi, kẻ làm ruộng người tráng bánh, làm bún khô, muối, chằm nón… vẫn ngồi trước màn hình tivi chờ nghe bảng tin dự báo thời tiết rồi mới an lòng ngả lưng, chợp mắt… Hóa ra cái bản tin ấy là từ kết luận của những người khám mây trời trên núi Vũng Chua.
Trên đỉnh núi cao
Mùa đông, đỉnh núi Vũng Chua chìm khuất trong khói đá và sương mù, khác hẳn với hình ảnh cây lá xanh tươi so với thường nhật. Chiếc tháp sóng ra đa, trên có bệ chảo hình quả địa cầu làm bằng kim loại lóng lánh ánh mặt trời thu hút ánh nhìn thường ngày từ đất bằng vào mùa này cũng lẩn khuất trong sương mờ. Theo con đường Quy Nhơn – Sông Cầu tới đỉnh đèo Son rồi rẽ về hướng tây, vượt qua nhiều con dốc, ôm nhiều khúc cua, qua hết địa phận các trạm: Không lưu, Tiếp sóng Phát thanh – Truyền hình tôi lên đỉnh núi Vũng Chua. Cũng may là hôm nay đi xe chân số chứ đi tay ga thì phải bỏ xe leo bộ rồi. Vậy mà đã có bao người neo đời trên đỉnh núi này!
Tháp ra đa nằm trên điểm cao 561 mét so với mặt nước biển. Tháp được làm bằng lưới thép kiên cố, nâng chảo quét tín hiệu lên không trung. Chảo kết nối với máy thu dữ liệu đặt trong cabin dưới chân tháp bằng một ống dẫn sóng phân cực kép. Một Container chứa máy phát điện kê cạnh cabin phòng ngừa mất điện lưới. Cạnh tháp là ngôi nhà cấp ba 8 phòng, bốn trên bốn dưới, dùng để: làm việc, ăn ở, nghỉ ngơi cho 4 cán bộ, nhân viên của trạm, trong đó có một nữ. Cả hệ thống ra đa và nhà trạm nằm trên nhỏn cao nhất của đỉnh cao, xung quanh toàn hố sâu. Ai đó chỉ cần bất cẩn là trượt dài.
Trên cao thì đón gió mà mùa này gió càng lạnh. Gió xàng xạc những mảnh tôn vương vãi sau mấy trận bão. Gió vù vù qua các thanh lam tường bao trạm. Gió rít cheo chéo những thanh sắt cột tháp, phạt bằng ngọn núi, khiến nhiều khóm mua, sim trụi lá trơ cành. Tôi kéo áo lạnh kín cổ, đeo thêm găng tay nhưng vẫn không thấy ấm hơn chút nào. Anh Nguyễn Tố Nguyên – kỹ sư khí tượng, quan trắc viên của trạm – thấy tôi đứng nhìn cỗ tháp hơi lâu, vội giục tôi vào phòng, đóng kín cửa, bảo: “Mùa này gió lớn, đứng ngoài đó một lúc sẽ bị cảm lạnh. Giờ đang bấc, chặp trưa sẽ có gió đông hoặc đông nam. Khói đá, sương mù và mây theo đó sẽ bị đẩy lùi. Chừng đó trời quang, tha hồ mà ngắm”. Nói rồi, anh đem thiết bị cầm tay ra bấm như thể muốn chứng minh rằng trên đỉnh núi này lạnh hơn dưới kia. Nhìn vào thông số hiện lên màn hình máy đo, tôi biết chúng tôi đang ở trong vùng nhiệt 200 C. Dẫu vậy, anh Nguyên vẫn mặc quần cộc áo thun đưa tôi dạo thăm các phòng. Tôi hỏi: “Không lạnh sao?”. Anh cười: “Quen rồi”. Nói xong, anh chỉ tay lên đỉnh tháp ra đa: “Sáng giờ em đã lên trên ấy bảo trì thiết bị rồi đấy”. Nghe anh nói mà chân tay tôi như muốn quíu lại vì lạnh.
