(VNBĐ – Bút ký). Cảng cá Tam Quan là nơi cập bến – bán hải sản của hàng nghìn chiếc tàu đánh bắt xa bờ ở thị xã Hoài Nhơn và là nơi neo đậu tránh trú bão cấp vùng của tàu cá các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Vì nằm cuối con sông lấp: Tam Quan, cảng bị cát âm thầm tấn công, tạo nhiều bãi bồi, lạch ngầm gây cản trở tàu thuyền ra – vào và nhiều hệ lụy khác. Đã lâu, cảng không có cầu tàu, hoạt động mua bán chỉ diễn ra ở 19 chiếc bến tự phát do người dân tự làm. Ban Quản lý Cảng không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng hải sản xuất khẩu nên sản phẩm từ cảng phải đi đường vòng, gây thất thoát từ 20-25% giá trị… Xác định cảng cá Tam Quan là đòn bẩy để phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương nhưng còn nhiều hạn chế, yếu kém, từ sau Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, Hoài Nhơn và UBND tỉnh đã dốc lực kêu gọi đầu tư nâng cấp cảng cá trên nhiều phương diện. Đến nay, nhiều hạng mục công trình đã được hoàn tất, mở ra tương lai tươi sáng…
Hạ tầng tươi mới
Nhằm khắc phục nạn cát bồi gây thu hẹp âu thuyền và cản trở đường ra vào cửa biển, chính quyền thị xã Hoài Nhơn đã hợp đồng dài hạn với một công ty chuyên nạo vét cửa sông để hút cát. Hằng ngày, tàu của công ty hì hụp nạo, hút, nhả cát lên bờ để tận thu. Cảng cá Tam Quan theo đó ngày càng ít đi rủi ro. Số lượng tàu thuyền mắc cạn, hư hỏng do va đập cũng giảm đáng kể. Bên cạnh đó, thị xã còn đầu tư tiền tỷ làm lại cây Cầu Mới nối đôi bờ cảng cá theo kiểu cầu vồng kiên cố để tàu nhỏ, thuyền, thúng vào sâu được cuối âu thuyền. Cảng cá giờ đây đã phần nào làm vơi đi nỗi lo lai dắt lạch và làm an tâm cho chủ tàu khi neo đậu bến quê.
Âu thuyền cảng cá Tam Quan hôm nay trông đàng hoàng hơn. Dưới nước, hàng mấy nghìn chiếc tàu, thuyền neo xếp ngay ngắn theo khu vực. Chỗ nước sâu nhất dành cho tàu lớn, chỗ vừa là tàu trung, chỗ nông là tàu nhỏ và thuyền, thúng. Tàu, thuyền neo đậu đúng khoảng cách an toàn theo quy định của cảng. Trên bờ, cảnh cơi nới, chất xếp ngư cụ không còn nữa. Thay vào đó là không gian rộng thoáng của hai tuyến đường đôi bờ song song, thẳng tắp. Cả đôi bờ đều mọc lên hai nhà quản lý, điều hành hoạt động cảng rất thuận tiện.
Phía bờ Đông – nơi có cổng chính cho xe và người vào ra âu thuyền – mọc lên một bờ kè kiên cố, dài chừng 300 mét để tàu thuyền neo đậu bán hải sản. Mặt kè được bê tông sạch sẽ, rộng thoáng. Trên, dựng lên 3 dãy nhà lồng làm điểm thu mua hải sản tập trung có sự kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm của Ban Quản lý (BQL) cảng cá. Nơi đây có hệ thống điện chiếu sáng và nước sạch riêng để phục vụ cho việc thu mua và bảo quản sản phẩm. Sau bờ kè là khu dịch vụ hậu cần nghề cá với gần 20 công ty, doanh nghiệp: nước mắm, sơ chế hải sản, đông lạnh, gò hàn, đóng tàu… được xây dựng bề thế. Theo anh Bùi Bình Hùng, Phó giám đốc BQL Cảng cá Tam Quan: “Để có được địa điểm mua bán thuận lợi này, chính quyền thị xã và phường Tam Quan Bắc đã nỗ lực rất lớn trong việc đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng… Đến giờ, mọi việc đã ổn. Ngày 01.12.2021, cảng cá Tam Quan được công nhận là cảng cá loại II. Sản phẩm từ cảng đưa đi sơ chế để xuất khẩu đã được BQL cảng kiểm duyệt và xác nhận. Nay, cá ngừ đại dương từ cảng này đi các nước không còn vướng “thẻ vàng” của EU nữa”.
