Đưa võ cổ truyền vào huấn luyện bộ đội trinh sát

(VNBĐ – Bút ký dự thi).

Trinh sát đặc nhiệm là lực lượng luồn sâu, đánh hiểm trong lòng địch, trên mọi địa hình: đường, phố, sông, rạch, tàu, xe… để bảo vệ an toàn các mục tiêu quan trọng. Đại đội Trinh sát Cơ giới thuộc phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự (BCHQS) tỉnh ngoài việc miệt mài rèn luyện: chinh phục độ cao, vượt hào sâu, vượt chướng ngại… còn tích cực luyện tập võ thuật trinh sát – loại võ tổng hợp tinh hoa các môn phái, trong đó có nhiều đòn thế từ võ cổ truyền Bình Định.

 Phát triển kỹ thuật đánh, bắt địch

Năm 2014, lần đầu tiên BCHQS tỉnh Bình Định cử lực lượng trinh sát đến Quân khu 5 luyện tập và tham gia Hội thao võ chiến đấu tay không toàn quân do Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức và cử cán bộ tham gia tập huấn trọng tài và huấn luyện viên để về huấn luyện cho đơn vị. Nhớ lại những ngày tham gia tập huấn, thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Phan Toàn Trung – cán bộ Đại đội Trinh sát Cơ giới – cho biết: Võ chiến đấu tay không của Hội thao toàn quân là sự phát triển từ kỹ thuật đánh bắt địch trong võ chiến đấu của lực lượng đặc công. Ta có thể thêm bớt đòn thế để dễ tập luyện và tăng tính hiệu quả!”. Còn thượng úy Hồ Thanh Tân – Phó Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát Cơ giới, xuất thân từ binh chủng đặc công đồng thời là người trực tiếp huấn luyện võ chiến đấu tay không – chia sẻ thêm: Ngoài những thế võ: vững, chắc, nhanh, gọn, hiểm hóc của lực lượng đặc công, chúng tôi còn tham vấn và đưa thêm nhiều đòn thế võ cổ truyền Bình Định, như: chỏ, gối, phang ống… vào từng bài huấn luyện nên các bài tập đều mang nét riêng và hiệu quả rõ rệt”.

Huấn luyện võ thuật tại Đại đội Trinh sát cơ giới. Ảnh: Đại đội TSCG và CLB võ thuật Bộ CHQS cung cấp

Để tuyển chọn được lực lượng có tố chất, Đại đội đã đề xuất với cấp trên thành lập các tổ công tác đến các võ đường và các câu lạc bộ võ thuật trong tỉnh tìm người trong độ tuổi nhập ngũ kêu gọi đầu quân. Sau khi kết thúc khóa huấn luyện chiến sĩ mới, lực lượng này được điều về Đại đội Trinh sát Cơ giới để huấn luyện chuyên ngành và tập luyện võ chiến đấu tay không. Theo giáo trình huấn luyện môn võ này, người học phải trải qua những giai đoạn rèn luyện rất công phu. Ngoài việc rèn luyện sức khỏe tốt qua các bài: bật ưỡn thân, lộn mèo, lăn bánh xe, chống tay qua lưng, nhảy vòng lửa… đến luyện tập kỹ thuật đấm, đá với bao cát; tập các bài di chuyển, đối kháng, tấn công, phòng thủ… để bổ trợ cho thân thủ uyển chuyển, linh hoạt và ra đòn chính xác.

Bên cạnh nội dung huấn luyện theo giáo trình, đơn vị đã tích cực phối hợp với Trung tâm Võ thuật cổ truyền tỉnh Bình Định, Võ đường Phan Thọ, Võ đường Trương Ngọc Bê (Tây Sơn), Võ đường Hồng Kha (Quy Nhơn)… để được hỗ trợ về chuyên môn, nhất là kỹ thuật đánh đối kháng và những tinh hoa võ cổ truyền Bình Định làm cho môn võ chiến đấu tay không trong lực lượng vũ trang tỉnh ta phát huy tối đa uy lực.

