(VNBĐ – Bút ký dự thi). Dường như, tôi có duyên nợ với Đại đội hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh đóng quân ở xã Nhơn Châu, bởi những năm 1987 đến năm 1999, tôi là cán bộ Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh, thường đến đây công tác, đặc biệt từng tham gia diễn tập quân sự KV 90-91. Có lẽ thế nên ngay sau buổi lễ phát động Cuộc thi viết về đề tài LLVT do Bộ CHQS tỉnh và Hội VHNT phối hợp tổ chức, không chút do dự, tôi chọn lính đảo với bổn phận và tình yêu người lính.
Nghỉ hưu lâu, lớp cán bộ mới của đơn vị không biết tôi. Hôm xin giấy giới thiệu của Bộ CHQS tỉnh, trung tá Nguyễn Cao Chót, Trưởng ban Tuyên huấn, nhanh nhảu:
– Anh yên tâm đi, khỏi phải giấy tờ, em gọi cho đồng chí Long, đồng chí Định chỉ huy đơn vị sẽ bố trí nơi ăn ở và thực hiện yêu cầu của anh.
Sau đó, Phùng Đặng Hùng Long, Chính trị viên Đại đội hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh chủ động gọi cho tôi, sốt sắng hỏi chừng nào anh ra, em cử người đón.
Trên 15 năm trôi qua, đảo khác xưa nhiều, các cơ quan, đơn vị xây dựng bề thế. Đặc biệt trên những con đường bê tông, có đoạn vẽ phong cảnh về biển khá đẹp, phục vụ du lịch và dân sinh.
Bước vào cổng đơn vị, tôi không khỏi bồi hồi xúc động vì cảnh quang môi trường ở đây thật đẹp, khoanh những ô nhỏ, xây hòn non bộ, trồng nhiều hoa hướng dương, hoa sứ… nền bê tông sạch sẽ, có nhiều bộ bàn ghế đá của lính cũ “Trung đội bộ binh khóa 69” tặng, đặt xung quanh sân như ở công viên. Tôi thong thả từng bước chân chậm rãi để ghi nhận và tận hưởng niềm vui đổi thay. Hàng cây bàng dẫn vào đơn vị ngày nào chỉ cao hơn người lính, trút hết lá, đứng run rẩy trong mùa đông buốt rét, nay mang vóc dáng cổ thụ, lừng lững bằng ngôi nhà 2-3 tầng sum suê cành lá, xanh rì, đứng reo trước nắng, cành vươn dài đan xen tạo vòm xanh mênh mông, mát rượi.
Tôi đang để mắt đến mấy câu biểu ngữ “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”, “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, “Giữ bình yên cho Tổ quốc, kiên quyết không để tình huống bất ngờ trên không, trên biển”… Bỗng tiếng chào từ xa: “Con chào chú!”.
Tôi quay người gật đầu chào lại, lòng phân vân “Đặng Thanh Định, Đại đội trưởng đây sao?” vì trông người còn khá trẻ.
Nhìn cấp hàm đại úy, tôi đoán là Định, vì Long đi công tác ở Phù Cát.
Đại đội trưởng Định vui vẻ mời tôi uống nước ở “nhà chờ” hình lục giác, đầy hoa và cây kiểng. Sau mấy câu giới thiệu vắn tắt của tôi và nhờ Định giúp đỡ. Tiếng kẻng báo cơm, Định bảo anh nuôi bưng cơm lên phòng khách, tôi ngỏ ý: “Mình rất thèm cảm giác của người lính ngày nào, cầm cái chén, đôi đũa sắp hàng hai, đi đều, lần lượt vào nhà ăn, đôi khi gõ leng keng như nhạc lính nghe vui tai…”. Định cười giòn.
