“Đàn bà mà cũng biết chữ”

(VNBĐ – Hồi ký). Một buổi sáng mùa hè ba mươi năm trước, gió biển Quy Nhơn trong lành mát rượi, tôi đang đứng hít thở và tư lự trên vỉa hè rộng, trước ngôi nhà cũ kỹ tôi đang ở, thì thấy có một người đàn ông đứng tuổi xăm xăm đi tới. Ông dừng lại trước tôi và cất tiếng “thưa cô” bằng cái giọng đặc sệt dân chài Bình Định. Tôi nhìn thấy trước mặt mình một khuôn mặt rắn rỏi và cháy nắng như khuôn mặt của một bức tượng đồng.

– Chú hỏi gì ạ?

– Cho tôi hỏi thăm nhà của ông Chánh văn phòng UBND thành phố, có chút việc, cần thưa… Cô biết làm ơn chỉ giùm!

– Dạ, cháu không biết ạ. Nhưng chú có việc gì sao không đến thẳng UBND thành phố mà lại phải tìm nhà riêng cho vất vả?

Ông già thật thà:

– Không, tôi không dám gặp mấy ổng. Tôi cần gặp bà vợ để nhờ bả nói giùm với ông chồng là chánh văn phòng, làm ơn cho chúng tôi xin lại con tàu đánh cá. Con tàu đó là của bạn nghề chúng tôi bị kẻ xấu ăn cắp để vượt biên, chúng tôi là nạn nhân mà! “Giam” tàu mùa này thì kẹt quá, bà con có thể đói cả năm đó!

Chuyện xin lại con tàu là quá chính đáng, tôi hết sức ủng hộ, nhưng rất băn khoăn khi thấy ông già có ý nghĩ đi “xin lại” bằng cách này! Tôi mời ông vào nhà nói cho rõ hơn để nếu giúp gì được, tôi sẽ giúp! Ông ngần ngừ một chút, nhìn vào trong nhà, có lẽ thấy không giống nhà quan nên ông mạnh dạn bước vào. Vừa ngồi xuống ghế ông đã kể ngay cái hoàn cảnh khiến ông phải lo lắng khổ sở mấy ngày nay.
Ông tên là Thường ở xã Nhơn Lý, đã ngoài bảy mươi tuổi, bị thằng con rể phản phúc lấy cắp con tàu đánh cá của ông và các “bạn nghề” để chở người đi vượt biên. Con tàu chưa ra xa đã bị bộ đội Biên phòng Quy Nhơn bắt lại được. Anh con rể và những người trên tàu đều bị bắt giam, chờ xét xử.

Con tàu (vật chứng) cũng bị “giam” trên biển, các anh bộ đội biên phòng phải canh giữ đợi cơ quan chức năng xử lý.

Những ngày này trời yên biển lặng, vào chính mùa đi biển. Các ngư dân thường tranh thủ kiếm thu nhập để sống cho cả mùa mưa bão sau đó. Nhưng con tàu (phương tiện làm ăn duy nhất của bà con) đã bị “giam giữ” vì nhóm người phạm tội kia thì còn biết lấy gì làm ăn! Ông Thường như ngồi trên đống lửa. Tất cả các gia đình hùn hạp làm ăn với ông đều đứng ngồi không yên. Chỉ muốn làm sao “xin” lại con tàu để đi đánh cá cho kịp mùa vụ.

Tôi bày cho ông cách làm đơn gửi các cơ quan chức năng chứ làm theo cách nhờ bà vợ ông Chánh văn phòng tác động kiểu “lệnh ông không bằng cồng bà” như ngày xưa là không được đâu. Nhưng ông bảo: “Chúng tôi làm sao mà biết làm đơn, rồi gửi đi đâu, ai người ta để ý tới?”.

– Thôi được rồi, để cháu thảo giùm đơn rồi chỉ chỗ chú đi gửi!

Vậy là tôi đành lấy giấy bút ra viết giùm ông lá đơn. Ông ngồi trước mặt chờ tôi viết đơn mà cứ nhấp nhổm như không tin điều tôi nói. Khi tôi đặt bút viết mấy dòng đầu, ông tỏ vẻ kinh ngạc, thốt lên:

– Úy chu cha… đàn bà mà cũng biết chữ!

Tôi vừa buồn cười, vừa xót xa thương cho người dân miền biển quê tôi, đến giờ vẫn còn mù chữ, vẫn coi “đàn bà” là như thế!

Tôi thảo đơn bằng chữ viết tay, xong đưa cho ông và bảo:

– Chú về nhờ cháu học sinh nào đó chép ra thành 6 bản và gửi đến các cơ quan như cháu đã ghi ở dưới góc đây nhé!

Khoảng tuần lễ, chú Thường đến thông báo cho tôi là “ở trên” đã nhận đơn và đang xem xét, nẫu hứa sẽ giải quyết! Chú cẩn thận đặt một gói nhỏ lên chiếc đĩa lót chén trà, vẻ xúc động nói:

– Cũng nhờ có cô viết giùm đơn và bày đường chỉ lối mới được dẫy(*). Mong cô tiếp tục giúp cho! Hôm nay tôi thay mặt bà con qua cảm ơn cô trước. Hôm nào nhận được tàu về, tôi sẽ kêu bà con cùng nhau sang tạ ơn, sẽ đem lễ vật xứng đáng hơn.

Ông đứng dậy, nâng cái đĩa có “gói quà” nhỏ được gói ngay ngắn trong trang giấy học trò đưa gần sang trước mặt tôi:

– Chỉ có một cây vàng thôi, xin cô nhận cho!

Tôi đưa tay đẩy nhẹ cái đĩa về phía chú Thường:

– Chú cứ ngồi xuống đi. Cháu cảm ơn. Nhưng nói thật với chú là cháu không thể nhận bất cứ thứ gì đâu, chỉ giúp một chút thôi mà. Với lại chúng cháu là cán bộ, giúp dân là chuyện đương nhiên có gì đâu mà ơn với nghĩa hả chú! Chú cứ cầm về đi.

Tôi lượm miếng vàng nhét vào tay ông, cái bàn tay đen như đồng hun, cứng như sắt run run cầm lại miếng vàng, hai mắt ông đỏ hoe, một giọt nước mắt già nua ứa ra khóe mắt.

Tháng sau, ông Thường lại sang, mang theo một bao tải cá lồ ồ (một loại cá giống như cá ngừ nhưng nhỏ con hơn). Ông cười sung sướng:

– Đã nhận được tàu về rồi. Đi đánh chuyến đầu tiên trúng đậm, bà con biểu tui mang sang cho cô một mớ ăn lấy thảo!

Thấy vui lây với niềm vui của ông lão, tôi vừa thò tay nhón một con cá bằng cổ tay mình, vừa bảo:

– Cháu xin một con thôi, còn bao nhiêu chú đem cho thím ra chợ bán đi. Bữa sau đừng vất vả mang đến như thế này nữa nhen chú! Cháu một mình có ăn được bao nhiêu đâu mà chú cho nhiều vậy. Để cho bà con bán kiếm được đồng nào hay đồng ấy nhé!

Một tuần, ông già lại sang, ông không đem cá nữa, mà mang sang một túm trái bần, loại quả cây mọc dại ở vùng đất ngập nước mặn, bé bằng đầu ngón tay, màu tím đỏ, trẻ con vùng biển hay hái ăn chơi. Nó có vị chua ngọt kèm chút chát chát, cũng ngon. Loại quà này ông biết chắc là tôi không từ chối. Nhưng đó là ông chỉ nhân tiện mang cho thôi. Mục đích ông sang lần này là để mời tôi sang ăn bánh xèo! Ông hồ hởi khoe:

– Bà con bên đó xin lại được chiếc tàu cá mừng hơn được vàng. Hôm nay cả làng đúc bánh xèo ăn mừng, và để đãi cô, mời cô sang ăn một bữa!

Tôi vui lắm, nhưng công việc bận quá, không đi được. Vì lúc đó chưa có cầu Nhơn Hội, từ Quy Nhơn sang Nhơn Lý phải đi đò rất lích kích. Tôi chỉ cảm ơn ông, cảm ơn bà con và gửi lời xin lỗi.

Người dân lao động mình cũng thật lạ, ơn ai một chút gì thì nhớ suốt đời, phải tìm cách trả cho bằng được. Những năm tháng ấy đất nước vừa “mở cửa” đổi mới, nhưng Mỹ chưa bỏ cấm vận nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhân dân nhiều người tìm cách vượt biên sang Mỹ, nhưng hầu hết là bị bắt lại! Cán bộ nhà nước thì lương bổng chẳng thấm vào đâu nên nhiều người tìm mọi cách làm thêm tăng thu nhập, không ít người bỏ biên chế ra ngoài đi buôn bán hoặc chăn nuôi. Tất nhiên, đời sống của tôi cũng chẳng hơn gì, nhưng công việc (toàn những việc không tên) ngốn hết thời gian nên tôi chẳng làm được gì cho riêng mình. Chú Thường để ý thấy nên lại sang “bày cách” cho tôi làm ăn. Chú nói:

– Cô Thu nè, tui thấy mấy ông cán bộ sang nuôi tôm hùm bên đó nhiều lắm. Hay là cô cũng nuôi tôm hùm đi, chúng tôi giúp cho. Cô chỉ cần bỏ tiền mua tôm giống thôi, lồng bè chúng tôi cho mượn, cô bận không sang được thì chúng tôi cho ăn giùm luôn, thức ăn cho tôm cô cũng không phải mua, chúng tôi có sẵn, nhiều lắm… Chỉ khi nào đến lứa thì mời cô sang bán lấy tiền thôi!

Tôi hiểu ngay đề xuất này cũng là một cách để ông và bà con ngư dân “trả ơn” thôi, nên tôi trả lời rất ngắn gọn, dứt khoát:

– Cháu không làm được đâu ạ. Đấy không phải nghề của cháu. Mà ai lại làm ăn theo kiểu lợi dụng vậy được. Bà con chăm nuôi thì bà con thu hoạch chứ sao bà con nuôi mà cháu lại được bán lấy tiền? Thôi, cháu cảm ơn. Chú và bà con cũng đừng bận tâm về cái chuyện cũ ấy nữa nghen! Cháu “quên” rồi mà!

Ông cười buồn, rất hiền hậu, chào tôi rồi chầm chậm đi ra cửa.

Bẵng đi vài năm, một hôm chú Thường lại đến tìm tôi. Chú tỏ vẻ rất mừng vui, nói:

– Bầy tui thấy tên cô được niêm yết trong danh sách bầu “Quốc hội” kỳ này, mừng quá! Nhưng rất lo!

Ông nhìn quanh căn nhà tuềnh toàng của tôi rồi thốt lên đầy lo lắng:

– Úy! Nhà cửa thế này mà “cả gan” dám ứng cử Quốc hội. Vậy bây giờ cô cần khoảng bao nhiêu tiền để ra “tranh cử”, bà con tui sẽ gom góp chu cấp đủ cho cô. Ở bển ai cũng sẵn sàng giúp cô hết, chỉ mong cô trúng cử!

Tôi xúc động muốn rơi nước mắt, nhưng buồn cười vì cái câu trăm trết “Úy… cả gan” của chú, nên chỉ vui vẻ trả lời:

– Chú à, bầu cử Quốc hội nước mình bây giờ không giống hồi trước, phải bỏ tiền “tranh cử” đâu! Chỉ có tổ chức lựa chọn giới thiệu ra một danh sách, rồi các cơ quan trong từng ngành sàng lọc, cử ra một số người xứng đáng theo quy định để đưa ra cho dân bầu thôi! Bọn cháu không phải bỏ ra đồng nào đâu. Ai tốt, đủ tiêu chuẩn thì được bầu thôi chứ có nhiều tiền cũng không ăn thua đâu chú! Cháu cảm ơn chú và bà con bên đó nhiều lắm, cháu hứa cả đời sẽ không quên tình nghĩa này và sẽ dốc hết sức phục vụ, bảo vệ bà con lao động mình, nếu cháu trúng cử! Còn nếu không trúng cử thì…

– Thì sao? Ông già tỏ ra lo lắng.

– Thì vẫn cứ sẵn sàng viết giùm đơn xin lại tàu đánh cá cho bà con, nếu bị mất trộm và bị giam giữ lần nữa! “Đàn bà cũng biết chữ” mà! – Tôi trêu đùa cho vui. Ông già cười rất sảng khoái, nhưng rồi rơm rớm nước mắt, thốt lên một câu, vẫn cái giọng rặt miền biển Bình Định thân thương:

– Úy chu cha… Nhà nước của Bác Hồ thiệt là phúc đức!

 

Tranh cổ động bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp. Nguồn: Cục Văn hóa cơ sở

LỆ THU

(Nguyên Chủ tịch Hội VHNT Bình Định, đại biểu Quốc hội Khóa IX)

(*) dẫy: như vậy (phương ngữ).

(Văn nghệ Bình Định số 97 tháng 5.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Về yên bình dưới bóng cây

Có lẽ, chỉ khi làm bạn với cây, chứng kiến vòng luân hồi của cây, từ những ngọt ngào mà cây mang lại cho đến những mất mát mà cây nhắc nhở thì con người cũng được trải nghiệm…

Bữa tiệc ly

Tôi sẽ không kể cho ai về kết quả chẩn đoán. Tôi sẽ chỉ đơn giản là tiếp tục đeo chiếc mặt nạ mà tôi đã đeo suốt nhiều năm nay, ngay cả khi cơ thể bên trong tôi sẽ thối rữa…

Về nhà sớm mai

Chị ngẩng mặt lên. Lần đầu chị dùng mắt để đối diện với bà Bá. Chị nói câu từ chối bằng mắt, và cũng dùng mắt để van lơn. Đôi mắt của chị đục và mờ dần như chực chờ…

Con thuyền xuôi dòng

Một dòng sông và người con gái đang trôi. Anh cố gắng chạy theo nhưng không được. Anh muốn cô biết có người đang chạy theo mình…