Khúc hát dòng Lại giang

(VNBĐ – Tản văn).

Bao giờ rừng An lão hết cây
Sông Lại hết nước em đây mới hết tình.

Cư dân đôi bờ của dòng mẹ Lại giang ai ai cũng nằm lòng câu ca dao quá đỗi ngọt ngào này. Đôi sông con Kim Sơn và An Lão xuôi dòng đã hợp thành Lại giang trườn ngang qua vùng đất Hoài Nhơn trước khi về với biển cả. Những dòng sông uốn lượn qua bao vùng đất mang phù sa bồi đắp đôi bờ, hình thành nên bao nét văn hóa cứ còn mãi theo thời gian. Những con người lớn lên với dòng sông ấy dù bôn ba nơi đâu vẫn luôn mang theo ký ức về con sông quê. Dòng Lại giang qua bao thăng trầm, chứng kiến bao đổi thay thời cuộc lại mang thêm nhiều sứ mệnh mới.

Bình minh cửa An Dũ. Ảnh: Nguyễn Trọng Đợi

Vắt mình qua dải đất hẹp miền Trung nhiều nắng gió, dòng mẹ Lại giang như con rồng trườn mình qua bao bãi bồi trước khi hòa vào đại dương mênh mông nơi cửa biển An Dũ. Ngày xưa, khi Lại giang còn biêng biếc một màu, trên những bến sông chẳng bao giờ vắng tiếng cười đùa trẻ thơ đi ngụp lặn mỗi sáng, mỗi chiều; tiếng gõ nhịp vào mạn thuyền của dân chài trên những khúc sông văng vẳng loang ra trong nắng chiều.

Khi con đập chắn dòng không cho nước mặn xâm thực sâu vào đất liền, Lại giang chuyển mình đem lại diện mạo mới cho những vùng đất mà nó chảy qua sau bao năm “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Dòng nước của sông quê âm thầm xuôi dòng mang theo bao phù sa đắp bồi lên đôi bờ, tưới tắm bao đồng ruộng, vườn tược. Người dựa vào sông mà vươn lên, sông vì người mà tận hiến. Sự chan hòa giữa con người và thiên nhiên hình thành nên nhiều nét văn hóa. Lễ hội đua thuyền trên dòng Lại giang được ngành văn hóa thể thao của thị xã tổ chức trở thành ngày hội của thị xã và các huyện phía Bắc tỉnh; Hội chèo Bả trạo của ngư dân cũng là lễ hội cầu ngư thu hút nhất; nhìn nghi thức nhập điện và hát Bả trạo thể hiện cảnh sinh hoạt, lao động của ngư dân và đời sống làng chài, bao giá trị văn hóa quí báu được gìn giữ. Lòng tự hào dân tộc và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo được phát huy. Du khách có cơ hội hòa mình vào nhiều hoạt động của lễ hội khi tham gia các tour đến với những địa danh như Lộ Diêu, Gành Hoài Hải hay lăng Vạn Xuân Thành Hoài Hương. Xuôi dòng Lại giang để được nghe câu dân ca mượt mà xứ dừa này. Những câu hát ngọt ngào, luyến láy đẩy đưa theo phách ba của nhịp gõ song loan hòa cùng tiếng đệm lúc khoan thai lúc réo rắt của cây đàn kìm, đàn nhị, đàn bầu… làm mê hoặc người nghe. Dân ca bài chòi trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được. Những làn điệu như xuân nữ, xàng xê hay cổ bản cứ văng vẳng vang lên trên những khúc sông hay bến quê lúc chiều gần buông nghe man mác, da diết. Người ta đi thuyền nghe ca Huế trên sông Hương thì tại sao ta không tạo tour đi thuyền nghe Bài chòi trên dòng Lại giang? Du khách sẽ hòa mình cùng các anh chị hiệu trong trang phục đặc biệt tung tẩy những Cửu Điều, Nhứt Nọc, Bát Bồng, Tứ Cẳng… trên các chòi chơi ở những khu di tích. Hy vọng nó sẽ là một điểm thu hút khách trong hành trình khám phá Hoài Nhơn.

