Phát huy bảo vật quốc gia

(VNBĐ – Thời đàm). Sở Văn hóa – Thể thao Bình Định vừa tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận bảo vật quốc gia hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn. Như vậy sau 12 đợt công nhận 294 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bình Định có 8 đợt (từ đợt thứ 5 đến đợt thứ 12) công nhận 13 bảo vật quốc gia là những tác phẩm điêu khắc Champa!

Nằm giữa dải đất miền Trung, Bình Định là nơi trầm tích tinh hoa văn hóa đa dạng và đặc sắc. Trong gần 5 thế kỷ từ thế kỷ thứ XI đến nửa sau thế kỷ thứ XV, Bình Định là vùng đất kinh đô của vương triều Vijaya, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của vương quốc Champa với dấu ấn kiến trúc đền tháp, thành quách hùng vĩ, uy nghi vẫn còn lại hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật điêu khắc. 13 bảo vật quốc gia chắc hẳn chưa phải là con số cuối cùng bởi Bình Định còn có những di tích đặc biệt từ nhà Tây Sơn, từ văn hóa Sa Huỳnh…

Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Do đó, bảo tồn và phát huy giá trị bảo vật quốc gia là góp phần gìn giữ di sản văn hóa quý báu mà cha ông để lại.

Trong số 13 bảo vật quốc gia được công nhận ở Bình Định, có 8 bảo vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Bình Định và 5 bảo vật đang nằm ở vị trí phát hiện trong đó thị xã An Nhơn lưu giữ 4 bảo vật. Cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá có kích thước lớn nhất được tìm thấy trong nghệ thuật điêu khắc đá Champa, với trình độ mỹ thuật, kỹ thuật khắc tạc tinh xảo, kết hợp hài hòa giữa các họa tiết trang trí. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hai tượng voi đá vẫn uy nghiêm thách thức cùng mưa nắng thời gian. Hai tượng Hộ pháp bằng đá đang được lưu giữ, bảo quản tại chùa Nhạn Sơn thuộc xã Nhơn Hậu, có giá trị đặc biệt trong nghệ thuật điêu khắc Champa. Hai tượng Hộ pháp có liên quan mật thiết đến Gò Tam Tháp – một phế tích kiến trúc Champa nằm cách chùa Nhạn Sơn 100m về phía Tây. Mỗi tượng Hộ pháp được khắc tạc từ một khối đá có kích thước lớn liền bệ đế và tượng, đầu đội vương miện, khuôn mặt có gờ lông mày rậm, đôi mắt lồi, cánh mũi phình to. Thân tượng được tạo hình lực lưỡng, thế đứng vững chãi. Hai tượng thần hộ pháp mặc sampot bó sát đùi, mang đặc trưng nghệ thuật điêu khắc của phong cách Tháp Mẫm.

Bảo vật còn lại không lưu giữ ở Bảo tàng Bình Định là tượng thần Siva chùa Linh Sơn. Tượng được phát hiện trong lòng đất thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn. Nhân dân nơi đây đã lập chùa thờ thần có tên là chùa Phật Lồi (tức chùa Linh Sơn). Năm 2011, chùa được dời về thôn Hội Thành xã Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn.Điểm độc đáo của tượng Shiva chùa Linh Sơn là bộ râu dài, thể hiện dưới hình dạng của một nhà khổ hạnh. Thần đội mũ hình trụ, giữa mũ có khắc tiếng Phạn là “om” với nghĩa tôn kính. Khác với những thần Shiva có con mắt thứ ba, tượng thần Shiva chùa Linh Sơn trên trán có ba dấu gạch ngang biểu tượng cho sự trọn vẹn theo quan niệm của Bà la môn giáo. Tấm tựa sau lưng tượng có khắc một trong năm minh văn mà vị vua Champa thứ 31 tên Jaya Simhavarman V (1400 – 1441) thuộc vương triều Vijaya để lại. Tượng thần Siva chùa Linh Sơn là một trong những tượng đặc sắc trong nghệ thuật Ấn Độ giáo của khu vực Đông Nam Á và là tác phẩm đầu tiên của loạt tượng thể hiện nội dung hình ảnh biểu tượng kết hợp thần – vua trong nghệ thuật điêu khắc Champa.

8 bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định gồm hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn, phù điêu thần Hộ pháp Mã Chùa, phù điêu thần Brahma, phù điêu nữ thần Mahishasura Mardini, phù điêu nữ thần Sarasvati, cặp tượng chim thần Garuda diệt rắn Tháp Mẫm đang được trưng bày chung phòng cùng với nhiều tác phẩm điêu khắc Champa khác.

Công tác bảo vệ bảo vật quốc gia tại Bảo tàng có được quan tâm khi mỗi bảo vật được đặt trên bục bệ trang trọng; phòng trưng bày được lắp đặt camera, báo động, báo cháy và phòng chữa cháy đạt tiêu chuẩn. Đối với 3 bảo vật quốc gia được lưu giữ tại hai ngôi chùa, đã xây dựng được kế hoạch liên ngành trong việc giữ gìn, bảo quản từ bảo tàng, các trụ trì các chùa, các cơ quan chức năng văn hóa, công an, chính quyền địa phương các cấp sở tại. Riêng cặp voi đá thành Đồ Bàn đang trong khu vực quy hoạch khu di tích, nhiều phương án đã được đưa ra như làm mái che hoặc di lên bục nổi song các phương án đều đang được cân nhắc kỹ lưỡng bởi trọng lượng của tượng rất nặng trong khi nền đất đã ổn định qua lớp lớp thời gian.

Mỗi bảo vật quốc gia kết tinh trong đó là câu chuyện về về lịch sử, văn hóa, khoa học của đất nước có từ hằng trăm năm, thậm chí hằng ngàn năm nên việc tạo cơ hội để người dân và du khách được tiếp cận, chiêm ngưỡng hiện vật quý là trách nhiệm lớn của ngành Văn hóa. Việc tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về các bảo vật quốc gia; đẩy mạnh công tác giáo dục di sản cho học sinh; kết nối với các công ty lữ hành, xây dựng tour, tuyến du lịch phục vụ nhu cầu du khách trong nước và quốc tế đến tham quan tìm hiểu bảo vật quốc gia tại Bình Định, hướng đến mục tiêu đưa du lịch lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.

Riêng các bảo vật quốc gia tại chùa Nhạn Sơn cần từng bước trả lại giá trị nguyên dạng và đúng với câu chuyện về khoa học và lịch sử của nó, tránh việc tô vẽ, làm biến dạng bảo vật quốc gia.

DƯƠNG HIẾU

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chống hoạt động IUU bao giờ kết thúc?

Sau bảy năm bị áp thẻ vàng (2017 – 2024) và qua bốn đợt thanh tra của EC, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thay đổi và đã có sự chuyển biến tích cực: ban hành Luật Thủy sản và các văn bản…