Thoáng qua các phòng, tôi thấy gọn gàng, ngăn nắp nhưng “đơn giản” quá! Các phòng nghỉ đều có giường nhưng chiếu thưa chăn mỏng, không có báo đọc cũng chẳng có lấy một chiếc radio hay tivi. “Đơn giản” nhất là gian bếp của 4 con người trẻ khỏe nhưng chỉ có một cái bếp từ, một nồi cơm điện, một chiếc ấm điện do nhà thầu công trình trạm tặng và một chiếc tủ lạnh rỗng tuênh do anh chị em chung tiền mua. Vì không có bếp gas, bếp củi nên việc nấu ăn ở trạm luôn phải mất nhiều thời gian, thường hơn 3 giờ đồng hồ. Dạo hết khu vực nhà trạm, không thấy giếng nước, cũng chẳng thấy đường ống dẫn nước vào trạm, tôi thắc mắc. Anh Nguyễn Đức Hiếu – quan trắc viên của trạm – chỉ tay lên mái nhà mới lợp lại sau cơn bão số 9 và giậm giậm bàn chân xuống nền nhà, cười: “Hứng trên đó, chứa dưới này rồi dẫn vào bếp và phòng vệ sinh”. Tôi gật đầu hiểu rẳng: Trạm dùng nước mưa chứa bể ngầm và chắc chắn phải rất tiết kiệm.
Khám mây bắt bệnh
Hôm nay là ca trực của anh Nguyên và anh Hiếu. Sáng giờ, anh Nguyên đã lên tháp sóng kiểm tra thiết bị rồi tranh thủ xuống chợ Ghềnh Ráng mua thức ăn cho cả ngày, mới ngược về. Anh Hiếu dọn những mảnh tôn rơi, chất lại gọn gàng. Vừa làm, anh vừa để mắt tới màn hình máy tính để biết thông tin ra đa chuyển về. Loại ra đa này cũng “siêng” lắm. Cứ tầm 10 phút, nó truyền về một sản phẩm, gồm: mây trời và những hiện tượng lạ trong tầm quét. Những sản phẩm ấy neo được trong màn hình máy tính tới 3 giờ nhưng luôn đòi hỏi quan trắc viên phải nắm bắt kịp thời để xâu chuỗi – phân tích – làm bảng tin.

Biết tôi muốn tìm hiểu, anh Nguyên dẫn tôi lên phòng máy. Tôi nhìn vào màn hình máy tính mà hoa cả mắt bởi chi chít đường, khối, màu…. Anh Nguyên giải thích các thuật ngữ đặc trưng của ngành Khí tượng và chỉ cho tôi thấy những sản phẩm từ ra đa chuyển về: “Đây là 3 đám mây mới nhất từ sáng tới giờ. Cả 3 đều mang màu xanh dương, độ phản hồi vô tuyến dưới mức 18, thấp. Mùa đông, với màu sắc và chỉ số này, chắc chắn mây sẽ không làm nên mưa. Những dữ liệu như thế này, các đài khí tượng khu vực và quốc gia không yêu cầu phân tích”. Rà chuột sang lề phải màn hình, anh Nguyên giới thiệu thêm về bảng màu nhìn mây và quy định độ phản hồi vô tuyến đã được cài đặt. Theo đó, mây hiện màu xanh lá, độ phản hồi vô tuyến từ 32-35, trời sẽ có mưa rào; từ 35 trở lên, mây vàng đậm là mưa dông, đỏ đậm: mưa đá, tím: lốc xoáy. Đó là một trong nhiều thao tác khám mây đoán mưa. Ngoài thao tác này, quan trắc viên còn nắm hướng gió, tốc độ gió và những đám mây đối lưu… Đang chuyện trò sôi nổi, bỗng màn hình máy tính xuất hiện một dải mây trắng có nhiều tảng, khối màu xanh lá chen chúc. Anh Nguyên chăm chú nhìn màn hình và liếc nhìn con số 20 trên bảng phản hồi vô tuyến. Anh bảo: “Có việc rồi đây!”. Vừa nói anh vừa kéo cuốn nhật trình có kẹp sẵn compa, ê ke, thước kẻ về phía mình. Tôi hiểu ý nên ngồi yên, nhìn anh làm. Anh khởi động chiếc máy tính cạnh bên. Hình như hai máy đã được kết nối nên sau khởi động, máy 2 có ngay hình ảnh từ máy 1. Sau một hồi chụp, cắt, phóng to, đo, đếm, ghi chép, anh thủ thỉ: “Giữa buổi chiều nay, Bình Định, Phú Yên có mưa rào. Bình Định mình mưa từ Tây Sơn xuống An Nhơn – Tuy Phước đến Quy Nhơn. Phú Yên mưa ở Sông Cầu, Đồng Xuân, Tuy An. Mưa bay bay thôi!”