Mưa ở Quy Nhơn

(VNBĐ – Truyện ngắn). Tôi có may mắn tham gia một hội thảo về văn hóa và Phật giáo tại một tỉnh miền Trung. Thành phố Quy Nhơn nhỏ nhắn, xinh đẹp và bình yên đón các vị khách bằng màu xanh biếc của bầu trời, xuyên qua những đám mây trắng lơ lửng nắng dát vàng thả từng cụm, bờ biển óng ánh nhuộm lơ tới tận chân trời. Thành viên hội thảo gồm giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học đến từ nhiều trường, viện nghiên cứu của mọi miền Tổ quốc, đọc tham luận còn các vị sư thông kim bác cổ. Nghe nói nhiều thầy có tới 2,3 bằng tiến sĩ nước ngoài, và sử dụng thành thạo tiếng Anh, Pháp,… Những chiếc áo dài họa tiết duyên dáng của các nữ giáo sư, tiến sĩ bên cạnh áo nâu sồng của các thượng tọa làm cho hội thảo có vẻ đẹp bình yên tới hư ảo.

Buổi sáng nghe báo cáo của diễn giả, buổi chiều là những chuyến đi tham quan các tổ đường, cổ tự, ngắm những ngôi chùa rêu phong và danh lam thắng cảnh của tỉnh Bình Định. Thật thú vị khi được tận mắt thấy hàng chục tháp cổ có lớp vỏ in dấu phong sương của thời gian, những ngôi chùa 3-4 trăm năm, đôi tượng thần dị biệt còn lại từ thời thành Đồ Bàn vương quốc Champa. Những cuộc chiến đẫm máu, những cuộc xung đột sắc tộc, huynh đệ tương tàn đã diễn ra trên chính mảnh đất chúng tôi đang đứng đây và bây giờ là một buổi chiều tĩnh mịch. Trầm lặng. Thoảng tiếng gió mơ màng. Đây là phiến đá mòn vẹt bởi đao phủ của vua Gia Long đã chặt đầu các tướng lĩnh Tây Sơn sau khi nhà Nguyễn giành chiến thắng. Những thủ cấp mắt mở trừng trừng, râu tóc dựng ngược đã rơi xuống lưỡi đao oan nghiệt. Tương truyền có nhiều oan hồn lẩn quẩn nên nay viên đá đặt trong một ngôi chùa cổ cho vong linh được siêu thoát. Máu đã chảy ở đây rất nhiều. Có thể là như vậy? Nhưng cũng từ quê hương của những huyết chiến nảy sinh ra vô vàn thi sĩ tài hoa, ví như bốn nhà thơ danh tiếng của Thơ Mới thường gọi là Bàn Thành Tứ Hữu, chiếm một vị trí có một không hai trong lịch sử văn học đất nước. Thật là một nơi trời văn đất võ.

Thông thường, khi đến một vùng đất mới, nếu được người gốc gác ở đó kể chuyện thì sẽ thấu hiểu nhiều điều sâu sắc. Cầu được ước thấy, tôi vô tình ngồi cạnh anh Dương, sinh ra và lớn lên tại Quy Nhơn. Anh có dáng dấp già dặn, chững chạc của một thầy giáo nhưng khi nói chuyện thì vẫn trẻ trung như một sinh viên với tâm hồn thi sĩ. Anh sống qua hai chế độ và hiện tại là kỹ sư xây dựng kiêm giảng viên Văn học Phật giáo. Có một “hướng dẫn viên bản xứ” thật thú vị. Anh chỉ đâu là nơi Trịnh Công Sơn từng ngồi viết bài hát nổi tiếng Diễm Xưa “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…”; đâu là nơi Hàn Mặc Tử hằng đêm ngắm trăng khi bị bệnh phong… Có ngắm tận mắt mưa rơi ở Quy Nhơn, thấy hạt mưa bay giăng giăng như những viên ngọc bích xanh biếc được ném xuống từ trời cao mới hiểu vì sao nhạc sĩ họ Trịnh viết nên tuyệt tác như vậy. Nhìn những giọt trong veo đập lanh canh va vào tháp cổ vỡ vụn tung tóe, trên triền xanh của hoa vàng và cỏ, xa hơn nữa là biển cả tím thẫm gợi cảm giác bình yên, tươi tắn pha mong manh da diết… Buổi cuối cùng chia tay, anh mời chúng tôi tới nhà ăn cơm và được nghe anh kể câu chuyện ly kỳ về tuổi ấu thơ.

