Văn Trọng Hùng: Người giữ tiết trúc cho thơ…

(VNBĐ – Chân dung văn nghệ sĩ). Giữa bao xô lệch của thời cuộc, nhà thơ, kịch tác gia Văn Trọng Hùng vẫn lặng lẽ viết. Ông viết như một cách giữ lấy phần tinh khôi nhất của con người. Viết như một lời đáp trả với bóng tối. Và trên hết, viết như thể ông đang đứng lặng giữa bão dông, thẳng một dáng trúc…

1.

Nhà thơ Văn Trọng Hùng sinh ra ở vùng trung du Hoài Ân. Ông lớn lên với những trang sách của má, khi bà ngày xưa mở tiệm sách nhỏ ở một góc quê nhà. Những năm tháng tuổi trẻ, ông sớm nhập ngũ, vào chiến trường, sống và chứng kiến những bi hùng của lịch sử. Nhưng điều khiến ông ở lại lâu dài nhất sau chiến tranh, không phải những tiếng súng, mà là tiếng nói con người, những vọng âm thao thiết của thời gian.

Chân dung nhà thơ, kịch tác gia Văn Trọng Hùng. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

Ông viết cả thơ và kịch. Mảng nào cũng có những thành tựu riêng. Sẽ thật dông dài nếu liệt kê những giải thưởng, thành tích sáng tác mà ông đã đạt được. Trong đó, Giải Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022 mà ông nhận được với hai tác phẩm Khúc ca bi trángNước non cửa Phật là sự ghi nhận xứng đáng cho một hành trình lao động nghệ thuật bền bỉ, nghiêm túc. Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi muốn đi sâu vào một khía cạnh khác, nơi tôi cảm nhận ông đặt để tâm can nhiều hơn cả: thơ.

Thơ với ông, từ đầu, đã là một “dạo khúc nhân tình” – tên gọi tập thơ đầu tay của ông năm 1991 – rồi dần trở thành một bản giao hưởng đời sống qua các tập Bóng trúc, Đối ảnh, Hầu chuyện tiền nhân, Ngửa mặt hỏi trăm năm và mới đây nhất là Tiết trúc, ra mắt bạn đọc vào tháng 3.2025. Có thể nói, ông là người không chọn thơ như thú vui hay chốn trú ẩn, mà sống cùng thơ như một trách nhiệm tinh thần. Trách nhiệm ấy không chỉ với thi ca, mà còn là trách nhiệm với lịch sử, với văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa Bình Định, nơi ông đã dành phần lớn cuộc đời mình để góp phần vun trồng, khơi mở và bảo vệ.

Ông đắm đuối với sân khấu truyền thống. Những vở kịch tầm vóc mang chất sử thi, những nhân vật từ chính sử, dã sử hiện diện xuyên suốt thơ ông như một dòng chảy ngầm, biểu hiện rõ điều ấy. Tôi nhớ mãi lần ông đọc cho tôi nghe bài thơ Xem “Nguyệt Cô hóa cáo” nghĩ về cụ Nguyễn Diêu đầy xúc động: “Nguyệt Cô hỡi ngàn năm tu luyện/ Để thành người, người lại hại em/ Yêu là trao cả đời mình cho bạn/ Lại gặp phường mặt đỏ lòng đen!/ Một phút lỡ lầm một đời ôm hận/ Kẻ đoạt ngọc kia ngươi có thấy đớn hèn!// Thôi, em hãy về chốn cũ/ Đâu phải cõi người ai cũng trắng trong/ Có lúc ta sợ người hơn cáo/ Cáo như em trần thế ước mong…!”. Bài thơ vừa là sự bái vọng với Nguyễn Diêu, một nhà soạn Tuồng lỗi lạc của vùng đất Tuy Phước, vừa là một nhát gươm vạch thẳng vào khoảng tối nhân sinh, nơi sự tráo trở, phản bội được hóa trang bằng lớp mặt nạ đạo đức. Ông không né tránh, không hoa mỹ hóa. Thơ của ông gọi tên sự thật, bằng giọng chân thành đến đau đớn.

2.

Nhiều lần đến nhà, tôi vẫn thường thấy ông cặm cụi bên sách và những trang bản thảo. Tôi nghe nhiều người kể về sự tự học đáng nể của ông, và gần như qua quãng thời gian dài lui tới, tiếp xúc, tôi như thêm khẳng định điều ấy. Ông hay nói với tôi lời của cổ nhân: “Sự học như con thuyền ngược nước. Nếu ta ngưng đọc, ngưng học, ngưng tư duy suy ngẫm, sẽ bị đẩy lùi về phía sau…”. Thường ở những buổi gặp, đều là dịp để tôi nghe ông chia sẻ những bài thơ mới, những chương kịch bản đang thai nghén. Và rượu. Ông thích cái đằm thắm của rượu như một chất dẫn để sảng khoái cùng câu chuyện. Từ những cuộc như vậy, kẻ tiểu bối như tôi như được lắng nghe ông nhiều hơn, và học ở ông được nhiều điều.

