(VNBĐ – Bút ký). Những năm gần đây, với sự tiện lợi, giá cả bình dân, dịch vụ “karaoke di động” ngày càng phát triển rầm rộ. Do không được kiểm soát, loại hình dịch vụ này trở thành nỗi ám ảnh của cộng đồng dân cư.
Bừng rộ loa kéo
Từ phố phường đến vùng nông thôn hay miền núi hẻo lánh, loại hình “karaoke di động” đang trở nên thịnh hành. Số lượng người kinh doanh loại hình dịch vụ này cũng tăng lên đáng kể. Hai năm trước, anh Nguyễn Văn Tỉnh, ở phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn) cũng sắm một dàn loa kéo. Đi làm tứ xứ nhưng thu nhập chả đáng là bao, thấy nhu cầu hát “karaoke di động” ngày càng cao nên anh đầu tư. Ai có nhu cầu cứ gọi đặt, anh sẽ chở đến. Hát xong, khách gọi báo thì đên chở về. Thấy đầu tư “dễ ăn” nên nhiều người cũng tích cực lao vào, trước là kiếm thêm thu nhập sau đó còn phục vụ cho nhu cầu hát hò của mình.
Chỉ với cái tivi màn hình lớn, micro và đôi loa thùng “khủng”, dịch vụ “karaoke di động” sẽ giao “giàn” đến tận nơi. Giá dao động từ 60.000-100.000 đồng mỗi giờ. Những giờ hát sau giá tiền sẽ giảm dần. Chỉ cần kết nối mạng internet, qua bluetooth điện thoại di động, bài hát được tha hồ lựa chọn. Từ bolero đến nhạc trẻ, nhạc rock, thậm chí cả nhạc chế để người hát “khoe giọng”.
Là một trong những “nạn nhân” từ tiếng ồn của loa kéo, chị Nguyễn Thị Hạnh ở phường Quang Trung (TP. Quy Nhơn) bày tỏ: “Nếu chỉ những dịp cưới hỏi, người ta gọi karaoke di động tới để hát cho vui thì có thể thông cảm được, đằng này, cứ tụ tập nhậu nhẹt rồi lại hát với âm thanh công suất khủng chẳng khác nào tra tấn người chung quanh. Có khi nửa đêm còn nghe “con xin dắt mẹ một đời”, nghe “vầng trăng khóc”. Không biết vầng trăng có khóc hay không nhưng mình thì khóc ròng vì chẳng thể nghỉ ngơi sau ngày làm việc mệt mỏi”. Đồng cảnh với chị Hạnh, anh Huỳnh Văn Mật, quê ở Nhơn An, thị xã An Nhơn thổ lộ: “Bà con hai bên nhà mình hay gọi loa kéo về hát. Hai loa choãi vào nhau tạo cảm giác rất khó chịu. Có nhiều khi mình phải “trốn” đi nơi khác để né. Đến giờ cơm tối trở về, họ vẫn say sưa hát”. Bản thân là người viết nhạc, anh Mật thấu hiểu nhu cầu giải trí của bà con lối xóm nhưng cũng không khỏi cảm thấy phiền muộn bởi một số loa kéo công suất lớn gây xáo trộn cuộc sống gia đình anh. Anh Đào Minh Trung ở Tây Giang (Tây Sơn) cũng lắc đầu ngao ngán: “Ngày trước, chuyện hát karaoke di động chỉ xuất hiện tại một số ít địa điểm chứ không tràn lan như giờ. Họ hát bất kể đêm ngày. Vui cũng hát. Buồn cũng hát. Hát cho sướng mình mà không màn đến hàng xóm xung quanh. Những chiếc loa có âm thanh lớn vang xa hàng cây số, mình ở trong nhà mà nghe tim đập thùm thụp, vách nhà như cũng rung theo từng đợt sóng âm thanh”.
Cũng chuyện loa kéo, tôi cười ra nước mắt khi nghe câu chuyện của nhạc sĩ Vũ Thành kể về hai gia đình ở quê anh (Phú Phong – Tây Sơn). Họ chẳng dùng lời nói để giàn xếp xích mích xóm giềng mà lại dùng… loa kéo để thể hiện thái độ. Mỗi khi trời chạng vạng, họ hướng loa về phía nhà nhau, thi nhau vặn âm lượng hết cỡ và hát đủ thể loại như muốn trút hết những hằn học, ghét giận vào người khác. Cuộc “đấu loa” chẳng biết ai thắng ai nhưng cư dân xung quanh thì một phen khiếp đảm.