* Chuyện ông cậu:

Anh nói: “Ông cậu tôi là Nguyễn Nhâm, nguyên là tư lệnh lực lượng vũ trang quân giải phóng tại Quy Nhơn. Ông sống trên núi là nơi chiến khu của Cách mạng. Hằng đêm ông và đồng đội vượt rừng về thành phố hoạt động, móc nối, ám sát, và sau đó kiếm các nhu yếu phẩm đưa lên núi. Do vậy ban đêm các sĩ quan cao cấp của Việt Nam cộng hòa thường phải ngủ trong Bộ tổng tham mưu, chứ không ngủ tại gia vì họ sợ bị ném lựu đạn vô nhà. Ban ngày ngược lại là của chính quyền quốc gia. Xe tăng, máy bay, binh lính tiến công, nhả đạn lên núi. Và từ trên núi du kích cũng đáp trả dữ dội. Chiến tranh ở Bình Định là như vậy. Hai phe đối thủ chỉ cách nhau một tầm bắn. Bản thân tôi cũng có lần suýt chết vì cuộc đấu súng trên phố. Chuyện này xin sẽ kể sau. Biết quân Cách mạng thường về ban đêm, binh lính hay mai phục trên những con đường mòn. Có một đêm cậu tôi và 6 chiến sĩ bị phục kích. Họ bị vây bởi một đơn vị thám báo đặc biệt. Trên trời máy bay trực thăng quần thảo dữ dội, chiếu đèn pha xuống sáng rực từng lùm cây, bụi cỏ… Lần lượt 6 chiến sĩ trúng đạn hy sinh. Nhưng thám báo không bắn cậu, mà muốn bắt sống vì ông là một nhân vật đặc biệt. Từ trên trực thăng loa vang vang: “Nguyễn Nhâm, anh hãy đầu hàng đi, các anh đã bị vây rồi…”. Cậu Nguyễn Nhâm tiếp tục mở đường máu lên núi, nhưng rồi biết không còn đường thoát. Ông dừng lại. Bình tĩnh rút ra một quả lựu đạn, rồi lấy các giấy tờ, tài liệu để đó. Trong ánh sáng rực của chiếc đèn chiếu ra từ trực thăng, ông bật lửa đốt hết các tài liệu mang theo. Phía kia biết là ông thủ tiêu tài liệu nên hô thám báo xông tới hòng cướp lại chỗ giấy tờ mật. Chờ đến lúc đó ông hô vang: “Xin cảm ơn các anh em đồng đội. Xin các bạn hãy chờ tôi”. Ông giật chốt lựu đạn, hy sinh. Một mạng đổi hàng chục thám báo và mang theo toàn bộ bí mật sang thế giới bên kia. Người hiệp sĩ đã ngã xuống vì lý tưởng của mình. Hôm sau, một viên đại úy Việt Nam cộng hòa tới tìm bà ngoại tôi. Anh ta quỳ xuống, khóc, lạy bà ngoại rồi nói: “Anh Nhâm chết rồi, chúng con không bắn anh ấy…”. Tôi vẫn nhớ rõ cái đầu gục gặc bộ quân phục rằn ri lổm ngổm bò ở giữa sân. Hôm đó trời mưa tầm tã. Ngoại tôi không khóc, im lặng nhìn ra triền núi, nơi cậu Nhâm hy sinh.

Sau ngày giải phóng, chính quyền cách mạng mời bà ngoại tôi lên nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng hay danh hiệu gì đó tôi không nhớ nữa. Tôi viết hộ diễn văn để bà đọc khi nhận danh hiệu. Nhưng khi trao tặng, bà bỗng nhiên thay đổi ý định và nói: “Thằng cháu tôi viết hộ lời phát biểu, nhưng tôi không đọc. Tôi chỉ nói ngắn gọn thế này: Tôi có mỗi thằng Nhâm là con trai, tôi không phân biệt Cộng sản hay Quốc gia, nhưng thằng Nhâm vào núi. Đói. Tôi thương thì tôi phải tiếp tế, mang thức ăn vào núi cho nó. Rồi nó có bạn thì tôi cũng coi như con, nên lo cho cả lũ luôn. Chứ tôi không biết thế nào là Quốc gia hay Cộng sản…”. Tình thương yêu con cái là lý do để những người phụ nữ đến với hành tinh này. Bà ngoại tôi là người không học hành cao và không phân biệt Quốc gia hay Cộng sản.

* Chuyện bố tôi:

Bố tôi là sĩ quan không quân cao cấp làm tại Bộ tổng tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa đóng tại Quy Nhơn. Ông khá nổi tiếng vì chức vụ được nhiều người biết. Chẳng hạn tôi lúc đó chỉ là cậu bé con học trung học, nhưng có thể đi vào sân bay, “hê lô” với chú quân cảnh rồi thản nhiên lên phi cơ bay Sài Gòn, rồi chiều quay ra. Nói vậy để thấy bố tôi được nể trọng như thế nào tại Quy Nhơn. Nhiều lúc tôi cũng ngạc nhiên tại sao phía Việt Nam cộng hòa, các chú lính gác không bao giờ kiểm tra tôi khi leo lên máy bay?! Phía cậu tôi có thể dễ dàng nhờ tôi cầm một túi (hay một bọc gì đó) để tôi mang vào máy bay trót lọt (mìn hay truyền đơn!). Gia đình tôi là một gia đình yêu nước (nhắc lại 2 lần). Anh ta nói và nhìn chúng tôi xem có phản ứng gì không. Tôi hơi mỉm cười. Những mĩ từ đó ở ngoài Bắc chúng tôi nghe thường xuyên trên báo, đài.

Vào những ngày cuối cùng của tháng Tư năm 1975, vì là sĩ quan không quân bố tôi đã điều máy bay chở cả gia đình chạy ra Phú Quốc. Tính đi ra nước ngoài. Tới Phú Quốc, ông nội nói: “Thôi quay về, đây là Tổ quốc của chúng ta, đồng bào của ta. Đi sao được. Về”. Ông nội đã nói thì đó là mệnh lệnh. Thế là tất cả bay ngược lại Quy Nhơn.

Những ngày sau 30.4.1975, bao trùm gia đình là một không khí vô cùng ảm đạm. Làm thế nào bây giờ? Chịu! Chúng tôi phó thác cho số phận! Đành cứ nằm nhà chờ đợi tai họa đang đến trước cửa…

Rồi giây phút ấy cũng tới. Gia đình nhận được giấy mời bố ra tập trung tại phường. Ngoài trung tá không quân, bố tôi lãnh thêm một tội danh mới (mà ông không hề có): người của tình báo quân đội. Coi như đi mút mùa rồi! Không tử hình cũng chung thân. Không khí gia đình càng buồn thảm. Một buổi sáng cuối cùng, ngày mai là bố phải ra trình diện, tôi sáng dậy ra mở cửa, bỗng thấy một ông mặc quần áo giải phóng, nhàu nát, mệt mỏi, chắc là vừa từ xa tìm đến, hỏi: “Cháu ơi, cho chú hỏi đây có phải là nhà ông So không?”. Tôi trả lời: “Dạ, không ạ, chắc là chú lầm rồi. Bố con tên là Sang ạ”. Ông ta lại hỏi mấy lần, nghi hoặc, mặc dù tôi trả lời khẳng định bố tôi là Sang. Rồi khi cửa mở rộng, bố tôi bước ra, ông nhảy xổ vào ôm lấy bố. Bà nội nghe tiếng ồn, chạy ra, ông ôm chặt, nước mắt giàn giụa… Té ra ông là anh ruột của bố tôi, đi theo Cách mạng từ ngày nảo ngày nào rồi mất tin tức. Không rõ vì sao sau này ông dò hỏi và tìm tới đây.

Ông nhiều lần lạy bà nội, nói xin tha tội bất hiếu vì đã không có thời gian phụng dưỡng mẹ già. Tôi vẫn nhớ y nguyên câu nói của ông: “Tổ quốc đã thống nhất, nhưng cuộc chiến tranh giai cấp vẫn còn. Tuy nhiên, nó chỉ diễn ra bên ngoài cánh cửa. Trong này, sau cánh cửa là anh em, là máu mủ, sẽ không có đấu tranh ở đây. Mẹ cứ để con lo cho em Sang. Đây là cách con chuộc tội vì không chăm nom mẹ bấy lâu nay”. Sau này tôi mới rõ, bố hồi bé trong khai sinh là So, lớn lên mới chuyển thành Sang. Gia đình tôi cũng không hỏi bác tôi làm chức vụ gì? Cao hay thấp? Ông có dáng điệu gầy gò, nước da xám vì sốt rét lâu năm – hậu quả của thời gian ở rừng.

