(VNBĐ – Bút ký). Qua Rằm tháng Chạp, “thủ phủ mai” là thị xã An Nhơn bỗng rực rỡ cờ hoa đón chào 190 cây mai vàng đặc sắc đủ mọi dáng thế đi dự hội: Lễ hội Mai vàng An Nhơn lần thứ 1, năm 2023! Cây mai đi hội là để tôn vinh những người trồng mai, biểu dương những thành quả lao động nghệ thuật của những nghệ nhân, giới thiệu vẻ đẹp độc đáo và khẳng định giá trị thương hiệu “Mai Vàng An Nhơn” vượt khỏi tầm là một thú vui tao nhã để làm nên giá trị kinh tế hằng trăm tỷ mỗi năm! Lễ hội Mai vàng còn nhằm giới thiệu những tinh hoa văn hóa nghệ thuật của thị xã An Nhơn cho du khách thưởng thức và trải nghiệm, để biết thêm về vùng đất Kinh xưa đang chuyển động lên cấp thành phố.
Mai vàng vào hội
Giờ đây, nghề trồng mai đối với người dân An Nhơn không chỉ để thưởng ngoạn dáng thế, vẻ đẹp rực rỡ và hương thơm từng cánh hoa như một sinh vật cảnh giàu phẩm chất nghệ thuật mà còn là một ngành kinh tế nông nghiệp đầy tiềm năng, đem lại thu nhập cao cho người trồng, góp phần thiết thực giải quyết việc làm, giảm nghèo, vươn lên làm giàu từ chính bàn tay lao động và khối óc trên mảnh đất thân thương của quê hương.
Lễ hội Mai vàng An Nhơn lần thứ nhất diễn ra từ ngày 09 đến ngày 11 tháng 01 năm 2023. Thực chất đó là cuộc nâng tầm được từ những hội thi mai vàng được tổ chức từ nhiều năm qua vào dịp Tết đến xuân về.
Phát biểu khai mạc tại Lễ hội, ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch UBND thị xã xác định: Lễ hội Mai vàng An Nhơn nhằm tiếp tục giới thiệu với du khách và giới sành chơi cây kiểng những tác phẩm mai vàng đẹp về dáng thế, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân ở các làng nghề mai cảnh của thị xã được giao lưu, học tập kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây mai, thúc đẩy việc tiêu thụ cây mai và mở rộng phát triển các làng nghề mai cảnh ra các xã, phường; từng bước hình thành thương hiệu “Lễ hội Mai vàng An Nhơn – Bình Định tổ chức hàng năm”.
Cùng với điểm nhấn là trưng bày 190 cây mai đẹp, tượng trưng 190 năm danh xưng An Nhơn và Hội thi tay nghề kỹ thuật tạo dáng mai với sự tranh tài của các nghệ nhân. Lễ hội Mai vàng cũng trưng bày, triển lãm sản phẩm các làng nghề truyền thống và đặc sản ẩm thực phục vụ Tết. Rộn rã hơn ở lễ hội là các hoạt động nghệ thuật như hội đánh Bài chòi, biểu diễn và trải nghiệm võ thuật, thi đánh cờ người, triển lãm mỹ thuật, triển lãm ảnh nghệ thuật về An Nhơn, biểu diễn nhạc nước, các trò chơi thể thao truyền thống và hiện đại nhằm quảng bá tinh hoa văn hóa nghệ thuật của vùng đất giàu trầm tích văn hóa này. Lễ hội Mai vàng An Nhơn lần thứ nhất với chủ đề “Khát vọng tỏa sáng” được coi là một trong những hoạt động chào đón năm mới, tạo khí thế phấn khởi thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, phấn đấu xây dựng, đưa An Nhơn trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2025.
