(VNBĐ – Truyện ngắn).
Trên đỉnh núi Pu Sang bỗng xuất hiện một vị cao nhân. Tiếng đồn râm ran từ những người phu trầm lặn lội quanh năm suốt tháng trong rừng thẳm hoặc từ mấy thợ săn đêm đêm dõi mắt theo bóng con thú rừng trong cô tịch hoang sơ. Và cả người dân nghèo cơ cực vào núi kiếm củi về đổi từng bữa ăn lay lắt qua ngày. Thời buổi loạn lạc, không ít kẻ phạm tội với triều đình lẩn vào núi trốn tránh quan quân truy nã, hoặc những kẻ sĩ bất mãn thời cuộc tìm vào chốn non xanh nước biếc làm bạn cùng cây cỏ. Sẽ không có gì đáng nói nếu họ không chứng kiến việc lạ lùng ở vị cao nhân. Đêm trăng vằng vặc, vị cao nhân ra bờ suối ngồi trên phiến đá cất lên tiếng địch. Những thanh âm trầm bổng véo von len lỏi qua bóng cây bóng lá hòa với nhịp thở xào xạc của đại ngàn. Hươu, nai nghe tiếng địch ngẩn ngơ quên cả dòng nước óng vàng mát dịu. Hổ, báo nghển cổ đắm mình mê say quên cả việc săn mồi. Những buổi chiều nắng nhạt, vị cao nhân ngồi trên thảm cỏ xanh mềm xuôi theo triền núi ngâm thơ. Nghe thơ, những khóm hoa đủ sắc màu bần thần xao động. Chim chóc kéo về đậu trên cành mê mẩn, tuyệt nhiên không một tiếng hót. Dân trong vùng bán tín bán nghi xì xào bàn tán. Tiếng địch ấy, giọng thơ ấy thế gian này chỉ có một người: Cao Bá Quát. Tin về vị cao nhân kì lạ tới tai quan Tuần phủ tỉnh Sơn Tây. Không chần chừ, quan họp ngay các liêu thuộc bàn bạc.
– Cứ theo lời dân chúng đồn đại thì kẻ ẩn mình trong núi chính là hắn. Nhưng trận đánh tại huyện lỵ Yên Sơn vào tháng Chạp năm Giáp Dần, hắn đã bị suất đội Đinh Thế Quang bắn chết tại trận rồi mà.
Quan lãnh binh thưa:
– Bẩm Tuần phủ, chính tôi đã nhận diện tử thi. Tuy mặt hắn bị trúng đạn làm biến dạng nhưng căn cứ vào chiếc áo choàng xanh viền vàng duy chỉ có hắn mặc lúc ra trận cùng lời xác nhận của các loạn quân bị bắt, không thể nhầm được.
Quan Tuần phủ cau mặt, hàng râu mép giật giật:
– Ngươi dẫn một toán quân lên đỉnh Pu Sang bắt kẻ ấy về đây cho ta.
Viên Án sát sứ can ngăn:
– Thưa ngài, không được đâu. Lời của đám hạ dân nơi đầu thôn cuối xóm chưa thể xem là chứng cứ xác thực. Với lại, năm ấy, ngài bẩm báo về triều đã giết được hắn, nhà vua ban thưởng rất hậu, lại sai đem thủ cấp bêu khắp các tỉnh Bắc Kỳ. Thiên hạ đều biết. Nay lại đem quân đi bắt, việc vỡ lở ra, chuyện trước kia là dối vua hay sao? Tội ấy tày trời không khéo lại rước họa sát thân.
Quan Tuần phủ gặng hỏi:
– Theo ông phải làm sao đây?
Viên Án sát sứ đáp:
– Loạn quân đã dẹp yên. Kẻ trên đỉnh núi kia, nếu quả là hắn thì cũng chỉ thoi thóp chút hơi tàn, chui nhủi nơi rừng thiêng nước độc, không bỏ xác vì bệnh tật cũng làm mồi cho thú dữ, không đáng bận tâm.
– Ta giao cho ông theo dõi sự việc. Có gì bất ổn, bẩm báo ngay lập tức.