Sướng mình khổ người
Những ngày Tết Nguyên đán, ngày tại quê nhà của mình – phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, ngày nào tôi cũng nghe tiếng hát từ loa kéo. Với vùng quê nơi tôi, khi mật độ nhà cửa không san sát như một số nơi, tiếng hát trong đêm của những người nông dân chân lấm tay bùn tìm chút giải tỏa sau những tháng ngày làm lụng vất vả như xua đi cái hoang vắng, quạnh quẽ của đồng quê. Cũng đáng cảm thông thôi nếu giải trí văn nghệ nằm trong ngưỡng cho phép chẳng ảnh hưởng đến ai, không trái thuần phong mỹ tục. Nhưng thật sự buồn, khi tôi tham gia một đám giỗ của một người bà con có hát hò bằng loa kéo. Số là sau khi là đà men rượu, một người trong nhà cất lời đề nghị, đã có người lớn tuổi trong gia đình can ngăn nhưng lại có kẻ thấm hơi men cả quyết rồi đa phần hưởng ứng. Vậy là chỉ chưa đầy 15 phút sau cuộc gọi, chiếc xe ba gác chất đầy dàn loa, đầu máy, tivi đã xịch tới. Nghiệt thay, cuộc vui cứ kéo dài đến nửa đêm. Men rượu càng vô, hát càng hăng. Chỉ khổ những người xung quanh phải chịu trận. Bà chị của tôi đi cùng ông anh rể cũng lắc đầu mỏi mệt. Mấy lần chị nhắc khéo bảo về, anh lại cười hề hề, bảo để hát nốt bài nữa; bài nữa rồi bài nữa… mặc cho bao người nhăn nhó bởi thứ âm thanh cực đại đang phóng thẳng những câu hát sai vần lạc điệu kia vào tai…
Sự nhiễu loạn của loại hình dịch vụ, vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn cùng những hệ lụy của nó đã được nhiều người lên tiếng. Nêu quan điểm của mình, nhạc sĩ Vũ Thành nói: “Ai cũng có nhu cầu giải trí sau những giờ phút làm việc căng thẳng nhưng karaoke di động đã cho thấy những bất cập. Sự ồn ào, mất trật tự đã ảnh hưởng đến đời sống không ít hộ gia đình. Phản cảm nhất là ngày giỗ, ngày tưởng nhớ vong linh ông bà cũng lôi karaoke kéo ra hát hò. Theo tôi, nên kiên quyết xử lý để răn đe. Thậm chí cần suy nghĩ nghiêm túc có nên cấm luôn loại hình hoạt động này hay không?”.
Trong một lần trò chuyện về vấn đề karaoke di động, anh Ngô Hồng Sơn, Phó giám đốc Trung tâm VHTTTT huyện Tuy Phước cho rằng, sự “hoành hành” của việc hát loa kéo ngày một nhiều, cần nghiêm túc nhìn nhận lại thực trạng đáng báo động này chứ không nên xem đây là chuyện bình thường nữa. “Theo quan điểm của tôi, các cấp các ngành liên quan nên xem xét lại vấn đề này để có hướng xử lý. Chúng ta có thể giới hạn trong một khung giờ nào đó. Rà soát, lập danh sách các tổ chức, cá nhân đang hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn, như: cho thuê dàn nhạc, loa kẹo kéo, karaoke di động… để quản lý, tuyên truyền cho họ hiểu. Thậm chí, có biện pháp nhắc nhở, phạt hành chính những trường hợp cụ thể. Mặt khác, cũng phải nhìn nhận lại, vấn đề phục vụ giải trí tinh thần của người dân đang có những hạn chế nhất định. Ví dụ như ngày xưa có hát bội, bài chòi, những hoạt động thể thao tại địa phương; hoặc mở thư viện đọc sách… nhưng càng về sau hoạt động càng ít đi. Việc dễ dãi trong nhu cầu thụ hưởng văn hóa đã cho thấy sự nghèo nàn trong việc tổ chức hoạt động văn hóa tại địa phương mà mỗi cán bộ, cơ quan chức năng cũng cần nhìn nhận lại vai trò, trách nhiệm của mình”, anh Sơn chia sẻ.
