Bế mạc lớp tập huấn về văn hóa, văn nghệ dân gian

(VNBĐ – Đời sống văn nghệ). Chiều 29.9, tại Trường ĐH Quy Nhơn, Hội VHNT tỉnh phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức tổng kết, bế mạc lớp tập huấn về văn hóa, văn nghệ dân gian.

Dự lễ có đồng chí Nguyễn Huỳnh Huyện, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; PGS. TS Nguyễn Xuân Đức, Ủy viên Ban thường vụ Hội VNDG Việt Nam, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Vinh; PGS. TS Huỳnh Văn Tới, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Vũ, Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ngãi; lãnh đạo Hội VHNT Bình Định, lãnh đạo Trường ĐH Quy Nhơn, Trung tâm Lưu trữ lịch sử…, cùng các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và 183 học viên tham gia lớp tập huấn.

Sau 04 ngày (từ 26 – 29.9), các học viên đã được tiếp cận các chuyên đề: Những vấn đề lý luận về văn hóa, văn nghệ dân gian; Động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay; Điều tra, sưu tầm, nghiên cứu và trình bày kết quả nghiên cứu một hiện tượng văn hóa dân gian thời hiện đại: trường hợp lễ hội miếu Bà Chúa Xứ núi Sam; Một số vấn đề về lý thuyết và phương pháp nghiên cứu văn học dân gian; Văn hóa dân gian với sự phát triển du lịch ở Bình Định; Di sản văn hóa và phát triển du lịch. Đồng thời, lớp tập huấn đã có một buổi trải nghiệm thực tế tại di tích Tháp Đôi (TP. Quy Nhơn) với sự hướng dẫn của giảng viên về phương pháp phân tích, tiếp cận văn hóa dân gian; gợi mở nhiều câu hỏi, trao đổi tương tác để học viên bổ sung thêm kiến thức về di tích cũng như sự ứng xử với di sản văn hóa hiện nay.

GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam (ngoài cùng bên phải) trao giấy chứng nhận cho các học viên. Ảnh: P.N

Tại buổi bế mạc, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam ghi nhận sự học hỏi nghiêm túc của các nghệ nhân, giảng viên, người làm văn hóa công tác ở địa phương, sinh viên trường đại học Quy Nhơn khi tham gia lớp tập huấn. Trên cơ sở những vấn đề, nội dung được gợi mở, trao đổi với học viên và những người hoạt động trong công tác văn hóa, ông kỳ vọng sẽ góp phần vào việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa, đặc biệt là văn nghệ dân gian trong bối cảnh hiện nay.

Nhà thơ, nhà nghiên cứu VHDG Mai Thìn, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định cảm ơn những hướng dẫn nhiệt tình của các chuyên gia đã cung cấp cho học viên các phương pháp tiếp cận di sản văn hóa trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian tỉnh Bình Định. Hội VHNT sẽ cố gắng kết nối với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng như các chuyên gia trên cả nước để có thêm những buổi tiếp xúc, gặp gỡ, tọa đàm và tập huấn không chỉ về mảng văn nghệ dân gian mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như sân khấu, âm nhạc, văn học…

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao chứng chỉ cho các học viên tham gia lớp học.

PHI NGUYỄN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

“Chạm thu” của nhà thơ Mai Hữu Phước

Thơ Mai Hữu Phước nhẹ nhàng, hàm chứa những cảm xúc tinh khôi, trong sáng. Mạch thơ truyền thống được ông dụng công “làm mới” bằng sự tinh tế của ngôn ngữ và cảm xúc…