Bình Định long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm hoàn thành việc chuyển quân tập kết ra Bắc

(VNBĐ – Thời sự). Tối 16.5, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP. Quy Nhơn), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm hoàn thành việc chuyển quân tập kết ra Bắc của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam tại Quy Nhơn (16.5.1955 – 16.5.2025).

Dự Lễ kỷ niệm, về đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Võ Thị Ánh Xuân – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Về đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, có: Đồng chí Ngô Đông Hải – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Đào Ngọc Dung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo; Trung tướng Nguyễn Hồng Thái, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Quân khu 5 và Ban Liên lạc học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Về phía tỉnh Bình Định, có đồng chí Hồ Quốc Dũng – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các tỉnh, thành phố nơi tiếp nhận đồng bào tập kết năm xưa; các cán bộ lão thành, thân nhân cán bộ đi B cùng đông đảo Nhân dân và du khách.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; đồng chí Hồ Quốc Dũng – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đại biểu lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh và Nhân dân dự lễ kỷ niệm. Ảnh: P.V
Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Bình Định dự lễ kỷ niệm. Ảnh: P.V 
Các chú, các cô là cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn dự lễ kỷ niệm. Ảnh: P.V

Cách đây 70 năm, sau Hiệp định Genevơ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tạm thời do quân đội Liên hiệp Pháp và ngụy quyền quản lý. Với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương bố trí một bộ phận cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam để lãnh đạo cuộc chiến đấu; đồng thời, đưa hàng vạn đồng bào, con em các gia đình cách mạng đi cùng với bộ đội và cán bộ tập kết ra miền Bắc để tiếp tục học tập, công tác, rèn luyện, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chuẩn bị lực lượng cho cuộc cách mạng lâu dài của dân tộc. Với vị trí chiến lược quan trọng là cửa ngõ nối liền khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Cảng Quy Nhơn, Bình Định được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn là một trong những khu vực chính có 300 ngày để tập kết, chuyển quân, cán bộ, học sinh và đồng bào ở miền Trung và Tây Nguyên ra miền Bắc. Trải qua 300 ngày lịch sử, Đảng bộ và Nhân dân Bình Định đã tổ chức đón tiếp, giúp đỡ, tiễn đưa hơn 20.000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh từ các tỉnh, thành trong khu vực tập kết ra miền Bắc.

Đọc diễn văn tại buổi lễ kỷ niệm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định: “Có thể nói, 300 ngày chuyển quân cũng là chừng ấy thời gian quê hương Bình Định chứng kiến biết bao sự hy sinh thầm lặng, bao cuộc chia ly đầy xúc động với những cái ôm nghẹn ngào, những nụ hôn đầy lưu luyến; hình ảnh những con nhỏ tiễn cha, vợ tiễn chồng, mẹ già tiễn con lên đường… với bao lời ước hẹn vang lên trong nước mắt, hòa lẫn với tiếng quân nhạc, tiếng còi tàu trên bến cảng Quy Nhơn ngày ấy mãi mãi là hình ảnh đẹp nhất, xúc động nhất và đáng trân quý nhất; không con người nào muốn xa mẹ già, con nhỏ, vợ hiền, quê hương, làng xóm, nhưng gác lại tất cả và trên tất cả là tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, lòng trung thành sắt son của những người con miền Nam đối với Đảng, với cách mạng và niềm tin về một ngày đất nước được thống nhất, nhân dân được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Ngày 16.5.1955, phố biển Quy Nhơn rực rỡ nắng vàng, biển trời Quy Nhơn xanh ngắt kiêu hãnh rẽ sóng tiễn những người con thân yêu của quê hương Miền Trung – Tây Nguyên trên chuyến tàu cuối cùng rời Cảng Quy Nhơn, chính thức khép lại hành trình 300 ngày tập kết chuyển quân tại Quy Nhơn, cũng là ngày Đảng bộ và Nhân dân Bình Định hoàn thành trọn vẹn trọng trách lịch sử với Đảng, với Bác Hồ, với dân tộc. Cho đến hôm nay, những chuyến tàu năm ấy vẫn còn vang vọng trong kí ức lịch sử dân tộc và trong mỗi chúng ta như một biểu tượng đẹp đẽ và bất tử của lòng trung thành, của tình yêu đất nước và của khát vọng hòa bình cháy bỏng”.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh: “70 năm trôi qua, kể từ sự kiện cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn, cũng là ngần ấy năm Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bình Định ra sức xây dựng và phát triển tỉnh nhà”. Theo đồng chí, sự kiện tập kết tại Quy Nhơn là minh chứng sinh động cho tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng và Bác Hồ, đồng thời là bài học sâu sắc về đại đoàn kết, về tổ chức lực lượng cách mạng dài hơi. Đồng chí đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bình Định tiếp tục phát huy di sản tinh thần đó, xây dựng “Cảng Quy Nhơn – điểm 300 ngày chuyển quân” trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống, vận dụng, phát huy những bài học kinh nghiệm của sự kiện tập kết ra Bắc trong thực hiện xây dựng, rèn luyện thế hệ cách mạng cho đời sau… đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới đất nước.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu chỉ đạo. Ảnh: P.V
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và đồng chí Võ Thị Ánh Xuân trao hồ sơ, kỷ vật cho thân nhân cán bộ, chiến sĩ tập kết ra Bắc và thực hiện nhiệm vụ đi B trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: P.V
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao Bằng di tích quốc gia “Cảng Quy Nhơn – Địa điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc” cho lãnh đạo thành phố Quy Nhơn. Ảnh: P.V

