(VNBĐ – Thời đàm). Những ngày cuối tháng Tám này, cả thị xã Hoài Nhơn rộn ràng chuẩn bị cho Ngày hội du lịch chủ đề “La Vuông – Cao nguyên xanh vẫy gọi”. Chọn thời điểm tổ chức là dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02.9.1945 – 02.9.2024), mục đích thiết thực của Ngày hội là nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp tự nhiên, văn hóa quê hương, con người Hoài Nhơn; giao lưu văn hóa, kinh tế – xã hội trong và ngoài thị xã, thu hút đầu tư phát triển du lịch.
Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định đã liên tiếp tổ chức các sự kiện quy mô, đặc biệt là các giải đấu quốc tế nhằm thu hút đầu tư phát triển nói chung và thu hút đầu tư cho du lịch. Các sự kiện này đã ghi dấu ấn đáng kể đối với du khách và nhà đầu tư. Một số dự án đầu tư đã và đang được xúc tiến là kết quả từ việc tổ chức các sự kiện. Song hầu hết các sự kiện đều diễn ra ở thành phố Quy Nhơn nên tiềm năng, thế mạnh du lịch tại các thị xã và các huyện chưa được du khách và nhà đầu tư tiếp cận nhiều. Thị xã Hoài Nhơn, trung tâm kinh tế – văn hóa ở các huyện phía Bắc tỉnh, cách xa thành phố Quy Nhơn 90 cây số đã tiên phong khởi động cho hành trình phát triển du lịch mới, góp phần vào sự phát triển du lịch một cách đồng bộ của tỉnh nhằm thực hiện Chương trình hành động số 06 – CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn 2020 – 2025.
“Hoài Nhơn” danh xưng được nhắc đến từ hơn 550 năm về trước khi vua Lê Thánh Tông cho sáp nhập vùng đất mới lấy được vào đạo thừa tuyên Quảng Nam và mở rộng đến núi Thạch Bi (nay thuộc tỉnh Phú Yên) và đặt tên là phủ Hoài Nhơn (năm 1471). Phủ Hoài Nhơn lúc mới hình thành gồm ba huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, bao trùm cả vùng đất của tỉnh Bình Định. Đến năm 1602, Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn và đến năm 1797 vua Gia Long đổi tên là Bình Định Thành. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hoài Nhơn được tổ chức lại cơ cấu chính quyền các cấp, đổi phủ thành huyện… Ngày 22.4.2020 thành lập thị xã Hoài Nhơn có 17 đơn vị hành chính, gồm 11 phường: Bồng Sơn, Hoài Đức, Hoài Hảo, Hoài Hương, Hoài Tân, Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây, Hoài Xuân, Tam Quan, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam và 06 xã: Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Hải, Hoài Mỹ, Hoài Phú, Hoài Sơn.
Thị xã Hoài Nhơn có lợi thế tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú với đường bờ biển dài 24km, nhiều bãi biển hoang sơ chưa được khai thác cùng nhiều di tích lịch sử, di tích văn hóa, thắng cảnh đẹp và đặc biệt là tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái như bãi biển Lộ Diêu, bãi biển Tam Quan Bắc, Bãi Con, Đền thờ Đào Duy Từ, cao nguyên La Vuông… cùng các làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó là các loại hình văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian đặc sắc như: Bài chòi cổ dân gian, hát múa bả trạo, võ thuật, trò chơi cổ nhơn và các lễ hội truyền thống giàu bản sắc. Bên cạnh đó văn hóa ẩm thực độc đáo của xứa dừa từ nghề đánh bắt xa bờ, chế biến cá ngừ đại dương, chế biến nước mắm, chế biến các sản phẩm bánh, bún từ gạo, mì… đã làm nên nét riêng có của Hoài Nhơn hết sức đặc sắc. Chính vì vậy mà lãnh đạo thị xã Hoài Nhơn đã vô cùng tâm đắc khi chọn slogan cho du lịch: “Hoài Nhơn: Tình biển – Xứ dừa – Cao nguyên xanh”! Một địa phương có biển, có rừng và có cả một bề dày của truyền thống văn hóa mệnh danh “Xứ dừa” thử hỏi còn gì quý hơn để phát triển du lịch!
Nhưng công bằng mà nói, tiềm năng du lịch của thị xã có phong phú song chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; các sản phẩm, dịch vụ du lịch còn chưa phát triển; các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí, phục vụ du khách còn quá ít ỏi; đội ngũ làm công tác quản lý du lịch còn thiếu và yếu; nguồn lực phục vụ cho công tác du lịch chưa được quan tâm đào tạo; các giải pháp để phát triển du lịch trên địa bàn thị xã còn chưa được xây dựng một cách căn cơ; công tác điều tra, xây dựng số liệu nền để phát triển du lịch chưa được triển khai bài bản; các sản phẩm du lịch như quà lưu niệm, dịch vụ mua sắm… còn chưa được đầu tư bài bản…
Ngày hội du lịch thị xã Hoài Nhơn “La Vuông – Cao nguyên xanh vẫy gọi” là một cú hích thúc đẩy mạnh mẽ cho việc đầu tư phát triển du lịch sinh thái giúp biến đổi cao nguyên La Vuông từ chỗ rất ít người biết đến trở thành điểm đến hấp dẫn sánh vai cùng các cao nguyên Vân Hòa (Phú Yên) hay cao nguyên Bùi Hui (Quảng Ngãi), giúp quảng bá tiềm năng du lịch từ rừng xuống biển và bề dày văn hóa Xứ dừa đồng thời cũng là dịp để thị xã Hoài Nhơn nhìn lại những tồn tại trong tiến trình phát triển du lịch, mở ra một hành trình du lịch mới khi được đón nhận sự đột phá về số lượng du khách, đặc biệt là sự có mặt của các doanh nghiệp lữ hành, các nhà đầu tư…
DƯƠNG HIẾU