. Tôi hỏi: Căn cứ vào đâu mà anh biết mưa mỏng và mưa trên những vùng đất này? Anh phóng to một mảng mây đối lưu xanh màu lá đã được cắt lớp, và lập tức tôi thấy ngay những hạt nước li ti trong mây phản hồi sáng quắc. Anh tiết lộ: “Hạt nước nhỏ nên mưa nhỏ”. Rồi anh nhấp chuột trở lại vị trí dải mây, rê chuột vào những mảng xanh, giải thích: “Đây! Giờ mây đối lưu đang xuất hiện trên vùng trời tây bắc Tây Nguyên ở độ cao 160 km, có độ phản hồi vô tuyến rõ, di chuyển theo hướng đông nam với tốc độ 3,4 – 5,4 m/s. Căn cứ vào các dữ liệu này thì 1-3 giờ tới, mây sẽ đến cuối Bình Định, đầu Phú Yên qua vùng đất các huyện nói trên. Do lõi mây mỏng, đỉnh mây thấp nên mưa rơi theo từng cơn mỏng, gần nhau nhưng nhanh dứt. Mưa này không có dông, tố, lốc nên không cần cảnh báo”. Nói xong, anh trả máy về trang word, nhanh tay soạn bảng tin để kịp gửi cho các đài. Nhớ đến lời tâm sự của anh khi sáng: “Lúc quan trắc viên làm bảng tin cũng giống lúc bác sĩ kết luận bệnh án, rất cần sự tập trung” nên tôi lẳng lặng rời phòng máy. “Không biết từ giờ đến hết ca trực còn bao nhiêu dải mây có độ phản hồi vô tuyến cao nữa và người làm quan trắc có được thảnh thơi quấn chăn say giấc nồng trong giá lạnh mùa đông này?”. Tôi tự hỏi và kịp nhận ra câu trả lời khi nhìn thấy phía ca bin ra đa, anh Hiếu đang hì hục lau chùi máy móc… Vâng, không nặng nhưng không mấy thảnh thơi!
Nỗi niềm quan trắc
Loay hoay với nồi canh cho bữa cơm chiều không chịu sôi, anh Hiếu bực mình: “Hết mùa mưa, nấu bếp củi ngoài trời, giỏi mầy không sôi!”, rồi anh lại bàn ăn ngồi chờ. Tôi hỏi thăm anh về tuổi tác, quê quán. Anh bảo: “Bọn em còn trẻ. Tất cả đều dưới 30. Anh Diệp Thế Qui – Phụ trách trạm – lớn nhất nhưng cũng mới 29. Còn lại 25, 26 tuổi. Anh Qui và em ở Quy Nhơn, Trình Ngọc Hồng Ly ở An Nhơn và Nguyên ở Phù Mỹ. Em, Ly, Nguyên cùng lứa nên gọi nhau bằng tên rất thân mật. Trạm có 4 người, mỗi tuần một người trực 2 ca, mỗi ca 2 người trực trong 1 ngày đêm. Nếu ai đau ốm, bận việc nhà thì anh chị em còn lại sẽ trực thay”. Khi được gợi ý về điều kiện công tác, lương phạn, anh Hiếu cười: “Nói về khó khăn thì ở đây nhiều lắm! Anh thấy rồi đấy. Đường đi khúc khuỷu, thăm thẳm; ăn ở cheo leo. Có ngày em lên – xuống 3 lần thành 6 vòng. Chiếc xe em dựng ngoài kia được ba mẹ mua cho cách đây đúng một năm, vậy mà giờ nó “xuống” trông thấy. Cứ một tháng em thay nhớt một lần nhưng nó cứ gầm gào thảm thiết. Lên đây, em dựng nó vào chỗ đứng gió, lấy bạt phủ lại nhưng nó vẫn gỉ sét rất nhanh. Về lương thì bọn em mới ra trường nên chẳng được bao nhiêu. Hiện, em nhận 3,5 triệu đồng/ tháng. Tiêu thật tiết kiệm chứ lỏng tay chút thì không đủ”. Trò chuyện với chị Ly qua điện thoại cầm tay, chị chia sẻ: “Khổ lắm anh ơi! Những ngày đầu lên trạm làm, không quen đi đường núi, em té miết. Có hôm phải điện nhờ Hiếu và Nguyên xuống đón lên. Giờ đi vẫn chưa vững. Mấy tháng nay, ca trực của em, ông xã phải chở đi, cùng ở trực rồi chở về. Công việc của ảnh cũng nhiều nhưng đành gác lại để lo cho em. Hiện giờ sợ nhất là bão. Mấy cơn bão vừa rồi, tỉnh mình chỉ ảnh hưởng thôi nhưng ở trên núi cao gió khủng khiếp lắm! Như cơn bão số 9 mới đây, sau khi gió giật tung mái tôn phía tây nhà trạm, chúng em phải rút xuống tầng trệt co cụm nhưng vẫn sợ tháp sóng ra đa đổ đè”.
