Quy Nhơn – Pleiku, đi đi về về

(VNBĐ – Tùy bút). Lần đầu tiên tôi biết và ngủ ở Quy Nhơn là năm 1981. Tốt nghiệp đại học, làm cái đơn gửi lên tỉnh Gia Lai Kon Tum xung phong lên đấy làm việc mà nào đã biết nó ở đâu, đường đi nước bước thế nào? Đến khi cầm quyết định đi thì cái đứa định đi cùng, vì nó mà mình đi ấy, lại chuồn. Thế là một mình đeo ba lô đi dù muốn sửa quyết định lúc ấy rất dễ. Chặng xe đò đầu tiên là Huế – Đà Nẵng. Tới Đà Nẵng mua vé xe đi tiếp Quy Nhơn. Tới Quy Nhơn phải ngủ tới hai đêm mới có xe đi tiếp Pleiku. Nói thật là tôi hầu như không ra khỏi bến xe, cứ quanh quẩn để mở cửa bán vé là xếp hàng, mà chính thức là cứ xếp hàng, tới gần mình thì cái cửa bán vé sập lại, hết vé. Lúc ấy mới đi loanh quanh bến xe kiếm cái ăn, rồi về nhà trọ ngủ đợi… xếp hàng tiếp. Cái bến xe lúc nào cũng nhộn nhạo, nồng nặc mùi… bến xe. Tôi nhớ có một cậu bộ đội nằm cái giường cạnh giường tôi (gọi nhà trọ tức là một cái phòng kê nhiều giường sát nhau, mỗi người một giường, rất dễ lạc phòng và lạc giường), nói chuyện loanh quanh rồi bảo là bộ đội đóng quân ở Pleiku giờ đang nằm đây đón xe về nhà. Thế là tôi túm lấy hỏi anh ta đủ thứ về Pleiku, rất háo hức và quả là cũng có nhiều thông tin để rồi chiều hôm sau, nhập nhoạng, tôi xuống bến xe Pleiku mà không ngơ ngác lắm, đi bộ hơn cây số theo câu chuyện của anh tới khách sạn thuê phòng. Chiều, anh ta khéo léo rủ tôi đi ăn cơm, và cậu sinh viên mới ra trường mời anh ấy đĩa cơm ấy. Tối tự nhiên có mấy anh quân cảnh tới, giải anh ta đi. Chả ai hiểu gì, thấy chủ nhà trọ bảo anh này ở đây mấy hôm rồi, giờ tiền trọ cũng chưa trả.

Và lần đầu tiên tôi đi cái xe đò Quy Nhơn – Pleiku, ơn giời, nó to và rộng rãi hơn mấy cái xe như con bọ hung hai màu vàng đỏ tuyến Huế – Đà Nẵng và Đà Nẵng – Quy Nhơn.

Tầm 2 giờ chiều thì nó bị hư giữa đèo Mang Yang. Hồi ấy xe đò hư là bình thường, lái xe thường mang theo nồi niêu tự nấu ăn mỗi khi “gặp việc” như thế, còn khách thì… ăn cơm khỉ, là hồi ấy có câu ấy, tức chả ăn gì, hoặc có gì ăn nấy, giờ chả còn cảnh và cả câu ấy nữa. Sương giăng mù mịt, có mấy người dân tộc đeo gùi đi qua, ngơ ngác cả hai phía, tôi và mấy người dân tộc ấy. Lần đầu tiên tôi thấy người dân tộc Tây Nguyên. Trước đấy mới thấy người K’tu ở Thừa Thiên Huế hồi sinh viên đi lao động.

Khi lên xe lại, có một chị gửi tôi cái túi, bảo nhận hộ. Rồi tôi bắt chuyện. Thì ra chị đi buôn chuyến, thường xuyên đi lại tuyến này, nhẵn thín tài xế lơ xe. Túm hàng chị gửi tôi nhận đã qua trạm Đồng Phó nổi tiếng, giờ chị sợ mấy anh thuế lưu động. Hồi này vài cân đậu xanh cũng bị thu.

