(VNBĐ – Gương mặt thơ). Nhà thơ Phạm Đương sinh năm 1961, quê Quảng Ngãi, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tốt nghiệp đại học, ông hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở chiến trường Campuchia, rồi về Quy Nhơn, làm ở ngành văn hóa. Khi Nghĩa Bình tách tỉnh, ông về quê làm báo đến khi nghỉ hưu. Là một nhà báo (bút danh Trần Đăng) bén nhạy với thời cuộc, nên thơ ông cũng ngồn ngộn chất liệu sống. Mỗi câu thơ, mỗi bài thơ của Phạm Đương luôn xoáy vào người đọc những suy ngẫm đầy trách nhiệm:
tìm cách để được xanh/ mà không đạp trên lưng người khác/ ấy là cỏ//
nhưng tìm cách để được no/ phải ăn thịt đồng loại/ ấy là loài cầm thú//
con người sao không như cỏ/ tại sao không?
Thơ Phạm Đương chắc tứ, kiệm từ, nặng về ý nên có sức vang lớn. Đến nay ông đã in 03 tập thơ, và được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012 cho tập thơ Giờ thứ 25.
Nhà thơ MAI THÌN (chọn và giới thiệu)
Tặng Nguyễn Chung nhân cu Tin chào đời
tin – không – đăng – báo
là thật
là điều hạnh phúc
20h, ngày Cá tháng Tư 2019.
Phía nước mắt
nhẹ như một sớm xuân Hà Nội
trong các cuộc mặc cả dưới gầm bàn
che đỡ cho những ủ mưu hắc ám
ông đã đứng về phía ấy
phía của hy vọng
24.02.2023
Khuôn mặt
Anh vẫn thường lướt Web
qua các trang Facebook
luận thật hay về những nhà kỹ trị
sẵn sàng nhiếc mắng không thương tiếc
một ai đó có tư tưởng bảo thủ
dù người ấy thanh sạch
thanh sạch
thứ xa xỉ trong thời buổi này
đối với quan chức
vẫn bị chửi!
anh chém gió ào ào về lòng yêu nước
mỗi khi nghe ngư dân đảo Lý Sơn bị tàu lạ bắn chìm
anh khóc đầm đìa trên bàn phím
nếu ai đó nói đến sự lầm than của Nhân dân
chợt phát hiện một “hoàn cảnh thương tâm”
được đưa lên trang của một Facebooker quen thuộc
anh rê con chuột thật nhanh
lướt nhanh lướt nhanh
bỏ lại sau lưng “Nhân dân”
ngoảnh mặt thật nhanh với “lòng yêu nước”
như một kẻ trộm sợ bị phát hiện
Nhân dân và lòng yêu nước của anh
như vỏ những quả trứng thối
luôn luôn trắng.
Những chú gà ở Song Tử Tây
Những chú gà ở đảo Song Tử Tây
bới đào tung đất
tróc cả móng chân
miệng không ngớt kêu
túc túc tục tục
khản giọng trước đàn con
lũ dế giun như thể
chơi trò cút bắt
túc túc tục tục
không có dế giun cũng không có thóc
chỉ có sự nhẫn nại trước những khó nhọc
lính sẽ bớt khẩu phần
lính san sẻ yêu thương
túc túc tục tục
lính và gà
chỉ gà với lính
ta cùng nhau chia khó một đoạn đường
đào bới đến thối cả móng chân
những chú gà ở đảo Song Tử Tây
chẳng mơ biệt phủ…
PHẠM ĐƯƠNG