(VNBĐ – Bút ký). Về thăm xã Ân Hảo Đông (Hoài Ân) trong một ngày đầu xuân, tôi được anh Vương Minh Hạnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã đưa đi tham quan những vườn cây ăn trái của các hội viên cựu chiến binh ở đây. Tận mắt chứng kiến những khu vườn rộng thênh thang, ngan ngát hương thơm và mỡ màng màu xanh của bưởi, chôm chôm, dâu… lòng bỗng thấy lâng lâng niềm vui và thầm cảm phục biết bao nghị lực cùng ý chí vươn lên của những người lính Cụ Hồ trong cuộc sống đời thường.
Gắn kết và sẻ chia
Qua tìm hiểu tôi được biết xã Ân Hảo Đông là một trong những địa phương có nhiều hộ làm kinh tế vườn lâu năm của huyện Hoài Ân, trong đó lực lượng cựu chiến binh (CCB) làm vườn chiếm một bộ phận khá lớn. Tuy nhiên, khoảng chừng mười năm trước đây mô hình sản xuất này hầu như diễn ra độc lập ở từng hộ gia đình, người dân tận dụng đất vườn thừa để trồng cây hoa màu ngắn ngày, hoặc trồng cây ăn trái theo kiểu tự phát và nhỏ lẻ. Về sau có thêm nhiều hộ tham gia trồng cây tạo thành phong trào, tuy nhiên có người thu hoạch đạt năng suất cao, cũng có người vườn cây phát triển tốt nhưng lại thu nhập thấp mà không rõ nguyên nhân. Xuất phát từ thực tế đó cùng với phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” do Hội Cựu chiến binh Việt Nam phát động, năm 2018, Hội CCB xã Ân Hảo Đông đã tự phát thành lập “Tổ trồng cây ăn quả thôn Phước Bình” để tạo điều kiện cho các hội viên CCB tập hợp lại hỗ trợ nhau về kỹ thuật, vốn đầu tư, cây con giống và tiêu thụ sản phẩm. Bốn mươi bảy hội viên trong tổ hầu hết là những cựu quân nhân từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, phục viên trở về quê hương làm ăn sinh sống và có cùng quyết tâm làm giàu trên vùng đất trung du cằn cỗi. Phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ được phát huy trong đời sống mới, các cựu chiến binh trong tổ trồng cây này đã không ngừng nỗ lực học hỏi, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, trang bị kiến thức và kinh nghiệm làm vườn từ việc tham gia các đợt tập huấn do Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Hoài Ân tổ chức. Bên cạnh đó họ cũng thường xuyên gặp gỡ, tham quan các khu vườn của nhau để chia sẻ kinh nghiệm, động viên nhau làm kinh tế. Từ khi Tổ trồng cây ăn quả thôn Phước Bình được thành lập, các CCB không chỉ tập hợp, gắn kết với nhau hơn trong sinh hoạt, trong đời sống làm ăn, mà còn tương trợ nhau giải quyết được đầu ra của sản phẩm. Cây trái đến mùa thu hoạch không còn sợ thương lái thu mua ép giá hoặc khó tiêu thụ nữa vì đã có con của một gia đình CCB trong tổ đứng ra thu gom mua theo giá thị trường và dùng xe tải chở đến nơi khác tiêu thụ, nhờ đó tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Khát vọng từ những khu vườn
Say mê kỹ thuật nông nghiệp xanh
Băng qua khu vườn bưởi, vườn chôm chôm khá rộng, chúng tôi bắt gặp cựu chiến binh Bùi Long Chín đang mải mê cắt tỉa, chăm sóc cho những cành chôm chôm ra quả muộn chuẩn bị vào vụ Tết. Dừng tay tiếp chuyện, ông nở nụ cười đôn hậu rồi đưa chúng tôi đi tham quan một vòng quanh khu vườn với hơn 30 gốc bưởi da xanh, 80 cây chôm chôm được trồng từ năm 2010. Ông chia sẻ, chôm chôm mỗi năm thu hoạch khoảng 50 triệu đồng. Còn vườn bưởi da xanh do ban đầu trồng tự nhiên không theo qui trình kỹ thuật nên thu nhập thấp. Đưa tay chỉ vào những hàng bưởi cành lá sum sê, ông Chín nói: “Vườn bưởi này hồi trước trồng bị sai kỹ thuật, do không có kiến thức nên cứ để tán lá nó phát triển tự nhiên, cành sinh trưởng ra nhiều mà cành sinh sản lại ít nên trái thưa thớt. Chú dự định sang năm sẽ cắt thân tái tạo lại tán mới cho vườn bưởi theo qui trình kỹ thuật nông nghiệp xanh”. “Một vườn bưởi đang xanh tốt như vậy mà cắt hết tán ư!”