Mấy ngày sau, bác tôi giữ bố trong phòng 3 ngày. Rồi bố tôi được chứng nhận là tình báo của Cách mạng cài vào với chữ ký của hầu hết cán bộ có cỡ của giải phóng quân xác nhận vào bản lý lịch đó.

Vậy là bố tôi không phải tù tội như các đồng nghiệp khác. Âu đó cũng là một đại phúc của gia đình tôi.

* Người đánh thức nỗi buồn:

Bên bàn rượu chúng tôi cùng nhau hoài niệm về những năm tháng xưa. Chiến tranh. Tình yêu. Những mơ ước của tuổi trẻ chưa thực hiện được… Cuối buổi tiệc, chủ nhà bất ngờ hỏi: “Chiều nay, có một chuyện xảy ra lúc chia tay, tôi băn khoăn quá không rõ mình có phạm lỗi gì không? Bây giờ tôi kể để các anh phán xét”.

Minh họa: Lê Duy Khanh

“Tôi năm nay ngoài 60 tuổi và sống hạnh phúc cùng vợ, không bao giờ có chuyện bồ bịch mèo chuột. Tuyệt đối. Tôi yêu thơ lãng mạn và hay làm thơ… Cũng có vài bài thơ được đăng đâu đó trên báo tỉnh. Tôi thích câu nói: Cái đẹp sẽ cứu rỗi nhân loại. Ở ngôi chùa cuối cùng chúng ta tới thăm, trời đột ngột đổ mưa. Có một cô gái, hình như là phó giáo sư, tiến sĩ văn học trượt chân ngã do bị trơn. Tôi bước tới đỡ cô ta đứng dậy. Thế rồi trong những giọt mưa trong veo tung tóe ở sân ngôi chùa cổ, trong mùi hoa dại thơm lừng, tôi tức cảnh làm mấy câu thơ gửi vào điện thoại của cô ấy. Thơ như sau:

Mưa phất phơ bay
Trên lá, trên hoa, trên môi, trên tóc
Khờ khạo xòe tay
Ngu ngơ đuổi bắt
Sợi mưa mỏng manh
Đẹp như nước mắt!

Em thanh khiết
Như chồi non lộc biếc
Thương dùm ta
Thân bằng lăng trơ trọi đứng bên đường.

Không ngờ bây giờ vị nữ giáo sư đó nhắn cho tôi: “Em bắt đền anh đó. Sao anh lại đánh thức nỗi buồn trong em?”. Có lẽ cô ta có một nỗi buồn nào đó, một mối tình cũ đã chôn vùi qua thời gian! Và cũng có thể do mưa đẹp quá! Tôi cảm thấy ăn năn quá. Các vị làm ơn nói hộ: “Tôi có quyền gì mà đánh thức nỗi buồn của cô ấy? Tôi có phạm lỗi gì không?”…

Anh ta nhìn chúng tôi, hỏi nghiêm túc, đôi mắt trong veo, không hề có ý đùa hay kể chuyện mua vui: “Tôi có phạm lỗi gì không…?”.

Ngoài kia là Ghềnh Ráng, nơi có ngôi mộ Hàn Mặc Tử, có một ngôi sao xanh rất to, luôn sáng rực chiếu xuống biển. Năm nào đi qua đây tôi cũng ngạc nhiên vì vẻ đẹp của nó.

NGUYỄN THIÊN VIỆT

(Văn nghệ Bình Định Xuân Tân Sửu 2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chuyện tầng 4

Tôi là đàn bà xấu. Người ta bảo đàn bà xấu không được nhận quà. Từ bé tôi đã buồn não ruột về chuyện dung nhan thua kém đàn bà trong thiên hạ…

Nơi yên nghỉ cuối cùng

Màn đêm dần buông xuống, hai bên vệ đường không còn một bóng người. Khải cứ đi lang thang trong vô định, tìm kiếm một cái gì đó mà mình đã đánh mất rất lâu…

Giọt lệ nàng An Nhiên

An Nhiên là tiểu thư trong một hào môn dưới triều Chúa Nguyễn Phúc Thuần. Nàng giỏi cầm, kì, thi, họa, nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn…