Năng động Đập Đá

(VNBĐ – Bút ký). Có một sự ngẫu nhiên: Đại hội Đảng bộ phường Đập Đá lần thứ XV nhiệm kỳ 2020 – 2025 diễn ra đúng vào dịp 70 năm ngày thành lập đơn vị hành chính mới không mang tên có chữ “Nhơn” như các xã của huyện An Nhơn lúc bấy giờ, mà mang tên Đập Đá, lấy tên con đập dâng Thạch Đề (nghĩa là Đập Đá) nằm trên dòng sông Thạch Yển, gần chợ Thạch Yển xưa.

Ngược dòng lịch sử, cuối tháng 5.1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta được nửa chặng đường, do yêu cầu huy động tối đa nguồn lực phục vụ kháng chiến – kiến quốc, vùng đất nghề phía đông bắc xã Nhơn Hậu (Phương Danh, Bả Canh, Bằng Châu, Mỹ Hòa) được tách ra để thành lập đơn vị mới: Đập Đá, do tính chất đặc thù xứ nghề nên trực thuộc tỉnh quản lý. Nhơn Hậu và Đập Đá cùng mẹ nằm giữa hai nhánh sông Côn là dòng Thạch Yển và dòng La Vỹ, ôm gọn quần thể các di tích văn hóa – lịch sử cấp quốc gia xung quanh thành Hoàng Đế.

Tên gọi Đập Đá tồn tại 70 năm nhưng bề dày lịch sử – văn hóa của vùng đất thì ngàn năm có dư. Từ kinh thành Đồ Bàn là đế đô của vương quốc Chămpa, đến thành Hoàng Đế kinh đô của vương triều Thái Đức – Nguyễn Nhạc. Xuất phát từ đại bản doanh này, bộ chỉ huy quân Tây Sơn đã lãnh đạo đại binh chinh Nam, phạt Bắc, thống nhất sơn hà, chấn hưng đất nước.

Nằm dưới chân thành Hoàng Đế và trên con đường thiên lý Bắc – Nam, Đập Đá là nơi giao thoa nhiều nền văn hóa, tụ cư của nhiều tộc người và hội tụ làng nghề. Từ những lớp lưu dân ở các tỉnh phía Bắc xuôi vào Nam mở đất lập nghiệp, những nghề truyền thống cũng theo chân các nghệ nhân vào đây truyền nghề và phát triển thành đất nghề. Đến cuối đời nhà Minh, đầu đời nhà Thanh người Hoa sang nước ta tìm đất lành để mưu sinh, góp phần lập làng nghề phố chợ hưng thịnh. Chốn kinh kỳ xưa vì thế đã sớm hình thành đất trăm nghề không chỉ phục vụ cho vua quan, binh lính mà cho cả thứ dân và đóng góp vào các cuộc khởi nghĩa, kháng chiến của dân tộc.

Mảnh đất này không ít sĩ phu yêu nước, người lao động và đông đảo trai tráng đã tích cực tham gia phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, phong trào Cần Vương chống Pháp, phong trào chống sưu thuế. Trong kháng chiến chống Pháp, Đập Đá như một đại công xưởng, tổng kho hậu cần, cung cấp hàng hóa cho cả Liên khu 5, nhất là vải may quần áo bộ đội, nông cụ phục vụ sản xuất, xe đạp cải tiến cho dân công thồ hàng ra chiến trường và vũ khí thô sơ trang bị cho bộ đội và du kích để chiến đấu.

Lớp người xưa nay hiếm không thể quên hình ảnh đồng chí Phạm Văn Đồng và cụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ về thăm và mở hội nghị “Diên Hồng” tại Trường hát Đập Đá, phổ biến đường lối kháng chiến toàn dân toàn diện cho cán bộ chủ chốt toàn Liên khu, kêu gọi đồng bào đứng lên cùng cả nước đánh thực dân Pháp giành thắng lợi. Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đồng chí Lê Duẩn và Nguyễn Duy Trinh thay mặt Trung ương và Liên khu ủy về tại Bả Canh truyền đạt nghị quyết của Trung ương cho cán bộ cốt cán về chuyển hướng đấu tranh cách mạng ở miền Nam. Cầu Đập Đá (cũ) được chọn làm ranh giới bàn giao cho đối phương, nhân dân lưu luyến đưa tiễn hàng trăm cán bộ lên đường rời cảng Quy Nhơn tập kết đợt cuối cùng.

Trong kháng chiến chống Mỹ đầy hy sinh gian khổ, là địa bàn nằm ngay quốc lộ I, sát quận lỵ và cửa ngõ Quy Nhơn, nhưng là nơi cơ sở Đảng được phục hồi sớm nhất trong huyện, lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng. Nơi đây luôn là chiến trường trọng điểm của các chiến dịch lớn, nhất là chiến dịch Đồng Khởi đầu năm 1965, chiến dịch Xuân Mậu Thân -1968 và chiến dịch Mùa Hè đỏ lửa – 1972, đóng góp sức người, sức của đáng kể cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Sau khi hòa bình lập lại, Đập Đá là một trong những xã được Nhà nước xét phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân sớm nhất trong huyện, vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hơn 45 năm xây dựng và phát triển, nhất là thời kỳ đổi mới, qua thực tiễn, Đập Đá đã tự khẳng định tiềm năng, thế mạnh và những thành tựu, cùng khó khăn, tồn tại, hạn chế trong quá trình đi lên. So với các địa phương trong huyện, thì đây là nơi đất hẹp nhất, dân đông nhất, nên mật độ dân số dày nhất nhưng làm ăn năng động nhất.

Hai vạn dân mà sống trên 500 hecta, trong đó đất canh tác chỉ có 200ha, dù đã chủ động chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống lúa mới sớm nhất trong huyện, đạt năng suất và sản lượng lương thực khá cao, nhưng cũng chỉ giải quyết cái ăn, con đường đi lên và làm giàu chỉ có thể là mở mang ngành nghề – dịch vụ. Từ quan điểm tích cực và xác định hướng đi đúng, Đập Đá đã vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào điều kiện cụ thể, phát huy lợi thế, tiềm năng xứ nghề, nhanh chóng sắp xếp, phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại – dịch vụ, gắn với thị trường cả trong nước và ngoài nước. Tìm cách vực dậy một số ngành nghề truyền thống và phát triển nhiều ngành nghề mới có khả năng trụ vũng và nâng cao sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường.

Hiếm có nơi nào được lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước về thăm và động viên nhiều như Đập Đá, từ Chủ tịch nước Võ Chí Công, Phó Chủ tịch nước Chu Huy Mân, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị… Cán bộ, đảng viên và nhân dân Đập Đá luôn ghi nhớ và thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư Đỗ Mười về thăm vào đầu năm 1996, gói gọn mấy chữ: “Đập Đá đã khá càng phấn đấu cho khá và giàu hơn”.

Năm 1997, xã Đập Đá được nâng lên thị trấn, một đô thị đầy sức sống, càng năng động trong thời kỳ đổi mới. Cụm công nghiệp Gò Đá Trắng do địa phương xây dựng và quản lý là mô hình đầu tiên trong tỉnh, xuất phát từ yêu cầu sắp xếp theo ngành nghề sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, từng bước giải quyết vệ sinh công nghiệp và ô nhiễm môi trường. Từ quy mô sản xuất kinh doanh và cung cách làm ăn năng động, hiệu quả nên Đập Đá được xác định là vùng kinh tế động lực của cả chuỗi đô thị An Nhơn, góp phần tích cực cho quá trình đô thị hóa toàn huyện.

Từ cuối năm 2011, An Nhơn từ một huyện đồng bằng trở thành thị xã, mà sự đóng góp của Đập Đá rất quan trọng vào tiến trình đô thị hóa. Là một trong 5 phường nội thị (Đập Đá, Bình Định, Nhơn Hưng, Nhơn Thành, Nhơn Hòa), trong đó phường Bình Định là trung tâm chính trị – hành chính, phường Đập Đá là trung tâm kinh tế với vai trò động lực cho cả vùng. Đập Đá càng có điều kiện phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp, lấy năng suất và hiệu quả làm thước đo.

Báo cáo tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 vào hai ngày 28 – 29.5.2020, cho hay, bình quân trong 5 năm (2015 – 2020) tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,5%. Sở dĩ tăng trưởng, phát triển bền vững là nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng ngành nghề – dịch vụ. Đến cuối nhiệm kỳ giá trị sản xuất công nghiệp – dịch vụ chiếm đến 98% (công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp 46%, thương mại – dịch vụ 52%), giá trị nông nghiệp chỉ còn 2%. Giá trị công nghiệp – dịch vụ chiếm tuyệt đối trong nền kinh tế của phường Đập Đá là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình đô thị hóa và làm giàu cho quê hương, góp phần làm giàu cho đất nước.

Tập trung cho phát triển kinh tế, đầu tư chỉnh trang đô thị, đồng thời giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, đặc biệt quan tâm an sinh và phúc lợi xã hội, nhất là người có công với nước và đối tượng dễ bị tổn thương. Các chỉ số hưởng lợi của người dân không ngừng được nâng lên: thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 70 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên 80%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 90%, 100% khu vực đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa…

Nghề rèn truyền thống Tây Phương Danh. Anh: S.P

Đảng bộ phường Đập Đá cũng đã đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm cho nhiệm kỳ 2020 – 2025 là: Tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế đạt tăng trưởng bình quân trong 5 năm tới từ 14,5 – 15%. Trong đó thương mại – dịch vụ tăng từ 20 – 21%, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tăng từ 3-4%, nông nghiệp giữ vững như hiện nay. Đặc biệt là nâng cao hơn nữa giá trị thương mại – dịch vụ đạt tỷ trọng từ 52% lên 58% trong cơ cấu kinh tế phường. Tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa – thể dục thể thao; y tế; giáo dục; giữ vững quốc phòng – an ninh và trật tự xã hội; củng cố và kiện toàn hệ thống chính trị vững mạnh.

TRẦN DUY ĐỨC

(Văn nghệ Bình Định số 104 tháng 12.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Góp lửa cùng đồng đội

Trong chiến tranh và cả trong thời bình, những người lính quân khí luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, sát cánh cùng các binh chủng khác hoàn thành sứ mệnh lịch sử…

Soi trong mắt trẻ…

Bằng tình yêu thương, sự quan tâm chân thành, những người lính đã làm cha, làm mẹ “đỡ đầu”, tạo thêm điểm tựa tinh thần để các trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn vững tin đi về phía trước…

Trở lại Trung đoàn 739

Tôi có dịp trở lại với Trung đoàn bộ binh 739 vào những ngày nắng tháng Tám… Thấm thoắt đã 10 năm trôi. Đường vào không phải băng qua con đường đất bụi mù…

Trọn tình yêu với đảo xanh

Tôi may mắn có chuyến đi thực tế đến Đại đội Hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh lần thứ hai, sau gần 10 năm. Bao cảm xúc thân quen chợt ùa về khi chiếc tàu vừa cập cầu cảng…