Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể và võ cổ truyền Bình Định”

(VNBĐ – Thời sự). Sáng 05.01, tại TP. Quy Nhơn, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Nghiên cứu Văn hóa (Bộ VH-TT&DL) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể và võ cổ truyền Bình Định”.

Dự hội thảo có đồng chí: Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL; Nguyễn Tuấn Thanh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện các đơn vị thuộc Bộ VH-TT&DL, các ban, sở ngành của tỉnh; đại diện các Ủy ban thuộc UNESCO, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia về di sản văn hóa trong nước và quốc tế; các đại võ sư, võ sư…

Hội thảo phiên toàn thể. Ảnh: P.V

Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh khẳng định: Bình Định là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa – lịch sử, là vùng đất kinh kỳ xưa; nơi phát tích chữ quốc ngữ, phong trào Tây Sơn gắn với tên tuổi người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ; đây còn là nơi sinh ra và nuôi dưỡng nhiều danh nhân văn hóa, nhà thơ lớn của đất nước như: Đào Tấn, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Yến Lan. Bình Định còn là cái nôi của các loại nghệ thuật truyền thống độc đáo như: Võ cổ truyền, Tuồng, Bài chòi; trong đó, nghệ thuật Bài Chòi đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biểu diễn võ cổ truyền Bình Định tại Hội thảo. Ảnh: P.V

Võ cổ truyền Bình Định có từ ngàn xưa, từ thời “cha ông đi mở cõi”; có mặt ở nhiều khía cạnh trong đời sống văn hóa của người Bình Định; đã trở thành văn hoá tinh thần, trở thành hoạt động thể thao để rèn luyện thể lực, trí lực, tâm lực; đã tạo nên bản sắc văn hóa của người Bình Định, trở thành linh hồn của đất và người Bình Định, chứa đựng trong đó nhiều đạo lý, triết lý sống.

Tỉnh Bình Định đã ban hành và triển khai Đề án Bảo tồn và phát huy Võ cổ truyền Bình Định; hỗ trợ kinh phí duy trì, trao truyền, phát triển các lò võ tiêu biểu, các câu lạc bộ võ thuật; tổ chức biên soạn và đưa võ cổ truyền vào truyền dạy trong trường học, tạo điều kiện để phát triển thể dục, thể thao phong trào; qua đó, tìm kiếm, phát hiện những tài năng trẻ để kịp thời bồi dưỡng, rèn luyện, đưa vào các các đội tuyển của tỉnh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở VH&TT phối hợp với các ngành liên quan tổ chức khảo sát, sưu tầm các bài quyền, binh khí, chân dung các cố võ sư, võ sư tiêu biểu tại các võ đường trong và ngoài tỉnh; tổ chức thành công 08 kỳ Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, quảng bá, giới thiệu võ cổ truyền đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Năm 2012, Võ cổ truyền Bình Định đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đại biểu trong nước và quốc tế dự hội thảo. Ảnh: P.V

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: “Võ cổ truyền Bình Định, với các dòng võ danh tiếng của các làng An Vinh, An Thái, Thuận Truyền, là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng, mang trong mình những triết lý sống về đạo đức, ý chí và nhân cách con người. Di sản này đã lan tỏa ra các tỉnh thành trong cả nước và ra khỏi biên giới quốc gia, trở thành một phần không thể thiếu của bản sắc văn hóa Việt Nam. Hội thảo hôm nay là diễn đàn khoa học để chúng ta trình bày, thảo luận, đúc kết về giá trị, chức năng  và công tác bảo vệ  Võ cổ truyền Bình Định trong đời sống của cộng đồng chủ thể. Việc xây dựng hồ sơ ghi danh Võ cổ truyền Bình Định vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ mang lại niềm tự hào lớn lao, đồng thời đặt lên vai chúng ta trách nhiệm bảo vệ và phát huy di sản một cách bền vững. Với vai trò là cơ quan quản lý văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, cộng đồng chủ thể, và các chuyên gia trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này”.

Đại biểu dự phiên thảo luận Tiểu ban 1 “Võ cổ truyền Bình Định từ góc nhìn di sản văn hóa phi vật thể” dưới sự điều hành của GS.TS. Nguyễn Thị Hiền và GS.TS. Phan Thị Thu Hiền. Ảnh: P.V

Chương trình của Hội thảo gồm phiên toàn thể và 4 phiên thảo luận theo tiểu ban với 52 tham luận, tập trung vào 5 nhóm vấn đề: Võ cổ truyền Bình Định từ góc nhìn di sản văn hóa phi vật thể; Võ cổ truyền Bình Định – bản sắc địa phương, biến đổi và hội nhập; Bảo vệ và phát huy di sản võ cổ truyền Bình Định trong bối cảnh đương đại; Bài học từ các quốc gia về bảo vệ và phát huy di sản võ; Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.

Đại biểu dự phiên thảo luận Tiểu ban 2 “Bảo vệ và phát huy di sản  – Bài học từ các nước” sự chủ trì của TS.Peter Larsen, PGS. TS. Hoàng Cầm. Ảnh: P.V

Hội thảo là cơ sở quan trọng để tỉnh Bình Định hoàn thiện hồ sơ khoa học “Võ cổ truyền Bình Định” đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hội thảo còn là diễn đàn học thuật quan trọng để các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước cùng làm rõ những vấn đề khoa học về võ cổ truyền và những vấn đề khoa học khác liên quan đến võ cổ truyền từ góc độ di sản văn hóa phi vật thể. Với mục tiêu cao nhất là hướng tới công tác bảo vệ và phát huy giá trị của di sản võ cổ truyền nói chung và võ cổ truyền Bình Định nói riêng từ góc độ di sản văn hóa phi vật thể; hướng đến việc huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng thực hành di sản, giảm thiểu nguy cơ di sản bị mai một.

Trong khuôn khổ Hội thảo, ngày 04.01, các đại biểu đã dự Lễ cúng Tổ Võ cổ truyền Bình Định, tham quan di tích tháp Bánh Ít và xem biểu diễn võ thuật tại chùa Long Phước.

P.V

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN