Cái chết của ông Shimerda

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

(VNBĐ – Văn học nước ngoài). Sáng ngày hai mươi hai tôi giật mình thức giấc. Trước khi mở mắt thì dường như tôi đã biết được là có gì đó vừa xảy ra rồi. Tôi nghe thấy những giọng nói phấn khích trong bếp, giọng của bà nhức óc tới nỗi tôi biết là hẳn bà phải gần như kích động lắm rồi. Tôi hân hoan mong sẽ có cơn khủng hoảng mới nào đó. Tôi tự hỏi không biết nó có thể là gì lúc vội vàng mặc quần áo vào. Có lẽ kho thóc đã bị thiêu rụi, có lẽ là đàn gia súc bị đông cứng, có lẽ là một người hàng xóm mất tích trong cơn bão.

Dưới bếp, ông tôi đang đứng trước bếp lò tay chắp lại sau lưng. Jake và Otto đã cởi ủng và đang xoa bóp đôi tất len của mình. Quần áo và ủng của họ đều đang bốc khói, và cả hai người họ đều trông kiệt sức. Trên băng ghế phía sau lò có một người đàn ông đắp mền nằm đó. Bà tôi ra dấu cho tôi vào phòng ăn. Tôi miễn cưỡng làm theo. Tôi nhìn bà vào rồi đi mang theo mớ đĩa. Môi bà mím chặt và bà cứ thì thầm mãi: “Lạy Chúa cứu thế!”, “Lạy Đấng toàn tri!”.

Ngay sau đó ông tôi vào và nói: “Jimmy, sáng nay mình sẽ không cầu nguyện vì có rất nhiều việc phải làm. Ông Shimerda mất rồi, và nhà ông ấy đang rất đau buồn. Ambrosch đến đây trong đêm, Jake và Otto đi cùng cậu ta. Mọi người đã có một đêm mệt mỏi và cháu không được hỏi gì làm phiền họ. Ambrosch đang ngủ trên băng ghế đấy. Vào ăn sáng đi nào các chàng trai”.

Sau khi Jake và Otto đã uống xong cốc cà phê đầu tiên, họ bắt đầu nói chuyện đầy kích động mà không hề để tâm đến ánh mắt nhắc nhở của bà. Tôi giữ mồm giữ miệng nhưng vẫn căng tai hết cỡ ra nghe.

“Không thưa ông”, Fuchs trả lời một câu hỏi của ông tôi, “không ai nghe thấy tiếng súng nổ hết. Lúc đó Ambrosch ra ngoài dùng đám bò cố mở một con đường còn cánh phụ nữ bị nhốt chặt trong hang. Lúc Ambrosch vào trời tối và cậu ta không nhìn thấy gì hết, nhưng lũ bò hành động có vẻ kì quặc. Một con tách ra và bỏ chạy khỏi cậu ta – nó lồng lên lao ra khỏi chuồng. Tay cậu ta bị phồng lên do dây thừng kéo qua. Cậu ta lấy một chiếc đèn lồng rồi vào nhà và thấy ông già như chúng ta đã thấy”.

“Con người tội nghiệp!”, bà tôi rên rỉ. “Tôi muốn nghĩ là ông ấy không bao giờ làm điều đó. Lúc nào ông ấy cũng ý tứ và không muốn gây ra rắc rối. Làm sao mà ông ấy lại quên bản thân mình đi và gây ra chuyện này cho chúng ta được nhỉ!”.