Tại buổi lễ, đại diện cán bộ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc – Đại tá Trần Liên Hỷ, nguyên Chủ nhiệm Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh Bình Định, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Định xúc động chia sẻ: “Từ Quy Nhơn, chúng tôi vượt biển ra Bắc, rồi được đưa về các trường học ở Thanh Hóa, Hà Nội, Nam Định… Ở đó, chúng tôi tiếp tục được học văn hóa, được rèn luyện lý tưởng, để sau này phục vụ cho công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Có những người bạn học cùng tôi năm ấy, sau này trở thành những anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; có người đã ngã xuống tại chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; có người mãi mãi không trở về quê mẹ; có người khi trở lại, mái tóc đã bạc trắng, cha mẹ, làng xóm chỉ còn trong ký ức. Là những người may mắn trở về, chúng tôi nhận thức rằng đây là một phần ký ức thiêng liêng không thể nào quên của một thời tuổi trẻ đáng tự hào. Thế hệ chúng tôi, những cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam tập kết năm xưa, giờ đây tóc đã bạc, lưng đã còng, người còn, người mất. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ ngừng tin tưởng và hy vọng”.

Một trong những điểm nhấn đặc biệt của buổi lễ là phần trao hồ sơ, kỷ vật của các cán bộ “đi B” cho thân nhân. 25 bộ hồ sơ và hiện vật quý báu, từng được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia, đã được trao lại trong không khí trang nghiêm và đầy xúc động. Cũng tại buổi lễ, Di tích lịch sử Cảng Quy Nhơn – Địa điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc chính thức được công nhận là Di tích quốc gia. Bằng xếp hạng Di tích được Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao cho lãnh đạo thành phố Quy Nhơn.

Đại cảnh Giải phóng Điện Biên (Sáng tác: Đỗ Nhuận). Biểu diễn Tốp hát, múa. Ảnh: P.V
Hoạt cảnh dân ca Bài chòi (Sáng tác: NSƯT Tấn Hào). Biểu diễn: Diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định. Ảnh: P.V
Câu hò bên bờ Hiền Lương (Sáng tác: Hoàng Hiệp – Đằng Giao). Biểu diễn: NSND Thu Hiền cùng tốp múa phụ họa. Ảnh: P.V
Lời ca dâng Bác (Sáng tác: Trọng Loan). Biểu diễn: Ca sĩ Trọng Tấn cùng tốp nữ bè và nhóm múa phụ họa. Ảnh: P.V
Bóng cây Kơ nia (Thơ: Ngọc Anh; Nhạc: Phan Huỳnh Điểu). Biểu diễn: Tam ca nữ và tốp múa phụ họa. Ảnh: P.V
Bài ca thống nhất (Sáng tác: Võ Văn Di). Biểu diễn: NSND Thu Hiền cùng nhóm múa phụ họa. Ảnh: P.V

Lễ kỷ niệm khép lại bằng chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Ra đi giữ trọn lời thề thống nhất”, quy tụ hơn 250 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp, trong đó có sự góp mặt của NSND Thu Hiền, ca sĩ Trọng Tấn, ca sĩ Lan Anh và các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định. Chương trình đan xen phim tư liệu và lời dẫn cảm xúc, tái hiện không khí hào hùng, xúc động của một thời lịch sử. Những ca khúc như Câu hò bên bờ Hiền Lương, Bóng cây Kơ Nia, Tình ca, Bài ca hy vọng, Bài ca thống nhất, Viết tiếp câu chuyện hòa bình… đã đưa khán giả sống lại ký ức một thời chia ly thiêng liêng, hun đúc khát vọng thống nhất và hòa bình cho dân tộc.

Nhóm PV

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN