Thứ tư
, ngày 22/1/2025
5:45:45

Ngân lên những âm điệu mới trên quê hương giàu truyền thống thi ca

(VNBĐ – Ghi chép). Hội thơ Nguyên tiêu Bình Định 2024 do Hội VHNT và Sở VH&TT phối hợp tổ chức, diễn ra trong hai ngày 23 và 24.02 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định (tiền sảnh phía đường Trường Chinh, TP.Quy Nhơn). Đây là hoạt động hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXII, nhằm tôn vinh giá trị của thơ ca, lan tỏa tình yêu thơ, tạo không gian văn hóa, sự giao lưu giữa văn nghệ sĩ và công chúng yêu thơ.

1.

Sáng 23.02, Hội thơ bắt đầu với nhiều hoạt động như: triển lãm thư pháp, triển lãm ảnh nghệ thuật, trưng bày cờ thơ; trưng bày, giới thiệu chân dung và tác phẩm của các nhà thơ Bàn Thành tứ hữu, triển lãm sách của hội viên và sách do Hội VHNT Bình Định hỗ trợ xuất bản năm 2023; viết thư pháp và cho chữ đầu xuân phục vụ công chúng yêu thơ. Không khí Hội thơ trở nên sôi động, hấp dẫn hơn vào chiều ngày 24.02, khi Hội VHNT tổ chức chương trình giao lưu thơ giữa các CLB. Tại buổi giao lưu, ngoài hội viên Chi hội Văn học, còn có hội viên của 05 CLB thơ trong tỉnh: CLB thơ Trường Thi (Trường THPT Quy Nhơn), CLB thơ nhạc trăng Quy Nhơn (Nhà Văn hóa Lao động tỉnh), CLB Văn học (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn), CLB Thơ phố biển Quy Nhơn, CLB Văn nghệ sĩ trẻ (Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bình Định). Bên cạnh những ca khúc về mùa xuân mang đến nét tươi vui rộn ràng, giàu tràn năng lượng, chương trình thu hút khán giả với những vũ điệu mềm mại do các em học sinh thuộc CLB thơ Trường Thi của trường THPT Quy Nhơn thực hiện. Vào Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI tại Bình Định, trường THPT Quy Nhơn cũng đã có buổi giao lưu với Hội VHNT trong khuôn khổ Hội thơ Nguyên tiêu. Một mùa xuân nữa lại đến, thầy và trò Trường THPT Quy Nhơn tiếp tục đồng hành cùng Hội VHNT. Theo nhà thơ, nhà giáo Dương Văn Minh (bút danh Miên Linh), Chủ tịch Hội đồng trường THPT Quy Nhơn, những cuộc gặp gỡ, giao lưu văn học nghệ thuật như thế này đã thêm một kênh kết nối để các em học sinh được tiếp cận, bồi đắp tình yêu văn học nghệ thuật.

Đông đảo công chúng yêu thơ đã đến tham gia chương trình giao lưu. Ảnh: V.P

Tại chương trình giao lưu, các tác giả tự trình bày những sáng tác của mình. Các hội viên Chi hội Văn học như Đặng Quốc Khánh, Nguyễn Thị Phụng, Khổng Trường Chiến… trình bày những bài thơ chân phương, sâu lắng. Nhà thơ Khổng Trường Chiến tâm tình: “Đọc lại bài Vết sẹo, tôi bùi ngùi nhớ về người cha đáng kính của mình. Bài thơ như nói hộ nhiều điều mà bình thường một người con không thể giãi bày thành lời”.

Công chúng yêu thơ thích thú với triển lãm thư pháp thơ tại Hội thơ Nguyên tiêu. Ảnh: V.P

Chương trình thêm phần sôi nổi, khi có thêm phần giao lưu ngoài kịch bản chương trình. Hội viên Chi hội Văn học mảng Văn xuôi Bùi Duy Phong thể hiện khả năng chơi đàn guitar nhuần nhuyễn và giọng ca truyền cảm qua ca khúc Khát vọng của Phạm Minh Tuấn. Ông Lê Việt Cường, một công chúng yêu thơ hiện sống tại Quy Nhơn lên thể hiện bài thơ Tết và hoa hết sức ngẫu hứng. Ông Cường bộc bạch: “Tôi chỉ là người yêu thơ, nên tìm đến thơ như một sự chia sẻ. Tôi cảm thấy rất vui vì qua chương trình, tôi được chia sẻ sáng tác của mình với người yêu thơ”.

Theo nhà văn Phạm Kim Sơn – Phó Chủ tịch Hội, Phó Trưởng ban tổ chức Hội thơ, giao lưu thơ giữa các CLB là sân chơi thơ phong trào. Ban Tổ chức mong muốn đưa thơ đến gần hơn với công chúng, kích thích phong trào sáng tác trong hội viên và sự giao lưu giữa các CLB. Từ thành công của sân chơi này, sẽ mở ra cho ngày Hội thơ những năm sau các hoạt động của CLB như: thi sáng tác thơ nhanh, thi trình diễn thơ, ngâm thơ, biểu diễn ca khúc phổ thơ…

2.

