(VNBĐ – Thời đàm). Những ngày cuối năm này, câu chuyện về chủ trương xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới đã trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.
Thực ra đây không phải là vấn đề mới. Từ Đại hội VII và nhất là trong các lần Đại hội lần thứ IX, XII, XIII của Đảng, các văn kiện đều nhấn mạnh nhiệm vụ về tinh gọn tổ chức bộ máy hoặc nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị xuất phát từ tầm quan trọng đặc biệt và đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn phát triển của đất nước. Rõ nét nhất là Nghị quyết số 18 ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Bảy năm thực hiện Nghị quyết số 18, đã đem lại một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, trên thực tế, nhận thức và hành động của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương còn chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao; việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại; một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương… Chính vì vậy mà tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót… Mặt khác, chất lượng tham mưu, đề xuất của một số cơ quan, tổ chức đảng còn hạn chế; năng lực điều phối, hướng dẫn, tổ chức thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; phân định phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của các bộ chưa triệt để; một số nhiệm vụ liên thông, gắn kết nhau hoặc cùng một lĩnh vực nhưng giao cho nhiều bộ quản lý. Tổ chức bộ máy của một số cấp, ngành đến nay cơ bản vẫn giữ nguyên về số lượng, việc sắp xếp chưa gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả, xác định vị trí việc làm.
Tinh giản biên chế mới tập trung giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.
Những tồn tại, hạn chế; sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Bộ máy cồng kềnh khiến chi phí vận hành lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển. Sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, “lấn sân”, cản trở, thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp, đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực…
Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đây là một trong những yếu tố then chốt đưa Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành người cầm lái vĩ đại đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Điểm hội tụ chiến lược sau 40 năm đổi mới đất nước đang đem đến cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; cũng đặt ra yêu cầu cấp bách thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang đặt ra một loạt các vấn đề đòi hỏi sự quyết tâm rất cao của toàn hệ thống chính trị. Trước hết là phải xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới; tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống; rà soát các quy định pháp luật có liên quan để chủ động sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo đúng quy định, bảo đảm chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất; tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát và cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp; gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất…
Đã gọi “cuộc cách mạng” yêu cầu phải có tính triệt để và do vậy phải vượt qua nhiều gian khó và chấp nhận cả sự hy sinh. Tất cả vì đất nước phát triển!
DƯƠNG HIẾU