(VNBĐ – Bút ký). La Vuông, cái tên đẹp như một bài thơ trữ tình. Vùng cao nguyên xanh với núi non trùng điệp này không chỉ có cảnh sắc thanh bình thơ mộng, mà còn lưu giữ bao điều thú vị trong làn sương mê dịu của thời gian. Lần nào về lại đây cũng để lại trong tôi nhiều xúc cảm.
Phải lòng với La Vuông
Tôi nhớ những ngày đầu lên La Vuông (xã Hoài Sơn, thi xã Hoài Nhơn) là dịp cuối năm 2022 theo lời hẹn về thăm nhà một người bạn mà bao lần tôi lần lữa. Đường về La Vuông đã “dễ chịu” hơn so với những miêu tả của các anh chị từng đặt chân đến đây. Đường đất ngày nào nối thôn La Vuông với vùng đồng bằng phía xuôi đã được trải nhựa, chẳng bù cho ngày trước phải vất vả cọc cạch xê dịch từng bước một, chịu cảnh lún lầy trong những ngày mưa gió. Đường lên “xứ thơ” ấy cũng đầy thơ mộng khi ta bắt gặp những cung đường đầy hoa khoe sắc, những thửa ruộng vàng ươm lúa chín, những cảnh phơi trải chiếu cói dưới con nắng rụm giòn. Cảnh bình yên làm lòng người cũng bình yên.
Đợt ấy, khi gặp một biến cố lớn trong đời, tôi lên La Vuông vừa thực hiện lời hứa với bạn và vừa như để trốn chạy chính mình trong những trập trùng nặng nghĩ. La Vuông bao dung tôi. Đúng nghĩa mà từ giới trẻ hiện nay đang dùng như một trào lưu – chữa lành. Phải. La Vuông với tôi những ngày đó như một sự chữa lành trong sự cơi nới không gian tâm hồn mình, được chan hòa với cây cối xanh tươi, với thiên nhiên hoang dã, được ngâm mình trong dòng suối cạnh nhà đứa bạn, mát rợi gan bàn chân, được tản bộ trên đồng cỏ xanh rì, nghe đất La Vuông vừa cứng cáp nâng đỡ, vừa mềm mại ôm ấp.
Chiều ấy, bạn đưa tôi đi thăm hồ Cẩn Hậu ở La Vuông. Hồ rộng, sóng khẽ gợn lên lăn tăn theo ngọn gió từ xuôi thổi về, quấn quýt vào núi đồi xanh ngăn ngắt. Ở một góc hồ, tôi thoáng thấy vài người còn nán lại thả cần câu. Họ ngược đường về đây để tìm chút thư thái cuối tuần sau những ngày bận bịu cơm áo. Tôi đứng trên bờ hồ ngoái nhìn một bên là trập trùng núi đồi, một bên là phía cánh đồng mênh mông ngan ngát, thấy tâm hồn mình như giãn nở khoan khoái. Tôi trú lại ở nhà người bạn. Đêm mưa lây rây, hiu vắng trên những mái nhà. Những ngọn lửa cháy lên trong đêm như tự tình cùng sương gió bơ vơ, xô lệch những chiếc bóng nhẫn nại với đêm, nghe ly rượu Bàu Đá sủi tăm lên từ phía lòng mình. Tôi nghĩ về những con người ăn đời ở kiếp nơi đây, phải yêu nơi này lắm, phải có hấp lực nào đó dữ dằn lắm nên họ mới bám rễ nơi này, nhất quyết chẳng dời đi dù cuộc sống của họ hiện tại đã đủ đầy khấm khá hơn xưa nhiều.
