(VNBĐ – Bút ký). Chảy trong nhịp sống hiện đại, An Nhơn còn lại những dấu tích cố đô cùng bao lễ hội, nét đẹp làng nghề. Đất bình yên, người mến khách. Thiên nhiên cũng ban tặng cho vùng đất này bao cảnh đẹp hữu tình. Đến An Nhơn những ngày cuối năm, bước chân lữ khách thêm bịn rịn…
Một thuở Đồ Bàn…
Chúng tôi trở lại An Nhơn muốn thăm thú lại những dấu vết Champa xưa, nơi một thời người Chăm quần tụ sinh sống, phác tạc nên hình hài kinh đô sôi động. Thời gian đi qua, dẫu đã nhiều phai phôi, nhưng di tích rõ nét là thành, tháp và gốm.
Thành Đồ Bàn là một trong những di tích thể hiện kiến trúc đặc biệt gắn với hai triều đại Champa và Tây Sơn. Cuối thế kỷ thứ X, đầu thế kỷ thứ XI, khi dời đô từ Đồng Dương (Quảng Nam) về phía Nam, vương triều Champa đã quyết định chọn Đồ Bàn (nay thuộc địa bàn xã Nhơn Hậu và phường Đập Đá) làm kinh đô mới, do Chiêm vương Ngô Nhật Hoan xây dựng. Đến thế kỷ thứ XVIII, khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra, thành Đồ Bàn xưa được Nguyễn Nhạc chọn làm đại bản doanh. Sau đó, tại tòa thành này, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Thái Đức. Từ đây, thành Đồ Bàn mang tên thành Hoàng Đế và trở thành kinh đô của chính quyền Hoàng đế Thái Đức. Thành còn 3 tượng sư tử đá có niên đại từ thế kỷ XII; hai hồ bán nguyệt; lầu Bát Giác; khu lăng thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu… Các kiến trúc của hai thời kỳ nằm đan xen nhau, tạo nên sự phong phú và nét đặc trưng của di tích. Thành cổ xưa giờ trầm mặc, những dấu vết còn lại dễ khiến khách tham quan bùi ngùi về những tháng năm xưa của các vương triều.
Thị xã An Nhơn còn có thành Cha ở Nhơn Lộc, được xây dựng từ trước thế kỷ thứ X. Thành cổ này là một công trình quân sự quan trọng của người Champa, là kinh đô ban đầu của Vương quốc thời kỳ Vijaya. Nhìn trên bình đồ và dấu tích qua khảo cổ học, thành Cha có cấu trúc đặc biệt với 2 tòa thành hình chữ nhật, một lớn, một nhỏ. Di tích kiến trúc thành Cha được Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao xếp hạng cấp quốc gia vào năm 2003.
Điểm nhấn dấu ấn Chăm trên cố đô xưa còn là những đền tháp. An Nhơn sở hữu hai tháp Chăm thuộc phong cách Bình Định là tháp Phú Lốc và tháp Cánh Tiên. Tháp Phú Lốc còn gọi là tháp Vàng ở làng Phú Thành, phường Nhơn Thành, được xây vào đầu thế kỷ XII trên một đỉnh đồi có độ cao 76m so với mặt nước biển. Đồi của tháp Phú Lốc cao hơn tất cả các đồi có tháp ở Bình Định, bởi thế ngay từ xa cách tháp Phú Lốc hàng chục km, khi phóng tầm mắt về núi Mò O, chúng tôi đã thấy chon von một tháp Chàm in bóng giữa nền trời, tạo nên cảnh đẹp huyền tịch và nên thơ đến lạ.
Tháp Cánh Tiên (còn gọi tháp Đồng) nằm ở chính giữa thành Đồ Bàn, nay thuộc xã Nhơn Hậu. Tháp được xây dựng vào thế kỷ 12. Trong số những tháp cổ Champa ở tỉnh Bình Định, tháp Cánh Tiên còn khá nguyên vẹn. Những họa tiết sắc sảo, nét đẹp kiêu kỳ của tháp khiến người xem mê mẩn. Dạo một vòng tháp, nét thời gian rong rêu trên tường gạch nâu sẫm. Cánh Tiên tựa hồ như một cô gái Chăm kiêu sa trong vũ điệu huyền bí Chaligia khiến bao ánh nhìn say mê. Cổ tháp, đẹp mê hồn! Cũng từ đây, phóng tầm mắt về phía xa Nhơn Thành, ngọn tháp Vàng lấp ló sau màn sương mỏng khiến ai nấy đều thích thú.