Có nhiều hôm, ông cho tôi xem bản chép tay với nét chữ rõ ràng, mạch lạc và nói say sưa về một sáng tác mới nào đó. Gần nhất, một ngày giữa tháng Tư, ông nói về bản thảo vở Quân thần, xoáy vào mối quan hệ giữa Lê Lợi và Trần Nguyên Hãn, về cái chết oan khuất của một công thần trung nghĩa dưới tay người từng hết lòng phụng sự. Lịch sử không chỉ là dĩ vãng với ông. Nó là ngọn đèn để soi về hiện tại. Và cũng từ đó, những đau đáu bật mầm thành trang viết, những trang kịch bản hay câu thơ lại cất lời… Ở tuổi thất thập, ông vẫn lặng lẽ với công việc đọc và viết. Ông luôn sẵn sàng với tâm thế “sang số”. Sang số, nghĩa là không dừng lại ở một nhịp quen, là biết đổi hướng sáng tác khi cần để không bị “chết máy”, để vượt qua những trì trệ bản thân.

Khác với người dùng thơ để chạy theo thời cuộc, nhà thơ Văn Trọng Hùng dùng thơ để giữ lại những điều đang bị cuốn đi: nhân cách, phẩm hạnh, vẻ đẹp nội sinh trong con người. Nếu kịch bản của Văn Trọng Hùng giàu bi tráng, thì thơ của ông giàu trầm tư. Mỗi bài thơ là một dấu hỏi, không phải hỏi đời, mà hỏi chính mình, lặng thầm tự vấn. Và có lúc như lời tâm sự, có khi như tiếng lật trang cổ sử để soi lại hiện thực. Một trong những bài thơ trong tập Tiết trúc của ông mà tôi ấn tượng là bài Chiêm bao. Bài thơ mở ra từ một thế giới sân khấu truyền thống, nhưng nhanh chóng chuyển hóa thành ẩn dụ về đời sống hiện thực, nơi giá trị đang bị đảo lộn, lằn ranh thiện – ác trở nên mong manh: “Những nhân vật từ sân khấu bước ra/ Khác hơn những gì tôi viết/ Bọn gian thần cũng có khi biết khóc/ Người trung lương khoảnh khắc cũng đớn hèn!/ Gương mặt đen gương mặt đỏ trong Tuồng/ Không đứng yên là trung hay nịnh/ Họ đứng giữa thế gian…”. Ở đây, thơ Văn Trọng Hùng là những câu hỏi đặt ra trước một xã hội nhiều biến động. Hình ảnh “hôm qua còn rao giảng, hôm nay thành giặc nội xâm”, hay “hôm qua là anh hùng, hôm nay là tù nhân nhơ nhớp”, chính là cú đánh thẳng vào mặt nạ đạo đức, sự tráo trở, đảo chiều chóng vánh của quyền lực và danh phận. Tác giả thốt lên với một nỗi đau trào dâng: “Khác! Khác lắm những gì tôi viết/ Có vị vua kiên cường đuổi giặc ngoại xâm cứu nước/ Cũng là người ôm chặt ngai vàng bắt công thần phải chết/ Nỗi đau ứa lệ non sông!”. Dường như đây không còn là “chiêm bao” mà là hiện thực. Một hiện thực quá phũ phàng từng xảy ra trong lịch sử mà nhà thơ buộc phải gọi tên bằng giọng thơ đầy xa xót.

Nhà thơ Văn Trọng Hùng từng là quan đứng đầu ngành Văn hóa. Ông về hưu từ năm 2014. Nhiều khi tôi nghĩ, hai cụm từ “quan” và “nghệ sĩ” như một đối nghịch, chẳng thể dung hòa. Ấy vậy mà với nhà thơ, nhà viết kịch Văn Trọng Hùng, tôi có cách nhìn nhận khác. Tôi cảm nhận được tính nghệ sĩ trong hành xử văn hóa của ông, và tất nhiên, trong những trang viết hào sảng, có sức nặng của câu từ, ý tứ. Hơn mười năm không còn tại vị, nhưng ông vẫn được nhiều người yêu mến, tôn trọng, tới lui thương quý. Giữa những nhiễu nhương hiện hữu, chốn quan trường ít nhiều tạo nỗi hụt hẫng gương soi trong nhân quần, thì một cốt cách như Văn Trọng Hùng, không phải ai cũng có.

