Nơi lưu dấu hồn thiêng

KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH BÌNH ĐỊNH (31.3.1975 – 31.3.2025)

(VNBĐ – Bút ký dự thi). Tôi trở lại Núi Bà trong một ngày tháng Ba, ánh nắng trải vàng những cung đường rải nhựa ven biển, soi dấu những dáng núi trập trùng. Nhìn về Tượng đài chiến thắng Núi Bà cùng dãy núi sừng sững giữa miền duyên hải Bình Định, tôi lại bồi hồi nhớ về những câu chuyện, những con người và những ký ức lịch sử đã gắn chặt với nơi này.

Nghe đất kể chuyện
Tượng đài chiến thắng Núi Bà nằm trong quần thể Di tích Cách mạng Núi Bà thuộc xã Cát Tiến, huyện Phù Cát. Đây là nơi lưu dấu và tưởng nhớ những chiến sĩ đã hy sinh cho ngày hòa bình, nhắc nhớ về một thời lịch sử đấu tranh cách mạng của quân dân Bình Định. Theo Đại Nam nhất thống chí, Núi Bà còn có tên chữ là Phô Chinh, dân gian có người gọi là Bà Chằng. Theo người xưa, đặt tên Núi Bà bởi nhìn hình dáng của toàn thể hòn núi, nếu đứng trên cao trông xuống hơi tròn như chiếc mâm đồng bị móp méo. Trong đó, Hòn Chuông nổi lên ở chính giữa như một cái núm. Nhìn toàn diện giống “chiếc chiêng đồng bị úp sấp và có dáng khép nép”, nên gọi là Bô Chinh. Bởi núi rộng lớn nên thêm chữ Đại vào, gọi “Bô Chinh Đại Sơn”. Theo nhiều tư liệu ghi lại, chiều dài của Núi Bà khoảng 24km, chạy từ đầu Chợ Gồm đến mũi Trung Lương. Chiều ngang rộng nhất từ mõm núi phía Nam ra đến mõm núi Gành ở phía Bắc dài 15km. Nơi hẹp nhất là thôn Mỹ Thuận xã Cát Hưng ra thôn Chánh Hùng xã Cát Thành theo đèo Tó Mọ dài 2,5km.

Núi Bà lưu dấu người xưa, chứng kiến bao đổi thay mất được và trở thành một phần hồn cốt trong đời sống tinh thần nhiều người dân nơi đây. Nhiều năm trước, tôi cùng nhiều anh chị văn nghệ sĩ ghé nhà nhà thơ Khổng Vĩnh Nguyên ở ngay làng “cõng lên lưng ba đèo gió cát” Tân Thanh, thuộc xã Cát Hải, dưới chân Núi Bà. Ông sống một mình bao lâu nay, tha thủi dưới góc nhà khuya sớm, chỉ có thơ bầu bạn. Gặp ông, tôi chạnh nhớ hai câu thơ của thi sĩ: “Thương em nhón gót nhìn qua núi/ Em đến em đi rất một mình”. Ngọn núi quê ông cao quá, người phụ nữ mà ông dõi nhìn cũng xa xăm, heo hút quá trong mịt mùng hư ảnh. Ngồi với ông, nói chuyện thơ, tôi như gã thuyền trưởng mở được la bàn giữa trùng khơi hải lý, cứ phăm phăm một phương trời gió lộng, cho rượu say lên tóc, cho thơ dắt đi mà nguôi quên những muộn phiền quay quắt. Ấy vậy, mà lần gặp lại thi sĩ vài năm trước, ông chốt như đinh đóng cột: “Tao bỏ rượu rồi. Bỏ hẳn!”. Lẽ vậy, ông viết: “Anh vẫn thấy đời không gì cả/ Với tấm lòng chân thật với bao la/ Sáu ba tuổi anh bắt đầu bỏ rượu/ Anh bắt đầu sống lại tuổi lên ba/ Thơ tha thiết như lời ru của mẹ/ Nuôi hồn anh khôn lớn khỏi tật nguyền/ Anh vẫn thấy đời không gì cả/ Với tấm lòng chân thật với bao la…”. Ông kể cả ngày về quê nhà, về núi Bà, về từng thứ nhỏ nhặt như tiếng gà, tiếng giun dế, hang hốc dáng đá núi xa. Ông yêu quê, yêu thơ như máu thịt…