Karaoke loa kéo đã bộc lộ sự tiện ích trong giải trí của loại hình tự phát này. Nhưng, những hệ lụy mà nó tạo ra khiến mỗi chúng ta không khỏi băn khoăn. Văn hóa ở đâu khi người ta hả hê khoe giọng, trút xả những ẩn ức riêng mình nhưng lại gieo bao phiền toái, sự khó chịu, làm ảnh hưởng đến những người xung quanh? Văn hóa ở đâu khi ngay ở khu vực, thôn làng gắn bảng văn hóa nhưng ý thức cộng đồng bị đạp đổ trong cơn say sưa, tụ tập ồn ào bên loa hát, thậm chí ẩu đả, án mạng. Không ít những sự đau lòng với những cái chết thương tâm đã diễn ra trên nhiều tỉnh thành đất nước này: Ngày 16.6.2019, Nguyễn Anh Quốc cùng nhóm bạn đến bãi đất trống cạnh phòng trọ của một người bạn ở H.Bình Chánh (TP.HCM) để tổ chức uống bia và thuê loa kẹo kéo hát. Lát sau, anh T. ở trọ gần đó cũng kéo một chiếc loa kẹo kéo ra đối diện chỗ nhóm Quốc đang nhậu khoảng 30m để mở nhạc.
Bị anh T. mở nhạc lớn át đi tiếng loa của mình nên Quốc tới yêu cầu mở nhạc nhỏ lại, dẫn đến hai bên cự cãi. Vì hậm hực nên sau đó Quốc lấy một cây kéo đâm 2 nhát vào lưng anh T. dẫn đến tử vong; Ngày 28.12.2019, hai nhóm thanh niên đang nhậu tại phòng trọ sát nhau tại TP. Bạc Liêu thì nhóm của anh Nguyễn Khánh Duy (32 tuổi, ở P.5) có hát karaoke bằng loa kẹo kéo. Do ồn ào, nhóm thanh niên nhậu phòng kế bên qua cự cãi. Bất ngờ, một thanh niên dùng dao đâm vào vùng cổ khiến anh Duy tử vong; Tháng 4.2020, Nguyễn Thanh Khoa (30 tuổi, quê Bến Tre, trú tại Bình Chánh, TP.HCM) ngồi nhậu tại nhà anh N.V.D (25 tuổi) cùng dãy trọ với Khoa và một người bạn. Cả ba tổ chức hát karaoke bằng loa kẹo kéo. Do ồn ào, ông B. ở cùng dãy trọ sang nhắc nhở thì hai bên cự cãi, dẫn đến xô xát. Khoa đã đâm chết ông B… Hàng loạt những câu chuyện dẫn đến án mạng nhưng nạn “karaoke di động” vẫn không có chiều hướng suy giảm. Việc kiểm soát, xử lý vấn đề ô nhiễm tiếng ồn do hát loa kéo ở nhiều địa phương dường như còn lúng túng.
Theo quy định tại Thông tư 39/2010/TT-BTNMT thì giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là 70dBA (từ 6 giờ đến 21 giờ) và 55dBA (từ 21 giờ đến 6 giờ). Nếu hát karaoke phát ra tiếng ồn vượt mức cho phép thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Mức phạt thấp nhất là cảnh cáo và cao nhất lên đến 160 triệu đồng.
Theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì hành vi “gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau” sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.
Gần đây, TP. HCM là một trong số ít địa phương đã kiên quyết xử lý tình trạng này và nhận được sự đồng thuận lớn từ cộng đồng. Chiều tối ngày 26.02, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký công văn chỉ đạo TP.Thủ Đức, các quận, huyện, các đơn vị liên quan trên địa bàn xử lý nghiêm tình trạng vi phạm về tiếng ồn. Để xảy ra vi phạm về tiếng ồn thì Chủ tịch UBND, Trưởng Công an phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm.
Ca hát, văn nghệ là nhu cầu chính đáng của người dân, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giao lưu, kết nối cộng đồng. Tuy nhiên, sẽ chẳng có gì để phàn nàn nếu như những cuộc vui kia chỉ diễn ra vào những ngày nghỉ cuối tuần, hoặc có giờ giấc hợp lý, không phải là những thanh âm hỗn tạp tra tấn cộng đồng dân cư hàng cây số vuông. Nên chăng, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm soát chặt chẽ, đồng bộ và người dân cần có ý thức trong việc sử dụng “karaoke di động” để cộng đồng dân cư không còn phải khổ sở, ám ảnh mỗi khi nhà hàng xóm cất lời ca…
* Ảnh minh họa: internet
PHI NGUYỄN
(Văn nghệ Bình Định số 95 tháng 3.2021)