19h30, tối 24.02 (Rằm tháng Giêng), chương trình nghệ thuật đêm Nguyên tiêu năm 2024 với chủ đề “Âm điệu mới trên quê hương” chính thức khai mạc. Chương trình cũng là điểm nhấn của Hội thơ với sự dàn dựng công phu, nhiều tiết mục đặc sắc, thu hút khá đông công chúng thưởng lãm.

Nhà thơ Mai Thìn – Chủ tịch Hội VHNT, Trưởng Ban tổ chức Hội thơ đánh trống khai hội. Ảnh: V.P

Theo nhà thơ Mai Thìn, Chủ tịch Hội VHNT, Trưởng ban tổ chức Hội thơ Nguyên tiêu, chương trình nghệ thuật Đêm thơ Nguyên tiêu chào mừng Ngày thơ Việt Nam lần thứ XII tại Bình Định nhằm gửi đến công chúng yêu thơ bản hòa âm thơ ca muôn màu về cuộc sống của con người Việt Nam nói chung, quê hương Bình Định nói riêng; trong đó ưu tiên giới thiệu những âm điệu mới, những gương mặt thơ mới, đầy sức trẻ trên quê hương Bình Định.

Nhà thơ Mai Thìn nhấn mạnh: “Xuân Giáp Thìn 2024 cũng là dịp “Kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa 1789 – 2024” – một chiến công chói lọi trong lịch sử đánh giặc giữ nước của dân tộc ta. Đây cũng là dịp Kỷ niệm 45 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17.02.1979 – 17.02.2024), cuộc chiến với biết bao máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để gìn giữ toàn vẹn lãnh thổ, biên cương. Vì thế, chương trình Nghệ thuật đêm Nguyên Tiêu hôm nay, ngoài ý nghĩa mang lại những giá trị nghệ thuật thơ như một niềm tự hào về truyền thống thơ ca Bình Định, chúng tôi còn mong muốn giới thiệu đến công chúng những tình cảm tri ân sâu sắc của các nhà thơ Bình Định với tiền nhân, với quê hương”.

Chương trình nghệ thuật diễn ra trong 90 phút, gồm hai phần: nghi thức và hội. Mở đầu phần nghi thức là tiết mục Múa lân và Bài trống khai hội do CLB Nghệ thuật thể hiện tạo không khí rộn ràng, đón chào một năm mới an khang, thịnh vượng. Sau phần đánh trống khai hội của Chủ tịch Hội VHNT, NSƯT Minh Hoàng ngâm bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phần diễn ngâm gợi lại hình ảnh của Bác Hồ bất chợt xúc động dưới ánh trăng rằm đêm Nguyên tiêu, rung động trước mùa xuân thắm tươi của đất trời. Trong dòng hồi tưởng ấy, lời thơ Nguyên tiêu như thêm phần lắng đọng: Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Phần hội mang đến xúc cảm cho công chúng yêu thơ với nhiều tiết mục thơ, nhạc sâu lắng, truyền cảm. Mở đầu là ca khúc Âm vang miền đất võ của nhạc sĩ Lê Khắc Hùng, ca khúc đã đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác ca khúc về Bình Định năm 2021 – 2022. Ca khúc điểm xuyết những nét tiêu biểu, làm nên truyền thống văn hóa của quê hương Bình Định. Ấy là Tuồng, là Hát bội, là khúc dân ca ngọt ngào xứ Nẫu. Trong nhịp chảy của một vùng đất, như sự nối tiếp giữa xưa và nay, giữa trầm tích văn hóa và sự đổi mới, vươn đến những tầm cao, Bình Định hiện lên đầy sức sống tươi trẻ. Và chất thơ trong nhạc cũng hiện lên lãng mạn, êm dịu: “Sóng ru Ghềnh Ráng đồi Thi Nhân/ Ánh trăng soi bóng hồn thơ/ Để cho người đến ngẩn ngơ/ Đắm say cùng những lời ca…”. Ngoài ca khúc của nhạc sĩ Lê Khắc Hùng, ca khúc đầy chất trữ tình Xôn xao em về của Lê Trọng Nghĩa và những ca khúc phổ thơ của các nhà thơ Văn Trọng Hùng, Trần Quang Khanh đan xen giữa các tiết mục diễn ngâm làm cho chương trình thơ Nguyên tiêu thêm phong phú những âm điệu về quê hương, tình yêu, mùa xuân đất nước…

Ca khúc “Âm vang miền đất võ” (Nhạc: Lê Khắc Hùng; Biểu diễn: Tốp ca), ca khúc đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác ca khúc về Bình Định năm 2021. Ảnh: V.P

Trong chương trình, NSƯT Minh Hoàng trở lại với khán giả qua phần trình bày bài thơ Công hàm của sóng (thơ Lệ Thu). Lời thơ sâu sắc, thâm trầm, khẳng định một ý thức dân tộc mãnh liệt. Cũng trong mạch nguồn ấy, nhà thơ Mai Thìn đã viết nên bài thơ Tạ lỗi với mây xanh nhân chuyến thắp hương nghĩa trang Vị Xuyên để tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống trong những trận chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Nghệ sĩ Nguyễn Dự thể hiện đầy xúc cảm với bài thơ này, giọng đọc truyền cảm của anh khiến người nghe như lắng lại với những lời thơ đầy khắc khoải: “trưa nay/ chúng tôi đến thăm/ Nghĩa trang Vị Xuyên/ ầm ầm giông đổ/ nén nhang muộn/ thắp lên/ mưa ướt hết// xin thắp mấy dòng này/ tạ lỗi với mây xanh”.

