(VNBĐ – Truyện ngắn).
1.
– Này Nguyên, em biết vì sao chị ấy tháo chạy rồi.
Tôi chuyển sự tập trung từ màn hình laptop sang bên cạnh, nơi Du đang ngồi. Ngón tay Du chuyển động rất khẽ trên ô giấy bé xíu được cố định thẳng thớm, đối lập hoàn toàn với sự lộn xộn của phần còn lại trên bàn nào bản vẽ, cọ, và những tuýp màu với đủ mọi kích thước. Du vẫn đang tô màu, tỉ mẩn kéo từng vệt nước trắng trên nền chiếc váy màu xanh cobalt để tạo hiệu ứng hoa hồng xanh – niềm tự hào của đội thiết kế năm nay. Tôi lại nhìn xung quanh, tất cả mọi người vẫn chăm chú vào công việc trước mắt, hồ như không nghe thấy những gì Du nói. Có vẻ Du chỉ nhắc đến, rồi để đó. Em biết giờ không phải là lúc để nói về những chuyện như vậy. Nhưng Du thường đột ngột mở lời với tôi về một câu chuyện phải thảo luận rất dài theo cách như thế, mở đầu bằng “Này Nguyên”, khi có rất nhiều người xung quanh, như đoạn teaser phim chỉ thấp thoáng bóng đen, không nhìn rõ mặt hung thủ. Những lúc đó tôi không thể biết rốt cuộc Du muốn nói gì. Không ai đoán được những ý tưởng đang có trong đầu Du. Nhưng tôi luôn biết ơn khi Du cho tôi sự chuẩn bị.
Lần đầu tiên Phong trình chiếu hồ sơ của Du ở buổi họp, tôi đáp lại cậu ấy bằng một cái lắc đầu. 26 tuổi, từng làm việc tại 14 công ty, không nơi nào Du ở lại quá 6 tháng. Cả phòng bật cười. Chẳng lẽ một người lý trí như Phong lại bị cô gái trẻ măng này nắm thóp ở buổi phỏng vấn? Phong nhún vai, click qua những bức ảnh tiếp theo. Tất cả im bặt. Những bản vẽ xuất sắc, có vài tấm thật sự quen mắt, hình như tôi đã thấy đâu đó trong báo cáo của cấp dưới về những chiến dịch thành công nhất năm. Tôi liếc mắt sang Phong, lần này cũng 6 tháng? Chưa biết được, có thể ít hơn, Phong đáp. Tôi mở calendar trên laptop, 6 tháng sau vừa khớp với thời điểm diễn ra showroom. Tôi tặc lưỡi, nhìn ảnh cô gái nhỏ xíu có mái tóc xoăn xù trên slide. Sự tối giản trong quần áo và kém chuẩn mực trong phong cách cá nhân. Lại một người khao khát tự do nữa ư? Thế giới này làm sao vậy? Nhưng nhìn lại lịch trình, thấy mọi thứ như được sắp đặt hoàn hảo, chỉ thiếu đúng một họa sĩ minh họa thời trang sẵn sàng đi làm trong văn phòng, tại sao không? Vậy là Du vào công ty tôi.
Du không nói nhiều, đeo tai nghe gần như 24/7, có sức tập trung không gì kéo ra nổi. Nhưng khi ai đó đến gần vì bất kỳ lý do gì, hỏi mượn cây cọ, xin lời khuyên về mẫu vẽ, hoặc góp ý cho Du, em sẽ tháo headphone màu trắng to đùng, cười rất tươi với người đối diện. Không ai biết Du nghĩ gì, nhưng cũng không ai ghét em. Thảng hoặc, Du dừng bút rất lâu, quyết định rời khỏi bàn, đi đâu đó. Nửa tiếng sau, em trở về tới tâm trạng hoàn toàn khác, trên tay cầm cốc cà phê mua ở tiệm cách công ty 30 phút đi bộ. Sao Du không dùng máy pha cà phê, tôi tự hỏi.