***
Đêm ấy, Thục Như trở mình trên giường. Nàng không sao chợp mắt. Khuê phòng vắng lặng. Ngọn đèn dầu leo lét trên bàn tỏa ra một quầng sáng vàng vọt hắt hiu. Nàng lại nhớ phu quân. Chàng tên Lê Bân, đã tụ nghĩa dưới cờ của Cao Bá Quát. Từ lúc ra đi đến nay đã được mấy năm. Xa xôi cách biệt, nàng mỏi mắt ngóng trông, thương nhớ đầy vơi. Phu thê nàng là đôi thanh mai trúc mã, cùng đèn sách, luyện võ ở nhà thầy. Hương tình bén đượm, phụ mẫu đôi bên tác hợp, nên duyên chồng vợ. Lê Bân lo trau dồi đèn sách, chờ đợi khoa thi, lúc rỗi rảnh cùng nàng làm thơ xướng họa, chơi đàn thưởng trăng. Lê Bân thích thổi sáo. Còn nàng mê đàn tranh. Lúc trăng đẹp, thường ra hoa viên hòa vài khúc nhạc. Tình phu thê ngày thêm mặn nồng…
Thao thức tới giờ Tý, nàng vừa thiu thiu, đột nhiên, cửa sổ khuê phòng bật mở. Lê Bân đứng ngoài nhìn vào, gương mặt u uất, môi mấp máy: “Ta lạnh lắm, nàng ơi! Ta muốn về!”. Thục Như vùng dậy, chạy vội đến áp mặt vào song cửa. Chàng đâu rồi? Bên ngoài tối đen, cây lá im lìm. Nàng cất tiếng gọi. Âm thanh đơn độc lạc lõng trong thanh vắng… Có đêm, trăng khuya nhợt nhạt, cảnh vật ảo mờ, nàng chợt thấy bóng dáng chồng thấp thoáng trên lối đi trong hoa viên. Nàng vội tới gần. Cái bóng quay lại, một màu trắng chập chờn. Nàng hoảng hồn đứng khựng lại. Bóng trắng mờ dần tan biến trong khói sương… Linh cảm mách bảo Lê Bân gặp chuyện chẳng lành. Lòng nóng như lửa đốt. Không quản đường xa vạn dặm, từ miền Trung, nàng quyết ra Bắc một chuyến để tỏ tường hư thực.
Bấy giờ ở huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh có người cháu thúc bá đồng đường gọi Cao Bá Quát là bá phụ. Vợ chồng hành nghề y. Cuộc khởi binh chống triều đình bị thất bại, Cao Bá Quát bị kết án tru di tam tộc. Để tránh tai họa, vợ chồng người cháu nhanh chân bỏ trốn đến huyện lỵ Yên Sơn, tỉnh Sơn Tây, thay tên đổi họ, chồng là Nguyên Bá, vợ là Tố Mai dựng ngôi nhà nhỏ, lần lựa sống qua ngày. Thời buổi loạn lạc, người dân tứ phương cơ cực đói khổ dắt díu tha phương cầu thực đến ngụ cư nhiều vô kể. Quan quân tra xét không xuể, đành phó mặc. Nhờ vậy, vợ chồng Nguyên Bá được yên thân. Tố Mai là thiếu phụ nhan sắc mặn mà. Hôm ấy, Tố Mai đem thuốc đến nhà người bệnh, không may giữa đường gặp Lão Nhị. Hắn là Chánh đội trưởng Suất thập, chỉ huy một cơ binh ở huyện Yên Sơn. Lão Nhị rất háo sắc, từng hãm hại biết bao thiếu nữ vô tội. Lão Nhị xem chừng đã quá chén, mặt đỏ nhừ. Thấy Tố Mai, mắt ngầu lên dâm dật, sấn lại ôm chầm lấy nàng. Tố Mai khiếp đảm, kêu thét lên. Vài người bộ hành sợ liên lụy cắm đầu hối hả chạy. Tố Mai giãy giụa vô vọng. May sao, Thục Như cũng vừa tới. Nghe tiếng kêu cứu, Thục Như rút gươm xông đến. Lão Nhị buông Tố Mai, lấy đao chống đỡ. Nhưng mới vài hiệp đã luống cuống rơi đao. Hắn đành hậm hực bỏ đi. Tố Mai bái tạ ân nhân và mời về nhà. Thục Như được phu thê Nguyên Bá đối đãi như thượng khách.