Phía bờ Tây, một khu dịch vụ hậu cần nghề cá mới đang mọc lên trong khuôn viên rộng chừng 5ha với tổng kinh phí đầu tư lên đến 33 tỷ đồng. Khu dịch vụ nằm cách khu dân cư, có nhiều xưởng: chế biến thô, đông lạnh, đóng hộp, cơ khí, tàu kéo… được xây dựng theo quy trình khép kín với đầy đủ hệ thống chiếu sáng, nước sạch và xử lý nước thải đúng quy chuẩn. Cũng theo anh Hùng: từ khu dịch vụ này, sản phẩm của cảng cá Tam Quan có thể đi thẳng đến sân bay mà không qua bất kỳ đơn vị trung gian nào.
Đường vui chạm ngõ
Tuyến đường nối quốc lộ 1A cũ, đoạn phía Nam ngã ba Chương Hòa với cảng cá Tam Quan được khởi công xây dựng từ năm 2020, đến nay đã được thông xe. Đường tiến sát âu thuyền với bốn làn đường, rộng thênh, xe ra xe vào dập dìu. Được biết tuyến đường này có tổng vốn xây dựng lên đến 97 tỷ đồng, là tuyến chính ra – vào cảng cá, vừa là điều kiện vận chuyển sản phẩm từ biển đi khắp nơi vừa là cơ sở để phát triển không gian đô thị phía Đông Bắc phường Tam Quan Bắc.
Từ ngày có đường mới nối cảng, lao động từ các phường, xã phía Bắc thị xã xuôi về cảng cá ngày một nhiều. Họ đến đây làm đủ việc đủ nghề nhưng nhiều nhất là lao động phổ thông trong các công ty của khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Anh Lê Trường Ban, 26 tuổi, thợ gò hàn cho một xưởng cơ khí cạnh âu thuyền cho hay: “Hằng ngày, riêng lao động ở 3 xã: Hoài Sơn, Hoài Châu và Hoài Châu Bắc đến cảng cá này làm việc ước chừng một trăm người. Mùa cá cơm, cá nục, cá ồ hay khi tàu đánh bắt xa bờ cập bến, lao động tăng lên gấp đôi. Em ở xã Hoài Sơn xuống đây làm nên biết. Em học cao đẳng nghề cơ khí, ra trường làm nhiều nơi nhưng không nơi nào ổn định như ở cảng cá này. Tại đây em thu nhập khoảng 9 triệu đồng/ tháng”. Chị Trần Thị Như Hoa, chủ cơ sở nước mắm Như Hoa, phấn khởi: “Nay tôi không sợ thiếu nhân công vào mùa nước mắm cá cơm nữa. Có đường mới gần hơn, tôi sẽ gọi lao động ở quê tôi Hoài Sơn xuống làm và tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước”.
Tuyến đường ven biển nối cảng cá Tam Quan với cảng biển Quy Nhơn sau thời gian xuống cấp nay được nâng cấp thành đường nhựa lớn, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng tươi sống cũng là niềm vui lớn của những người làm ăn và mua bán quanh cảng cá Tam Quan. Chị Lê Thị Thu, chủ vựa hải sản Yến Thu chuyên mua bán cá ngừ đại dương ở cảng, bày tỏ: “Đường lớn chạm ngõ hai bờ âu thuyền là niềm vui lớn của người dân Tam Quan Bắc, trong đó có những người mua bán hải sản như chúng tôi. Chúng tôi đưa hàng ra cảng biển, sân bay hay nhà ga đều dễ. Hải sản xuất khẩu từ cảng cá Tam Quan theo đó sẽ không còn mất giá thành do chi phí cho khâu trung gian. Có đường đã mừng, có thêm dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại lại càng mừng hơn. Từ nay, tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Hoài Nhơn và một phần ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên sẽ đưa hải sản về đây bán. Vui nào bằng!”.
Có cơ sở hạ tầng vững chắc, nhiều cụm dân cư mới khang trang mọc lên bên đường làm cho không gian vùng ven cảng cá thêm sầm uất. Vùng đất đuôi Gò Dài trước đây chỉ toàn cừa nước mọc loang ao đìa nay vươn vai đứng dậy thành mấy cụm dân cư trai tráng, thu hút ngày càng nhiều cư dân trẻ từ những vùng quê khó khăn đến lập nghiệp… Tất cả đã góp phần làm trẻ hóa âu thuyền cảng cá Tam Quan.
BÙI TẤN PHƯỚC
(Văn nghệ Bình Định số Xuân Nhâm Dần 2022)