Những chỉ dấu lịch sử, văn hóa xứ Hoài

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Hoài Nhơn là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, là nơi ghi dấu ấn đấu tranh cách mạng mạnh mẽ của Bình Định. Năm tháng đi qua, thế hệ tiếp nối mãi ghi tạc công ơn của cha anh đi trước, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, cùng góp công góp sức xây dựng Hoài Nhơn ngày càng phát triển hơn. Hiện tại, Hoài Nhơn có nhiều địa chỉ là các đền thờ, di tích lịch sử văn hóa được người dân và du khách thường xuyên lui tới. Đây là nơi lưu lại một giai đoạn lịch sử với sự hàm ơn, hướng về cội nguồn trong niềm kính ngưỡng và cũng là những địa chỉ tiêu biểu ấn chứng các giá trị lịch sử, văn hóa của xứ Hoài.

Đền thờ Đào Duy Từ, một chỉ dấu nguồn cội văn hóa xứ Hoài
Di tích Đền thờ Đào Duy Từ ở xã Hoài Thanh Tây, TX. Hoài Nhơn thờ danh nhân văn hóa Đào Duy Từ. Đây là công trình kiến trúc đền thờ có quy mô tương đối hoàn chỉnh gồm 04 khu vực: Cổng tam quan, bình phong, trụ ngã và nhà thờ. Trong đền còn hai câu đối ca ngợi công trạng của cụ Đào Duy Từ: Ngọc Sơn chung tú Bắc/ Bồng lãnh hiển danh Nam. Tạm dịch: Tiếng chuông Ngọc Sơn vang đất Bắc/ Danh hiển Bồng Sơn rạng đất Nam.

Đền thờ Đào Duy Từ. Ảnh: Đào Tiến Đạt

Đào Duy Từ (1572 – 1634) quê ở làng Hoa Trai, Ngọc Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hóa (nay là thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) vốn là người tinh thông sử sách, có tài văn võ. Nhưng do bị kìm hãm dưới Triều Lê – Trịnh, không cho ông thi vào hạng Cổng Cử (tức Cử nhân) vì xuất thân từ gia đình được xem là “xướng ca vô loài” nên ông bỏ tối tìm sáng, vào Đàng Trong lập nghiệp. Những ngày vào Nam, sống ở Hoài Nhơn,
ông được quan Khám lý phủ Hoài Nhơn Trần Đức Hòa mến tài gả con gái cho, đồng thời tiến cử lên Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Từ đó, ông đã hết lòng giúp chúa Nguyễn về tổ chức quân sự, chính trị, văn hóa, lập nên nhiều công trạng.

Đào Duy Từ được xem là vị tổ của nghệ thuật hát Bội ở Đàng Trong, là người khởi thảo tuồng Sơn Hậu. Ông đồng thời là tác giả bộ sách Hổ trướng khu cơ, một trong những tác phẩm quan trọng về nghệ thuật quân sự của người Việt Nam. Năm 1634, ông qua đời. Đến triều Minh Mạng, ông được truy phong tước “Đại học sĩ – Thái Sư Hoằng Quốc công” và cho lập đền thờ tại nơi ở của ông, nay là thôn Ngọc Sơn, xã Hoài Thanh Tây, TX. Hoài Nhơn.

Đền thờ Đào Duy Từ được xếp hạng di tích quốc gia ngày 15.10.1994.

Di tích Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi – nơi ghi dấu Chi bộ Đảng đầu tiên của Hoài Nhơn
Di tích Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi được xây dựng trên mảnh đất diễn ra sự kiện thành lập Chi bộ Cửu Lợi tại Tam Quan Nam, Hoài Nhơn vào tháng 8.1930.
Công trình được xây dựng và đưa vào sử dụng từ ngày 27.12.1991, sau đó tiếp tục được nâng cấp xây dựng vào năm 2004. Công trình gồm các hạng mục chính như: nhà lưu niệm; di tích cây Cừa; nhà đón tiếp, trưng bày những hình ảnh truyền thống cách mạng; đài nước; sân tổ chức lễ có sức chứa khoảng 2.000 người; hệ thống bờ kè phía trước nhà lưu niệm và một số hạng mục khác.

Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi. Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuấn

Vào tháng 02.1928, Kỳ bộ Nam kỳ đã cử người về giúp Hoài Nhơn thành lập Chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở thôn Cửu Lợi do đồng chí Nguyễn Trân làm Bí thư. Tháng 8.1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Hoài Nhơn được thành lập tại thôn Cửu Lợi, nay thuộc xã Tam Quan Nam, Hoài Nhơn. Sau hai tháng hoạt động tích cực, đến tháng 11.1930, Đảng bộ Hoài Nhơn được thành lập và là Đảng bộ đầu tiên của tỉnh Bình Định có số lượng đảng viên đông nhất và lực lượng quần chúng mạnh mẽ nhất lúc bấy giờ. Sự ra đời của Chi bộ Cửu Lợi có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào cách mạng Hoài Nhơn nói riêng và Nhân dân Bình Định nói chung, trở thành linh hồn trong phong trào đấu tranh của Nhân dân Bình Định trong những ngày đầu có Đảng.

Di tích Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi được UBND tỉnh xếp hạng ngày 10.8.1996.

Cây số 7 Tài Lương – một thời hào hùng lịch sử
Di tích lịch sử Cây số 7 Tài Lương là công trình tưởng niệm những đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc biểu tình năm 1931. Đây là cuộc biểu tình đã đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong cao trào cách mạng 1930 – 1931 của Bình Định.

Di tích lịch sử Cây số 7 Tài Lương. Ảnh: Nguyễn Phan Dũng Nhân

Tháng 7 năm 1931, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Trung Kỳ, Đảng bộ Hoài Nhơn đã tổ chức vận động quần chúng Nhân dân xuống đường đấu tranh phản đối chính sách khủng bố trắng của Pháp, đàn áp phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và Nhân dân Đức Phổ – Quảng Ngãi. Đêm 22 rạng sáng 23.7.1931, hơn 3 nghìn người từ các xã phía Bắc huyện Hoài Nhơn tập trung thành các cánh quân tiến về phủ đường Bồng Sơn, tạo nên cuộc biểu tình quy mô, gây rúng động cho thực dân Pháp. Lịch sử Đảng bộ huyện Hoài Nhơn 1930 – 1975 còn ghi lại cuộc biểu tình này: “Cuộc biểu tình vũ trang ngày 22 – 23.7 là trận đấu đầu tiên đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống cơ cấu chính quyền của đế quốc và phong kiến trong huyện, là biểu hiện của nghị lực cách mạng phi thường của quần chúng cách mạng và đó là bước tạo lực và tạo thế cho các cao trào cách mạng tiếp sau”. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định 1930 – 1945 cũng khẳng định cuộc biểu tình “tiêu biểu cho khí thế đấu tranh cách mạng của công nhân và nông dân Bình Định trong cao trào 1930 – 1931”. Và vẫn còn đó những câu thơ mà nhiều người Hoài Nhơn còn nhắc nhau để mãi nhớ về một tinh thần bất khuất Tài Lương: “Khí anh hùng vùn vụt tựa phong ba/ Cờ phất phới Tài Lương, An Thái/ Thân chẳng quản cài chông, đạp tuyết/ Vì lợi quyền nên quyết chí xông pha”.

Để ghi khắc sự kiện lịch sử này, công trình Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương đã được xây dựng ở phường Hoài Thanh Tây, Hoài Nhơn với diện tích công trình theo quy hoạch gần 25.500 m2, gồm nhà quản lý, đón tiếp khách; nhà tưởng niệm; tường rào, cổng ngõ; tấm bia ghi lịch sử khu di tích; cột cờ Tổ quốc và cờ Đảng; chòi nghỉ…

Ngày 26.01.2011, Di tích cây số 7 Tài Lương được xếp hạng di tích quốc gia.

Di tích Bến tàu không số Lộ Diêu
Di tích Bến tàu không số Lộ Diêu thuộc xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn. Điểm nhấn của di tích này là một phần con tàu được làm bằng đá, mô phỏng con “tàu không số” 401 năm xưa, trở thành một địa điểm lịch sử nằm cạnh bãi biển Lộ Diêu xinh đẹp, thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Di tích Bến tàu không số Lộ Diêu. Ảnh: Nguyễn Phan Dũng Nhân

Ngày 23.10.1961, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Đoàn vận tải quân sự 759 (từ ngày 24.01.1964 đổi là Đoàn 125 Hải quân), tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân, để vận chuyển vũ khí, trang bị cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Ngày 8.4.1962, chuyến tàu đi trinh sát và mang chỉ thị của Trung ương về “Mở đường vận chuyển chiến lược trên biển” đã đến miền Nam. Bắt đầu từ đây, xuất hiện những con tàu không số lúc ẩn lúc hiện, tiếp tế vũ khí cho chiến trường miền Nam.