Bên cạnh các hệ thống di sản văn hóa Champa nổi tiếng, An Nhơn còn có các trung tâm sản xuất gốm đó là Gò Sành (Nhơn Hòa), Trường Cửu (Nhơn Lộc), Gò Cây Me (Nhơn Mỹ). Đi qua những ngôi làng mang vẻ đẹp mộc mạc thôn quê, vết tích người xưa còn lưu dấu trên những mảnh sành đỏ dễ làm xiêu lòng người thích khám phá vẻ đẹp nguyên sơ!
… giàu trầm tích
Đến một vùng đất bất kỳ ở An Nhơn, khách xa dễ tìm thấy những điều thú vị của văn hóa, cảnh quan và con người nơi ấy. Ví như về Nhơn Phúc chẳng hạn, sẽ thấy vẻ đẹp của một “thị tứ giữa làng quê” với bao cảnh sắc. Ngoài những lò võ cổ truyền nức danh, còn in dấu trong câu “roi Thuận Truyền, quyền An Thái” thì Nhơn Phúc có nhiều di tích văn hóa, tâm linh mang đậm nét cổ xưa và các làng nghề truyền thống lâu đời. Ở đây, có nhiều chùa được xây dựng lâu năm như di tích Chùa Bà (hay Ngũ bang Hội quán), thờ Thiên Hậu thánh mẫu, xây cách nay gần 150 năm bởi cộng đồng người Hoa. Đây cũng là nơi người An Thái xưa hay tổ chức lễ hội Đổ Giàn. Nhơn Phúc còn có nhiều ngôi chùa cổ kính được xây lâu đời như chùa Bà Hỏa, chùa An Hòa, miếu Quan Thánh (chùa Ông). Đặc biệt, Nhơn Phúc có di tích nhà thầy giáo Trương Văn Hiến (ở thôn Thắng Công), người có công rèn văn luyện võ, bồi đắp tư tưởng và chí hướng cho ba anh em nhà Tây Sơn. Nơi đây, từng có làng nghề rèn chiêng Mỹ Thạnh nức tiếng. Giờ đây, dù người gò chiêng vắng bóng, nhưng hậu duệ năm xưa làm nên làng chiêng một thuở vẫn còn sinh sống tại làng với bao câu chuyện về nghề gò chiêng khiến du khách thích thú. Chiều xuống, ghé qua bãi bồi dọc sông Côn tại An Thái, những vỉ bánh tráng, vỉ bún với sắc trắng vàng hòa điệu được xếp ngay ngắn phơi dọc bờ sông. Đứng trên cầu An Thái, ngắm cảnh làng quê yên bình, bạn muốn hít căng lồng ngực khí trời dịu mát, tự thấy lòng nhẹ nhõm, bình yên đến lạ. Ở thôn Hòa Mỹ, còn có khu vườn gần 30 cây kơnia (cây cầy) cả trăm tuổi là điểm check in những bức ảnh đẹp như ở giữa cao nguyên.
Thị xã An Nhơn được mệnh danh là “đất trăm nghề” với nhiều làng nghề nổi tiếng trải dọc đôi bờ sông Côn và phân bố ở các xã, phường. Qua trăm năm biến đổi thời gian, nhiều làng nghề vẫn lặng lẽ một sức sống. Người phương xa còn nhớ đến An Nhơn với rượu Bàu Đá, bún Song Thằn, gốm Vân Sơn, cốm An Lợi, nón lá Gò Găng, đan đát Quang Quan, mai Thanh Liêm – Háo Đức, bánh tráng Trường Cửu… An Nhơn cũng là nơi giàu truyền thống nghệ thuật hát Bội, Bài chòi với những danh ca nổi tiếng một thời như Hoàng Chinh, Lệ Siềng, Long Trọng, Tư Cá… Hiện tại còn đoàn nghệ thuật tuồng Nhơn Hưng của NNƯT Minh Lưỡng.
Những chùa chiền mang nét đẹp kỳ vĩ như chùa Thiên Hưng, cổ kính rong rêu với bao giai thoại, huyền tích như chùa Thập Tháp hay phảng phất đâu đó nhắc gợi về Champa với hai pho tượng xưa ông Đen ông Đỏ như chùa Nhạn Sơn cũng là những điểm đến lý thú trong hành trình du khách tìm về vùng đất cố đô xưa.