. Thấy tôi xuýt xoa tỏ ý băn khoăn, ông Chín cười nhẹ hều bảo: “Trồng cây là để thu hoạch quả, mà quả ít thì phải tìm cách tạo lại tán mới cho nó ra sai hơn. Mình chấp nhận vài năm không có thu hoạch nhưng về lâu về dài làm vườn phải tuân thủ theo qui trình khoa học kỹ thuật mới bền vững được”. Đoạn, ông dẫn chúng tôi đi giới thiệu vườn bưởi 80 gốc trồng trước nhà theo qui trình kỹ thuật đã gần 3 năm. Nâng niu từng cành bưởi, vạch từng chiếc lá, ông hào hứng nói về đặc điểm nhận dạng cành của sinh trưởng, cành sinh sản, khả năng ra hoa tạo quả của cành tròn, cành dẹp, khi nào thì dưỡng cành sinh trưởng, khi nào thì nuôi cành sinh sản, màu lá xanh đến độ nào thì mới có thể để cây ra hoa được… say mê và thành thạo như một nhà khoa học vậy. Ông tin tưởng với qui trình kỹ thuật nông nghiệp xanh thì người làm vườn có thể chăm sóc và điều khiển cây ra trái quanh năm theo ý muốn của mình. Và khu vườn bưởi da xanh này vài năm nữa sẽ sai trĩu quả.
Ông Chín tâm sự, ông tìm tòi học hỏi kỹ thuật nông nghiệp xanh qua mạng đã được 24 tháng. Mọi thông tin trao đổi về kỹ thuật trồng, chăm sóc, theo dõi sự phát triển của cây cũng như những dấu hiệu bất thường về bệnh được ông quay video rồi trao đổi qua mạng để được tư vấn hỗ trợ kịp thời. Ông còn chia sẻ thêm, sở dĩ ông chọn làm vườn theo mô hình kỹ thuật nông nghiệp xanh là vì toàn bộ quá trình chăm sóc cây đều bón bằng phân sinh học, phân hữu cơ có tác dụng duy trì độ màu mỡ của đất, giúp cây trồng hấp thụ tốt chất dinh dưỡng và phòng được các loại bệnh tốt, không gây tác hại đến sức khỏe người làm vườn, không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, trái cây làm ra cũng rất sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Dùng phân hữu cơ bón cho gốc bưởi, ông Chín còn thu thêm được nguồn cỏ tự nhiên để nuôi bò. Rồi lại dùng phân bò bón cho bưởi, vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư, tăng thu nhập cho gia đình lại thân thiện với môi trường. Nhìn những hàng bưởi chưa đầy 3 năm mà đã sum sê cành sinh sản và lác đác những chùm hoa trắng muốt, thơm lừng, cùng những dự định táo bạo làm trẻ lại vườn bưởi 10 tuổi bằng kỹ thuật mới, tôi thật khâm phục ý chí quyết tâm của người cựu chiến binh – lão nông tri điền của thời 4.0 này.
Biến gò đồi thành vườn cây trăm triệu
Rời khu vườn của cựu chiến binh Bùi Long Chín chúng tôi đến tham quan vườn cây ăn quả của cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thể, một thành viên kì cựu trong Tổ trồng cây ăn quả của thôn Phước Bình. Giữa khu vườn đồi bát ngát màu xanh của dâu, chôm chôm, ông Thể cũng đang bấm cành, sửa gốc, chuẩn bị bón phân để đón vụ hoa trái mới. Nhìn bóng dáng nhỏ nhắn của ông lọt thỏm giữa khu vườn thênh thang, khó ai có thể hình dung đây chính là chủ nhân đã phủ màu xanh cây trái lên khu vườn đồi cằn cỗi này. Như đoán được sự băn khoăn của tôi, anh Hạnh vui vẻ giới thiệu: “Chú Thể đây là thương binh hạng 2/4 nhưng cừ lắm đấy. Ổng hô biến một cái là cả khu vườn đồi đất đai cằn cỗi, bạc màu này trở thành vườn cây trăm triệu ngay tức khắc”. Nghe thấy thế, ông Thể cũng bật cười khiêm tốn: “Thì tui cũng đang cố gắng làm theo lời Bác Hồ đã dạy chúng ta: thương binh tàn nhưng không phế thôi mà”. Rồi trong câu chuyện kể về hành trình lao động biến khu gò đồi thành vườn cây ăn quả sum sê này tôi phần nào hiểu được sự quyết tâm thực hiện theo lời dạy của Bác “thương binh tàn nhưng không phế” ở ông.