Ba của bạn, chú tên Dương Đình Thi, người chính gốc thôn La Vuông, xã Hoài Sơn (Hoài Nhơn) đã gắn với nơi này từ sau ngày đất nước thống nhất. Chú nhấp chén rượu và kể vanh vách từng chuyện một của xứ này. Từ những thập niên đầu của thế kỷ trước, người Pháp đã đến vùng núi này để mở nông trường nuôi bò sữa. Cái tên La Vuông có thể là một kiểu đọc trại đi từ tên một người Pháp – ông Alavoine đã đến vùng đất này để xây dựng đồn điền thuở ấy? Sau 1975, nơi đây tiếp tục được mở nông trường La Vuông. Chú Thi từng làm kế toán nông trường, rồi quen một cô gái công nhân nông trường La Vuông. Yêu rồi cưới, thế rồi cả hai đã nhập hộ khẩu vào vùng đất này. Con cái lớn lên, đi theo những ước vọng riêng mình chốn thị thành, nhưng vợ chồng cô chú vẫn ở lại. Đêm bên bếp lửa, chú bảo, may còn thằng út, nó còn nhiều dự định ở đây, còn nặng lòng lắm với nơi này nên mình cũng thấy an lòng. Đêm muộn, ly rượu vẫn đầy vơi, chan hòa trong câu chuyện của chúng tôi là thanh âm của xao lộng cây rừng, của tiếng chim nơi đại ngàn gọi bạn. Những người thích không gian yên tĩnh, thích sự bình lặng và chút gì đó hoang dã núi đồi, có lẽ sẽ ghi khắc mãi những khoảnh khắc như vậy trong hành trình xê dịch của mình.
Sáng sớm bên ngụm trà, tôi nhìn ngọn núi phía xa, cao vút như nắm tay của một người khổng lồ đang nhoài lên hái những chùm mây đang trôi tư lự. Tôi khẽ hỏi chú Thi thì chú nói đó là núi Chúa. Đường lên núi Chúa ngoằn ngoèo, dốc cao hiểm trở. Trên ấy có những loại cây rừng, sim trái, vườn cam, những loài hoa dại quanh năm tự tình chờ bước chân xa lạ khám phá. Trong tôi như dâng lên câu hỏi về cái tên nhiều ẩn gợi – núi Chúa? Không biết có phải vì ngọn núi ấy như mắt tôi nhìn thấy, cao vút, mây phủ quanh năm, là ngọn núi sừng sững kiêu hãnh giữa sơn nguyên bát ngát này. Hay là còn điều gì khác huyền hồ hơn thế? Chú Thi giải đáp điều tôi thắc mắc bằng một câu chuyện lưu truyền trong dân gian. Chú kể, từ lúc chú sinh sống ở đây thì cái tên núi Chúa đã tồn tại. Theo nhiều người kể lại, sở dĩ gọi là núi Chúa bởi nơi ấy từng là chốn trú nương của chúa Nguyễn Ánh, lánh nạn khỏi sự truy lùng của nhà Tây Sơn. Việc chúa Nguyễn có từng đặt chân đến nơi đây hay không, vẫn là một hồ nghi chưa có câu trả lời xác đáng. Nhưng núi Chúa lừng lững, quanh năm mây phủ, bảng lảng sương như xứ thần tiên nào đó, đang hiển hiện nơi đây. Chú Thi còn hồ hởi giới thiệu thêm: “Ngoài núi Chúa, La Vuông còn dấu vết Trường Lũy, có những nơi hấp dẫn như suối Cô Tiên, thác Ba Tầng, bãi cỏ Đồng Vuông, bãi cỏ Cầu Lầy…, hết thảy đều rất đáng ghé thăm, khám phá”. Tôi đã ở lại nơi đây la cà thêm vài ngày. Nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ. Cứ thấy mình chỉ mới biết chút ít vẻ ngoài của vùng đất còn lắm ẩn gợi này. La Vuông, một lần khẽ chạm, tôi đã “phải lòng” và thầm đặt một lịch trình trở lại…
Mây núi giữ chân người
Cuối tháng 7.2024, tôi trở lại La Vuông cùng nhiều người bạn. Lần này, tôi nhích dần khoảng cách lên cao hơn. Trên đường lên vùng sơn nguyên La Vuông, những người công nhân xây dựng cấp tập làm đường. Đầu năm 2023, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã đến La Vuông để khảo sát. Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo thị xã Hoài Nhơn có giải pháp “đánh thức” khu cao nguyên La Vuông. Theo đó, địa phương ưu tiên kêu gọi nhà đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng rừng La Vuông, đầu tư xây dựng đường trục chính kết nối tuyến đường An Lão – Hoài Nhơn (thuộc dự án xây dựng chính sách hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số” – dự án CRIEM) vào khu vực thảo nguyên La Vuông có chiều dài khoảng 3km, bề rộng mặt đường 7,5m. Con đường lên La Vuông đã dần thành hình thành dáng, kéo dần khoảng cách hơn giữa du khách thập phương với cảnh đẹp nơi này.