* Ra đa có nhiệm vụ truyền – nhận hình ảnh mây trời và các hiện tượng thời tiết lạ xuất hiện trên không phận Nam Trung bộ, chuyển về phần mềm máy tính mặt đất để đội ngũ quan trắc viên quan trắc, phân tích, phát hiện kịp thời những dấu hiệu của dông, sét, tố, lốc, mưa lớn, mưa đá, bão… làm thành bảng tin thông báo, cảnh báo gửi đến các đài Khí tượng Thủy văn: tỉnh, khu vực, Cao Không và TT Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia. * Ra đa WRM200 – VAISALA là hệ thống ra đa phân cực kép băng sóng C mới nhất hiện nay ở nước ta, vận hành bằng chế độ Star: truyền – nhận dữ liệu đồng thời cả hai phương: thẳng đứng – ngang, khử cực tuyến tính, truyền tín hiệu độc lập, bắt được hình ảnh mây, gió trong phạm vi hữu dụng 300 km. Ra đa được đặt trên đỉnh núi Vũng Chua thuộc địa phận phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn; bắt đầu hoạt động vào giữa tháng 7 năm 2019 với vai trò một trạm ra đa thời tiết khu vực Nam Trung bộ mang tên Ra đa Thời tiết Quy Nhơn.
Khó khăn cũng nhiều nhưng niềm vui cũng không ít. Đó là suy nghĩ chung của quan trắc viên trạm Ra đa Thời tiết Quy Nhơn. Anh Hiếu hào hứng: “Mùa nắng thong thả hơn nên có khi cũng được dạo rừng bẫy chim, hái sim, chà là về làm quà. Đã lắm! Đã nhất là được ngắm nhìn bình minh trên biển Quy Nhơn và hoàng hôn”. Anh Nguyên và chị Ly có chung dòng suy nghĩ: Bao năm đèn sách tốn hao, giờ có được việc làm trong biên chế nhà nước là mãn nguyện. Gia đình lấy đó làm hãnh diện với bà con lối xóm. Vui nhất là được góp thêm tin tức vào các bảng tin dự báo thời tiết của các đài tỉnh, khu vực và quốc gia, giúp cuộc sống thêm bình yên để từng ngày thắm sắc…
Rời trạm Ra đa Thời tiết Quy Nhơn, tôi chợt nhớ đến những người thân tôi làm ruộng, tráng bánh, làm bún khô, muối, chằm nón… hằng đêm ngồi trước màn ảnh nhỏ chờ nghe bảng tin dự báo thời tiết rồi mới an lòng ngã lưng chợp mắt. Quả thật, ngành Khí tượng và những người làm quan trắc có ảnh hưởng tích cực đến nhiều mặt cuộc sống con người, lặng lẽ dâng cho đời nhiều lợi ích ngát hương. Tôi xuống hết núi Vũng Chua cũng là lúc trời rây rây hạt. Và nghe trong người ấm áp lạ thường.
BÙI TẤN PHƯỚC
(Văn nghệ Bình Định số 92 tháng 12.2020)