Nhà văn trẻ Mị Dung: “Tôi viết cho những thương cảm và hàn gắn”

(VNBĐ – Chân dung VNS). Mị Dung tên thật Đỗ Thị Mỹ Dung, sinh năm 1991, quê ở Hoài Nhơn, Bình Định, hiện đang sống và làm việc tại TP. HCM. Cuối tháng 11.2023, chị ra mắt tác phẩm truyện dài đầu tay Ngẩng mặt nhìn mặt (NXB Hội Nhà văn) tạo nhiều sự chú ý của bạn đọc. Không chọn những điểm mờ lịch sử để sáng tạo hay mổ xẻ, khám phá thế giới nội tâm, trang văn của Mị Dung đi vào những số phận con người sau cuộc chiến – góc nhìn từ cả hai bên, để thấu hiểu và san sẻ.

Ngày 29.11, Mị Dung đã tổ chức ra mắt tác phẩm tại TP. HCM. Toàn bộ doanh thu phát hành trong ngày ra mắt được đóng góp vào Quỹ thiện nguyện ở Mái ấm Nhân Tâm của họa sĩ Lê Phương.

Nhân dịp này, phóng viên tạp chí Văn nghệ Bình Định đã có cuộc trò chuyện cùng chị xoay quanh việc thực hiện tác phẩm truyện dài lịch sử này.

– Mới bắt tay vào sáng tác, sao chị lại chọn một thể tài “khó nhằn” như lịch sử, hơn nữa lại là tiểu thuyết chứ không là truyện ngắn?

+ Ban đầu, khi tôi chia sẻ bản thảo mà tôi đã thực hiện, nhà văn Nguyễn Trí cũng có nói với tôi rằng: “Cái con này, sao mà mày gan quá, mới có bắt đầu viết thôi mà đã viết truyện dài, tiểu thuyết rồi”. Tôi không quá đắn đo về việc khó dễ khi nảy ra ý định thực hiện tác phẩm đầu tay này. Chỉ là như có gì đó thúc giục tôi phải viết, viết không chỉ để giải nén những cảm xúc trong tôi mà viết cho những gì thân thuộc ở quê mình, cả trong gia đình mình. Tôi nghĩ rằng, tôi chỉ là người kể lại những câu chuyện của họ qua lăng kính văn chương.

Nhà văn Mị Dung. Ảnh: NVCC

Suốt nửa tháng cặm cụi bên máy tính, tôi đã viết ròng rã bằng hết thảy quyết tâm và cảm xúc, kết nối lại những dữ liệu mà tôi đã lượm lặt, thu nhặt được trong suốt ba năm sống và gặp gỡ những người ở cả hai bên chiến tuyến tại quê nhà. Tôi kể lại câu chuyện của số phận qua góc nhìn của cô bé 13 tuổi. Hồn nhiên, non nớt nhưng ám ảnh và chân thật. Suốt khoảng thời gian tập trung cho tác phẩm, tôi như sống trong các nhân vật của mình, như đau nỗi đau của họ, vui nỗi vui của họ, có hẫng hụt đau đớn và cả những ấm áp dịu dàng mang lại.

– Như đã nói, tác phẩm như một tiểu thuyết, nhưng chị lại xác định thể loại là truyện dài…

+ Khi đọc bản thảo của tôi, một số nhà văn cho rằng đây là tiểu thuyết. Nhưng tôi nghĩ, tác phẩm của tôi chưa đạt đến tầm mức ấy, chưa thật sự dày dặn nội dung và tư tưởng nghệ thuật như nhiều tiểu thuyết lịch sử của các tác giả tiền bối đi trước. Hơn nữa, với tôi truyện dài hay tiểu thuyết cũng không phải là vấn đề tôi quá đặt nặng. Tôi không hề cảm thấy “thiệt thòi” gì cả khi xác định thể loại như thế. Tôi nghĩ rằng, mục đích cuối cùng của một tác phẩm là viết được những cảm xúc đang nung nấu, dồn nén trong mình, chuyển tải được câu chuyện mà mình muốn gửi gắm. Và qua câu chuyện ấy, có thể chia sẻ được một vài thông điệp nho nhỏ nào đó cho bạn đọc, là một điều hạnh phúc.