***
Thục Như tá túc nhà Nguyên Bá. Ngày ngày, nàng đi từ làng này sang làng khác lần dò tin tức chồng. Nàng tìm những nghĩa sĩ từng chiến đấu cùng Lê Bân. Chỉ có họ may ra mới biết. Nhưng không gặp một ai. Suốt một tuần trăng lặn lội khắp các đường làng ngõ xóm vẫn không có bất kì manh mối nào. Nàng thổn thức: “Phu quân ơi, thiếp biết tìm chàng nơi nào đây?”. Nàng thầm trách ông trời nỡ rẽ chia tình phu thê để nàng rơi vào cảnh ngộ như thế này. Cái định mệnh cay nghiệt ấy bắt đầu từ ơn tri ngộ của Cao Bá Quát với chồng nàng. Khoa thi Hương năm Tân Sửu (1841) tại trường thi Thừa Thiên, bài thi Lê Bân bị phạm húy. Nhưng nhờ Cao Bá Quát bấy giờ là quan sơ khảo đã dùng son hòa muội đèn chữa lại nên đỗ. Nào ngờ việc bị phát giác. Lê Bân bị hủy kết quả thi. Cao Bá Quát bị khép tội, xử trảm giam hậu. Những ngày ở kinh thành, Lê Bân lo lót cai ngục vào thăm Cao Bá Quát. Khi gặp, Lê Bân hỏi:
– Thưa ngài! Tôi với ngài không hề quen biết, vì sao ngài lại giúp tôi?
Cao Bá Quát ung dung trả lời:
– Vì ta tiếc tài ngươi. Văn chương, thi phú của ngươi xứng đáng đứng vào hàng khoa bảng, không vì một sơ xuất nhỏ mà mất đi cơ hội lập thân giúp nước.
Lê Bân cảm động quỳ xuống thưa:
– Dù chưa thỏa nguyện bước lên thang mây, nhưng ơn của tiên sinh, học trò nguyện khắc cốt ghi tâm. Tuy chưa làm lễ bái sư, cũng nguyện làm đệ tử. Xin ân sư nhận một lạy của học trò.
Cao Bá Quát nhận lời. Khi được tha, Cao Bá Quát nhận chiếu chỉ vua xuống tàu Phấn Bằng đi hiệu lực đến vùng Giang Lưu Ba đoái công chuộc tội, Lê Bân xin theo. Thầy trò càng gắn bó, giao tình thêm sâu đậm. Có lần, đứng trước mũi thuyền, thấy tàu đồng người Âu phun khói lướt vùn vụt trên mặt biển, vũ khí tân tiến của chúng, cảnh nô lệ lầm than cơ cực của người dân các xứ thuộc địa, Cao Bá Quát ngậm ngùi nói lời gan ruột:
– Dã tâm của bọn Tây Dương đã rõ, muốn thôn tính các nước nhỏ khu vực Đông Á này. Đại Nam ta rồi cũng không tránh khỏi. Nhưng triều đình hủ bại, đớn hèn, kỹ nghệ lạc hậu, vũ khí thô sơ, làm sao chống nổi bọn chúng. Trước sau gì ta cũng chịu cảnh nước mất, nhà tan. Phải làm gì trong lúc này đây?
Khi nói điều ấy, Cao Bá Quát chau mày lo lắng. Những vết nhăn hằn sâu trên trán. Lê Bân còn kể với nàng thi phú Cao Bá Quát danh chấn thiên hạ. Riêng tiếng địch thần sầu quỷ khốc, có một không hai. Mỗi lần nhắc đến Cao Bá Quát, Lê Bân bày tỏ sự khâm phục, ngưỡng mộ. Bởi vậy, khi nhận được thư gọi tham gia cuộc khởi nghĩa, không chần chừ, Lê Bân thu xếp hành trang, từ giã nàng, lên đường ngay.