Cái se lạnh như rõ dần khi chiều xuống. Bạn tôi, Dương Đình Hoàng – con trai út của chú Thi đèo tôi trên chiếc xe máy, rẽ lối những màn sương mỏng mảnh trên những triền đồi thơ mộng, ngược về phía Đồng Vuông. Tôi thấy cơ man những mây là mây. Mây như những gã khách bộ hành thích xê dịch, trôi mênh mang. Rồi một thoáng lơ đãng nào đó, tôi ngoái nhìn lại thì thấy mất hút vào khoảng nào xa xanh, hay đã thay hình đổi dạng. Tôi cảm tưởng như mình đang đi trên những đám mây. Thấy mây quẩn quanh núi đồi. Có lúc, mây mềm xốp trắng xóa, gợn lên những nếp sóng giữa mênh mông thung lũng, khiến cho chúng tôi có cảm giác như thấy cả trập trùng biển lớn đang dâng lên cát cứ một phương trời.
Theo lời hẹn, anh Lê Đình Hải, một cư dân ở Hoài Sơn (Hoài Nhơn), hiện đang là Phó Ban chỉ huy an ninh của công trình Đèo Cả đưa chúng tôi tham quan một số địa điểm thú vị của La Vuông, điểm đầu tiên anh dẫn chúng tôi đi là hồ Cầu Lầy. Cầu Lầy nằm gọn trong một lũng nhỏ với một hồ nước sóng gợn nhẹ lăn tăn. Bên hồ, là bãi cỏ rộng mênh mang với đàn bò đang nhởn nhơ hưởng thụ bữa ăn, thỉnh thoảng ngước lên với cặp mắt ngơ ngác nhìn những vị khách lạ. Anh Hải kể cho chúng tôi nghe về chuyện cây Cầu Lầy. Anh chỉ tay về hướng những con sóng nhẹ gợn phía Tây lòng hồ rồi bảo, ngày trước nơi này là một vùng trũng lầy lội lắm, chia cắt con đường qua lại giữa Đồng Vuông và Trà Giang. Hồi đó, có một cây cổ thụ ngã gãy, bắc ngang qua vùng lầy lội này, vô tình thành cây cầu để con người qua lại, nên người dân hay gọi là Cầu Lầy. Nhưng theo thời gian, những dấu tích ấy nay chẳng còn nữa.
Chiều xuống êm như ru, anh Hải dẫn chúng tôi loanh quanh thêm vài nơi quanh đồi cao La Vuông để cảm nhận rõ ràng hơn vùng đất này. Có khi, chúng tôi, đứng trên đỉnh đồi nhìn về phía An Lão thấy trong trập trùng những tản mây đang trôi đi, làng mạc thấp thoáng hiện ra. Theo hướng tay anh Hải, một vũng xanh da trời với những đường rẽ, tẻ rễ bám vào màu xanh của đồi núi, của nhấp nhô những mái nhà nhỏ li ti. Anh Hải nói: “Thấy vậy thôi chứ rộng mênh mông đó. Đó là hồ Đồng Mít của An Lão đấy”. Anh Hải như con sóc giữa rừng già, thoăn thoắt theo lối mòn quanh đồi La Vuông. Đi bộ một lúc xa, trước mắt chúng tôi mở ra một thung lũng xa với những ruộng bậc thang lọt thỏm giữa núi đồi, bên cạnh là những ngôi nhà sàn nho nhỏ nằm trầm lặng. Theo anh Hải, đó là làng người đồng bào Bana sinh sống, không nhiều những mái nhà và khá tách biệt với phần đông những làng tập trung khác. Họ cộng cư, chan hòa với thiên nhiên, lại rất nồng hậu và hiếu khách.