– Hẳn chị đã đọc nhiều tiểu thuyết lịch sử, có tác phẩm nào như một xúc tác khiến chị suy ngẫm nhiều về nó…

+ Thành thật rằng, tôi đọc chưa nhiều tác phẩm về chiến tranh, tôi đang cố gắng tìm đọc nhiều hơn để bù khuyết, học hỏi và để hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử đã từng trải qua cùng với cách triển khai ngòi bút từ các nhà văn giàu kinh nghiệm. Những cuốn tôi đọc gần đây nhất là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Từ giờ thứ Sáu đến giờ thứ Chín của nhà văn Nguyễn Một, Lời nguyền cho những linh hồn phiêu dạt của nhà văn Đoàn Tuấn. Mỗi tác phẩm đều để lại trong tôi cảm xúc mạnh mẽ. Và tôi cũng tìm thấy đâu đó những dáng hình quen thuộc của số phận, của những con người bước ra từ cuộc chiến mà tôi có dịp được tiếp xúc họ.

Nhiều nhà văn gạo cội giàu có về vốn trải nghiệm, không ít trong số họ là những người từng đi qua chiến tranh, đi qua một giai đoạn, đã thấm thía với bao được mất, còn tôi chỉ là một cô gái trẻ, đến với những thân phận kia không gì khác ngoài sự chia sẻ, đồng cảm. Và tôi muốn kể lại câu chuyện về họ, bằng sự thương cảm và hàn gắn.

Ngẩng mặt nhìn mặt, cái tên khá gợi?

+ Đó là cái tên được nhà văn Nguyễn Trí gợi ý. Ban đầu, ông nói với tôi, hay là lấy tên Ngẩng mặt lên nhìn mặt, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, và cuối cùng quyết định lấy tựa sách là Ngẩng mặt nhìn mặt. Cái tựa ấy lại phù hợp với bức tranh được họa sĩ Đinh Trường Chinh (con trai cố họa sĩ Đinh Cường) từ bên Mỹ gửi về để làm ảnh bìa cho tác phẩm của tôi. Như bao tác giả khác, việc đặt nhan đề một tác phẩm được tôi rất chú trọng. Tên tác phẩm làm sao có tính khái quát cao nhất nội dung, tư tưởng tác phẩm, phải chuyên chở được “phần hồn” mà tác phẩm thể hiện, và gợi lên một điều gì cho người đọc. Tôi rất ưng tên sách này.

– Lội sâu vào đời sống hậu chiến, có tốt có xấu, nhưng phơi trần cái xấu của một thời, nhất là của bên thắng cuộc, chị có ngần ngại gì không?

+ Tôi không hằn học chỉ trích hay cực đoan mọi thứ theo chiều hướng mịt mù, tiêu cực. Tôi tôn trọng những gì chân thật, nhưng cũng không lạm dụng tính chân thật ấy để tạo một hiệu ứng không hay nào đó. Tôi để những cái đẹp, cái thiện được phơi bày rõ ràng cùng với những cái xấu, cái ác, để nhân vật hiện lên gần nhất, thật nhất có thể mà không qua những lớp phấn son nào.

Tất nhiên, trong quá trình hoàn thiện bản thảo, tôi cũng được một số nhà văn góp ý, chia sẻ để có những điều chỉnh phù hợp. Điều cuối cùng tôi hướng đến, vẫn là những giá trị nhân văn, tình thương yêu và sự hàn gắn, hướng đến những khao khát tự do, hòa bình, những chân thành trong cuộc đời này. Tôi tin rằng, trang viết của mình sẽ có những đồng cảm từ phía người đọc.

– Tôi còn ám ảnh về Nga, đó có phải là nhân vật bắt nguồn từ một hình tượng thật bên ngoài mà chị tiếp xúc?