Theo ông Tô Hồng Phương, Trưởng phòng VH&TT thị xã, An Nhơn có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Hiện tại, thị xã có 7 di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia: Thành Hoàng Đế, Tháp Cánh Tiên, Chùa Thập Tháp, Tháp Phú Lốc, Lò gốm cổ Gò Sành, Chùa Nhạn Sơn, Thành Cha; 12 di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh, trong đó có 2 di tích lịch sử – văn hóa đang đề nghị nâng hạng cấp quốc gia là Mộ tập thể chiến sĩ Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 12, Sư đoàn Sao Vàng) và Khu di tích Chi bộ Hồng Lĩnh; 5 di tích lịch sử – văn hóa đang được đề nghị xếp hạng. An Nhơn có nhà thờ Kim Châu được công nhận là công trình kiến trúc tiêu biểu có giá trị lịch sử, có danh thắng Hồ Núi Một. Đặc biệt, thị xã An Nhơn là nơi có nhiều làng nghề truyền thống nhất tỉnh hiện nay với hơn 20 làng nghề đang hoạt động.
Điều dễ thấy là cảnh đẹp, những di tích lịch sử, làng nghề nằm khá gần nhau. Chính điều đó là một lợi thế cho việc tạo liên kết chuỗi trong hoạt động du lịch. An Nhơn đang xúc tiến mời gọi các tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm và năng lực về tài chính đầu tư. Đặc biệt là xây dựng Khu du lịch sinh thái Hồ Núi Một – nơi có vẻ đẹp nguyên sơ, thơ mộng gắn với tổ chức các hoạt động du khảo về nguồn tại di tích lịch sử Khu Căn cứ cách mạng An Trường; xây dựng khu vui chơi – giải trí dọc sông Trường Thi, Công viên Hồ Sen xã Nhơn Hậu, Công viên Văn hóa – du lịch làng nghề truyền thống Châu Thành phường Nhơn Thành, Khu dịch vụ du lịch sinh thái ven sông Tân An phường Bình Định. Tiếp tục quảng bá giá trị văn hóa các làng nghề truyền thống để phát triển du lịch (Rượu Bàu Đá – Nhơn Lộc; bún bánh An Thái – Nhơn Phúc; gỗ mỹ nghệ – Nhơn Hậu; rèn Tây Phương Danh – Đập Đá; Mai cảnh – Nhơn An, Nhơn Phong; Nón lá Gò Găng – Nhơn Thành) kết hợp với tham quan du lịch, giới thiệu các món ăn đặc sản có tại địa phương: bún Song Thằn, bánh ít, bánh xèo, bánh hỏi, bánh ướt, cốm nếp…
Ông Tô Hồng Phương cho hay: Những thành tựu đạt được của hoạt động du lịch là tiền đề để du lịch tiếp tục phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã trong những năm tới. Tuy nhiên, việc kết nối các điểm di tích lịch sử, lò võ cổ truyền, các lễ hội truyền thống của địa phương với các tuyến, điểm du lịch của tỉnh còn hạn chế và chưa đồng bộ, khách du lịch đến tham quan dài ngày, nghỉ dưỡng chưa nhiều. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phục vụ du lịch chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ phát triển du lịch. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn hạn chế, chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Những hy vọng…
So với một số địa phương khác, ngành du lịch An Nhơn vẫn còn khá khiêm tốn. Năm 2016 lượng khách du lịch đạt 18.000 lượt khách, đến năm 2020 đạt 23.000 lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân 6,3%/ năm. Doanh thu du lịch năm 2016 đạt 500 triệu đồng, đến năm 2020 đạt 2.100 triệu đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 43,2%/ năm. Ban Thường vụ Thị ủy An Nhơn đã xác định tập trung khai thác những tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch thị xã, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của thị xã đến cuối năm 2025. Theo ông Đặng Vĩnh Sơn, Bí thư Thị ủy An Nhơn, thị xã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, lượng khách du lịch đến với thị xã đạt 60.000 lượt/năm; có nhiều khách sạn được xếp hạng, nhà hàng được chứng nhận đủ điều kiện phục vụ khách du lịch; thị xã phối hợp với Sở Du lịch và các đơn vị liên quan liên kết tổ chức các tuyến du lịch nội tỉnh; mở từ 3 – 4 tuyến du lịch nội thị như: Phường Bình Định – Nhơn Phúc – Nhơn Lộc – Nhơn Tân; Phường Bình Định – Đập Đá – Nhơn Hậu – Nhơn Mỹ; Phường Bình Định – Nhơn Thành – Nhơn Mỹ; có từ 3 – 5 sản phẩm hàng lưu niệm từ các làng nghề truyền thống và 3 – 5 món ăn đặc trưng của địa phương phục vụ việc mua sắm, thưởng thức của khách du lịch; xây dựng môi trường du lịch trên địa bàn thị xã đạt yêu cầu 4 tốt (dịch vụ tốt, an ninh tốt, môi trường tốt, quan hệ cộng đồng tốt), 3 không (không “chặt chém”, không giành giật khách, không ăn xin).
ĐỨC LINH
(Văn nghệ Bình Định số 104 tháng 12.2021)