***
Những ngày ở đất Bắc, Thục Như được nghe thêm nhiều lời truyền tụng về Cao Bá Quát. Dân gian kể rằng, khi dịch họa xảy ra, ngày này sang ngày khác, ông xắn quần xuống đồng cùng nạn dân đốt lửa xua đuổi đám châu chấu, bảo vệ mùa màng. Ông xót xa, than thở trước cảnh làng mạc xơ xác, tiêu điều, đồng ruộng trơ gốc rạ, rơi lệ trước những bà mẹ áo váy vá víu chằng đụp, bồng bế con thơ ốm gầy trơ xương, ngồi xệ bên vệ đường ngửa nón nài nỉ van lơn xin từng miếng ăn độ nhật. Cao Bá Quát vận động các thổ hào, sĩ phu, học trò quyên góp tiền của mua thóc gạo cứu đói cho dân. Trong khi bọn quan lại, cường hào thờ ơ, phè phỡn ăn chơi hưởng lạc, ức hiếp dân chúng, tạo bao cảnh bất công oan trái. Trước sự thống khổ cùng cực của muôn dân và thái độ vô trách nhiệm của vua tôi nhà Nguyễn, Cao Bá Quát cùng các thổ hào ở các vùng Quốc Oai, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Lạng Sơn… cùng nhau tôn Lê Duy Cự làm minh chủ khởi binh chống lại triều đình. Bài hịch của Cao Bá Quát nghĩa khí sôi sục, được đông đảo dân chúng hưởng ứng, nô nức đầu quân dưới cờ, chiến đấu chẳng tiếc thân. Vua Tự Đức căm tức, điều động binh mã triều đình ra Bắc dẹp loạn. Cuộc khởi nghĩa thất bại. Nhà vua ra lệnh trừng trị không nương tay những ai tham gia nổi loạn. Các nghĩa sĩ phần tử trận, phần bị hành hình tàn khốc. Bấy giờ, Thục Như đã hiểu, khả năng sống của Lê Bân hết sức mỏng manh. Nàng bội phần lo lắng. Hi vọng thời khắc trùng phùng cứ tàn lụi dần.
***
Lê Bân vẫn bặt vô âm tín. Việc tìm kiếm lúc này chẳng khác nào mò kim đáy bể. Thục Như vẫn không bỏ cuộc. Nhưng nàng buồn vô hạn. Tối hôm đó, vợ chồng Nguyên Bá làm một bữa tiệc nhỏ giúp Thục Như nguôi ngoai. Trong tiệc, Thục Như ngồi ủ dột. Vợ chồng Nguyên Bá an ủi cạn lời nhưng cũng không lấp được nỗi sầu thảm trong lòng nàng. Thục Như áp mặt vào bờ vai Tố Mai nức nở. Nguyên Bá buồn bã nhìn ra ngoài cửa. Biết làm gì để giúp được ân nhân đây? Trầm ngâm một lúc, đột nhiên, Nguyên Bá buột miệng:
– Chỉ còn một hy vọng này mà thôi…
Tố Mai hỏi:
– Phu quân đã có manh mối rồi à?
Thục Như hồi hộp:
– Huynh mau nói ra đi!
Nguyên Bá kể giai thoại về vị cao nhân ngâm thơ, thổi địch trên đỉnh Pu Sang. Chàng nói tiếp:
– Đó là một trong những giai thoại được dân gian truyền tụng để lưu giữ hình ảnh bá phụ với đời. Mấy hôm nay, huynh nghĩ nhiều về giai thoại này. Bởi sự đời thường biến ảo, hư thực khó lường. Biết đâu, lời đồn đại vị kia là sự thật, công lao khó nhọc của muội sẽ được đền đáp. Vì chỉ có bá phụ mới biết Lê Bân hiện như thế nào.
Thục Như đứng dậy, giọng run run:
– Muội quyết tìm cho được vị cao nhân ấy.
Nguyên Bá lo lắng:
– Núi Pu Sang vạn phần hiểm trở, không thông thuộc địa hình khó lên tới đỉnh. Vợ chồng huynh sẽ đi với muội. Mấy lần vào núi hái thảo dược, ít nhiều cũng biết đường đi nước bước.
Thục Như xúc động:
– Muội vô cùng cảm kích!