Đôi khi tôi nghĩ, Núi Bà như một ẩn dụ, gợi lên bao suy ngẫm và mường tượng mà mỗi người một góc nhìn tiếp cận. Đã nhiều lần, tôi cùng bạn lần dò những ngõ hang trên đỉnh Chóp Vung, mường tượng lại ngày Thiền sư Lê Ban ẩn cư tu tập, hái thuốc cứu người, mường tượng những thanh niên yêu quê hương ẩn mình trong lòng núi trú tránh những trận truy quét của lính Pháp, lính Mỹ. Núi Bà đã ôm ấp, chở che như một người mẹ. Và ngay trên đỉnh Núi Bà, cũng rõ ràng một dáng dấp người mẹ… Trong một trận đi cùng đoàn văn nghệ sĩ từ Trại sáng tác VHNT trẻ năm 2023, khi đến ngã ba xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, đi theo con đường tỉnh lộ ven biển, đến đỉnh đèo Vĩnh Hội, thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, chúng tôi dõi mắt hướng về ngọn núi cao, nơi có một hòn đá có hình một người mẹ bồng con nhìn ra biển Đông. Đó là hòn Vọng Phu, một huyền thoại và cũng là biểu tượng của tình yêu và đợi chờ, từng được Quách Tấn nhắc đến trong Nước non Bình Định.

Hôm đó, thương cảm cho thân phận người phụ nữ chờ chồng mòn mỏi, nhà thơ My Tiên đã viết những câu gan ruột chia sẻ: “Đại ngàn khóc nàng mà xanh/ Mây trời xót nàng mà trắng/ Nàng vẫn lặng lẽ/ Đem thân mình tận hiến với thủy chung/ Đỉnh trời thành mồ chôn cho niềm đau sau cuối// Chiều nay nàng đã gỡ tấm lưng trần/ Giải thoát mình cùng tảng đá cô đơn/ Không vọng phu và vọng tưởng điều gì/ Những cánh én mơ hồ bay trong ý nghĩ/ Nàng lặng lẽ rời đi”. Núi Bà gắn bao câu chuyện mà người đi người về cứ lặng lẽ những góp nhặt. Có lẽ vậy mà nhà văn Trần Quang Khanh qua chốn này từng viết bút ký “Làng cõng ba đèo” rồi “Làng gỡ ba đèo”, “Theo dấu trâu lung”… mà nhiều người còn nhắc đến. Tôi còn ám ảnh câu chuyện có thật về những bà mẹ đau đớn áp vú vào con mình đến khi bặt tiếng khóc trước sự vây ráp của địch để bảo vệ cán bộ cách mạng. Chỉ mong năm tháng sẽ nguôi dần những nỗi đau, cho tang thương khép lại.

Địa cứ khu Đông
Gắn với nghề báo, tới lui Phù Cát và Núi Bà bao lần, mỗi chuyến đi lại mang đến thêm cho tôi những câu chuyện vui buồn. Gần chục năm trước, tôi biết đến hoàn cảnh đáng thương gia đình ông Nguyễn Quang Cảnh (SN 1953, ở thôn Chánh Liêm, xã Cát Tường, huyện Phù Cát). 8 người con thì 3 người bị di chứng của chất độc da cam. Chứng kiến 3 đứa con trai ông là Nguyễn Quang Nhựt (SN 1987), Nguyễn Quang Pháp (SN 1990) và Nguyễn Quang Úc (SN 1992) đều bị di chứng từ chất độc hóa học, tay chân teo tóp, ánh mắt u buồn, tôi không khỏi xót xa. Người ta hay nói về hậu quả của chiến tranh, nhưng có lẽ chỉ khi tận mắt chứng kiến những số phận như gia đình ông Cảnh, ta mới thấm thía được sự tàn khốc của nó. Cũng trong hoàn cảnh ấy, chị Nga – người chị của ba anh em Nhựt, Pháp, Úc – đã ở vậy cả đời để chăm sóc các em, như một biểu tượng của tình yêu thương và sự hy sinh lặng thầm. Và dưới chân núi, quanh đâu đó trong những ngôi trường bé nhỏ, tôi còn thấy những nụ cười thật hiền, thật ấm của những thầy cô, chăm sóc cho các bé bị phơi nhiễm chất độc da cam từ những lớp học dành cho trẻ khuyết tật bởi di chứng chất độc da cam. Lớp do giáo sư Michio Umegaki (Trường đại học Keio – Nhật Bản) một người giàu lòng trắc ẩn đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ kinh phí để có thể giúp đỡ các bé.