Tiếp tục dòng chảy với thơ ông, một bài thơ khác gây ấn tượng mạnh với tôi là Bonsai, với hình ảnh cây cảnh bị uốn cong theo thị hiếu, khuôn phép, sự áp đặt của cái gọi là “đẹp”: “Đang ngẩng cao đầu đành cúi mặt/ Thích nhìn phương Bắc phải ngó Nam/ Thịt da rướm máu mấy đường cong/ Toàn thân quặn thắt!/…/ Cao sang mà nức nở/ Uốn mình cho triết nhân trăm ngả/ Mơ được là mình/ Mãi chẳng là ta!”. Cây bonsai kia, tưởng là vẻ đẹp, nhưng thực chất là biểu tượng của những số phận bị uốn nắn, bị cắt gọt, bị tước mất tự do cá nhân để làm hài lòng một thẩm mỹ ngoại sinh nào đó. Đọc bài thơ, tôi không khỏi liên tưởng đến biết bao con người, phải gồng mình sống theo chuẩn mực người khác, đến nỗi “mơ được là mình/ mãi chẳng là ta!”

Nhà thơ Văn Trọng Hùng từng là người lính. Ông yêu quê hương này, nơi mà từng khoảnh khắc hòa bình được những đồng đội ông, những người lính, người dân yêu tự do và hòa bình đổi máu xương để có được. Hồi tưởng chiến tranh, liên tưởng thời bình, nỗi day dứt về lịch sử và hiện tại như hiện hữu trong thơ ông. Trong đó, bài thơ Nghĩa trang không mộ chí là một trong những bài thơ tạo nhiều xúc động. Tác giả không chỉ tri ân các liệt sĩ trong trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị, mà còn cảnh báo về sự lãng quên: “Và… nhói đau căm tức/ Khi nhìn vào kẻ mọt nước vinh thân/ Họ có từng nghĩ về hôm qua với bao mất mát hy sinh/ Và có biết… Nghĩa trang không mộ chí?!”. Câu hỏi cuối như một nhát dao rạch vào niềm im lặng. Đó không chỉ là trách cứ, mà còn là tiếng nói khẩn thiết về một bổn phận công dân, một thái độ sống với lịch sử, với những người đã ngã xuống cho hôm nay…

Càng về sau, thơ của nhà thơ Văn Trọng càng đau đáu, suy nghiệm hơn. So với các tập thơ trước, Tiết trúc là tập thơ nhập thế mạnh mẽ hơn cả, không khoan nhượng với những tráo trở, phi lý, vô đạo đang diễn ra hằng ngày. Nhưng ông không cực đoan, thơ ông là một bản “biện luận bằng thơ”, nhẹ nhàng mà quyết liệt. Những bài thơ như Chiêm bao, Bonsai, Rồng, Tự do, Nghĩa trang không mộ chí, Nghe thiền sư Thích Nhất Hạnh thuyết pháp… trở thành chứng tích nghệ thuật của một tâm hồn đầy khắc khoải với thời cuộc, luôn khát khao cái đẹp chân thực và đạo lý sống đúng nghĩa.

Nhà thơ, kịch tác gia Văn Trọng Hùng sinh năm 1954 tại Ân Tín, Hoài Ân, Bình Định. Ông đã xuất bản 6 tập thơ: Dạo khúc nhân tình (1991), Bóng trúc (2001), Đối ảnh (2006), Hầu chuyện tiền nhân (2012), Ngửa mặt hỏi trăm năm (2019), Tiết trúc (2025); 02 tập kịch bản: Đi tìm chân chúa (2014), Khúc ca bi tráng (2017). Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội NSSK Việt Nam. Ông đạt 9 giải A giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu; 15 giải thưởng về kịch bản và vở diễn của Bộ VH,TT&DL, Hội NSSK Việt Nam và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022 với hai tác phẩm kịch bản sân khấu: Khúc ca bi trángNước non cửa Phật.

Giữa thời đại mà câu chữ nhiều khi trở thành hàng hóa, thơ Văn Trọng Hùng giống như thứ trà chát mà lâu ngày mới thấm. Đọc chậm, nghĩ sâu, lặng lẽ mà lắng đọng. Tự trọng và kiêu hãnh, như chính câu thơ của ông: “Xơ xác rễ vẫn bền tiết trúc/ Để xuân về – kiêu hãnh những chồi xanh”…

VÂN PHI

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cho xanh nguồn cội…

Mỗi người một cách, một phong thái riêng, nhưng họ đều chung một niềm đắm đuối với văn học nghệ thuật, văn hóa Bình Định, để lại dấu ấn sâu đậm qua từng trang viết…

Ấm tình quân dân

Ban CHQS An Lão luôn chú trọng công tác dân vận, phát huy truyền thống đoàn kết gắn bó máu thịt quân – dân và thực hiện lời Bác dạy “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”…

Đô thị mới dưới chân Núi Bà

Nhiều người ví Núi Bà là mái nhà xanh của quân giải phóng trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Dãy núi có 66 ngọn, là nơi hoạt động của nhiều huyện ủy, thị ủy ở tỉnh ta.

Nơi lưu dấu hồn thiêng

Núi Bà – không chỉ là một danh thắng, một căn cứ cách mạng, mà còn là một phần của lịch sử, của văn hóa, của lòng tự hào xứ sở.