Bình Định tám năm nữa và xa hơn

(VNBĐ – Lăng kính văn nghệ). Trong tháng Tám vừa qua, tỉnh ta đã tổ chức ba cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp từ các sở, ngành, địa phương; các chuyên gia trong và ngoài tỉnh và các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh về Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc lập quy hoạch được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của mỗi tỉnh nhằm hiện thực hóa tầm nhìn, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng sống cho người dân và góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Ở Bình Định, sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (28.01.2021), tỉnh đã lựa chọn đơn vị tư vấn là Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam cùng Tập đoàn FPT và đã ký kết thỏa thuận lập Quy hoạch tỉnh, hướng đến mục tiêu đưa Bình Định trở thành trung tâm kinh tế của khu vực duyên hải miền Trung và trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu khu vực.

Đến tháng 6.2022, dự thảo Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh chấp thuận sản phẩm bàn giao giai đoạn 3. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã gửi hồ sơ đến các sở, ngành, địa phương, các chuyên gia trong và ngoài tỉnh, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh… để nghiên cứu, cho ý kiến.

Tại các cuộc hội thảo vừa qua, đơn vị tư vấn là Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam đã trình bày tổng quan về quy hoạch. Theo đó, mục tiêu đến 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2030 bình quân 8%, GRDP bình quân đầu người đạt 8.300 USD; Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, logistics và vận tải, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa; Là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng duyên hải miền Trung – Tây Nguyên; Trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển, trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại; Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong nhóm cao của cả nước; Có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại, hệ thống đô thị phát triển theo hướng đô thị thông minh, kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế của vùng, cả nước và quốc tế, trong đó tập trung phát triển đô thị Quy Nhơn hiện đại về không gian, kiến trúc, khai thác tiềm năng, lợi thế đặc biệt về cảnh quan và khí hậu khu vực ven đầm Thị Nại, xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội; Giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, đảm bảo môi trường, bảo tồn và phát huy tốt bản sắc, các nét đẹp văn hóa các dân tộc, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Quy hoạch cũng xác định tầm nhìn đến năm 2050: Bình Định trở thành tỉnh phát triển khá với GRDP bình quân đầu người, tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước, thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung; Là trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; Kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: khoa học và công nghệ, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ thông tin, du lịch chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống logistics hiệu quả. Đến thời điểm đó, Bình Định thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số theo Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước; Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh giúp Bình Định có một số ngành, sản phẩm có thương hiệu uy tín về công nghệ, du lịch, nông nghiệp, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước, quốc tế…

Các cuộc hội thảo đã tập trung thảo luận, phân tích về các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội cũng như thách thức và khả năng, điều kiện phát triển của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch; chia sẻ quan điểm về những mục tiêu và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực của các địa phương; tham gia vào các kịch bản phát triển, trụ cột phát triển, từ đó tìm ra các hướng đột phá, các giải pháp hữu hiệu…

Chủ trì các cuộc hội thảo, các phát biểu của lãnh đạo tỉnh đã ghi nhận những ý kiến đóng góp sâu sắc, tâm huyết của các đại biểu và nhấn mạnh việc bổ sung hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh cần xác định được những trụ cột tăng trưởng, các khâu đột phá để tạo ra những khác biệt, thương hiệu riêng của tỉnh…

Phần còn lại của Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tiếp tục bổ sung, hoàn thiện từ các ý kiến đóng góp, đặc biệt là của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh. Đây được coi là khâu then chốt quyết định đến chất lượng của Quy hoạch bởi sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì việc điều chỉnh quy hoạch là không hề đơn giản.

Còn bốn tháng nữa cho một Quy hoạch tỉnh bảo đảm chất lượng và khoa học (đến ngày 31.12.2022 là hạn cuối phải hoàn thành). Nhân dân trong tỉnh luôn kỳ vọng và trông đợi!

DƯƠNG HIẾU

(Văn nghệ Bình Định số 112 tháng 8.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chống hoạt động IUU bao giờ kết thúc?

Sau bảy năm bị áp thẻ vàng (2017 – 2024) và qua bốn đợt thanh tra của EC, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thay đổi và đã có sự chuyển biến tích cực: ban hành Luật Thủy sản và các văn bản…