+ Đúng như vậy. Và như đã chia sẻ, hầu hết những nhân vật mà tôi đưa vào trong tác phẩm đều lấy hình tượng từ những nhân vật còn sống ở ngoài đời. Như có một người là bác Hai Nhặm vừa mới mất cách đây vài tháng cũng là một nhân vật tôi đưa vào ở phần cuối truyện. Tất nhiên, trong Ngẩng mặt nhìn mặt, tôi hư cấu nhiều phân đoạn. Nhưng hầu hết, tên của những nhân vật là tên của những người ở trong xóm, trong làng, trong gia đình của tôi. Tôi nghĩ đó là một điều ấn tượng, cũng như là một món quà mà tôi muốn tặng cho những người thân yêu của tôi.

– Với nguồn tư liệu thu thập suốt ba năm, hẳn chị không chỉ dừng lại ở Ngẩng mặt nhìn mặt…

+ Tôi đang ấp ủ về một số truyện ngắn từ những tư liệu quý giá mà tôi có được. Và tôi cũng đang lên kế hoạch để viết tiếp một truyện dài với dung lượng nhiều hơn, về tình yêu, tiếp nối về câu chuyện của Nga và Cuội trong Ngẩng mặt nhìn mặt.

– Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.

Một số nhận xét của các nhà văn về Ngẩng mặt nhìn mặt:
– Nhà văn Nguyễn Một: “Truyện không mới về cốt truyện, nhưng bằng ngòi bút khá nữ tính, ta thấy được sự nhân văn trong từng câu chữ mà tác giả gửi gắm, những đoạn văn như tự tình của quê hương đẹp và buồn! Đặc biệt, khi viết về người cha, người đã bỏ mẹ mình. Nó thật quá. Thật đến đau lòng”.
– Nhà văn Nguyễn Trí: “Tôi, tình thật mà nói, nay đã già, thời gian còn lại ít ỏi nên nói còn tiết kiệm từng từ nói chi đọc. Dài hơi mà nhạt hoặc khô thì… Nhưng, may quá, tác phẩm của một cô gái mới ngoài ba mươi một chút này, cuốn tôi từ trang đầu đến trang cuối. Ngẩng mặt nhìn mặt không chỉ có trăng có rừng có biển, có sông có suối…; mà còn có nỗi niềm của kẻ thắng người thua, của mặt hoa, mặt người, của âm binh và bội phản…
Đọc xong – tôi phong tác giả Mị Dung là nhà văn – vì tôi nghe một hơi hướng rất mạnh mẽ đang một mình một ngựa trên khúc khuỷu gập ghềnh của con đường văn chương”.
– Nhà văn Lê Hoài Lương: “Đây là tiểu thuyết về đất và người Bắc Bình Định. Dù khuôn lại thời điểm trước và sau 1975, những xáo động lớn thời khắc đất nước hòa bình thống nhất, nhưng cách viết in đậm nét phong vị đất và người Bình Định. Phải là người yêu quê hương lắm mới viết được thế này. Và nó thành riêng, khác biệt ít có.
Một cuốn sách đậm đặc đời sống xã hội một thời, đời sống gia đình, những hệ lụy chiến tranh, hậu chiến, về hình thành giới tính… Có cao thượng, thấp hèn, có tệ nạn, nỗ lực vươn lên… Dù được kể bằng quan sát một cô bé mới lớn, nhưng đây không phải là tác phẩm dành riêng cho tuổi mới lớn, vì nó có tính xã hội rộng.
Cái nhan đề Ngẩng mặt nhìn mặt khá hay. Đó là cái nhìn trực diện vào mọi vấn đề kể trên, không khoan nhượng. Đôi chỗ quyết liệt đáng khen”.

PHI NGUYỄN (thực hiện)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Làm nghệ nhân Bài chòi và làm thơ

Lý Thành Long là con nhà nòi hát Bội và Bài chòi dân gian. Từ bé, những làn điệu Bài chòi từ những nghệ nhân bên nhà ngoại đã cuốn hút anh…

Góp lửa cùng đồng đội

Trong chiến tranh và cả trong thời bình, những người lính quân khí luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, sát cánh cùng các binh chủng khác hoàn thành sứ mệnh lịch sử…

Soi trong mắt trẻ…

Bằng tình yêu thương, sự quan tâm chân thành, những người lính đã làm cha, làm mẹ “đỡ đầu”, tạo thêm điểm tựa tinh thần để các trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn vững tin đi về phía trước…