Bữa cơm đầu tiên, nào cá điêu hồng chiên xù, thịt heo kho tôm, thịt heo xào bí đao do đơn vị trồng, thịt gà kho sả, rau muống luộc, canh chua, rau sống tổng hợp như dưa leo, cà tím, khổ qua, lá đinh lăng, các loại rau thơm từ vườn rau nhà. Riêng chiến sĩ thêm mấy quả chuối. Trông lên tường thấy câu khẩu hiệu “Thao trường anh đổ mồ hôi, cơm ngon, canh ngọt có tôi sẵn sàng”, trong lòng thấy ấm áp, vui vui, nên bữa cơm thật là ngon!
Đầu giờ chiều, trung sĩ Đỗ Hữu Trọn trực ban đến báo cáo tình hình, kết quả của đơn vị thực hiện trong buổi sáng. Đại đội trưởng Đặng Thanh Định kiểm tra từng bộ phận và nhắc nhở công việc theo kế hoạch còn lại… xong. Tôi bắt chuyện, được biết quê Trọn ở huyện Tây Sơn, học xong Cao đẳng Kỹ thuật máy cắt gọt kim loại (CNC) ở Sài Gòn, về nhập ngũ tháng Hai năm 2023, đến đơn vị được 6 tháng. Cháu bảo, ở đây nơi ăn, ở đàng hoàng, tiền ăn 98.000 đồng/ ngày. Tôi đùa: “Tiền ăn thế, cháu lên được mấy cân nào?”. Trọn bảo: “Dạ, không lên cân, nhưng săn chắc, chứ ở ngoài bủng lắm chú!”. Tôi lại hỏi: “Cháu có nhớ nhà không?”.
Trọn cười hiền và lễ phép như cậu học sinh: “Dạ bình thường chú”.
Tiếp chuyện với tân binh Nguyễn Văn Phúc lính mới toanh, đến đơn vị được 22 ngày, tôi hỏi ở môi trường bộ đội thấy thế nào, cháu e thẹn bảo: “Dạ, lúc đầu thấy gò bó, nhưng sau quen dần cũng thấy dễ chịu ạ”.
Tôi đã chuyện trò với nhiều quân nhân, tìm hiểu tâm tư tình cảm, nhận thức về nhiệm vụ của người lính, hầu hết chiến sĩ đều an tâm, xác định tốt. Chuyện nhớ nhà trở nên bình thường.
Đôi khi, những câu hỏi do tôi đặt ra… trở nên thừa và lạc lõng. Bởi, các chiến sĩ đều ý thức rõ bổn phận cầm súng để bảo vệ đất nước, như một lẽ tự nhiên. Dù hoàn cảnh, điều kiện nào, người lính đều thích nghi, sẵn sàng chấp nhận để vượt qua thử thách, hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc.
Trưa, bản hợp tấu của tiếng ve réo rắt tưng bừng cả đảo! Lúc đầu, tiếng ve ồn ào không sao ngủ được, nằm dỏng tai, để tâm một chút lắng nghe và thấu hiểu mới thấy giai điệu âm thanh rất thú vị, lúc rộ lên, rồi từ từ giãn ra và lắng xuống, rồi lại rộ lên, lắng xuống, như thể có nhạc trưởng bắt nhịp, cứ thế… trong veo, nhịp nhàng và bay bổng, làm xao xuyến tâm hồn, đánh thức miền ký ức tuổi thơ. Dễ gì, ở nội thành Quy Nhơn, nghe được tiếng ve đảo!
Trong quân đội, tiếng kẻng, tiếng còi là hiệu lệnh, thực hiện thời gian biểu trong ngày, như báo thức tập thể dục – vệ sinh cá nhân, quét dọn sân vườn, ăn sáng, làm việc – học tập – huấn luyện, tăng gia sản xuất, thể thao, ngủ… như một mệnh lệnh. Tất cả cán bộ, chiến sĩ đều nghiêm túc chấp hành.