Chuyến xuống Quy Nhơn trọn vẹn của tôi là chuyến đi xe ca của Ty Văn hóa Gia Lai Kon Tum xuống xem bóng đá, trận chung kết giữa Thể Công và Quảng Nam Đà Nẵng chả hiểu sao lại đá ở sân Quy Nhơn. Tôi mê bóng đá, mà ông trưởng Ty cũng chiều tôi, cậu sinh viên măng tơ mới ra trường một vài năm chi đó. Tôi gạ từ phòng hành chính tới phòng tài vụ, ai cũng đồng ý và đều bảo phải gạ trưởng Ty và họ cũng rất thích đi. Tôi lên gặp ông, kể đủ thứ chuyện các nước cho nhân viên đi nghỉ mát, đi du lịch như thế nào, rồi bộp phát bảo chú ơi Chủ nhật này ở Quy Nhơn có chung kết giải vô địch quốc gia, chú cho anh em văn phòng đi xem. Ông bảo cái này phải phòng hành chính với tài vụ đề xuất chứ? Tôi bảo họ đồng ý hết rồi ạ, bảo cháu lên xin ý kiến chú. Ông bảo để tôi hội ý lãnh đạo Ty với Đảng ủy. Kết quả là… đồng ý. Vé ai nấy mua, ăn uống tự túc, Ty cho cái xe ca Ba Đình chở đi. Buổi sáng đi, xuống Quy Nhơn gửi xe ở Ty Văn hóa Bình Định, mua bánh mì ăn rồi vào sân. Đá xong ùn ùn ra cổng để về, tôi bị mất một chiếc dép tông Lào mới mua, thế là xách một chiếc lên xe. Hết ghế, tôi ngồi trên nắp capo, rồi nửa đường mệt nằm xuống, nóng hầm hập, gối đầu lên gói cá biển, về tanh rình. Đâu như nửa đêm thì tới nhà.

Giờ, tôi lái xe của mình từ Pleiku căn đúng ba tiếng rưỡi đồng hồ là xuống đến Quy Nhơn, ngày xưa phải nhấp nhỉnh một ngày. Hồi chưa có Chỉ thị 100 về đo, phạt nồng độ bia rượu và cả tốc độ, rất nhiều bạn bè tôi tầm hai giờ chiều là rủ nhau hạ sơn, làm một chầu tắm biển rồi ăn đồ biển, xong rồi tầm tám, chín giờ tối chạy lên, khoảng mười, mười một giờ đêm tới nhà.

Nhiều người ở Gia Lai có nhà ở Quy Nhơn để cuối tuần xuống nghỉ, mà không có, giờ cái thú xuống tắm biển, ăn đồ biển tươi rồi về trong ngày đương rộ. Nhưng tôi lại phát hiện, xuống Quy Nhơn nếu không rành ăn đồ biển chưa chắc đã tươi như ở… Pleiku. Những chuyến xe chở hàng tươi sống xuất phát ở Quy Nhơn lúc 2, 3 giờ sáng, tới Pleiku khoảng 6, 7 giờ, cá tôm cua ghẹ ốc còn tươi rói, các nhà hàng nhập về ngo ngoe trong bể nước mặn, phục vụ thực khách từ 10 giờ trưa tới hết đêm. Thường là thế, đồ tuyển thì mang đi, đồ thường ở lại. Tất nhiên giá nó phải khác.

Có dạo con gái tôi làm ở Bidiphar, hầu như tháng nào tôi cũng chạy xuống thăm con thăm cháu. Và phát hiện, trên đường phố Quy Nhơn, sau biển 77 là biển 81, biển số ô tô Gia Lai, chạy lông nhông. Tôi chạy quen tới mức thuộc từng cái ổ gà, từng bóng cây bên đường, từng biển chỉ đường chỗ nào khu dân cư, chỗ nào hạn chế tốc độ, chỗ nào vạch liền… Thì cũng như một cách đổi gió thôi. Người ta phải bỏ tiền xuống để du lịch, mình có con cháu ở đấy, chạy đi chạy về như một thú vui. Anh bạn nhà báo Nguyễn Chương còn cứ luôn luôn khuyên: Theo em, bác về Quy Nhơn ở luôn là hợp nhất. Tuổi ấy, người ấy, các loại… ấy, bác về đây, đất chỗ này chỗ kia đang rẻ, mua một miếng cất cái nhà. Giá cả Quy Nhơn em cá với bác là rẻ nhất nước. Đoạn này thì tôi hết sức công nhận với Chương. Có hôm Chương dẫn cả nhà tôi, hẹn trước là em chiêu đãi nhé, anh không được rút ví nhé, và rất rẻ nhé, và ngon nhé… món bún rạm đặc sản Quy Nhơn. Bún sứa, bún cá đặc sản nhưng vẫn chưa độc đáo, bún rạm mới độc. Và ngon, và rẻ, rất rẻ thật. Tất cả mọi thứ đều rẻ, những quán ăn sáng rất lớn, rất đông khách, giá cũng bình dân. Cũng chả hiểu sao mà trên Pleiku ăn sáng rất đắt, trung bình 30 tới 40 ngàn một tô. Ít món dưới 30, còn Quy Nhơn trung bình 30, 20 rất nhiều.

Bạn bè văn chương báo chí của tôi ở Quy Nhơn cũng đông. Đất võ trời văn, lần nào xuống tôi cũng ngồi với vài bạn. Mỗi nhóm bạn có một “khu vực” ngồi riêng. Khu vực cà phê, khu vực nhậu. Ngay nhậu cũng khác nhau, nhưng đa phần là đều rất rẻ, mà ngon. Sau này tôi đề nghị gom hết về một cái chỗ gần nhà con tôi, cái quán rất thích, chuyên thỏ. Năm bảy anh vào kêu một con thỏ nếu không đặt trước thì nửa tiếng đã có món đầu tiên, rất ngon và rẻ tới bất ngờ. Tôi cứ nhấn mạnh sự rẻ là muốn nói tới cái đáng sống của mảnh đất này, chứ cỡ tuổi tôi thì đắt rẻ không là vấn đề nữa, vấn đề là ngon miệng và vui chuyện. Thì về đây có cả hai điều ấy.

Giờ con tôi nó lại uỵch phát, chuyển địa bàn. Bọn trẻ bây giờ khác thế hệ cha anh là thế. Tôi từ ngày ra trường tới nay là tròn 40 năm đóng ở Pleiku, có rất nhiều cơ hội, lời mời về các nơi khác, nhưng rồi đã không đi. Con tôi, đang Sài Gòn, uỵch cái về Quy Nhơn, làm mấy năm lại nhổ cả nhà di chuyển tiếp. Thế là tôi lại ít có dịp đi về, nhưng với Quy Nhơn, tôi vẫn luôn coi như nhà mình. Nếu là hàng xóm thì cũng hàng xóm rất gần.

Quy Nhơn vào xuân. Ảnh Nguyễn Dũng

Lại nhớ cái hồi mới lên Pleiku ấy, tôi làm Phó bí thư thường trực Đoàn cơ sở Ty Văn hóa Thông tin Gia Lai Kon Tum, có cuộc mít tinh gì đấy có đoàn đại biểu Tỉnh đoàn Nghĩa Bình lên dự. Anh Bí thư Tỉnh đoàn Nghĩa Bình lên phát biểu, rất hùng hồn cảm động các cái, nói về tình đoàn kết một nhà của Gia Lai Kon Tum – Nghĩa Bình. Rồi bất ngờ anh hỏi: Ở đây đồng chí nào quê Bình Định giơ tay lên. Gần cả hội trường giơ tay. Rồi chừng như thấy giơ tay chưa đủ, mọi người đứng lên, chỉ loe ngoe mấy ông bà ngồi, có tôi. Có thời người ta coi Gia Lai là Bình Định nối dài là như thế.

Mà cũng có phải bây giờ mới thế đâu. Các cụ xưa đã có câu ca dao “Ai về nhắn với nậu nguồn/ mít non (măng le) gửi xuống cá chuồn gửi lên”. Rồi, chả phải chính anh em nhà Tây Sơn là người đầu tiên mở ra mối tình Kinh Thượng đấy ư. Không chỉ đoàn kết chung chung, Nguyễn Nhạc còn hòa huyết với Yă Đố, cưới bà Đố làm vợ ba và giao cho việc lo quân lương cho quân Tây Sơn đấy thôi. Và nữa, trước khi anh em Tây Sơn trong vai những người buôn trầu lên Tây Sơn thượng đạo lập chiến khu thì đã có con đường của người Chăm từ Đồ Bàn xuyên sang Ăng Ko. Người ta vừa phát hiện một loạt di chỉ Chăm trên con đường ấy…

Thành phố thu hút du khách với các dịch vụ du lịch, giải trí trên biển. Ảnh: Trịnh Đào Em

Sáng nay uống cà phê, nhà thơ Hương Đình, người quê Bình Định, xưa là thị trấn giờ là phường của thị xã An Nhơn ấy, nhà gần nhà thi nhân Yến Lan, bảo tôi có khi mai em chạy về thăm mẹ. Mẹ già lắm rồi, mấy tháng dịch chưa về được. Tôi biết, mỗi khi Hương Đình về thăm mẹ là anh em văn nghệ ở Bình Định lại tụ họp. Đã có lần tôi dự vào một cuộc ở đấy, hết sức vui vẻ đầm ấm và chân tình, và mới biết, tại sao nơi đây lại sinh ra ông Yến Lan…

VĂN CÔNG HÙNG

(Văn nghệ Bình Định số Xuân Nhâm Dần 2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Về yên bình dưới bóng cây

Có lẽ, chỉ khi làm bạn với cây, chứng kiến vòng luân hồi của cây, từ những ngọt ngào mà cây mang lại cho đến những mất mát mà cây nhắc nhở thì con người cũng được trải nghiệm…

Bữa tiệc ly

Tôi sẽ không kể cho ai về kết quả chẩn đoán. Tôi sẽ chỉ đơn giản là tiếp tục đeo chiếc mặt nạ mà tôi đã đeo suốt nhiều năm nay, ngay cả khi cơ thể bên trong tôi sẽ thối rữa…

Về nhà sớm mai

Chị ngẩng mặt lên. Lần đầu chị dùng mắt để đối diện với bà Bá. Chị nói câu từ chối bằng mắt, và cũng dùng mắt để van lơn. Đôi mắt của chị đục và mờ dần như chực chờ…

Con thuyền xuôi dòng

Một dòng sông và người con gái đang trôi. Anh cố gắng chạy theo nhưng không được. Anh muốn cô biết có người đang chạy theo mình…