Lên đường nhập ngũ vào năm 1978, ông Thể được điều động đến tỉnh Tây Ninh tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Do bị thương và sức khỏe yếu, năm 1980 ông được ra quân trở về quê hương làm ăn sinh sống. Vốn liếng ban đầu của gia đình chỉ đủ làm căn nhà tranh để ở trên vùng đất gò đồi với diện tích 1,5ha. Thu nhập chủ yếu từ canh tác cây ngắn ngày và 3 sào ruộng khoán nên rất khó khăn khi phải nuôi ba đứa con ăn học. Sau nhiều đêm suy nghĩ tìm hướng thoát nghèo, ông quyết tâm bám lấy đất vườn để trồng cây ăn quả. Năm 2005, UBND xã Ân Hảo phát động phong trào trồng cây chôm chôm trên đất vườn đồi, ông Thể đã tận dụng cơ hội khi được Hội CCB huyện Hoài Ân hỗ trợ 300 cây chôm chôm giống và Hội Cựu chiến binh xã tín chấp vay vốn 15 triệu đồng từ ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư vào sản xuất. Nhờ tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên sau 5 năm vườn chôm chôm của gia đình ông cho thu hoạch đạt năng suất cao, cộng với điều kiện thời tiết khí hậu của địa phương nên vườn chôm chôm của ông thường trái vụ với chôm chôm ở miền Nam, do đó khi thu hoạch bán được giá cao, hàng năm gia đình ông thu nhập trên 100 triệu đồng từ khu gò đồi này.
Tuy nhiên để biến khu gò đồi thành vườn cây trăm triệu này, ông cũng đã phải trải qua không ít thất bại. Ông kể rằng, trước đây ông dành một phần diện tích đất để trồng cây xoài trắng, cũng đổ công sức đầu tư rất nhiều, cây xoài phát triển xanh tốt nhưng đến lúc ra hoa gặp mưa thì rụng hết. Nhận thấy khí hậu không phù hợp với cây xoài nên ông cắt bỏ và trồng cây dâu đất thế vào. Đến nay, vườn dâu nhà ông phát triển rất tốt, có cây cho thu hoạch trên 3 tạ. Để tăng năng suất cây trồng đồng thời giảm công sức chăm bón, vừa rồi ông Thể đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động cho toàn bộ khu vườn. Ông vui vẻ nói, hồi trước mỗi lần kéo dây tưới cây xong là về bỏ cơm. Giờ chỉ cần ngồi ở nhà bật công tắt điều khiển là nước tự động tưới cho từng khu vườn, hết khu này đến khu khác, nhờ vậy đỡ tốn công sức mà cây cũng đủ độ ẩm phát triển tốt. Ông dự định sắp tới sẽ trồng thêm vải thiều để đa dạng giống cây trồng và tăng thu nhập cho gia đình.
Bắt đất đai cằn cỗi chuyển mình
Liền kề với khu vườn ông Thể là vườn cây ăn trái của cựu chiến binh Trương Rỏ, Chi hội trưởng CCB thôn Phước Bình. Cũng như nhiều cựu chiến binh khác về với cuộc sống đời thường, ông Rỏ quyết tâm gắn bó và làm giàu trên vùng đất quê hương mình. Phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ trong xây dựng cuộc sống mới, người cựu chiến binh này đã không ngại vất vả khi “khởi nghiệp” trên vùng đất gò đồi gần 1ha với vốn liếng ban đầu ít ỏi là 200 cây chôm chôm giống do Hội CCB huyện Hoài Ân hỗ trợ và 20 triệu đồng vay từ ngân hàng Chính sách xã hội. Với mong muốn bắt đất đai cằn cỗi chuyển mình cho cây ra trái sai quả ngọt, ông Rõ đã đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở những người làm vườn lâu năm, đồng thời tự nghiên cứu trên mạng, tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình.
Đất không phụ công người, đến nay gần 70 cây chôm chôm, 80 gốc bưởi da xanh trên khu gò đồi và vườn thừa của gia đình ông phát triển xanh tốt, cho thu hoạch đạt năng suất cao, đem lại nguồn thu nhập cho gia đình trên 150 triệu đồng/ năm. Khi đánh giá về chất lượng cây trái của gia đình và các CCB khác trên địa bàn, ông Rỏ không giấu được niềm tự hào của người làm vườn, ông nói: “Về chôm chôm trên đất Ân Hảo, độ ngọt, thơm và chắc hơn hẳn chôm chôm miền Nam. Về bưởi da xanh nếu đúng vụ tháng 7 tháng 8 thì múi rất to, nhiều nước, vị ngọt đậm đà. Có thể nói bưởi ở Ân Hảo góp phần làm nên thương hiệu bưởi Hoài Ân”.