Thời gian trong tuần, tháng, ngoài nhiệm vụ trọng tâm là huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, còn có các hoạt động khác như: bảo dưỡng bảo quản vũ khí, khí tài, đọc báo, sinh hoạt văn hóa văn nghệ…
Tôi đến sau mùa huấn luyện, nên buổi chiều sau 16 giờ là lúc đơn vị rộn ràng nhất, tất cả đều tập trung cho việc chăm sóc vườn rau. Tôi theo chân các chiến sĩ, băng qua khu chăn nuôi heo, bò, gà, vịt để đến vườn rau, trồng đủ loại nào rau muống, dền, cải, xà lách, mồng tơi, đậu bắp, khổ qua, bí đao… xanh mướt, ai nấy đều tất bật xới, cuốc, thu hoạch, tưới nước để kịp giờ thể thao. Vào chính vụ đơn vị dùng không hết, phải cho hoặc bán. Khu vực doanh trại rộng lớn trồng nhiều hoa, cây xanh, nên tốn nhiều công sức và thời gian tưới.
Theo các chiến sĩ mang rau vào bếp ăn, tôi gặp chị nuôi Nguyễn Thị Thúy, qua trò chuyện, được biết chị có trên 20 năm làm nuôi quân, từ nhân viên hợp đồng, phấn đấu vào công nhân viên quốc phòng, rồi trở thành quân nhân chuyên nghiệp, với hàm đại úy. Tôi hỏi sự cảm nhận về nghề nghiệp, chị hãnh diện, nói: “Được làm nuôi quân ở đây là sự may mắn và hạnh phúc lắm anh…”. Tôi bảo, trong sự nghiệp làm chị nuôi, có sự kiện nào đáng nhớ không? Chị nói liền “Có chớ, nhớ hồi năm tám tư, mưa bão, sợ nhà sập, ngói rơi, nên mấy chị em phải đội thau, che tăng mưa ngoài sân nấu cơm, ướt mem, suốt hai ngày liền, khổ nhưng mà vui, thành kỷ niệm khó quên”.
Qua tìm hiểu, chị là cây văn nghệ của đơn vị, nhiều lần tham gia hội diễn ở tỉnh, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, được khen thưởng nhiều. Chị sinh ra và lớn lên ở đảo, nên nắm chắc mùa nào có cá gì, thời gian biển động, chị chủ động dự trữ cá khô. Mùa mưa gió không có rau ăn, chị tổ chức làm giá đậu xanh, dự trữ bí đao, bí đỏ… nên luôn luôn đảm bảo nguồn thực phẩm, chị ý thức rõ trách nhiệm quan trọng của việc giữ gìn sức khỏe cho bộ đội trong mọi hoàn cảnh, phục vụ tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.
Đến giờ thể thao, tất cả cán bộ chiến sĩ đều tập trung trước sân, khởi động. Phân công từng tiểu đội luân phiên tập tạ, kéo xà đơn, xà kép và đánh bóng chuyền. Cán bộ trung đội, tiểu đội, chiến sĩ cũ hướng dẫn từng động tác cho chiến sĩ mới… Tôi chăm chú theo dõi động tác tập kéo xà đơn, đặt chiếc ghế cho lính đứng, hai tay đưa lên cao nắm xà đơn, rồi ôm vòng eo đẩy giúp chiến sĩ co tay kéo người lên, khó khăn lắm mới kéo được 5 cái. Chỉ tiêu phấn đấu đạt từ 15 đến 20 cái. Nên việc tập thể lực là một mục tiêu quan trọng trong phong trào thi đua rèn luyện “chiến sĩ khỏe”.
Thứ Tư hàng tuần có buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, “tiếng hát át tiếng bom”, đây là “món ăn” tinh thần của người lính, bắt buộc phải thuộc những bài hát quy định trong quân đội.
Tôi “la cà” với nhóm chiến sĩ đang cưa gỗ, đục, đóng đinh để làm nhà xe; một bộ phận khác đang trộn xi măng đổ nền. Người biết làm chỉ cho người chưa biết, thời gian quen dần với công việc, rồi chiến sĩ nào cũng tự tay làm được những công việc phổ thông.