Trong những năm tháng đó, “Đoàn tàu không số” huyền thoại cũng đã hiện diện ở mảnh đất Hoài Nhơn. Ngày 01.11.1964, tàu 401 chở hơn 30 tấn vũ khí cập bến Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn) an toàn. Số vũ khí tiếp nhận được đã trang bị cho các trung đoàn chủ lực của Quân khu 5 và LLVT tỉnh. Trong chiến dịch Đông Xuân 1964 – 1965, quân và dân Bình Định đã làm nên những chiến thắng vang dội như: An Lão (tháng 12.1964), Đèo Nhông – Dương Liễu, Đồi Mười, Gò Bồi (tháng 2.1965)… và mở ra vùng giải phóng liên hoàn, cắt đường số Một từ Bồng Sơn đi Quảng Ngãi. Từ đó, tạo thế và lực mới bước vào giai đoạn chống “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ – Ngụy, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 2005, di tích Bến tàu không số Lộ Diêu được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Đền thờ Liệt sĩ thị xã Hoài Nhơn – những cái tên còn sống mãi…
Trải qua hai cuộc kháng chiến đầy cam go thử thách, có 11.277 liệt sĩ và hàng nghìn chiến sĩ ở khắp mọi miền đất nước đã vĩnh viễn nằm xuống trên quê hương Hoài Nhơn. Cùng với đó là trên 8.760 thương, bệnh binh, hơn 13.000 người có công với cách mạng và 2.067 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Để ghi nhớ công lao của những người đã hy sinh cho Tổ quốc, Đền thờ Liệt sĩ thị xã Hoài Nhơn được xây dựng để khắc tên toàn bộ liệt sĩ là con em của Hoài Nhơn đã hy sinh vì Tổ quốc và tên của Mẹ Việt Nam anh hùng khi qua đời. Công trình được khởi công xây dựng vào năm 2014, đưa vào sử dụng đúng dịp Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27.7.1947 – 27.7.2017).

Đền thờ Liệt sĩ thị xã Hoài Nhơn. Ảnh: Nguyễn Phan Dũng Nhân

Trên tổng diện tích 10.240 m2, Đền thờ chính được thiết kế theo dạng kiến trúc đền chùa truyền thống của Việt Nam; kết cấu hai tầng mái bê tông cốt thép dán ngói vảy cá, đầu mái có các họa tiết phù điêu, hoa văn. Trong khu chính điện thờ Bác Hồ, hai bên tả, hữu thờ Liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng, bia đá hoa cương được khắc tên 11.277 Liệt sĩ theo từng địa phương xã, thị trấn và khắc tên trên 1.900 Mẹ Việt Nam anh hùng của huyện đã từ trần. Sân đền chính với diện tích xây dựng trên 1.500m2 gồm các hạng mục: Sân đền, bậc cấp, ram dốc lát đá granit, có hệ thống đèn chiếu sáng trụ lan can xung quanh tường phục vụ ánh sáng cho sân đền. Đặc biệt, công trình có lối đi có ram dốc để mọi người, từ các cụ già, em nhỏ, đến các đồng chí thương binh, người khuyết tật đều có thể đến tận khu chính điện để bày tỏ lòng thành kính, lòng biết ơn đối với các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc.

Công trình đưa vào sử dụng đã trở thành một địa chỉ lịch sử, văn hóa tâm linh, được đông đảo Nhân dân, thân nhân liệt sĩ trong và ngoài thị xã đến viếng và thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ; trở thành một biểu tượng truyền thống cách mạng son sắc và là biểu hiện sâu sắc đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người dân xứ Hoài.

P.V

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hoài Nhơn quê hương tôi

“Hoài Nhơn quê hương tôi” là chủ đề triển lãm ảnh thời sự nghệ thuật của NSNA Nguyễn Ngọc Tuấn diễn ra từ ngày 10 – 22.12.2024 tại Trung tâm VH-TT&TT TX. Hoài Nhơn…

Vũ Ngọc Liễn: Kẻ sĩ “ham chơi”

Mỗi thời một khác, nhưng con người và sự nghiệp của Vũ Ngọc Liễn đã mặc nhiên xếp ông vào hàng kẻ sĩ. Phải, kẻ sĩ của đất Thang Mộc, quê hương mà ông dành trọn đời dâng tặng…