Du chuyển về thành phố vào đúng ngày đi làm đầu tiên, không có bạn bè, nên khái niệm cuộc-sống-sau-giờ-làm-việc gần như không có. Tôi có một căn hộ để trở về, nhưng sợ chạm phải nỗi cô đơn ở nơi đã từng vô cùng ấm áp. Kết quả là, vào những ngày bận bịu nhất, tôi lấy cớ ăn ngủ ở văn phòng, bất cứ khi nào rời mắt khỏi những con số trên màn hình và nhìn ra bên ngoài lớp cửa kính, cũng thấy Du đang miệt mài vẽ. Mọi người luôn ra về sau khi ăn pizza, lúc nào cũng thế, chỉ có Du và tôi ở lại. Thường là hơn mười giờ, tôi nghe tiếng bíp bíp từ máy chấm công. Du ghé đầu vào phòng tôi, chào tạm biệt và hẹn gặp lại vào hôm sau. Nhìn từ xa, trông Du giống hệt Đan. Suy cho cùng, tôi và Du không có lý do gì để trò chuyện nhiều. Thế nên trong trí nhớ của tôi, Du chỉ là một cô gái luôn ngồi ở vị trí đó, vừa khít một ô cửa kính, như đoạn video bị tắt tiếng được quay ở chế độ time-lapse. Những tưởng mình đã quên mất dáng vẻ của Đan, nhìn Du, tôi biết tôi vẫn chưa quên bất kỳ điều gì.
Lần đầu tiên Du bắt chuyện với tôi, là ngày tôi nhận được thư của Đan. Phong thư mỏng dính nằm trên bàn, lạc loài so với tất cả những món đồ còn lại. Người ta có rất nhiều cách để liên lạc lại với nhau, bằng những phương tiện thông dụng và ít bất thường hơn. Điện thoại. Email. Mạng xã hội. Nhưng Đan gửi cho tôi một lá thư. 2 năm không liên lạc, rốt cuộc Đan muốn gì?
– Anh Nguyên uống cà phê nhé?
Du đẩy cánh cửa nặng trịch và ló đầu vào, bên ngoài đã tắt hết điện. Tôi nhìn đồng hồ, 11 giờ kém. Vậy là tôi đã ngủ quên gần 3 tiếng. Không đợi tôi trả lời, Du chạy đi, rồi trở lại phòng với một khay cà phê và bánh quy. Tôi nhìn phong thư trên bàn và con dao rọc giấy trong tay mình, tự hỏi tại sao tôi phải chần chừ đến mức này. Đan muốn gì, tôi sẽ có ngay câu trả lời sau khi dứt khoát rọc một đường. Nhưng cả ngày hôm nay, tôi chẳng làm được gì khác ngoài việc sững sờ nhìn lá thư trước mắt, và nhớ Đan. Du đặt cà phê và bánh lên bàn, giật con dao rọc giấy từ tay tôi, rạch một đường trên mép phong thư. Mọi chuyện xảy ra nhanh đến mức tôi không kịp phản ứng, đến khi nhận ra thì Du đã đặt mọi thứ ngay ngắn xuống bàn, dặn tôi nhớ tắt đèn trước khi ra về, và mất hút sau cánh cửa. Đột nhiên, Du trở lại là Du, không còn là hình ảnh tái hiện của Đan, cũng không còn là cô gái trong đoạn phim time-lapse. Tôi như biết Du lần đầu tiên. Còn Du, như một người lạ đột nhập vào không gian riêng tư mà ngay cả chủ nhân của nó cũng e dè, mở tung cánh cửa dẫn về quá khứ mà tôi không bao giờ muốn nhìn lại. Tương tác kỳ quặc và chớp nhoáng giữa mình và cô gái trẻ khiến hình ảnh của Du trong tôi không còn giống với bình thường – một nhân viên cấp dưới khác phòng. Tôi bỗng tự hỏi, ngày đi làm hôm sau, liệu Du có chào tôi như trước nay? Lần bối rối tiếp theo của tôi, liệu Du có đột ngột bước vào không gian riêng tư, nhìn sự chần chừ của tôi bằng con mắt mất kiên nhẫn, và một lần nữa chấm dứt nó?
2.
10h33’ sáng. Du đến văn phòng rất trễ, ôm theo một chồng tài liệu đủ các thể loại tạp chí, catalog, đồ án tốt nghiệp của sinh viên các trường. Có tiếng lao xao bên ngoài. Cậu thực tập sinh phòng thiết kế lao đến, khoác vai Du thân thiết, lựa vài quyển tạp chí đem về bàn. Đám đông vãn ra, Du nhìn xấp tư liệu với vẻ chán nản. Có vẻ sưu tầm tư liệu không phải ý của em. Điện thoại bàn reo khiến tôi giật mình. Khoảnh khắc đó, tôi chợt nhận ra từ sáng đến giờ mình chẳng làm gì cả, ngoại trừ kiểm tra email đầu ngày, và nhìn chăm chăm về phía bàn Du, tìm kiếm nhân vật chính của bức tranh. Trưa đó, tôi thấy Du ngồi cắn móng tay ở hành lang, vẻ như đang rất tập trung vào bức tường xám xịt trước mắt. Tôi ghé mắt sang. Chỉ cần nhích qua trái một chút là ô cửa kính to nhìn ra con đường tài chính nhộn nhịp, vậy mà em ấy đang làm gì với bức tường tẻ ngắt trước mặt mình vậy?
