(VNBĐ – Đời sống văn nghệ). Ngày 9.8, tại Nhà văn hóa xã Nhơn Phúc, UBND TX. An Nhơn phối hợp cùng Hội Văn học nghệ thuật Bình Định tổ chức tọa đàm khoa học về khôi phục lễ hội Đổ giàn An Thái – Nhơn Phúc. Dự tọa đàm có ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND TX. An Nhơn; nhà thơ Mai Thìn, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định; đại diện các sở, ban, ngành, các nhà nghiên cứu, hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian, các nghệ nhân ở địa phương…
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lễ hội Đổ giàn đã có từ rất sớm ở An Thái – Nhơn Phúc và là một hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần và thể thao của Nhân dân địa phương. Trước đây, lễ hội thường được tổ chức vào dịp Rằm tháng Bảy các năm Tỵ, Dậu, Sửu với các lễ cúng các vị thần phù hộ cho Nhân dân và trò đấu võ tranh heo giữa các võ sĩ thuộc các võ đường ở An Thái – An Nhơn và An Vinh – Tây Sơn, thu hút hàng nghìn người dân đến xem và cổ vũ. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc tổ chức lễ hội Đổ giàn An Thái gián đoạn từ sau 1975, và ngưng hoạt động từ 2005 đến nay.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về các nét đặc trưng và xu hướng biến đổi của lễ hội Đổ giàn; tính cộng đồng, yếu tố Phật giáo trong lễ hội; định hướng bảo vệ và phát huy giá trị di sản… Các đại biểu dự tọa đàm tán thành việc khôi phục và phát huy giá trị di sản lễ hội Đổ giàn và các yếu tố liên quan đến di sản từng hình thành và tồn tại ở An Thái, đồng thời đề xuất việc xây dựng quy ước, thể lệ tổ chức và các hoạt động dân gian trong diễn trình lễ hội Đổ giàn.
Theo ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND TX. An Nhơn, từ thành công của tọa đàm, UBND thị xã sẽ có ý kiến đề xuất với UBND tỉnh cho chủ trương lập hồ sơ khoa học di sản đề nghị ghi danh lễ hội Đổ giàn An Thái là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời cho phục dựng lễ hội vào năm 2025 là năm Tỵ theo định kỳ vào các năm Tỵ, Dậu, Sửu như xưa.
PHI NGUYỄN