(VNBĐ – Thời sự). Sáng 21.11, tại Bảo tàng tỉnh Bình Định, Sở VH&TT tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận bảo vật quốc gia hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn và giới thiệu các bảo vật quốc gia tỉnh Bình Định. Dự lễ, có ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; TS Lê Đình Phụng, Ủy viên Hội Khảo cổ học Việt Nam; ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các ban, sở, ngành; các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, cán bộ ngành Văn hóa của tỉnh và công chúng quan tâm đến lĩnh vực di sản văn hóa…
Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Bộ VH-TT&DL trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn; Bảo tàng tỉnh báo cáo tổng quan về bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh, chiếu phim giới thiệu các bảo vật quốc gia, ra mắt sách Bảo vật quốc gia tại Bình Định, tham quan, giới thiệu các bảo vật quốc gia tại Bình Định được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.
Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn có chất liệu đá silics hạt mịn, màu nâu xám nhạt, được xác định có niên đại vào cuối thế kỷ XI. Trong đó, tượng sư tử 1 cao 107cm, dài 112cm, rộng 58cm; tượng sư tử 2 cao 105cm, dài 120cm, rộng 60cm. Cặp tượng này được phát hiện năm 1992, tại khu vực Bả Canh (phường Đập Đá, TX An Nhơn) thuộc phạm vi thành Đồ Bàn, trong một hố chôn có cặp tượng sư tử cùng tượng Gajashimha (con vật đầu voi, mình sư tử). Tượng được tạo tác mang những nét cơ bản của phong cách Trà Kiệu, nhưng cũng bắt đầu có những đặc điểm của phong cách tháp Mẫm (còn gọi là phong cách Bình Định). Theo các nhà nghiên cứu, cho đến nay, cặp tượng này được xem là những tượng sớm nhất thuộc phong cách tháp Mẫm và có tạo hình tư thế độc đáo nhất trong lịch sử điêu khắc tượng sư tử của Champa. Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia vào ngày 18.01.2024.
Đến hiện tại, Bình Ðịnh có 13 bảo vật quốc gia là những tác phẩm điêu khắc Champa. Trong số đó, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, trưng bày 8 bảo vật, gồm: Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini, niên đại đầu thế kỷ XII; phù điêu thần Brahma, niên đại cuối thế kỷ XII; cặp phù điêu chim thần Garuda diệt rắn, niên đại thế kỷ XII – XIV; phù điêu nữ thần Sarasvati, niên đại đầu thế kỷ XII; phù điêu Thần hộ pháp Mả Chùa, niên đại thế kỷ XII; cặp tượng sư tử đá thành Đồ Bàn (thành Hoàng Đế), niên đại cuối thế kỷ XI – đầu thế kỷ XII. Còn 5 bảo vật quốc gia khác, như Cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn niên đại nửa sau thế kỷ XII đang nằm trong khuôn viên thành Đồ Bàn ở xã Nhơn Hậu, TX. An Nhơn; cặp tượng Hộ pháp, niên đại thế kỷ XII – XIII, tại chùa Nhạn Sơn, ở xã Nhơn Hậu; tượng thần Shiva, niên đại thế kỷ XV, tại chùa Linh Sơn, ở xã Nhơn Hội (TP. Quy Nhơn).
PHI NGUYỄN