Sợ đêm xuống mau, chúng tôi phải quay trở lại điểm đồi La Vuông mà mọi người hay gọi là Đồng Vuông. Lúc này, chúng tôi đã gặp đoàn khách hơn chục người đang lụi hụi dựng lều qua đêm. Chị Huỳnh Thị Trung, quê ở Bồng Sơn (Hoài Nhơn) cùng các bạn thả mái lều trên đám cỏ, bắc chiếc bếp với đỏ rực than hồng, chuẩn bị cho bữa tối cùng gia đình. Khi tôi bắt chuyện hỏi han, chị cười tươi, chia sẻ: “Tụi chị mê trên này lắm. Chị lên La Vuông nhiều lần rồi, hay rủ các gia đình đi với nhau. La Vuông mang lại cảm giác rất yên bình, không khí trong lành, cảnh vật nên thơ. Từ trên đỉnh đồi này nhìn xuống thấy bát ngát mênh mông, lòng mình cũng thoải mái dễ chịu hơn hẳn. Tụi chị muốn quảng bá hơn cảnh đẹp của quê hương, đang có ý định sẽ làm dịch vụ du lịch, cho khách phương xa trải nghiệm lều trại La Vuông như chị cùng gia đình, bạn bè đang trải nghiệm”.
Đêm đến, những người bạn ngồi bên nhau bên ly rượu ấm, tiếng đàn lời ca vang lộng khắp núi đồi trùng điệp. Ngọn lửa “cháy” lên những khúc ca tình tự. Như để cảm nhận một La Vuông rõ ràng hơn, tôi cùng Hoàng, anh Hải và hai người bạn nữa bắc lều trên chỗ cao ráo của Đồng Vuông. Hình ảnh những đám mây đẹp mê hồn, núi đồi xanh ngắt, những hương ổi sẻ thơm lựng, mùi sim chín, hoa mâm xôi bung sắc… cứ quẩn quanh trong giấc ngủ. Gần sáng, không khí nơi đây như lạnh hơn. Mưa lất phất rơi trên những tấm bạt. Những hạt mưa nhỏ như lăn vào trong mị mộng chưa dứt. Chúng tôi bị đánh thức bởi một nhóm bạn trẻ tìm đến nơi đây để ngắm bình minh. Các bạn mang theo cà phê, nấu mì nóng hôi hổi, ăn sáng và thưởng thức cảnh sắc nơi này. Anh Hải bảo tôi, các bạn ấy đến từ các làng quanh đây, hay đến đây để tận hưởng không khí mát lành buổi sớm. Ngoài ra, còn nhiều người tìm đến La Vuông lắm, có lẽ như bọn mình vậy, đến rồi lại muốn đến lại lần nữa…
Theo thông tin ban đầu từ TX Hoài Nhơn, ngày 31.8.2024, Ngày hội Du lịch thị xã Hoài Nhơn “La Vuông – Cao nguyên xanh vẫy gọi” sẽ khai mạc. Ngày hội là chương trình du lịch trọng tâm, nổi bật của thị xã Hoài Nhơn, bao gồm chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đa dạng, hấp dẫn, như: Lễ hội diễu hành đường phố “Rồng xanh La Vuông”; Chương trình nghệ thuật “La Vuông – Cao nguyên xanh vẫy gọi”; Các gian hàng sản phẩm OCOP, ẩm thực đặc trưng và độc đáo của 17 xã, phường; Giải chạy khám phá La Vuông lần thứ I – Fleur De Lys La Vuông Trail…
La Vuông đã được nhận diện rõ nét, “người đẹp ngủ say giữa núi rừng” này đang được đánh thức. Rồi sẽ nhiều người biết hơn cao nguyên xanh La Vuông, sẽ tìm về để thả lòng mình vào cỏ cây sắc cảnh nơi đây. Với tôi, đôi lần chạm ngõ, La Vuông đã thêm nhiều kỷ niệm. Khi bánh xe lăn bánh về xuôi, lòng tôi như quyến luyến. Tôi sẽ trở lại. Hẳn rồi. Để nghe nhịp thở mới của núi đồi, và như để gặp lại một người bạn cũ, hàn huyên bên ly rượu ấm nóng, để thấy lòng mình được xoa dịu, nhẹ nhõm như những áng mây vô ưu quanh đồi núi La Vuông.
VÂN PHI