 Thành lập Câu lạc bộ võ thuật

Sau một thời gian tuyển chọn lực lượng, tổ chức huấn luyện, giao lưu và cử vận động viên tham gia thi đấu các giải do quân đội tổ chức, Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo triển khai các đơn vị cấp sư đoàn, Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố thành lập Câu lạc bộ võ thuật để huấn luyện cho bộ đội. Ngày 19.5.2023, Câu lạc bộ võ thuật BCHQS tỉnh được thành lập theo Quyết định số 862/QĐ-UBND ngày 23.3.2023 của UBND tỉnh. Trụ sở hoạt động tại số 12 Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn. Câu lạc bộ có 172 hội viên, nòng cốt là Đại đội Trinh sát Cơ giới và Đại đội Hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh, có 11 hội viên làm việc chuyên trách, 02 Ban trực thuộc, thượng tá Trịnh Tiến Lực, Phó tham mưu trưởng BCHQS tỉnh làm Chủ nhiệm. Hoạt động của Câu lạc bộ nhằm đẩy mạnh phong trào luyện tập, phát triển võ thuật trong lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh; rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực, bản lĩnh, trình độ chuyên môn về võ thuật cho cán bộ, chiến sĩ; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển chọn lực lượng tham gia thi đấu các giải do tỉnh, Quân khu và Bộ Quốc phòng tổ chức hằng năm. Đồng thời huấn luyện các nội dung chuyên biệt cho cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ sẵn sàng làm nhiệm vụ phòng chống biểu tình, bạo loạn; bảo vệ vững chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Câu lạc bộ hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; tuân thủ hiến pháp, pháp luật. Những ngày đầu hoạt động tuy gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, cách điều hành và thời gian tập luyện nhưng bộ phận chuyên trách và Ban Chủ nhiệm đã kiên quyết khắc phục khó khăn, sớm đưa Câu lạc bộ đi vào hoạt động nề nếp. Câu lạc bộ tập trung huấn luyện cho các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, trong đó có lực lượng dân quân thường trực của các phường thường xuyên làm nhiệm vụ trên đường phố. Hàng ngày, các chiến sĩ phải đối mặt với nhiều tình huống nguy hiểm nên các bài, thế võ cổ truyền do Câu lạc bộ huấn luyện sẽ giúp nâng cao kỹ năng quan sát, nhận định khả năng chiến đấu của đối phương để đưa ra phương án tiếp cận, khắc chế và xử lý. Thượng tá Trịnh Tiến Lực – Phó tham mưu trưởng BCHQS tỉnh chia sẻ: “Rèn bản lĩnh, luyện kỹ năng là mục tiêu huấn luyện cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang tỉnh nói chung và dân quân tự vệ nói riêng. Hằng năm, chúng tôi đều lồng ghép võ cổ truyền Bình Định vào các bài võ khác để huấn luyện các lực lượng này”. Đối với các đơn vị ở xa, Câu lạc bộ đề xuất với chỉ huy cấp trên triệu tập cán bộ nòng cốt đến tập huấn, huấn luyện, quyết tâm đưa môn võ chiến đấu tay không trong đó có võ cổ truyền vào tất cả các đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh. Hiện nay, phong trào luyện tập võ thuật đang diễn ra sôi nổi và rộng khắp trong toàn lực lượng vũ trang tỉnh, trở thành sân chơi bổ ích, rèn luyện sức khỏe dẻo dai, bền bỉ cho bộ đội và dân quân tự vệ, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

 Gặt hái thành công, phát huy tinh hoa

Sau khi thành lập Câu lạc bộ võ thuật, nhờ có phương pháp huấn luyện khoa học và sự hỗ trợ về nhiệt tình từ các võ đường trên địa bàn tỉnh, các vận động viên của Câu lạc bộ thường xuyên cọ xát với các giải đấu của tỉnh và các địa phương khác nên trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm thi đấu được nâng lên rõ rệt. Năm 2023, Câu lạc bộ tham gia giải Võ cổ truyền các võ đường Bình Định tranh cúp Hoàng đế Quang Trung lần thứ V đạt 06 huy chương vàng, 01 huy chương đồng và giải ba toàn đoàn nội dung đối kháng; tham gia hội thao các Câu lạc bộ võ thuật toàn quân đạt 01 huy chương vàng, 02 huy chương bạc, 01 huy chương đồng. Nối tiếp kết quả đó, năm 2024 Câu lạc bộ tham gia hội thao thể dục thể thao quốc phòng do Quân khu 5 tổ chức đạt 07 huy chương vàng, 03 huy chương bạc và 08 huy chương đồng; tham gia hội thao toàn quân đạt 03 huy chương vàng, 01 huy chương bạc và 01 huy chương đồng.

CLB võ thuật Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đạt thành tích cao. Ảnh: Đại đội TSCG và CLB võ thuật Bộ CHQS cung cấp

Đó là những thành công bước đầu thể hiện định hướng đúng đắn của phong trào phát triển võ chiến đấu tay không có sử dụng nhiều đòn thế võ cổ truyền Bình Định trong lực lượng vũ trang tỉnh. Việc giữ gìn và phát huy tinh hoa võ cổ truyền đã được lãnh đạo Bộ Chỉ huy đặc biệt quan tâm. Từ những hạt nhân của Câu lạc bộ có thành tích cao trong các giải đấu và đã được tập luyện võ cổ truyền trước khi bước vào quân ngũ, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa võ đặc công chiến đấu, võ trinh sát đặc nhiệm và võ chiến đấu tay không, võ cổ truyền Bình Định được phát huy tinh hoa và tỏa sáng trong các đơn vị của lực lượng vũ trang tỉnh. Tiêu biểu như bài “Lão hổ thượng sơn” do chiến sĩ Nguyễn Gia Bảo ở Đại đội Trinh sát Cơ giới luyện tập và biểu diễn. Bài quyền này do cố võ sư Lê Văn Kiển (tức Tám Kiển) – quê Sóc Trăng sáng tạo, dựa trên hình tượng của con hổ – chúa sơn lâm – thần thái uy nguy, dũng mãnh và động tác nhanh gọn, dứt khoát, tấn, thoái nhịp nhàng, xoay chuyển biến hóa, lúc chậm thì ung dung, lúc nhanh thì vô cùng dũng mãnh, có nhiều đòn thế hiểm xuất phát từ đất võ Bình Định. Do triết lý dụng nhu thắng cương, đòn tay hổ ra không nặng về sức mà thiên về kỹ thuật dị biệt. Khi đỡ đòn chỉ khép không mở, luôn che phủ kín thân mình. Khi sử dụng đòn đánh dùng hình thức chuyền tay, công, thủ, khóa, mở, ém, trói để mượn lực đối phương phản đòn, dùng hổ trảo để đánh vào các yếu huyệt. Bài quyền chia làm 10 phân đoạn, 62 động tác. Đây là bài quyền được biểu diễn khắp cả nước và từng bước được truyền bá ra nước ngoài như một sản phẩm văn hóa độc đáo của Việt Nam. Nhiều đòn thế của bài quyền này hiện được các chiến sĩ trinh sát đặc nhiệm BCHQS tỉnh sử dụng như một thứ bảo bối không thể thiếu khi thực chiến với đối phương.