– Đây là cách em suy nghĩ ý tưởng à?
Du giật mình vì sự xuất hiện đột ngột. Tôi ngồi xuống, nhìn vào bức tường.
– Em đang nhìn cái gì ở đây?
– Em.
– Em?
– Anh Nguyên nhìn anh bằng cách nào? Ngoài đó ư? – Du hất đầu về phía ô cửa, hướng ra khu vực sầm uất nhất thành phố – Anh sẽ chỉ thấy người khác thôi. Không có anh trong đó.
Tôi bất động trước câu hỏi của cô gái, bất giác bóp chặt chiếc cốc giấy trên tay lúc nào không hay. Rốt cuộc, tôi không biết câu nói của Du đã chạm vào phần nào của mình. Nhưng tôi bực tức một cách vô cớ. Có lần, người sếp đầu tiên của tôi đã uống rất say, và lảm nhảm với tôi vài câu không giống với ngày thường: “Hãy cẩn thận, Nguyên. Đừng để người khác thôi miên cậu. Thời đại bây giờ, người ta không tìm một ông thầy sống trong căn nhà gỗ ở cánh rừng vắng vẻ nhất đất nước để thôi miên người khác nữa. Bất kỳ ai cũng có thể là một kẻ thôi miên”. Tôi nhìn sang Du, mắt Du bình thản như đang ngắm nhìn một hồ nước. Những ngày Đan chạy về nhà, đóng sầm cửa lại và khóc, từ chối mọi sự giúp đỡ và giao tiếp từ tôi, em có nhìn vào bức tường như Du không?
Những ngày sau đó, khi đồng nghiệp đều đã về hết, tôi nhắn tin hỏi Du muốn ăn gì, rồi đặt thức ăn cho cả hai. Bàn vẽ luộm thuộm của Du trở thành nơi làm việc của tôi sau 7 giờ tối. Du tuyệt nhiên không hỏi gì về bức thư nữa, chỉ kể tôi nghe những câu chuyện ngắn ngủn đứt đoạn về công việc và những con người em gặp khi làm việc ở phía Bắc. Du bận túi bụi. Có những lúc tắc ý tưởng, cả ngày chẳng vẽ được gì. Tôi kiên nhẫn đợi đến 12 giờ khuya, lái xe ngược đường 30 phút đưa Du về. Nhà của Du, tôi chưa lên một lần, nhưng để ý thấy trên ban công tầng hai trồng rất nhiều dạ yến thảo. Tối cuối tuần, cô bạn đồng nghiệp vào phòng, nhẹ nhàng chỉnh nếp gấp trên sơ-mi của tôi như thói quen nhiều năm, thỏ thẻ về một nhà hàng mới mở ở gần công ty. Tôi lịch sự từ chối, ăn KFC với Du trên ban công tầng cao nhất tòa nhà. Du nhìn những vệt sáng đang chuyển động phía dưới, nói với tôi rằng em không chỉ giam mình vào không gian kín hay nhìn những bức tường trơn để thấy rõ bản thân hơn; mà đôi khi em cũng nhìn cuộc sống bên ngoài, để thấy rằng nó vẫn tiếp diễn, tuần tự và trơn tru, bình lặng và kín kẽ, dù có em tham gia vào hay không. Sự bình ổn thường trực và có phần quá tuổi của Du khiến tôi nhớ đến những lời Đan viết trong thư. “Cuối cùng em cũng ổn rồi, Nguyên”. Lời thừa nhận không làm tôi an lòng, ngược lại, một lần nữa đẩy tôi vào sự bối rối khó hiểu. Tôi ghét ranh giới mập mờ này. Khi Đan ôm tôi ở sân bay và khóc rất nhiều, tôi chưa bao giờ hiểu tại sao Đan lại đột ngột chuyển đi, bỏ lại tất cả sau lưng, bao gồm cả tôi. Rồi bây giờ thì sao? Khi tôi cứ ngỡ rằng cuốn tiểu thuyết đã khép lại từ rất lâu, Đan xuất hiện, không phải để mở đầu cho một chương mới, mà là để thông báo rằng cái kết mà tôi biết 2 năm về trước chưa phải là cái kết thực sự. “Cuối cùng em cũng ổn rồi” mới là cái kết thực sự. Mọi thứ đều ngoài dự liệu. Cô gái nào cũng như Đan sao? Khi hạnh phúc nhất, họ cũng sẽ bỏ đi, theo cái cách mà không ai có thể hiểu nổi, kể cả chính họ? Tôi nhìn dòng người đang chuyển động bên dưới, bất giác nhận ra rằng có vẻ như sau 2 năm, Đan đã hiểu chính mình rồi. Trong những con người vẫn bình thản đi lại, sinh hoạt, đấu tranh, sáng tạo dưới kia, có Đan. Còn tôi vẫn đứng đây, bối rối và lúng túng.
– Này Nguyên, anh là nostopphobia đúng không?
– Đó là gì?
– Người luôn sợ căn nhà của mình.
Du chống cằm nhìn tôi, nhíu mày như đứa trẻ con đang hỏi người lớn một bài toán khó. Ánh đèn trắng từ quán bar đối diện tòa nhà, hắt vào chỗ chúng tôi đứng. Du như đến từ chiều không gian khác, huyền ảo và mơ hồ, đẹp một cách lạ thường. Tôi kéo tay Du rời khỏi ban công, lái xe rất nhanh. Du ngồi đằng sau, bám chặt vào áo khoác, không thắc mắc gì cả. Đứng trước căn nhà mà tôi luôn tìm cách né tránh, chính tôi cũng bất ngờ với phản ứng của mình. Hóa ra tôi chẳng cảm thấy gì. Khi Du đặt câu hỏi về nostopphobia, thật kỳ lạ là tôi có cảm giác Du đang nói về ai khác, chứ không phải tôi, dù bất cứ ai thân thiết cũng biết rằng tôi đã trốn tránh căn nhà kể từ ngày Đan rời đi.
Tôi nhìn Du tháo nón bảo hiểm, chớp mắt trước căn nhà lạ lẫm, nhận ra rằng hình như chỉ cần Du ở đây, vết thương mà Đan để lại như được tiêm một liều Vinrolac.
– Em không định hỏi anh về bức thư?
Du ngồi im trên ghế, đặt cốc trà lên đùi, tay miết nhẹ trên những đường hoa văn. Tôi cười, mở ngăn kéo, đưa cho Du lá thư. Rồi tôi kể hết về Đan. Thật vô lý khi Du đã tình cờ tham dự vào câu chuyện này, từ từ tháo gỡ những nút thắt, khuấy loãng sự cô đặc bấy lâu trong suy nghĩ của tôi. Tôi không hiểu tại sao khi Du nhắc đến nostopphobia, bỗng nhiên, tôi không còn là một nostopphobia nữa. Có lẽ Du không tò mò về Đan. Có lẽ Du không thích vai trò này. Nhưng tôi vẫn muốn kể với Du. Tôi không biết thời gian đã trôi qua bao lâu. Nhưng tôi kinh ngạc về sự bình tĩnh của chính mình. Khi ngồi đây, cạnh Du, Đan hiện lên như nhân vật trong bộ phim lãng mạn cổ điển nào đó trên Netflix, hoặc đến từ một quá khứ xa xăm đến nỗi tôi không thể nhớ nổi mắt, môi, tóc. Tôi chỉ nhớ đã xảy ra chuyện gì.
Du nhìn quanh căn hộ tẻ nhạt, không có lấy một vật trang trí. Tôi cười, bảo rằng nơi này từng treo rất nhiều tranh, nhưng Đan đã mang đi cả rồi. Du mở túi, lấy ra một bức ảnh có viền màu trắng, dán lên mảng tường trống hoác. “Mùa thu đẹp đúng không? Em chụp nó khi đang ngồi trong công viên, vào ngày làm việc cuối cùng ở phía Bắc”. Rồi Du cười. Khoảnh khắc đó, tôi như tan ra.
3.
– Em biết vì sao Đan bỏ chạy?