Khi lần lại những ký ức trong hồi ký Núi Bà khu Đông thời ấy của nguyên Phó Bí thư tỉnh ủy Bình Định – Đinh Bá Lộc, tôi như hình dung thêm những năm tháng chiến tranh, đau thương mà kiêu hùng. Núi Bà có địa hình khá hiểm trở, nhiều hang hốc tự nhiên thâm sâu khó dò, nên trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây đã được chọn làm căn cứ địa cách mạng Khu Đông của tỉnh Bình Định. Núi Bà cũng là căn cứ hoạt động của Tỉnh ủy, các cơ quan của tỉnh, đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh, Thị ủy Quy Nhơn và các Huyện ủy An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát. Từ căn cứ này, Tỉnh ủy đã chỉ đạo kháng chiến, mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở cách mạng.

Núi Bà còn là nơi ghi dấu ấn của Sư đoàn Ba Sao Vàng. Cuối tháng 11.1967, trung đoàn 12 đã tập kết dưới chân phía Tây Núi Bà, tăng cường cho chiến trường Khu Đông. Đây là nơi căn cứ đứng chân của các lực lượng ta hoạt động ở chiến trường Khu Đông gồm: Nam Phù Cát, Đông An Nhơn, Đông Tuy Phước và thị xã Quy Nhơn. Tại đây, trung đoàn đã quyết định chọn 2 mục tiêu là Gò Trạm và thị trấn Đập Đá để mở trận, tạo khí thế mới cho đơn vị. Gò Trạm nằm phía Nam quận lỵ Phù Cát. Địch xây dựng tại đây một trung tâm huấn luyện hạ sĩ quan cho vùng chiến thuật 2, rộng gần 100 ha. Học viên có lúc đông đến ngàn tên. Có hệ thống phòng thủ kiên cố, với trận địa pháo 105 ly 4 khẩu, do một tiểu đoàn bảo vệ. Thị trấn Đập Đá, nằm sát trục quốc lộ 1, đông dân, có hai trung đội dân vệ. Một cách cơ động, những người lính Sư đoàn Ba Sao Vàng đã tập kích hai mục tiêu trên, tạo nên chiến thắng giòn giã, khiến địch khiếp sợ.

Lãnh đạo tỉnh và Nhân dân dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ tại khu Di tích Tượng đài Chiến thắng Núi Bà. Ảnh: Nguyễn Phan Dũng Nhân