Dân quân thành phố Quy Nhơn tập luyện võ chiến đấu tay không. Ảnh: Đại đội TSCG và CLB võ thuật Bộ CHQS cung cấp

Ngoài tác chiến tay không, trong thực tế chiến đấu, các chiến sĩ trinh sát có thể ứng dụng linh hoạt với bất kì binh khí nào, vì vậy để đáp ứng nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, Đại đội Trinh sát Cơ giới đã sưu tầm và đưa rất nhiều bài binh khí vào trong chương trình huấn luyện võ thuật của đơn vị như: đao, dao găm, côn, thương, kiếm. Trong số đó có bài “Thanh long độc kiếm” là bài binh khí có nguồn gốc từ thời Tây Sơn (thế kỷ 18), sau này phái Thanh Long võ đạo do cố võ sư Lê Kim Hòa – quê Phú Yên tiếp tục phát triển. Bài binh khí gồm 16 câu thiệu chia thành 60 động tác có độ biến ảo cao, vô cùng linh hoạt, tấn công ở nhiều phương hướng khiến đối phương khó lòng chống đỡ cũng như phòng thủ, bài binh khí này được đưa vào 18 bài quy định của võ cổ truyền Việt Nam mà cũng là 12 bài võ cổ truyền Việt Nam được chọn để giới thiệu ra thế giới. Chiến sĩ Huỳnh Thanh Hậu đã luyện tập và biểu diễn thuần thục bài binh khí này và cho biết: “Kiếm được xếp vào hàng vua của các loại binh khí, môn sinh mất từ một đến hai năm mới có thể thuần thục được. Khi người tập đến một trình độ nhất định sẽ có thân pháp uyển chuyển, thanh thoát, làm chủ kiếm như một bộ phận của cơ thể. Em sẽ cố gắng chia sẻ, truyền thụ cho đồng đội và nhân rộng trong thời gian tới”. Có thể nói đây là những hạt nhân vô cùng quan trọng để giữ gìn và phát huy tinh hoa võ cổ truyền trong lực lượng vũ trang tỉnh.

Hiện nay, Câu lạc bộ võ thuật BCHQS tỉnh đang tích cực luyện tập các môn võ chuyên ngành cho các đơn vị và lực lượng nòng cốt, đồng thời chiêu sinh, huấn luyện vào giờ nghỉ, ngày nghỉ cho con em cán bộ quân đội và Nhân dân trên địa bàn có nhu cầu nâng cao sức khỏe, tự vệ khi đối mặt với những tình huống bất khả kháng. Không chỉ vậy việc nhân rộng còn có ý nghĩa giữ gìn, phát huy võ cổ truyền – nét đặc trưng của văn hóa, con người Bình Định trên mảnh đất địa linh nhân kiệt, thượng võ và quật khởi.

Trung tá Vương Quốc Cảnh – Trưởng ban Quân báo Trinh sát thuộc Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chia sẻ những dự định trong thời gian tới: “Huấn luyện võ thuật cho các đơn vị là nội dung bắt buộc trong chương trình huấn luyện hằng năm. Để thúc đẩy và nhân rộng phong trào này một cách tích cực trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho Bộ Chỉ huy chỉ đạo thành lập Câu lạc bộ võ thuật ở Ban CHQS 11 huyện, thị xã, thành phố và tổ chức hoạt động ngay trong năm 2025. Phải giữ gìn và phát huy những tinh hoa của võ cổ truyền trong lực lượng vũ trang tỉnh, bởi nó là văn hóa phi vật thể của quốc gia và là nét đặc sắc của người Bình Định!”.

PHAN VĂN HỔ (Ban CHQS huyện Phù Mỹ)  

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Làm nghệ nhân Bài chòi và làm thơ

Lý Thành Long là con nhà nòi hát Bội và Bài chòi dân gian. Từ bé, những làn điệu Bài chòi từ những nghệ nhân bên nhà ngoại đã cuốn hút anh…