Du xoay người lại, lắc lắc chai bia trên tay. Khi mùa đông bắt đầu lạnh hơn, tôi thường chui vào pantry trên văn phòng, lấy vài chai bia, rồi chở Du đến một nơi bất kỳ trong thành phố. Không quan trọng là ở đâu, vì chẳng ai ra đường cả. Hôm nay cũng vậy, bãi biển vắng tanh, hàng quán cũng đã dọn hết. Du một mực đòi ngồi thật sát mép nước, vì nếu bị ướt thì sẽ vui lắm, em nói. Tôi cởi tất, quăng vào balo, chiều theo mọi đòi hỏi vô lý nhưng nhỏ nhặt. Kể từ lúc nói với tôi rằng em biết tại sao Đan bỏ chạy, đã 5 ngày, Du không nhắc gì về chuyện đó nữa. Tôi nhìn Du ngồi cạnh mình, hiện hữu và chân thật, tự nhắc bản thân phải luôn tỉnh táo với tình cảm. Nếu Du không đột nhiên nhắc đến Đan, không đời nào tôi hỏi em vấn đề đó.
– Bốn năm trước, ngày đầu tiên đi làm, em hào hứng chạy trên con phố tài chính. Lúc qua đường, em thấy những đám đông ập tới. Họ mặc quần áo giống nhau, xách những chiếc túi tương tự nhau, gương mặt hao hao vì cùng kiểu trang điểm, hối hả lao về phía những khối kiến trúc hình chữ nhật thẳng đứng cao chọc trời. Em nhìn lại mình, thấy bản thân chẳng giống ai cả. Ngã tư trước mắt em như chỉ còn hai lối, buộc em phải lựa chọn: giống hay khác, ổn định hay tự do. Em không chọn được, vậy nên em bỏ chạy.
Du điềm tĩnh uống một hớp bia, kể câu chuyện quá khứ mà không nhìn tôi. Mắt Du buồn hệt như Đan. Tôi nhớ lại những lần cãi nhau, tôi đã lớn tiếng với Đan rằng anh đâu thấy có gì bất ổn, sao Đan luôn sợ hãi và chao đảo như thế. Tôi nhớ những lần đã an ủi Đan, rằng anh thấy tương lai vô cùng rõ ràng, vì thế Đan đừng lo lắng nữa. Đan nhìn tôi bằng ánh mắt bất lực, bảo rằng em chẳng nhìn thấy gì cả. Một đợt sóng ập vào bờ. Du khua khua chân trong làn nước, cười lớn. Tôi nhìn Du. Nhiều năm trước, khi Du va chạm với những người đã biết mình là ai, mình muốn gì, mình sẽ kiếm được bao nhiêu tiền, mình sẽ bị thế lực nào khống chế, Du cũng hoảng sợ như Đan ư? Tôi liên tưởng đến những con người mặc đồng phục, tình nguyện bước vào những cơ chế được thiết lập sẵn, an phận làm một con ốc, một bánh răng, một mắt xích để cả bộ máy chạy trơn tru. Tôi nhìn lại mình, sởn da gà khi những mô tả vừa rồi nói lên rất chính xác con người tôi. Tôi coi Đan như mảnh ghép còn thiếu của bức tranh. Tôi biết rất rõ Đan đứng ở đâu trong cuộc sống của tôi. Còn Đan, không thể định vị được em ở đâu trong thế giới xung quanh. Tôi nhìn thấy một tương lai vô cùng rõ ràng cùng Đan, nhưng em không nhìn thấy tương lai của chính mình.
Tôi vuốt tóc Du, không đặt thêm những câu hỏi. Tôi biết Du đã đọc thư của Đan, và nhìn thấy chính mình của nhiều năm trước. “Cuối cùng em cũng ổn rồi, Nguyên”. Câu nói của Đan vang lên lần nữa. Tôi cuối cùng cũng hiểu, sự bất ổn của những cô gái như Du, như Đan, là từ những người tôi mà ra.
Tôi đưa Du về, lần đầu tiên tự hỏi tại sao Đan luôn đứng giữa tôi và Du. Vẻ như mọi giao tiếp thật sự nghiêm túc giữa chúng tôi đều xoay quanh đúng một chủ đề. Vẻ như tôi chưa biết gì về Du cả, ngoại trừ những điều khiến em giống Đan. Sao chúng tôi không nói về những dự định lâu dài, về sở thích cố hữu, và hỏi thăm gia đình đối phương? Tôi nhìn Du qua kính chiếu hậu, mắt em vẫn lơ đễnh nhìn về phía xa. Biết bao nhiêu lần Du ngồi sau xe tôi, nhưng hình như chưa lần nào Du ngủ gục trên vai tôi cả. Tôi tự hỏi, liệu em có đồng ý đến công viên chơi vào mùa đông không. Chúng tôi sẽ ngồi dưới một gốc cây thật to nào đó và chụp một tấm hình. Tôi sẽ dán nó cạnh bức ảnh mùa thu. Viễn cảnh tốt đẹp khiến tôi bất giác mỉm cười. Ngày mai, khi đưa Du ra biển, tôi sẽ hỏi Du về công viên và bức ảnh đầu tiên.