Ngoài những sản phẩm văn hóa, dòng nước của sông mẹ Lại giang cũng tạo nên bao sản vật của một vùng phía Bắc Bình Định. Chính nơi hợp lưu của ba dòng là môi trường sống ưa thích của loài cá bống. Con cá chỉ nhỏ bằng ngón tay út mình phủ lớp vảy hoa là đặc sản của Lại giang. Những đêm đông ngồi cùng nhau bên bếp than hồng sực nức mùi cá mương kìm nướng được đánh bắt từ dòng sông quê, ta nhấm nháp đôi ly rượu Trung Thứ hay Bàu Đá cùng bè bạn với cảm giác lâng lâng khó tả. Dọc theo hai con đường đê của đôi bờ, bao món quà quê sẽ làm cho những ai một lần thưởng thức trong đời phải nhớ mãi. Món bánh xèo được đúc từ gạo của những cánh đồng quê nhà cùng với con tôm sông be bé tươi roi rói được vớt lên mỗi sáng, thực khách như tận hưởng bao tinh túy mà dòng Lại giang mang lại. Ăn đĩa bánh dây Bồng Sơn lót lòng lúc bụng réo ùng ục khi đã lòng vòng quanh những danh thắng sẽ để lại cho du khách những dư vị khó quên. Còn biết bao thứ bánh được làm từ hạt gạo, củ khoai… lớn lên nhờ dòng nước của Lại giang mà đậm đà tình người chân chất.

Đứng trên những cây cầu sừng sững vắt ngang dòng nối đôi bờ vui, lòng ta lại dâng trào một niềm vui khó tả trước những đổi thay của quê mình. Nhìn dòng nước trong xanh lững lờ trôi, người con Lại giang nào dù ở quê nhà hay phương xa cũng phơi phới vui khi con sông quê hương sống lại. Bao lớp người lớn lên cùng sông rồi cũng già đi, rồi cũng trở về với cát bụi nhưng Lại giang vẫn còn trẻ mãi. Dòng sông bên lở bên bồi vẫn cứ tha thiết chảy một màu nhung nhớ với sự thủy chung ngàn đời. Câu hát “Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà/ Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi / Bao năm xa quê ấy trong mơ tôi vẫn thấy/ Hôm nay tôi trở về lòng chợt vui thấy sông không già…” văng vẳng bên tai khi ta thả bộ dọc theo con đường nhựa phẳng lì bên bờ sông.

Lại giang ơi, cứ chảy mãi, chảy mãi cho những trầm tích văn hóa bên mình lại có một ngày bừng dậy nhé.

BÙI DUY PHONG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Những chắp vá rời

Thiện nhận tin báo có người đột quỵ tại khu biệt thự của anh vào lúc mười giờ đêm. Anh không hề ngạc nhiên khi sự việc xảy ra ngay trong khu biệt thự của mình…

Thơ dự thi của Nguyễn Hoàng Hoa

Nắng gió Trường Sa hun đúc da đồng
Biển mặn Trường Sa đậm đà giọng nói
Lính trẻ Hải quân cười tươi rói
Đón khách đất liền ra thăm đảo xa

Thơ dự thi của Thái An Khánh

Ta thấy dòng trầm tích ngàn năm cựa quậy
Tuổi đôi mươi nhựa sống vút trào
Núi đồi trôi cùng trăng ra biển
Bờ eo nào neo giấc mơ thơm.

Thơ dự thi của Nhiên Đăng

Trên độ cao 1.000 mét,
Người Bana cúng con nước, tạ ơn thiên nhiên 
Đốt lửa uống rượu cần làm phép
Dòng suối lạnh, đêm tràn xuống hơi thở bầu trời