Cũng tại Núi Bà, một trong những trận đụng độ với quân Triều Tiên được ông Đinh Bá Lộc thuật lại, tôi xin trích nguyên văn: “Hôm đó, vào ngày 24.12.1967, Nam Triều Tiên phát hiện được trạm xá của trung đoàn đứng chân khu vực Tây Núi Bà. Tiểu đoàn 5 đang lúc thiếu gạo, thiếu thuốc nghiêm trọng, chỉ còn mấy lon để dành cho các đồng chí đau yếu. Anh em phải ăn rau rừng, lá cây. Bỗng nhận được lệnh cấp tốc hành quân, bảo vệ và di chuyến bệnh xá ra khỏi vòng vây của quân Nam Triều Trên. Tuy khó khăn nhưng đồng chí nào cũng hăng hái hành quân để được giáp mặt với bọn lính đánh thuê, đã từng nghe vô cùng tàn ác. Đơn vị đến cánh rừng non dưới chân Tây Nam Núi Bà, giáp ranh giữa Cát Hanh và Cát Trinh. Đại đội 52 của tiểu đoàn đi trước, tổ trinh sát phát hiện “Có quân địch trước mặt”. Phó chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Hữu Thiêng và đại đội trưởng Đoàn Liên, như hai con thoi chạy đi chạy lại, tổ chức cho đại đội 52 triển khai đội hình chiến đấu. Chiến sĩ ta không còn biết đói là gì, nghĩ đến đồng bào đang bị bọn chúng tàn sát, đồng chí nào cũng nóng bừng người, cầm chắc tay súng hình thành thế trận. Lợi dụng từng gốc cây, tảng đá ta nổ súng áp đảo ngay quân địch. Nhiều đồng chí sáp vào đâm lê, dùng thế võ quật địch. Bọn dã man ấy không kịp nổ súng. Ta đánh nhanh đến mức các trận địa pháo của địch đã sẵn sàng tọa độ, nhưng không kịp phản ứng. Một đại đội địch bị tiêu diệt. Tiêu diệt xong ra lệnh thu quân, di chuyển nhanh về phía trạm xá. Trận đánh tao ngộ, không có công sự, từ thế bị động chuyển sang thế chủ động, ta làm chủ thế trận, áp đảo địch ngay từ đầu, thể hiện bản lĩnh chính trị của cán bộ, chiến sĩ vững vàng, tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, vượt qua tất cả khó khăn. Đơn vị đã đánh cho quân đội mang cái tên oai hùng “Mãnh Hổ”, bị một đòn trừng trị và cho chúng một bài học đích đáng”.

Núi Bà đã trở thành bàn đạp mở nhiều đợt tiến công, nổi dậy trong chiến dịch “Đồng khởi khu Đông” (1964), chiến dịch xuân Mậu Thân (1968), và mùa xuân năm 1975, tiến tới giải phóng Quy Nhơn ngày 31.3.1975, kết thúc thắng lợi sự nghiệp chống Mỹ cứu nước trên địa bàn tỉnh Bình Định. Hơn 30 năm trước, từ năm 1994, khu di tích cách mạng Núi Bà đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Và nơi đây, hàng năm vào ngày 31.3 lịch sử, người dân lại về đây dâng hương tưởng niệm những người chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh cho ngày toàn thắng. Nơi đây, với cảnh sắc đẹp mê hồn của hiện tại, cũng trở thành điểm đến du lịch trọng điểm của Phù Cát. Đứng dưới chân Núi Bà, vọng nhìn những lừng lững điệp trùng non núi bên biển mênh mông của hiện tại mà thấy miền xưa đã phủ lên màu bình yên. Chị Hương Duyên, một người bạn viết văn đến từ Quảng Bình trong một lần đi cùng đoàn đến đã trầm trồ: “Núi Bà, chùa Ông Núi, biển Trung Lương, cảnh sắc hòa điệu tuyệt đẹp, đúng là một đãi ngộ của đất trời”.

Giữa những đổi thay của đất nước, khi bản đồ hành chính có thể thay đổi, khi những cái tên có thể bị điều chỉnh theo thời cuộc, thì những tên sông, tên núi như Núi Bà vẫn mãi in sâu trong tâm thức người dân bản xứ. Núi Bà – không chỉ là một danh thắng, một căn cứ cách mạng, mà còn là một phần của lịch sử, của văn hóa, của lòng tự hào xứ sở. Mỗi lần trở về đứng trước Núi Bà, tôi như cảm nhận được hơi thở của quê hương Bình Định trong từng cơn gió thổi qua. Và tôi biết, Núi Bà sẽ còn mãi, hiên ngang trước thời gian, giữ trọn những câu chuyện của một thời không bao giờ cũ.

VÂN PHI

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đô thị mới dưới chân Núi Bà

Nhiều người ví Núi Bà là mái nhà xanh của quân giải phóng trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Dãy núi có 66 ngọn, là nơi hoạt động của nhiều huyện ủy, thị ủy ở tỉnh ta.

Lính đảo, tọa độ trong mắt tôi

Lính đảo tiền tiêu, chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng ý thức mạnh mẽ nhiệm vụ của mình, các chiến sĩ ở Đại đội hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh luôn vững vàng chắc tay súng, gìn giữ bình yên…