Hôm sau, đồng nghiệp vây xung quanh bàn Du, mở champagne. Cậu thư ký mang theo chiếc nón đội bóng chày nổi tiếng nhất thành phố, đội lên đầu Du. Rồi mọi người bắt đầu ôm nhau. Tôi bước nhanh khỏi phòng, đi đến đám đông. Du nhìn tôi, mắt long lanh, bảo rằng dự án xong rồi, một tuần nữa là showroom diễn ra. Rồi em lắp bắp, em đã định nói với anh từ hôm qua, nhưng khuya quá. Tôi nhìn bàn làm việc đã được thu dọn cẩn thận từ lúc nào, nhận ra tấm vé máy bay. Cuộc họp nhân sự vài tháng trước như được tua lại. Phong đã cảnh báo tôi rằng cô gái này có thể ở đây không quá 6 tháng.
Tôi tức giận, lao khỏi công ty, dù không biết mình định đi đâu. Mười năm rồi, ngoài công ty và nhà, tôi không có nơi nào khác. Con đường tài chính như dài vô tận. Đâu đâu cũng một kiểu bố trí, với cây xanh hai bên đường, đều tăm tắp một cách có chủ đích. Khung cảnh này. Những con người này. Thế giới mà tôi yên ổn và hài lòng trong đó, thật sự không thể khiến những người như Du, như Đan yên lòng sao? Không biết bằng cách nào, tôi lái xe về nhà. Tôi ngồi bệt xuống sàn, nhìn rất lâu vào bức ảnh nhỏ xíu. Những đoạn đối thoại được tua lại. Tôi cảm thấy như bị phản bội. Hình như Du chỉ tò mò về người sếp trẻ tuổi không một lần nói chuyện, quyết đoán trong công việc nhưng chần chừ quá lâu trong việc mở một bức thư. Hình như Du chỉ muốn biết chuyện gì đã xảy ra, rồi khi đã tìm được đáp án, những câu hỏi mới, những con người mới lại thu hút em. Tôi rùng mình khi nhận ra một quy luật lặp lại. Một ai đó sẽ đến với tôi để giúp tôi giải quyết một vấn đề cũ, thế rồi chẳng bao lâu sau, họ sẽ rời đi, và để lại cho tôi một dấu chấm hỏi mới.
– Nguyên nghĩ em đang trốn à?
Trời đã tối, Du mở cửa, đến ngồi cạnh tôi. Tôi nuốt khan.
– Vì sao em phải đi?
– Em phải đi, giống như cách Nguyên phải ở đây vậy – Du quay sang, nhìn tôi kiên định – Nhưng em không trốn chạy. Em không đi vì sợ sự ổn định của Nguyên sẽ trói chân em. Em đi vì vốn dĩ em chưa từng nghĩ đến chuyện dừng chân. Nguyên không cần giống em, em cũng sẽ không giống Nguyên. Nguyên cứ ở trong sự tự do của mình, em cũng sẽ ở trong sự tự do của em.
Du quệt nước mắt, chỉ về phía bức tường, bảo rằng bức ảnh này sẽ nằm ở đây, chừng nào anh muốn tháo nó xuống thì thôi. Rồi Du nói gì đó về nơi sắp đến, hứa sẽ viết thư cho tôi, và trở lại thành phố khi có dịp. Tôi nhìn Du, để ý thấy hai bàn tay luôn dính những vệt màu không thể tẩy đi được, và chiếc máy ảnh to đùng luôn đặt sẵn trong túi xách. Tôi hiểu, tôi không thể giữ cô gái này trong thế giới của mình quá lâu.
– Du! – tôi gọi, trước khi Du bước qua cổng an ninh.
Du ngoảnh lại, mặt đỏ lên vì khóc.
– Khi nào thì anh nhận được lá thư đầu tiên?
Du bật cười. 2 tuần nữa, em hét lớn. Mặt trời mọc rồi. Tôi xoay người đi, về nhà, không cố giữ ai trong tương lai hoàn hảo của mình nữa.
KAORU
(Văn nghệ Bình Định số 103 tháng 11.2021)