Cùng với việc đầu tư chăm sóc vườn cây ăn trái, ông Rỏ còn tận dụng diện tích 5 sào đất trồng hoa màu thu nhập thấp chuyển sang trồng cỏ để nuôi 4 con bò sinh sản, hàng năm ông bán được 3 đến 4 con bê, ngoài ra còn thu được lượng phân hữu cơ khá lớn để bón cho bưởi và chôm chôm. Ông dự định sắp tới sẽ đổ đất, nâng cao 2 sào ruộng để trồng cây vải thiều, phát triển và đa dạng diện tích vườn cây ăn quả của gia đình. Khát khao của người cựu chiến binh này là không để lãng phí đất đai mà bắt nó chuyển mình đi lên cùng với con người. Dù đất có cằn cỗi nhưng ông tin có sức người thì cũng trở thành “tấc đất tấc vàng”.
Lan tỏa yêu thương
Từng một thời cầm súng chiến đấu vì độc lập dân tộc, trở về đời thường và phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng những cựu chiến binh như ông Bùi Long Chín, Nguyễn Hữu Thể, Trương Rỏ ở thôn Phước Bình, xã Ân Hảo Đông đã luôn nêu cao phẩm chất của người lính Cụ Hồ, vươn lên bằng nghị lực của chính bản thân mình, tích cực tham gia lao động sản xuất, chiến thắng đói nghèo, xây cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Đáng trân quý hơn là bên cạnh với việc ra sức lao động sản xuất để xây dựng gia đình họ còn tích cực đóng góp cho xã hội, lan tỏa yêu thương đến với anh em đồng chí đồng đội, đến cộng đồng như bằng những việc làm giản dị mà tình nghĩa và thiết thực như: giải quyết công ăn việc làm cho con em CCB ở địa phương, tham gia vận động hội viên CCB và các nhà hảo tâm quyên góp tiền, ngày công cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ Hội CCB tỉnh xây dựng căn nhà tình nghĩa giúp cho hội viên nghèo ở thôn Phước Bình có nhà ở ổn định; vận động đóng góp quỹ khuyến học của thôn được 21.500.000đ, tổ chức trao quà khuyến học hàng năm cho những con em có hoàn cảnh khó khăn và học sinh có thành tích học tập giỏi; tham gia bảo vệ môi trường, thu gom rác thải, quản lý vệ sinh các đoạn đường trong thôn. Đặc biệt, trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19, các cựu chiến binh ở đây đã tích cực cùng Hội CCB xã vận động đóng góp tiền, vật chất hỗ trợ cho thành phố Hồ Chí Minh, cho các chốt, trạm, hộ gia đình khó khăn đang cách ly tại nhà gần 14 triệu đồng. “Có thể nói tấm gương sống tích cực trên mọi mặt trận của các cựu chiến binh ở đây đã trở thành nguồn cảm hứng và động lực cho các thế hệ trẻ, khơi dậy ý thức tự lực, vượt khó vươn lên thoát nghèo góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương ngày càng phát triển”, đó là nhận xét của anh Vương Minh Hạnh, Chủ tịch Hội CCB xã Ân Hảo Đông dành cho những CCB làm vườn tuyệt vời mà tôi đã gặp.
Qua gần trọn một ngày được thong dong, hòa mình trong những khu vườn xanh um dịu mát, thơm lừng hương bưởi, hương dâu tôi cảm nhận như có sắc lá và hương hoa bất tận đang miên man vỗ về trong tâm hồn mình. Cũng qua ngần ấy thời gian được lắng nghe những trăn trở, suy tư, thổi hồn và sức sống vào đất đai cằn cỗi để gọi về những mùa quả ngọt lành của những cựu chiến binh như Bùi Long Chín, Nguyễn Hữu Thể, Trương Rỏ, tôi càng khâm phục hơn tinh thần lạc quan, tình yêu cuộc sống, ý chí và nghị lực phi thường của những người lính Cụ Hồ trong cuộc sống đời thường biết bao.
Tạm biệt khu vườn của các CCB cũng là lúc cơn mưa xuân bắt đầu bâng khuâng gieo hạt. Cây lá trong vườn vui mừng âu yếm đón lấy những giọt mưa bé nhỏ tí tách, li ti. Nghe đâu đây như có hơi thở phập phồng, bổi hổi, xốn xang của đất. Và một mùa quả ngọt nữa sẽ lại về!
VÕ HẠNH
(Văn nghệ Bình Định số Xuân Nhâm Dần 2022)