“Tôi không nghĩ ông ấy mất trí ngay cả trong giây lát đâu bà Burden”, Fuchs tuyên bố. “Ông ấy làm mọi thứ một cách tự nhiên. Lúc nào ông ấy cũng tao nhã, và tao nhã cho đến giây phút cuối cùng. Ông ấy cạo râu sau bữa tối và tắm rửa sạch sẽ sau khi mấy đứa con gái đã rửa bát đĩa. Antonia nấu nước cho ông ấy. Rồi ông ấy mặc một chiếc áo sơ mi và mang đôi tất sạch vào, rồi sau khi đã ăn mặc tươm tất, ông ấy hôn cô bé và đứa em rồi nói là mình sẽ ra ngoài săn thỏ. Hẳn là ông ấy đi thẳng xuống kho thóc và làm điều đó. Ông nằm xuống cái giường tầng gần ngăn chuồng bò nơi ông vẫn luôn ngủ. Lúc chúng tôi tìm thấy ông ấy, mọi thứ đều chỉnh tề ngoại trừ…”, Fuchs nhíu mày lưỡng lự, “ngoại trừ điều mà ông ấy không một chút nào biết trước được. Áo khoác của ông ấy treo trên một cái móc, còn ủng để dưới gầm giường. Ông ấy cởi cái khăn quấn cổ bằng lụa lúc nào cũng mang bên mình ra, gấp nó phẳng phiu rồi găm chiếc ghim áo vào. Ông ấy bẻ cổ áo ra và xắn ống tay áo lên”.

“Ta không hiểu nổi ông ấy làm thế làm sao được!”, bà tôi cứ nói đi nói lại.

Otto hiểu ý bà. “Đơn giản lắm bà ơi, ông ấy bóp cò súng bằng ngón chân cái. Ông ấy nằm nghiêng xuống và đặt nòng súng vào miệng rồi đưa một chân lên lần tìm cò súng. Ông ấy làm được khá tốt!”. “Có lẽ vậy!”, Jake nói dứt khoát. “Có gì đó hết sức lạ lùng trong chuyện đó”. “Ý cháu là gì vậy Jake?”, bà hỏi gay gắt.

“Là thế này ạ, cháu tìm thấy rìu của Krajiek dưới máng ăn, cháu nhặt nó lên mang tới chỗ thi thể, và cháu thề là nó vừa như in vào vết thương trên mặt ông già. Lúc đó Krajiek cứ lén lút xung quanh, mặt mày tái nhợt và im thin thít, rồi khi nó thấy cháu kiểm tra cái rìu, nó bắt đầu rên rỉ, “Lạy Chúa, anh ơi đừng làm vậy mà!”, cháu nói, “Tôi nghĩ là mình sẽ xem xét cái này”. Thế là nó bắt đầu ré lên như chuột và chạy loanh quanh vặn vẹo hai tay. Nó nói: “Họ sẽ treo cổ tôi mất! Chúa ơi, họ sẽ treo cổ tôi chắc luôn!’”.

Fuchs nôn nóng nói, “Krajiek đã trở nên ngớ ngẩn mà Jake, cậu cũng vậy đấy. Không lí nào ông già lại chuẩn bị hết mọi thứ để Krajiek giết ông ấy hết phải không? Chuyện đó không ăn khớp gì với nhau hết. Khẩu súng ở ngay cạnh lúc Ambrosch tìm thấy ông ấy”.

“Krajiek cũng có thể để nó ở đó chứ?”, Jake hỏi gặng.

Bà tôi chen vào vẻ kích động: “Này Jake Marpole, không phải cháu đang cố biến vụ tự tử thành giết người đấy chứ? Chúng ta đã gặp đủ rắc rối rồi. Otto đọc cháu nghe quá nhiều truyện trinh thám rồi đấy”.

“Cũng dễ xác định thôi Emmaline”, ông tôi nói đơn giản. “Nếu ông ấy tự bắn mình theo cách như họ nghĩ thì vết thương sẽ rách từ trong ra ngoài”.

“Chính là y như vậy đấy ông Burden”, Otto quả quyết. “Tôi thấy cả mớ tóc và thứ bầy nhầy dính trên mấy cây cột và rơm trên mái nhà. Rõ ràng là chúng bị thổi lên đó bằng phát súng”.

Bà tôi bảo ông là mình định qua nhà Shimerda với Otto.

“Bà không làm gì được đâu”, ông tôi nói vẻ nghi ngại. “Không được động vào thi thể tới khi nhân viên điều tra từ Black Hawk tới đây, và việc đó sẽ mất vài ngày trong thời tiết này đấy”.

