Cây nêu (‘Long Gưng) truyền thống của người Bana Kriêm

Cây cột nêu gia đình. Ảnh: Y.H

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Cây nêu (còn gọi là cây cột cúng) là hình tượng văn hóa độc đáo, rất riêng trong đời sống tâm linh cũng như trong các dịp lễ hội truyền thống của người Việt từ bao đời nay. Cây nêu là trục tâm linh kết nối giữa đất và trời, giúp cho con người kết nối được với thần linh, với thế giới bên kia. Không những là biểu tượng văn hóa tâm linh, cây nêu còn thể hiện sức mạnh của tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, trong đó có đồng bào Bana Kriêm ở Bình Định.

Đối với người Bana, trong các ngày cúng quải hay lễ hội không thể thiếu cây cột cúng (chơ mrưng), giá cúng (pơ mông) và nêu (cột cây Gưng) để cúng các Thần Yang… Cây nêu cột cúng thường được dựng trước sân nhà gia đình (hộ gia đình), lễ hội do gia đình tổ chức; hay trước sân nhà Rông, lễ hội do làng tổ chức, để khẳng định địa vị và khu vực cư trú của dân làng. Cây nêu được dựng chủ yếu phục vụ cho các ngày lễ hội lớn: như lễ hội đâm trâu, lễ mừng nhà Rông mới, lễ hội ăn cốm lúa mới, lễ mừng sức khỏe… Dựng cây nêu là nghi lễ để cúng, cầu mong các Thần – Yang, ban cho người dân có cuộc sống an bình, mùa màng tốt tươi, có sức khỏe dồi dào, ấm no và hạnh phúc… cây nêu được sử dụng ở nhiều sự kiện trong đời sống cộng đồng, trở nên gần gũi, thân quen trong mọi sinh hoạt của dân làng, là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Bana Bình Định.

Theo các già làng cho chúng tôi biết, cột cây nêu (ở đây chúng tôi đi sâu về cây cột nêu đâm trâu), là thành quả đóng góp chung của dân làng. Các trai làng nhiều ngày vào rừng tìm, chọn, chặt cây theo đúng quy định. Các già làng tỉ mỉ hướng dẫn cách làm cột nêu, đảm bảo đẹp, vừa đúng truyền thống. Chị em phụ nữ kiếm củi, giã gạo, nấu rượu ghè cho nhiều, cho ngon để phục vụ trong ngày lễ hội làng. Cây nêu được làm khá tỉ mỉ và công phu. Nhìn toàn bộ cây cột nêu tưởng như đơn giản, nhưng khi chăm chú nhìn cụ thể thì đường nét rất chi tiết, rất kĩ thuật, thể hiện ở các phần, cây cột, chân cây nêu và phần trang trí cây nêu.

Phần trụ cây nêu: Đây là phần cây trụ chính, có đường kính gần 20cm, tính toàn bộ cây trụ cao chừng 25 mét, tròn, thẳng đứng, được cạo vỏ, bào chuốt láng bóng. Cây trụ được người ta chia làm ba phần nhỏ: Phần gốc của cây trụ nêu to hơn tất cả, không cần trang trí. Phần giữa và phần cuối (phần ngọn) của cây trụ theo chiều nhỏ dần, hai phần này được trang trí khá công phu bao gồm các chi tiết hoa văn truyền thống của người Bana, các chùm đàn ống gió làm bằng cây mờ o, có nơi gọi là cây lồ ô. Ngoài ra còn các sợi dây tua nối các hình thù đặc sắc như hình con chim chèo bẻo, con rắn, con rùa, hình ánh mặt trời tỏa ra các ánh hào quang rực rỡ. Những năm gần đây, trụ cây nêu cải tiến, gắn thêm cổ con cu đất (a.ko kơ tơp) và lá phướn dài theo chiều cao của trụ cây.

Phần cây trụ phụ (‘long pơ dẳh): gồm bốn cây, có nơi sáu cây hoặc nếu cây nêu nhỏ, để vững chắc thêm cho cây nêu có thể tám cây. Tất cả các cây phụ – Pơ đăh đều thẳng, to chỉ bằng cổ tay người lớn, dài gần ba mét, gọt vỏ, bao chuốt bóng láng và được trang trí các loại hoa văn đẹp. Khi chuẩn bị đầy đủ và quy cách của các loại cây cho trụ cây nêu, người ta bắt đầu đào lỗ chôn cây trụ. Công việc chôn trụ cây nêu được tiến hành theo các bước: Chọn mặt bằng, rồi cho đặt vòng dây buộc cổ con trâu, cho vài thanh niên khỏe mạnh, đào bới đất tượng trưng để cho các già làng cúng các Thần – Yang, người kinh hay gọi là động thổ. Cúng xong các già làng cho lực lượng nam thanh niên đào hố thật sâu để chôn trụ và các cột phụ. Trụ chính của cây nêu đã được dựng đứng, sau đó cho các trụ phụ chôn xung quanh, được nối dài thêm bởi bốn ngọn cây tre, cong cong, mềm mại, hướng về bốn hướng, tượng trưng cho bốn phương trời. Bởi những cây phụ chôn kề, càng làm cho trụ cây nêu thêm vững vàng hơn, uy nghi hơn. Toàn bộ cây trụ của cây cột đâm trâu đã dựng xong, bây giờ các nghệ nhân già bắt đầu hướng dẫn cách trang trí cây nêu.

Màu chủ đạo để trang trí hoa văn cho cây nêu lúc bấy giờ thường là màu đỏ, đen, trắng và màu vàng. Cây nêu được trang trí có nhiều hoa văn, hình thù khác nhau, trong đó, hai cánh hình tròn trên cổ con chim cu-kơ tơp, tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng; hình vuông tượng trưng cho đất; hình tam giác tượng trưng cho sự vững bền của đất trời và cuộc sống con người. Hoa văn truyền thống của người Bana Kriêm không màu mè, không lem luốc, không ẩn khuất, mà các chi tiết, đường nét được xếp đặt cụ thể, rõ ràng mang đặc trưng nổi bật của hoa văn Bana Kriêm.

Cây nêu được sử dụng ở nhiều lĩnh vực và sự kiện khác nhau trong đời sống cộng đồng, trở nên gần gũi hơn với sinh hoạt của bà con người bản địa. Trong các lễ hội dân gian của đồng bào, cây nêu hiện diện trở thành nét đẹp đặc trưng, cây nêu càng cao vút bao nhiêu thì càng có ý nghĩa thiêng liêng, càng được các Thần Yang trông coi, phù hộ, giúp đỡ cho mọi người bình an, khỏe mạnh và làm ăn ngày càng khấm khá bấy nhiêu. Cây cột nêu đâm trâu là nét đẹp đặc trưng nhất của truyền thống văn hóa Bana Kriêm, mang cả nhiều loại, hoa văn, cách trang trí, hình thù và cả âm thanh rộn ràng của giàn ống gió, là nét đẹp rực rỡ, thể hiện khát vọng vươn tới nét đẹp, văn minh của cộng đồng dân cư sống ven dòng sông Côn hiền hòa và thơ mộng. Đối với gia đình nào, làng nào dựng được cây nêu là niềm tự hào, sung sướng, trong năm sẽ có nhiều sức khỏe, làm ăn thu được nhiều lúa, hoa màu có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ở người Bana Kriêm Bình Định, ngày nay, cây cột nêu đâm trâu thể hiện được hai dạng. Thứ nhất, cây nêu trong lễ hội lớn được tổ chức dựng ở huyện, xã có gắn thêm lá phướn được làm từ cây lồ ô, có chiều dài hơn 10 mét, rộng chừng 20 cm, được treo dọc theo trụ cây nêu, người ta chẻ lạt nhỏ từ cây mò o đan tấm lá phướn bằng hoa văn, đan những thứ thân thuộc, gắn bó trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người Bana Kriêm.

Đoạn trên cùng của cây nêu người ta thường trang trí nhiều hình thù khác nhau, như hai vòng tròn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, gắn hình hai con chim yến (đồng bào Bana gọi là xem pơxe) được đẽo từ một loại gỗ tạp trong rừng biểu tượng cho sự tự do, dũng mãnh sức mạnh của con người. Cuối sáu đoạn cây trụ phụ, người ta đặt một cái giá hình vuông, có cạnh khoảng 0,80m, nơi đặt các thứ như, đầu con trâu, da, đuôi… con heo để cúng các Thần – Yang. Đoạn dây to bằng bắp tay người lớn được bện bởi nhiều thứ dây nhỏ bên trong, người Bana gọi là tơ ‘lẽi rơ noa sử dụng để buộc cổ con trâu. Đoạn giữa cây nêu gắn hoa văn bông gạo, tỏa ra bốn hướng bay phấp phới là các dây tua làm bằng tre hoặc dây rừng được tết thành bốn màu: đỏ, đen, trắng, vàng. Mỗi dây tua người ta lắp các chùm ống cây lồ ô, mỗi ống to bằng cán rựa, dài chừng 30 – 40 cm, ở đầu mỗi đoạn ống lồ ô, người ta khoét 2 lỗ để luồn dây nối với các dây tua cao thấp khác nhau để khi gió thổi làm các ống lồ ô này chạm vào nhau sẽ tạo nên âm thanh rất hay. Gốc trụ cây nêu đâm trâu đã được chôn kĩ, chắc chắn, một đoạn dây để buộc cổ con trâu đã được chuẩn bị đảm bảo chắc chắn, chờ sẵn cuộc cúng lễ đâm trâu.