Vẻ đẹp cây mai
Tôi mê cây mai cũng bắt đầu từ những câu thơ của các thi hào thuở trước. “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”, rồi thì “Mai là bạn cũ, Hạc là người quen” của Nguyễn Du; “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai) của Mãn Giác Thiền sư. Quả cái sự thanh quý của hoa mai đã được đẩy đến tận cùng, trở thành “tuyên ngôn nghệ thuật” của giới chơi mai đời đời. Và có lẽ thế, trước những năm 80 của thế kỷ trước, thú chơi mai thường chỉ dành cho tầng lớp trung lưu. Có người lý giải rằng, nói đến truyền thống chơi mai thì cả nước Việt chỉ có Huế và Bình Định là đáng kể; bởi đây là đất kinh kỳ có nhiều bậc trí giả, phong lưu. Và do vậy, Bình Định vẫn luôn được coi là vùng đất chơi mai sành điệu.
Dù là dáng trực, dáng huyền hay dáng đổ, cây mai được coi là có giá trị phải bảo đảm những yêu cầu mang tính nguyên tắc về đế, dáng, hoa và chi. Cây mai đẹp phải có gốc to, mạnh mẽ và hình thù cổ quái; dáng phải bảo đảm tính hài hòa; hoa phải kín cánh, có màu vàng nhung thẫm còn chi thì phải đều và nhỏ dần về ngọn. Dáng và chi có thể nhờ thời gian mà thành còn gốc đế thì thời gian chỉ mới là điều kiện cần… Do vậy, khác với việc trồng các loại hoa khác để có cây mai đẹp, có “cốt”, “cách” người chơi mai không chỉ đòi hỏi sự chuyên cần, kiên nhẫn mà còn cần có óc thẩm mỹ và sự khéo léo của đôi tay như một nghệ sĩ tạo hình. Và cây mai đẹp không chỉ ở cốt cách, cao hơn nó còn có cả hồn vía lan tỏa hút hồn người ngắm nên không khác gì một tác phẩm nghệ thuật. Vậy nên người trồng mai đến một trình độ cao thì được phong tặng là nghệ nhân.
“Thủ phủ mai”
Có lẽ danh xưng dành cho An Nhơn này mới xuất hiện từ vài mươi năm trước, khi thị xã An Nhơn được biết đến là một vùng chuyên canh trồng mai với những làng mai nổi tiếng ở các xã, phường, đặc biệt là các xã ở phía Đông đường Quốc lộ 1 như Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh…
Tôi là người An Nhơn, có thời gian chơi mai cũng được xếp cùng thời với ông tổ làng nghề mai Háo Đức (xã Nhơn An) là ông Đặng Xuân Lang. Ấy là vào những năm đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ trước. Song sự nghiệp của ông Lang được các làng nghề mai ở thị xã An Nhơn ghi nhận. Nhiều người tôn vinh, đồn đoán sau này hậu thế trồng mai sẽ lấy ngày mất của ông làm ngày giỗ tổ mai như đã từng có ngày giỗ tổ Tuồng, giỗ tổ nghề may, giỗ tổ nghề đúc… Ông Lang là người có công mang giống mai mới nhiều cánh từ miền Nam về thay thế dần loại mai truyền thống 5 cánh. Và cũng chính ông mang mai thành phẩm của mình đi giao lưu với các tỉnh lân cận, mở ra cơ hội hình thành nghề trồng mai ở vùng Đông An Nhơn đại trà từ góc vườn tràn ra đồng ruộng.
Cây mai trồng đại trà, mỗi nhà trồng cả trăm, cả ngàn cây như vậy nên việc tạo dáng thế cũng không thể quá cầu kỳ như trước, thế là một hình mẫu dáng mai ra đời để “nhân bản” ngàn cây như một được gọi là cây “mai phong” hay “mai thị trường”. Dáng cây mai này nếu đặt trên mặt phẳng sẽ có hình chữ chi với biên độ ngắn dần ở phần ngọn và mỗi chỏ đóng một cành. Mấy chục năm qua, “mai thị trường” đã lấn lướt cây mai thế (mai bonsai) và trở nên quen mắt với người chơi mai cả nước. Bây giờ đi bất cứ đâu, người ta cũng dễ dàng nhận ra cây mai Bình Định bởi nét đặc trưng của dáng mai thị trường!
Lặng lẽ hơn cây mai thị trường, cây mai thế ở Bình Định vẫn lan tỏa trong giới sành chơi. Đặc điểm của mai thế là tuổi tác và nét độc đáo trong dáng thế! Ở thủ phủ mai An Nhơn, một trong những người từng thể nghiệm cả hai loại hình mai phong và mai thế là ông Nguyễn Trí Tuấn, chủ vườn mai Tuấn Ngọc ở làng nghề mai Thanh Liêm xã Nhơn An. Với thâm niên gần 20 năm làm mai, ông bỏ hẳn nghiệp chủ xe ủi vì đam mê nghề. Ông bắt đầu trồng mai phong từ năm 1992 với số lượng 4 – 5 thiên gối vụ như bao hộ khác rồi thử nghiệm làm mai bonsai. Mười năm sau thì ông chính thức bước sang làm mai thế từ quyết định cưa gốc mai phong và tạo ra dáng thế đa dạng. Cuộc “đại cách mạng” này đã giúp tăng giá trị cây mai lên gấp nhiều lần.
Giờ đây cứ mỗi độ xuân về, mai An Nhơn lại xuôi Nam ngược Bắc, lên Tây Nguyên thu về cho người trồng mai cả thị xã hàng trăm tỷ đồng. Dân làng mai giờ nhà cao cửa rộng khá nhiều nhưng có gần gũi họ mới biết công cuộc làm nên cây mai và để nó đến nơi làm đẹp cho người thưởng ngoạn là một hành trình gian truân.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Công cuộc chăm mai từ ngày thay bọc nilon đưa cây non vào chậu, tạo rễ cho có đế phình to, rồi uốn thân dưỡng chi… cho đến ngày có cây mai thành phẩm ra hoa, xuất vườn là một kỳ công. Hơn cả cây lúa, cây mai dùng thứ tinh luyện của đất, phân, cần, giống. Đất cho mai phải là đất phù sa thường được hớt trên bề mặt soi ven sông sau mùa lũ lụt. Giống mai còn được chọn khắc nghiệt hơn. Bởi chỉ cần gieo phải hạt giống mai xấu, thưa cánh, nhạt màu thì phải mất rất nhiều công sức để cải tạo. Như cách chọn giống của ông Tuấn. Ông bảo trong gần 5.000 chậu mai của ông, trời chỉ cho ông có một chậu mai “đột biến” thân mềm, nhánh nhiều, nụ nứt trong thân ra, những búp nụ to, tròn, khỏe mạnh, bông hoa nhiều cánh, vàng rực, bóng loáng, mịn như lụa… Ông tận dụng “của trời cho” này để chiết cành lai tạo với những cây mai khác, với nhiều thế hệ khác… tạo ra một giống mai đặc biệt.
Tuy nhiên cái sự cần của người chơi mai không đơn thuần chỉ là sự siêng năng của một lão nông tri điền mà là sự tỉ mẩn của một trí thức tri viên, một nghệ sĩ tạo hình đầy say mê.
Nếu như người trồng mai đã có mọi thứ tốt đẹp nhất để chăm bón cho vườn mai của mình trong suốt một năm trời thì việc thu hoạch cũng không vì thế mà thảnh thơi, thuận lợi. Thời tiết khắc nghiệt, thất thường và sâu bệnh luôn là sự thách thức những nỗ lực của người làm mai. Và đó cũng là những tác nhân luôn khiến cho người trồng mai có những cái Tết vui và nhiều cái Tết buồn! Như năm nay, trước tháng Chạp người ta nhẩm tính sẽ có khá nhiều cây mai bung nở trước khi Tết về nhưng cả triệu cây mai không bao giờ bung nở đồng loạt thì sẽ còn biết mấy là mai kịp Tết!
Lễ hội Mai vàng đã làm rộn rã lòng người ở làng nghề trồng mai bên những chuyến xe nhộn nhịp đi về để mang sắc thắm mùa xuân trang trải muôn nơi!
QUANG KHANH