***
Sáng hôm sau, Thục Như mặc y phục phụ nữ vùng cao phía Bắc, đầu quấn khăn, mặc váy thổ cẩm, vai mang gùi nhỏ theo vợ chồng Nguyên Bá leo núi. Đường lên đỉnh Pu Sang phải vượt qua ghềnh thác cheo leo, vực sâu, suối cách, cây rừng trùng điệp, gai góc bụi rậm khổ sở trăm bề. Ba người đi đi về về không biết bao nhiêu lần mà vẫn hoài công. Thục Như vẫn không nản chí. Vợ chồng Nguyên Bá vẫn tận tâm giúp nàng. Hôm đó, Nguyên Bá có việc cần kíp chữa cho một bệnh nhân nguy kịch phải ở nhà, chỉ có Tố Mai đi cùng. Gần tới giờ Ngọ, Thục Như đứng trên một mỏm đất cao, vịn một nhành cây nhìn xuống dòng suối bên dưới. Bỗng thấy một người nằm bất động trên một tảng đá bên bờ suối. Nàng và Tố Mai liền xuống đấy. Một người đàn ông tuổi trung niên đang ngất lịm, mặt tái nhợt. Chiếc địch giắt bên người. Thục Như mừng khấp khởi. Có lẽ đây là vị cao nhân cần tìm. Gần đó, có túp lều ẩn kín trong hốc núi, quan sát không kĩ rất khó nhận ra. Cả hai đỡ ông ta dậy, mỗi người một bên cặp tay dìu về đó. Trong lều chỉ có vài đồ vật đơn sơ, một cái ổ rơm và cái bàn nhỏ tạm bợ bằng tre nứa. Sẵn thuốc mang theo bên người, Tố Mai ra sức cứu chữa… Hơi thở ông ta đã đều hơn. Tới giờ Hợi, ông ta mới tỉnh. Thấy Thục Như, liền ngồi dậy hỏi:
– Sao nàng lại ở trong lều của ta?
Thục Như kể việc gặp ông bị ngất bên bờ suối, may nhờ Tố Mai tận tình cứu chữa. Ông ta quay nhìn Tố Mai đang dựa lưng vào góc lều, dáng vẻ mỏi mệt, ngủ thiêm thiếp. Rồi nói:
– Bệnh cũ lại tái phát. Tạ ơn cứu giúp. Nhưng hai nàng lên đỉnh Pu Sang làm gì?
– Tôi đi tìm phu quân.
– Sao lại tìm trên đây?
– Vì chỉ có một người trên đỉnh Pu Sang này biết rõ về chàng.
– Ai vậy?
Thục Như rành rọt:
– Cao Bá Quát!
Người đàn ông giật mình, sững sờ nhìn nàng. Miệng ấp úng:
– Chồng… nàng…
– Chàng là Lê Bân.
Cái tên Lê Bân như chạm đến niềm u ẩn đè nặng trong lòng. Gương mặt ông ta tối sầm lại:
– Nãy giờ, nghe giọng miền Trung, ta đã ngờ ngợ rồi. Trước đây, Lê Bân có kể với ta về nàng.
– Tiên sinh chính là…
Người đàn ông gật đầu… Im lặng… Nghe rõ tiếng tí tách ngọn lửa bập bùng trên đầu ngọn đuốc… Phải một lúc lâu, Cao Bá Quát mới bình tĩnh, kể cho Thục Như nghe. Từ lúc Lê Bân đầu quân, ông cho theo bên cạnh, tham gia bàn việc quân. Trận đánh vào huyện lỵ Yên Sơn năm ấy, nghĩa quân bị núng thế, vỡ trận. Quân triều thừa thắng ào ạt xông lên. Tình thế nguy cấp. Lê Bân bỗng bước ra trước mặt nói: “Nghiệp lớn thành bại ở trong tay Quốc sư. Vì đại cục, hãy đưa áo choàng cho học trò và đi mau”. Ông ngập ngừng một lúc rồi mở áo trao cho Lê Bân. Mặc áo vào, Lê Bân dẫn toán nghĩa binh lao ra cản địch. Tên đạn bời bời. Lê Bân cùng lớp lớp nghĩa binh ngã xuống. Nhân lúc hỗn loạn, ông rời bỏ trận địa, theo đường tắt thoát đi.
