(VNBĐ – Đời sống văn nghệ). Sáng 28.12, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Lễ công bố các tác phẩm văn học, nghệ thuật được nghiệm thu tại Cuộc vận động sáng tác với chủ đề “Sống mãi với thời gian”.
Hướng tới 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 85 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tháng 12.2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật với chủ đề “Sống mãi với thời gian”. Sau lễ phát động, Ban tổ chức đã nhận được hơn 200 đề cương, bản thảo các tác phẩm văn học, sân khấu, âm nhạc, múa của các tác giả trong cả nước. Hội đồng thẩm định đã chọn 48 tác giả có bản thảo, đề cương tốt để tham gia trại sáng tác văn học, nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” tại hai khu vực phía Bắc (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) và phía Nam (Vũng Tàu) nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng tác phẩm.
Sau giai đoạn hoàn thiện tác phẩm, Ban tổ chức đã lựa chọn được 35 tác phẩm hoàn chỉnh, chất lượng cao, gồm: 10 tác phẩm văn học, 12 tác phẩm sân khấu, 11 tác phẩm âm nhạc và 2 tác phẩm múa.
Bình Định có hai tác giả có tác phẩm được nghiệm thu: nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng với Trường ca Nhảy Flashmob ở Trường Sa và nhà viết kịch Lê Công Phượng với kịch bản sân khấu Cho những gì còn mãi.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Điện ảnh, các đơn vị nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà xuất bản làm việc với thành viên hội đồng của các lĩnh vực, lựa chọn dàn dựng, xuất bản các tác phẩm văn học, nghệ thuật được nghiệm thu. Thứ trưởng cũng đề nghị các Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố, trên cơ sở thực tiễn lựa chọn các tác phẩm phù hợp để dàn dựng, phổ biến qua đặt hàng các đơn vị nghệ thuật thuộc Sở.
35 tác phẩm được nghiệm thu, gồm: – 10 tác phẩm văn học: Tiểu thuyết Người gác đèn biển (nhà văn Dương Hướng); Trường ca Nhảy Flashmob ở Trường Sa (Nguyễn Thanh Mừng); Tiểu thuyết Đất mẹ bão giông (Nguyễn Trọng Tân); Tiểu thuyết Chuyện tình thời hậu chiến (Nguyễn Thế Đức); Tiểu thuyết Mía hát (Đỗ Viết Nghiệm); Tiểu thuyết Khói viên biên (Nguyễn Mạnh Hùng); Tiểu thuyết Việc nước việc nhà – Đời vua Trần Thái Tông (Nguyễn Thị Hồng Thắm); Trường ca Màu châu thổ (Lê Quang Trạng); Tiểu thuyết Thập tự mưa (Lê Vũ Trường Giang); Trường ca Phên dậu trời Nam (Lê Thanh My). – 12 kịch bản sân khấu: Phía sau huyền thoại (Nguyễn Thanh Bình); Ngôi nhà sàn của Bác (Lê Quý Hiền); Mãi với thời gian (Hoàng Thanh Du); Nỗi lòng của đất (Chu Thơm); San hô đỏ (Trịnh Bích Ngân); Cuộc trường chinh bất tận (Lê Thu Hạnh); Đường sáng (Nguyễn Thu Phương); Con đường chân lý (Nguyễn Thị Minh Nguyệt); Cho những gì còn mãi (Lê Công Phượng); Hoa dã quỳ vẫn nở (Nguyễn Đức Minh); Mãi một mùa xuân (Vương Huyền Cơ); Người dự lễ truy điệu chính mình (Nguyễn Toàn Thắng). – 11 tác phẩm âm nhạc: Hợp xướng Tự hào Việt Nam quê hương tôi (NSND Ngô Hoàng Quân); Giao hưởng, Hợp xướng Đất nước đàn bầu (NSND Trọng Đài); Nhạc kịch Vầng trăng Him Lam (PGS, TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, từ kịch bản văn học của Châu La Việt); Hợp xướng Tiếng ru nguồn cội (Nhạc sĩ Dương Bích Hà); Concerto violon và dàn nhạc giao hưởng Thắm tình quan họ (Nhạc sĩ Vũ Hùng); Hợp xướng Ngày mới (Nhạc sĩ Trịnh Minh Ước); Nhạc kịch Đất anh hùng của thế kỷ XX (Nhạc sĩ Đức Tân); Hợp xướng Bền vững muôn đời Tổ quốc Việt Nam ơi (Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính); Giao hưởng, hợp xướng cùng nhạc cụ dân tộc Non sông một dải (Nhạc sĩ Cao Đình Thắng); Ca kịch Đi về phía mặt trời (kịch bản và đạo diễn: NSƯT Lê Khánh Toàn); Giao hưởng thơ Tây Nguyên rực rỡ sắc màu (Nhạc sĩ Xuân Minh). – 02 tác phẩm múa: Thơ múa Mở biển của NSND Ngô Đặng Cường; Kịch múa Thanh xuân trên tuyến lửa của biên đạo múa Hà Thanh Hậu. |
P.V