“Chà, dù gì tôi cũng có thể mang cho họ ít thức ăn và nói một lời an ủi mấy cô bé mà. Đứa lớn được ông ấy thương nhất và nó như cánh tay phải của ông ấy vậy. Ông ấy hẳn có thể đã nghĩ đến con bé. Ông ấy đã để nó lại một mình trong một thế giới phức tạp”. Bà nói và liếc nhìn Ambrosch vẻ hoài nghi, lúc này anh ta đang ăn sáng ở bàn bếp.

Không xe cộ nào tới được nhà Shimerda tới khi người ta làm ra được một con đường, và việc đó sẽ phải mất một ngày mới làm xong. Ông tôi từ kho thóc về trên một trong những con ngựa đen, Jake đỡ bà tôi lên ngồi sau lưng ông. Bà mặc chiếc áo choàng có mũ màu đen và quấn trong cả mớ khăn choàng. Ông tôi nhét bộ râu trắng rậm rạp của mình vào trong áo bành. Nhìn họ lúc khởi hành rất giống như trong Kinh Thánh. Jake và Ambrosch cưỡi một con ngựa đen khác và chú ngựa nhỏ của tôi theo sau họ, chở theo cả mớ quần áo mà chúng tôi thu thập được cho nhà Shimerda. Tôi nhìn họ đi qua cái ao rồi qua bên kia ngọn đồi tới chỗ cánh đồng bắp. Lúc đó, lần đầu tiên tôi nhận ra rằng mình chỉ một mình ở nhà.

Tôi cảm thấy một sức mạnh và quyền hạn cực kì lớn, và lo lắng không biết phải làm gì để làm tròn bổn phận cho đáng khen. Tôi mang than và củi từ tầng hầm dài vào nhà rồi lấp đầy cả hai lò. Tôi lấy cuốn Robinson Crusoe và cố đọc, nhưng cuộc sống của ông ấy trên đảo có vẻ buồn chán so với chúng tôi. Ngay sau đó, khi đang nhìn quanh căn phòng khách thoải mái, tôi đột nhiên nảy ra ý là nếu linh hồn ông Shimerda có vương vấn trên thế giới này thì hẳn đó phải là ở đây, trong ngôi nhà này, nơi mà ông ấy thích hơn bất kì nơi nào khác trong vùng. Tôi nhớ gương mặt hài lòng của ông ấy hồi ông ấy ở với chúng tôi vào ngày Giáng sinh. Nếu ông ấy có thể ở với chúng tôi thì chuyện kinh khủng này đã chẳng bao giờ xảy ra.

Tôi biết chính nỗi nhớ nhà đã giết chết ông Shimerda, và tôi tự hỏi liệu linh hồn đã được giải thoát của ông cuối cùng rồi có tìm được đường về quê hương xứ sở không. Tôi không sợ, nhưng vẫn không tạo ra tiếng động nào hết. Tôi không muốn làm phiền ông ấy. Tôi khẽ khàng đi xuống gian bếp nép vào lòng đất ấm cúng đến nỗi đối với tôi dường như nó là trái tim và trung tâm của ngôi nhà. Ngồi trên băng ghế đằng sau bếp lò kia, tôi cứ nghĩ mãi về ông Shimerda. Tôi có thể nghe thấy tiếng gió thổi vù vù qua hàng trăm dặm dài tuyết phủ ngoài kia. Cứ như tôi đã để ông lão ấy vào nhà để tránh cái mùa đông khắc nghiệt này, và đang ngồi đó với ông ấy vậy.

Trưa hôm sau Otto Fuchs từ Black Hawk về đến nơi. Ông ấy báo rằng nhân viên điều tra sẽ tới được nhà Shimerda khoảng chiều hôm đó, nhưng vị linh mục đang ở đầu bên kia xứ đạo cách đây một trăm dặm và tàu lại đang không hoạt động. Fuchs đã ngủ được vài giờ ở chuồng có ngựa cho thuê trong thị trấn, nhưng ông ấy sợ là con ngựa xám đã quá sức rồi. Quả vậy, từ đó trở đi nó không bao giờ được như xưa nữa. Chuyến đi dài trong lớp tuyết ngập sâu đã lấy đi toàn bộ sức chịu đựng trong nó.

Fuchs mang về một người lạ, một chàng trai trẻ người Bohemia mua một ấp trại gần Black Hawk và dùng con ngựa duy nhất của mình đến đây để giúp những người đồng hương của mình trong cơn khốn đốn. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Anton Jelinek. Anh ấy cao lớn lực lưỡng, đang trong độ tuổi đôi mươi, đẹp trai, tốt bụng và tràn đầy sức sống, anh ấy đến với chúng tôi như một phép màu khi chuyện khủng khiếp đó đang diễn ra.

Sau bữa tối người ta quyết định là anh chàng Jelinek sẽ móc hai con ngựa đen khỏe mạnh của chúng tôi vào cái cào tuyết và mở một con đường tới nhà Shimerda, có vậy xe ngựa mới đi được khi cần thiết. Vì là người thợ mộc mĩ nghệ duy nhất trong vùng nên Fuchs sẽ đóng một chiếc quan tài.

Cả buổi chiều, cứ khi nào có người vào nhà là họ lại nghe thấy tiếng cái cưa khò khè hay tiếng vo vo dễ chịu của cái bào. Chúng quả là những âm thanh vui vẻ dường như hứa hẹn những thứ mới mẻ cho người sống: thật đáng tiếc khi những tấm ván gỗ thông được bào nhẵn đó lại sắp bị bỏ xuống dưới lòng đất. Làm việc với gỗ xẻ rất khó vì chúng bị băng giá đóng cứng ngắc, còn ván gỗ thì tỏa ra mùi gỗ thông ngọt ngào khi đống vỏ bào càng lúc càng cao lên. Tôi tự hỏi sao Fuchs không gắn bó với công việc đóng đồ gỗ mĩ nghệ, ông ấy làm nó thật dễ dàng và thoải mái. Ông ấy dùng dụng cụ như thể ông thích cảm giác khi sờ vào chúng; và khi ông bào gỗ, bàn tay ông đưa tới lui trên tấm ván với vẻ nhiệt tình và từ tâm như thể đang cầu phúc cho chúng vậy. Đôi lúc ông bật hát lên những bài thánh ca bằng tiếng Đức như thể công việc này gợi lên trong ông về những thời xưa cũ vậy.

Bốn giờ chiều ông Bushy trưởng phòng bưu điện cùng với một người hàng xóm nữa sống ở phía đông nhà chúng tôi ghé qua để sưởi ấm. Họ đang trên đường tới nhà Shimerda.

Sau khi các vị khách nối đuôi nhau đi qua bên kia ngọn đồi, chúng tôi quay vào bếp. Chiều hôm đó Fuchs kể tôi nghe hết chuyện này tới chuyện khác. Ông ấy nói, người ta không bao giờ thực sự hiểu một người cho đến khi nhìn thấy anh ta chết. Đa số những người đó coi cuộc đời là trò chơi, và ra đi mà không chút oán giận. Trên đường về nhà, ông trưởng bưu điện ghé qua để nói rằng ông tôi sẽ đưa nhân viên điều tra về đây ngủ đêm. Ông ấy bảo người của nhà thờ Na Uy đã tổ chức một cuộc họp và quyết định rằng nghĩa địa của người Na Uy không thể mở rộng lòng hiếu khách của nó chào đón ông Shimerda được.

Bà tôi phẫn nộ. “Nếu mấy người nước ngoài này đã nặng tính bè phái vậy thì ông Bushy à, chúng ta sẽ phải thành lập một nghĩa trang của người Mĩ, thứ sẽ mang tư tưởng phóng khoáng hơn. Nếu tôi có bề gì thì tôi không muốn đám người Na Uy thẩm tra xem liệu tôi có đủ tốt để được mai táng chung chỗ với họ hay không đâu”.