Cao Bá Quát trở nên buồn bã:
– Lê Bân kì vọng ở ta, chẳng tiếc thân để ta được sống. Nhưng ta lại chẳng làm được gì ngoài việc thổi địch, ngâm thơ nơi hóc núi đầu non. Rốt cục, ta cũng chỉ là một kẻ tầm thường tham sinh úy tử.
Cao Bá Quát bảo Thục Như theo ra trước cửa lều. Cõi lòng tê dại, nàng lê từng bước nặng nề. Mé bên trái, cách chừng mươi thước có một nấm đất. Ông nói:
– Đây là mộ Lê Bân. Sau trận đánh, đêm ấy ta quay lại chiến địa may mắn tìm được thi thể người học trò trung nghĩa, dù không toàn vẹn, đem lên đây chôn cất.
Thục Như quỳ xuống bên nấm mộ chồng, lệ lã chã tuôn rơi. Ngày chia tay, chàng hứa sẽ trở về, ai ngờ lại vạn thuở biệt ly. Từ đây, nàng phải thui thủi một mình, khuê phòng vò võ, chăn đơn gối chiếc. Dưới đáy huyệt lạnh, Lê Bân có thấu tỏ cho nàng… Biết trách ai đây? Cao Bá Quát vẫn ngồi ủ rũ trên phiến đá. Ánh trăng dàu dạu xanh xao trên vóc dáng não nề… Chợt, ông lấy địch ra thổi. Giai điệu dìu dặt, trong trẻo vút lên như gió cuốn mây trôi, như rồng phượng múa lượn giữa lồng lộng tầng không, như tuôn ra muôn ngàn đóa hoa vàng óng ánh lung linh, như ru hồn người trong bềnh bồng ảo diệu… Bỗng đột ngột rơi xuống nốt trầm dằn vặt, khắc khoải, lắng lại trong lòng người một nỗi sầu vô tận… Chưa bao giờ Thục Như được nghe tiếng địch có ma lực quyến rũ lạ lùng như vậy. Nàng như quên hết buồn đau, khổ lụy, ngây ngất theo những thanh âm diệu kì. Rồi chơi vơi, tan biến trong vòm trăng ngan ngát trên cao.
***
Cuối canh năm, Tố Mai lay Thục Như dậy. Đêm qua, nàng thiếp đi từ lúc nào. Căn lều trống không. Cao Bá Quát đâu rồi? Một tờ giấy để sẵn trên bàn. Mấy dòng chữ đẹp thanh thoát: “… Chưa bao giờ ta có thể rung được tiếng địch cháy lòng như thế. Nhưng đây là tiếng địch cuối cùng của ta trên cõi nhân gian này…”. Thục Như bồi hồi thương cảm. Nàng dẫn Tố Mai ra chỗ nấm mộ Lê Bân, kể lại lời Cao Bá Quát. Tố Mai lặng người… Giọng Thục Như rắn rỏi:
– Không thể để chàng nằm lại một mình nơi sơn cùng thủy tận quạnh hiu này được. Muội sẽ đưa hài cốt chàng về cải táng nơi quê nhà, sớm hôm hương khói cho trọn đạo vợ chồng.
Tố Mai giúp Thục Như bốc mộ Lê Bân. Hài cốt bọc vào cái túi vải Thục Như mang bên mình. Lúc này, ánh mặt trời đã sáng bừng trên đỉnh Pu Sang. Nắng loa lóa cả một vạt núi vàng rực mênh mông. Tố Mai giục xuống núi. Thục Như chần chừ nán lại như còn lưu luyến một điều gì đó. Nàng thẫn thờ nhìn một lối mòn dẫn xuống thung lũng còn trắng những vệt sương. Dòng suối, rừng cây, hoa lá, mây trời cũng man mác ngậm ngùi như nhớ tiếc một bóng người trong thăm thẳm mù khơi.
PHẠM HỮU HOÀNG
Sinh năm: 1962
Hiện sống tại TX. An Nhơn, Bình Định
* Tác phẩm đã xuất bản:
– Vương pháp (Tập truyện ngắn, NXB Trẻ, 2009)
– Đêm ảo huyền (Tập truyện ngắn, NXB HNV, 2015)
– Nguyệt cầm (Tập truyện ngắn, NXB HNV, 2019).
PHẠM HỮU HOÀNG
(Văn nghệ Bình Định số 101 tháng 9.2021)