Ở những lễ cúng lớn trong gia đình như: lễ cúng sức khỏe, lễ ăn lúa mới, đám cưới…, cây nêu được làm khá kỳ công và tỉ mỉ tuy nó không lớn bằng cột đâm trâu của dân làng. Trước ngày tổ chức cúng lễ của gia đình gần một tháng, các thanh niên trai tráng trong làng phải vào rừng tìm chọn một cây lồ ô đẹp, cao lớn để làm thân cây nêu. Ở giữa cây nêu họ kết nối thêm 8 cây trụ bao quanh có tết hoa văn. Tám cây trụ có ý nghĩa như tạo thành một hình khối thống nhất vững chắc. Tỏa ra bốn hướng bay phấp phới trước làn gió thổi là các dây tua làm bằng tre hoặc dây rừng được tết thành với bốn màu: đỏ, đen, trắng, vàng. Đây là màu sắc chủ đạo trong nghệ thuật điêu khắc của người Bana Kriêm Bình Định, nhưng cây nêu này thường thấp và không hoành tráng như cây nêu trong các lễ hội lớn của làng. Một điều cũng dễ hiểu, vì các lễ hội lớn có sự đầu tư nhiều công sức, ngay cả tiền bạc của cộng đồng, còn cây nêu của gia đình chủ yếu là người trong gia đình và anh em họ hàng đóng góp, giúp đỡ nhau mới có. Tuy cây nêu của gia đình không to cao, lộng lẫy nhưng phải làm đầy đủ, đúng như phong tục truyền thống của gia đình và của dân tộc mình.

Khi cây nêu cột đâm trâu đã được dựng lên và mọi thứ trang trí đã được hoàn tất, bắt đầu đưa con trâu vào cột, rồi cử hai ba người túc trực cả đêm, đánh, chọc không cho trâu ngủ. Đến sáng sớm hôm sau thì tổ chức lễ hội đâm trâu. Các già làng, thường là ba người khỏe mạnh, với trang phục truyền thống, tay lăm lăm cầm con dao mác. Đứng gần con trâu nói lời cúng các vị Thần – Yang. Dân làng đứng quanh con trâu. Cồng chiêng nổi lên với điệu nhạc đâm trâu truyền thống dồn dập, sôi nổi, ba thầy bắt đầu cúng. Phần cúng lễ chỉ kéo dài trong thời gian khoảng chừng ba mươi phút, sau đó giành hoàn toàn cho phần hội đâm trâu. Họ cùng nhau đánh cồng, đánh chiêng, nhảy múa theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ xung quanh cây nêu – đó là chiều vận động bất tận của mặt trời, phản ánh triết lý về sự vận hành âm dương của người Bana Kriêm. Lễ hội thường có thể kéo dài đến một ngày, một đêm để đồng bào có dịp thừa hưởng cảnh vui rộn ràng trong ngày lễ đâm trâu.

 

Có thể thấy, từ thời xa xưa trong truyền thuyết, cây nêu tưởng như chỉ là sự sinh sôi, nảy nở, nhưng trải qua thực tế, ý nghĩa thực của cây nêu trong đời sống lễ hội và tâm linh của cộng đồng đồng bào Bana Kriêm ở Bình Định mang nhiều hàm ý rộng lớn. Với sự phong phú của các đồ lễ treo trên sạp lễ, cây nêu được xem là cây vũ trụ, trục nối liền đất với trời; là một biểu tượng kết nối vô hình giữa con người với thế lực siêu nhiên; là sứ giả kết nối các cộng đồng lại với nhau thông qua các lễ hội truyền thống được diễn ra hàng năm. Bằng một tình yêu giản dị và niềm tự hào lặng lẽ với nét đẹp truyền thống của dân tộc, các thế hệ tiếp nối đồng bào Bana Kriêm ở Bình Định vẫn sát cánh, kề vai trên con đường bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình trong cộng đồng các dân tộc anh em.

YANG HUÂN

(Văn nghệ Bình Định Xuân Tân Sửu 2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vũ Ngọc Liễn: Kẻ sĩ “ham chơi”

Mỗi thời một khác, nhưng con người và sự nghiệp của Vũ Ngọc Liễn đã mặc nhiên xếp ông vào hàng kẻ sĩ. Phải, kẻ sĩ của đất Thang Mộc, quê hương mà ông dành trọn đời dâng tặng…

Vẻ đẹp quê hương Hoài Nhơn

Thị xã Hoài Nhơn nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 87km, là cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng ở phía Bắc tỉnh…

Những chỉ dấu lịch sử, văn hóa xứ Hoài

Hoài Nhơn là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, là nơi ghi dấu ấn đấu tranh cách mạng mạnh mẽ của Bình Định. Năm tháng đi qua, thế hệ tiếp nối mãi ghi tạc công ơn của cha anh…