Không lâu sau ông tôi về tới nơi, mang theo Anton Jelinek và nhân viên điều tra. Ông ấy là một ông già hòa nhã, dáng vẻ vội vã, một cựu binh trong cuộc nội chiến bị cụt một tay. Hình như ông ấy thấy vụ này khá phức tạp và nói nếu không phải vì ông tôi thì ông ấy đã đưa trát đòi Krajiek ra hầu tòa rồi. “Cái kiểu nó hành động và cái cách rìu của nó khớp với vết thương cũng đủ để kết án bất kì ai rồi”.

Dù rõ ràng là ông Shimerda tự sát nhưng Jake và nhân viên điều tra lại nghĩ người ta phải làm gì đó với Krajiek vì nó cư xử cứ như kẻ có tội vậy. Chắc chắn là nó vô cùng sợ hãi rồi, và có lẽ nó thậm chí cũng cảm thấy có chút ăn năn vì đã đối xử lãnh đạm với nỗi đau khổ và sự cô đơn của ông già.

Tới bữa tối cánh đàn ông ăn như người Viking, còn cái bánh sô-cô-la mà tôi hi vọng tới ngày mai sẽ còn vài mẩu thì biến mất ngay ở vòng thứ hai. Họ sôi nổi nói về chuyện sẽ chôn ông Shimerda ở đâu; tôi nắm được là mấy người hàng xóm đều phiền lòng và sốc về chuyện gì đó. Có tin là bà Shimerda và Ambrosch muốn ông già được chôn ở góc tây nam của mảnh đất nhà họ, ngay dưới cái cọc đánh dấu góc đó. Ông tôi đã giải thích với Ambrosch là một ngày nào đó, khi đất đai bị rào lại và đường xá tiếp giáp với đường phân cách thì hai con đường sẽ cắt ngang chính xác ở cái góc đó. Nhưng Ambrosch chỉ nói là “Điều đó không quan trọng”.

Ông tôi hỏi Jelinek xem liệu ở quê cũ của họ có niềm mê tín nào khiến cho người tự sát phải được chôn ở ngã tư đường không. Jelinek nói anh không biết; dường như anh ấy có nhớ là nghe thấy từng có một tục lệ như thế ở người Bohemia. “Bà Shimerda đã quyết tâm rồi”, anh ấy nói thêm, “Cháu cố thuyết phục bà ta và nói làm vậy sẽ khiến bà trở nên tồi tệ trong mắt tất cả hàng xóm láng giềng, nhưng bà ta nói, “Tôi sẽ chôn ông ấy ở đó cho dù có phải tự đào huyệt đi chăng nữa”. Cháu phải hứa với bà ta là mai cháu sẽ giúp Ambrosch đào huyệt”.

Ông tôi vuốt râu và trông sáng suốt. “Ta không biết mong muốn của ai sẽ quyết định vấn đề này ngoài bà ta. Nhưng nếu bà ta nghĩ bà ta sẽ sống mà nhìn thấy người dân của vùng đất này cưỡi qua đầu ông già ấy thì bà ta nhầm rồi”.

Ông Shimerda nằm chết trong chuồng gia súc bốn ngày trời, và vào ngày thứ năm họ chôn ông. Suốt hôm thứ sáu Jelinek đi đào huyệt với Ambrosch, họ móc lớp đất đóng băng lên bằng mấy cái rìu cũ. Hôm thứ bảy chúng tôi ăn sáng trước khi trời sáng và leo lên xe ngựa với cỗ quan tài. Jake và Jelinek cưỡi ngựa đi trước để làm cho thi thể rời ra khỏi vũng máu mà nó đã đông cứng dính chặt xuống đất.

Lúc bà nội và tôi đi vào nhà Shimerda, chúng tôi thấy chỉ có mấy người phụ nữ ở đó, Ambrosch và Marek đang ở chuồng gia súc. Bà Shimerda ngồi cúi người bên bếp lò, Antonia đang rửa đĩa. Lúc nhìn thấy tôi, cô ấy chạy ra khỏi cái góc tối của mình và vòng tay ôm lấy tôi. “Ôi Jimmy ơi”, cô ấy nức nở, “cậu nghĩ gì về chuyện đã xảy ra với cha yêu dấu của tôi?”. Dường như tôi có thể cảm nhận được trái tim cô ấy đang vỡ ra khi cô ấy ôm chặt lấy tôi.

Ông tôi và Jelinek tới cho bà Shimerda biết là đã đến giờ bắt đầu. Sau khi đã quấn mẹ mình trong mớ quần áo hàng xóm mang tới, Antonia mặc một chiếc áo choàng cũ từ nhà chúng tôi đưa tới và đội chiếc mũ da thỏ cha cô đã làm cho. Bốn người đàn ông khiêng quan tài của ông Shimerda lên đồi; Krajiek lượn lờ sau lưng họ. Cỗ quan tài quá to so với cái cửa nên nó được đặt trên sườn dốc bên ngoài. Tôi lén ra ngoài và nhìn ông Shimerda. Ông ấy đang nằm nghiêng, đầu gối co lên. Cơ thể ông được phủ trong một chiếc khăn choàng đen còn đầu ông quấn băng vải muslin trắng như xác ướp; một bàn tay dài hình dáng đẹp đẽ của ông lộ ra trên nền vải đen; đó là toàn bộ những gì người ta nhìn thấy được ở ông.

Thấy ông tôi nhìn ra hiệu, Fuchs và Jeinek đóng nắp quan tài lại và bắt đầu đóng đinh. Tôi sợ phải nhìn Antonia. Cô ấy vòng tay qua người Yulka và kéo cô bé lại gần mình.

Quan tài được đặt vào cỗ xe. Chúng tôi chậm chạp lên đường nhằm thẳng vào hướng trận mưa tuyết mảnh như bụi cắt vào mặt như bão cát. Lúc chúng tôi tới được huyệt mộ, nhìn nó chỉ như một cái chấm nhỏ giữa cái cảnh thê lương tuyết phủ đó. Cánh đàn ông khiêng quan tài tới rìa hố và hạ nó xuống dần bằng dây thừng. Chúng tôi đứng quanh nhìn, tuyết như bụi nằm không tan trên mũ trên vai của cánh đàn ông và khăn choàng của phụ nữ. Jelinek nói giọng thuyết phục với bà Shimerda rồi quay sang ông tôi.

“Ông Burden ạ, bà ấy nói sẽ rất mừng nếu ông có thể cầu nguyện cho ông ấy bằng tiếng Anh ở đây để hàng xóm hiểu được”.

Bà tôi lo lắng nhìn ông. Ông tôi lấy mũ xuống và những người đàn ông khác làm y như vậy. Tôi nghĩ là bài cầu nguyện của ông rất khác thường. Tôi vẫn còn nhớ nó. Ông bắt đầu như thế này, “Hỡi Chúa vĩ đại và duy nhất, không ai trong chúng con biết được điều mà người đã khuất kia biết, mà chúng con cũng không phải là người nên phán xét có gì giữa ông ấy và Người”. Ông cầu rằng nếu có ai ở đó đã xao lãng với người lạ đến một đất nước xa xôi, thì Chúa sẽ tha thứ cho anh ta và làm dịu trái tim của anh ta. Ông nhắc lại những lời hứa với người góa phụ và những đứa con mất cha, và xin Chúa hãy làm con đường phía trước mà người góa phụ và những đứa trẻ này sắp đi trở nên bằng phẳng, và khiến cho con người hành xử chính trực khi làm việc với người phụ nữ này. Để kết thúc, ông tôi nói chúng tôi sẽ để ông Shimerda lại cho Người phán xét, mà Người cũng hãy phán xét với lòng khoan dung.

Suốt thời gian ông cầu nguyện, bà tôi quan sát ông qua kẽ ngón tay đeo găng màu đen, và khi ông nói “Amen”, tôi nghĩ bà có vẻ hài lòng với ông. Bà quay sang Otto và thì thầm, “Ông không bắt xướng một bài thánh ca được sao Fuchs? Như vậy sẽ có vẻ ít ngoại đạo hơn”. Fucha liếc nhìn quanh để xem mọi người có ủng hộ đề nghị của bà không rồi bắt đầu, “Hỡi Chúa Giê-xu, Người yêu dấu của Linh hồn con”. Thế là tất cả mọi người hát theo ông. Kể từ đó, cứ khi nào nghe thấy bài đó là nó lại làm tôi nhớ đến vùng hoang vu trắng xóa và nhóm người ít ỏi, cái không gian xanh xanh ngập trong làn tuyết cuộn như xoáy lốc như những bức màn dài bay phấp phới:

“Trong khi làn nước gần bên cuộn sóng, trong khi giông tố vẫn thét gào”.

Nhiều năm sau này, khi không còn những khu chăn thả nữa, và loài cỏ đỏ đã bị cày lấp sâu vào lòng đất tới khi nó gần như đã biến mất khỏi đồng cỏ; khi tất cả những cánh đồng đều bị rào lại, và đường xá không còn chạy không theo thể thống nào hết mà tuân theo những đường phân cách đã được khảo sát hẳn hoi, mộ của ông Shimerda vẫn còn đó, với một hàng rào dây thép đã võng xuống bao quanh và một cây thập giá bằng gỗ không được sơn. Như ông tôi đã dự đoán, bà Shimerda không bao giờ nhìn thấy con đường nào đi qua đầu chồng mình. Con đường từ phía Bắc cong đi một chút về phía Đông ở ngay chỗ đó, còn con đường từ phía Tây ngoặt qua một chút về phía Nam; vì thế ngôi mộ với đám cỏ đỏ cao ngất mọc trên đó không bao giờ bị cắt xén trông như một hòn đảo nhỏ. Và lúc chạng vạng, dưới một vầng trăng non hay ngôi sao Hôm sáng rõ, những con đường bụi bặm từng trông như những dòng sông xám êm đềm chảy qua nó. Lúc nào tới đó tôi cũng xúc động hết, và trong toàn bộ vùng đất đó nó là chỗ đáng trân quý nhất đối với tôi. Tôi thích cái niềm mê tín mập mờ, cái mục đích muốn làm nguôi đi đã khiến cho ngôi mộ phải nằm đó; và tôi còn thích cái người không thể thực hiện bản án hơn – cái sai sót từ những đường phân cách đã được nghiên cứu, lòng nhân từ của những con đường đất mềm mại mà những cỗ xe khua lách cách trên đường về nhà khi hoàng hôn đã buông. Tôi chắc chắn rằng không bao giờ có một người xà ích mỏi mệt nào đi qua cây thập giá gỗ đó mà không cầu mong cho người đã khuất được yên nghỉ.

TRƯƠNG THỊ MAI HƯƠNG dịch
Nguồn: online-literature.com

Willa Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mỹ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mỹ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ XX. Bà đạt giải thưởng Pulitzer năm 1923; Huy chương vàng năm 1944 cho Sách hư cấu của Viện Văn học và Nghệ thuật Quốc gia Hoa Kỳ.
Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Đoạn trích này nằm trong 3 chương XIV, XV, XVI phần 1 của tác phẩm.

(Văn nghệ Bình Định số 95 tháng 3.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Về yên bình dưới bóng cây

Có lẽ, chỉ khi làm bạn với cây, chứng kiến vòng luân hồi của cây, từ những ngọt ngào mà cây mang lại cho đến những mất mát mà cây nhắc nhở thì con người cũng được trải nghiệm…

Bữa tiệc ly

Tôi sẽ không kể cho ai về kết quả chẩn đoán. Tôi sẽ chỉ đơn giản là tiếp tục đeo chiếc mặt nạ mà tôi đã đeo suốt nhiều năm nay, ngay cả khi cơ thể bên trong tôi sẽ thối rữa…

Về nhà sớm mai

Chị ngẩng mặt lên. Lần đầu chị dùng mắt để đối diện với bà Bá. Chị nói câu từ chối bằng mắt, và cũng dùng mắt để van lơn. Đôi mắt của chị đục và mờ dần như chực chờ…

Con thuyền xuôi dòng

Một dòng sông và người con gái đang trôi. Anh cố gắng chạy theo nhưng không được. Anh muốn cô biết có người đang chạy theo mình…