Bất giác tôi nhớ câu “quân đội là trường học lớn của thanh niên”. Nghiệm ra chí phải, bởi ở đó là “cái lò” rèn luyện về tính kỷ luật cao và tự giác, thực hiện điều lệnh nội vụ bắt buộc, tác phong chính quy, chấp hành tuyệt đối thời gian biểu trong ngày, trong tuần, giờ nào việc nấy, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác, học tập, rèn luyện sức khỏe… làm cho người lính ngày càng trưởng thành về mọi mặt, tinh thần, thể chất, vốn hiểu biết, kỹ năng trong cuộc sống.
Nửa đêm, tiếng còi thổi dồn. Tôi giật mình thức dậy, thì ra đơn vị báo động hành quân di chuyển, nhằm rèn luyện cho chiến sĩ động tác nhanh nhẹn, chính xác, không bỏ sót trang bị… Tôi đi theo phía sau hàng quân, chỉ nghe tiếng bước chân rậm rịch, hối hả chìm trong đêm tĩnh mịch. Bất giác, tôi nhớ lại những đêm đơn vị hành quân “qua đường”, đi gần chốt địch, “đi không động, nói không lời…” giữ bí mật an toàn tuyệt đối. Đó không những mệnh lệnh mà còn là kỷ luật sắt.
Mối quan hệ giữa quân đội và Nhân dân đã trở thành bản chất truyền thống tốt đẹp từ lâu đời, như cá với nước. Bởi bộ đội là con em của nông dân mặc áo lính, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu. Nên bộ đội được dân thương yêu, giúp đỡ và ngược lại “anh đến bà con mừng, anh đi bà con nhớ…”. Đối với đơn vị Đại đội Hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh, họ xem đảo là nhà, dân là một gia đình lớn. Đặc biệt trong những năm 1980, thời kỳ khó khăn nhất, dân nương tựa vào đơn vị khi đau ốm thiếu thuốc men, thiếu thực phẩm… Khi sóng to gió lớn đơn vị lại giúp neo, kéo thuyền bè; gặp bão người dân vào đơn vị để trú… Những hình ảnh tốt đẹp ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của cán bộ, chiến sĩ từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Tôi nghe một chiến sĩ kể, hồi chiều cháu có việc được phép ra ngoài đơn vị, gặp bà cụ xúc cát, cháu thấy thương như bà mình, nên cháu đến xúc rồi vác giúp. Một việc làm nhỏ, nhưng chứa đựng ý thức giúp dân luôn thường trực trong bản chất “bộ đội Cụ Hồ”.
Hôm tôi đến thăm anh Phan Văn Binh, nguyên Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu đã nghỉ hưu được hai năm, có 17 năm làm Bí thư Đảng ủy, tôi hỏi về mối quan hệ giữa đơn vị với chính quyền và nhân dân ở đảo. Anh không một chút đắn đo, nói “rất tuyệt vời”. Khi nghe anh quả quyết thế, tôi không còn gì để hỏi thêm.
Đêm, theo chân người lính đi tuần tra trên đảo. Chốc chốc, ngọn hải đăng quét một tia sáng xanh dài ra biển, báo hiệu cho những con tàu và như nhắc nhở người lính phải luôn cảnh giác…
Hôm chia tay, tôi không có thời gian đến từng trung đội để chào các chiến sĩ. Qua khung cửa, một số chiến sĩ vẫy tay chào, tôi đáp lại với lòng trân trọng biết ơn những gương mặt lính trẻ vô tư, hồn nhiên, nhưng đầy khí chất hiên ngang của người lính đảo, đã cho tôi cảm nhận một thời trai trẻ, lòng ấm áp tin tưởng ở thế hệ hôm nay trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thân yêu.