Một trong những điểm đáng chú ý của chương trình, là phần trình diễn những bài thơ của các tác giả trẻ. Bằng sự đồng cảm thân phận, tác giả người Bana – Thiên Nga Sô Zuôn đã viết những câu thơ xúc động về nàng Ya Đố, con gái một tù trưởng người Bana, vợ của Nguyễn Nhạc qua bài thơ Khóc vợ Nguyễn Nhạc; nữ thi sĩ My Tiên thể hiện sự bạo liệt qua góc nhìn táo bạo về hình tượng nàng vọng phu: Chiều nay nàng đã gỡ tấm lưng trần/ Giải thoát mình cùng tảng đá cô đơn/ Không vọng phu và vọng tưởng điều gì… Mỗi tác phẩm một nét cá tính riêng biệt, được truyền tải khá trọn vẹn qua phần trình bày của các nghệ sĩ Quý Nhất, Phương Nga, Duy Phạm. Trong chương trình, nhà thơ Trương Công Tưởng đã đọc diễn cảm bài thơ Đêm ở Hoài Ân của anh một cách xúc động. Anh thuộc thế hệ 9x, sinh ra và lớn lên ở miền trung du Hoài Ân. Thơ anh luôn ẩn chứa những nỗi buồn, những khát khao quẫy cựa…

NNƯT Phương Nga trình bày bài thơ “Tháng Giêng xanh” của nhà thơ Triều La Vỹ. Ảnh: V.P

Chương trình nghệ thuật đêm Nguyên tiêu còn nhiều tiết mục hấp dẫn khác, mang đến cho người yêu thơ những giây phút được lắng lòng lại trong nhiều chiều xúc cảm với thơ. Ông Nguyễn Văn Thanh, đến từ huyện Tuy Phước thổ lộ: “Mỗi dịp Nguyên tiêu, tôi đều cố gắng tham gia Hội thơ đến cuối chương trình mới về. Đây là hoạt động khá hay, mong rằng các văn nghệ sĩ, các nhà thơ sẽ tiếp tục có nhiều sáng tạo mới nói thay tiếng nói của Nhân dân, các vấn đề của xã hội, chứa nhiều thông điệp và giá trị nghệ thuật. Đồng thời, tôi mong rằng Hội VHNT sẽ có thêm nhiều chương trình giao lưu, trình diễn thơ, lan tỏa những giá trị tích cực với công chúng yêu thơ”.

Nhằm mục đích góp phần tôn vinh các giá trị thơ ca truyền thống và đương đại, lan tỏa vẻ đẹp của thơ ca, của văn hóa, con người Bình Định, Hội thơ giới thiệu đến công chúng trang thơ Bàn Thành tứ hữu; tiểu sử, chân dung và tác phẩm tiêu biểu của các nhà thơ Bàn Thành tứ hữu: Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên; đồng thời giới thiệu 38 cờ thơ của 38 tác giả là nhà thơ đương đại Bình Định. Hội thơ còn trưng bày 30 tác phẩm ảnh nghệ thuật đặc sắc về quê hương, thiên nhiên và con người Bình Định cùng 17 tác phẩm thư pháp nghệ thuật của các tác giả trong tỉnh.

Hội thơ Nguyên tiêu Bình Định 2024 đã kết nối những người yêu thơ lại với nhau, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật của quê hương Bình Định. Đã nhiều năm qua, đây là hoạt động thường niên được Hội VHNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện, mang đến cho văn nghệ sĩ, công chúng yêu thơ một không gian đầm ấm, kết nối và lan tỏa tình yêu thơ ca trong những ngày đầu xuân mới.

ĐỨC LINH

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của


0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Những khát vọng xuân

Những ngày cuối năm, phóng viên tạp chí Văn nghệ Bình Định đã có cuộc trò chuyện cùng các tác giả văn học đang sinh sống hoặc có nhiều gắn bó với Bình Định…

Làm nghệ nhân Bài chòi và làm thơ

Lý Thành Long là con nhà nòi hát Bội và Bài chòi dân gian. Từ bé, những làn điệu Bài chòi từ những nghệ nhân bên nhà ngoại đã cuốn hút anh…

Góp lửa cùng đồng đội

Trong chiến tranh và cả trong thời bình, những người lính quân khí luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, sát cánh cùng các binh chủng khác hoàn thành sứ mệnh lịch sử…