(VNBĐ – Chân dung Văn nghệ sĩ). Lần đầu gặp nhạc sĩ Diệp Chí Huy cách đây bốn năm, trong một cuộc rượu cùng những người bạn quê nhà An Nhơn, tôi thấy gã say sưa chơi đàn guitar, thổi kèn saxophone, rồi lâu lâu lại cất lời da diết một ca khúc về mẹ. Âm nhạc của gã làm lắng lại những ồn ã chúc tụng. Từ ấy, tôi đã “ghim” gã vào bộ nhớ của mình bởi một sự thoi loi khác lạ, một nghệ sĩ vừa sang trọng lại vừa man dại bụi bờ. Sau lần ấy, thỉnh thoảng tôi lại được nghe những ca khúc trên trang cá nhân Cọp Phi Châu. Gã tự hát. Tiếng hát lúc vui rộn yêu đời khi day dứt khôn nguôi, nhưng dầu ở tọa độ nào của xúc cảm, cũng thấy gã như vốc hết lòng mình cùng giai điệu…
1.
Niềm đam mê âm nhạc của Diệp Chí Huy được nuôi cấy từ gia đình. Bởi cha là một nghệ sĩ chơi đàn guitar và violon khá nổi tiếng lúc bấy giờ của vùng đất An Nhơn. Nhưng tinh thần tự học, sự say mê đọc và khám phá đã tạo nên một Diệp Chí Huy rất riêng. Gã có khiếu viết nhạc. Ngay từ niên thiếu, với bút danh Duy Hiệp, gã đã viết ca khúc đầu tiên để tặng một người bạn, phổ thơ của Nguyễn Thái Dương, bài hát Thương nhớ Bình Định.
Năm 1982, gã rời An Nhơn, học kỹ sư kinh tế thủy sản tại Nha Trang. Tốt nghiệp đại học năm 1987, gã chọn Đà Nẵng là vùng đất sống. Diệp Chí Huy là người ưa xê dịch. Năm 2004, gã lên đường bắt đầu cuộc mưu sinh phiêu dạt ở một số nước châu Phi như Togo, Benin, Ghana, Nigieria… Thời gian ở Togo, những hôm la cà quán bia vỉa hè, gã bị chú ý khi nghe những người hát rong hát và chơi trống, thứ nhịp điệu cuốn hút khiến gã xiêu lòng. Như có gì đó thúc giục, gã quyết định tìm đến học Viện Âm nhạc và Nghệ thuật ở Krokobite (Cộng hòa Ghana) để học trống châu Phi. Nhạc trống đã cho Diệp Chí Huy những cảm hứng bất tận. Nhịp điệu của trống là một thứ không hề cầu kỳ nhưng đầy quyến dụ. Gã mê đắm những nhịp điệu ấy, những reo vui bay nhảy như gõ vào sâu thẳm lòng người nhạc sĩ. Để sau này, gã đã mang những nhịp điệu của trống về Việt Nam, nhân rộng niềm cảm hứng ấy, thêm sắc màu cho âm nhạc Việt.
Năm 2008, Diệp Chí Huy tổ chức chương trình âm nhạc “Nghêu ngao” trình làng một số nhạc phẩm do chính gã sáng tác với bạn bè Đà Nẵng. Diệp Chí Huy đã cho người nghe thưởng thức một thứ âm nhạc sang trọng, sâu lắng. Nó không thuộc về đám đông, không dành cho những dễ dãi. Thì thử nghe gã Nghêu ngao, để lắng lại cùng những trữ tình ngọt ngào và vô vàn ảnh tượng: “Thơm hương tóc đêm lụa là/ Vàng nắng tung tăng môi xinh ngọt ngào/ Em đi tình cũ hư hao/ Chợt tối vây quanh chân ai ngậm ngùi/ Ngày chờ gió lên, đợi buồm xanh nắng tắt/ Mượt mà lời nói yêu thương/ Cây thôi bạc màu/ Bên hiên hong tóc thơ ngây/ Ngày tháng trôi nhanh vây quanh thì thầm/ Yên tâm tôi có chiêm bao/ Bừng sáng thênh thang mây xanh dịu dàng/ Dù là giấc mơ sẽ buồn khi thức giấc/ Rộn ràng lời hát bâng quơ/ Ru tôi tình đầu…”.
Năm 2013, gã tổ chức một live show hoành tráng “Tôi về đếm lại ca dao” tại Nhà hát Trưng Vương của Đà Nẵng. Khán phòng chật ních không còn chỗ ngồi. Có lẽ là nhân duyên khi nhà thơ Đỗ Trung Quân, người nhận lời làm MC chương trình khi ấy đã dành cho âm nhạc của Diệp Chí Huy một sự trân trọng. Ông nói: “Những ca khúc của Diệp Chí Huy là một thứ âm nhạc tử tế đang còn nằm trong bóng tối, rất cần sự chia sẻ”. Sau đó, Diệp Chí Huy tổ chức chương trình tác giả – tác phẩm “Nghêu ngao 2” năm 2015, và Liveshow “Ngày gió qua sông” năm 2016. Ngoài ra, Diệp Chí Huy có hàng trăm chuyến du ca, những ngẫu hứng bất chợt quây quần bè bạn, say chén ôm đàn quên ngày tháng. Nhạc gã kén người nghe. Nhưng đã nghe được thì thêm mến thêm quý một tài hoa nghệ sĩ. Bay bổng lãng mạn ấy mà cũng góc cạnh, sắc sảo ấy, Diệp Chí Huy không khuôn mình theo một quy chuẩn ràng buộc nào cả, một thứ tinh tế tri thức và bản năng nghệ sĩ như hòa trộn làm nên một bản tính âm nhạc vừa phong trần vừa sang trọng.
2.
Diệp Chí Huy có nhiều ca khúc hay thể hiện những câu chuyện của đời sống. Gã gọi vui, có lẽ đó là “âm nhạc thế sự”. Nhưng đó không phải là âm nhạc của tính thời sự mang tính giai đoạn nhất thời, mà nó lắng sâu hơn, ám ảnh hơn vào lòng người. Nhạc của Diệp Chí Huy là để cảm, để ngẫm, để đau và biết thương hơn đồng loại mình. Những năm đất nước oằn mình trước đại dịch Covid, gã đã viết chùm ba ca khúc: Corona, Rồi sẽ qua, Cách ly. Những thao thức về đời sống được gã gửi gắm qua ca từ, giai điệu một cách sâu sắc, đầy nỗi đời. Gã không chịu được những phấn son hình thức, những giả lả cạn cợt. Gã yêu người, yêu quê hương, yêu đất nước này bằng sự nhiệt thành cương trực. Gã không ngại ngần đề cập đến những thói tật, như khi nói đến “vấn nạn” xây tượng đài, gã viết ca khúc Chiếc áo gấm; nói đến những tai nạn thương tâm, gã viết Nhức nhối; nói đến những người bất hạnh, chẳng thể giữ nổi ngôi nhà của mình, chịu cảnh vất vưởng giữa ngày Tết đoàn viên, gã viết Con mèo vườn rau… Mỗi ca khúc của Diệp Chí Huy đều ngầm chứa thông điệp, gợi khơi những suy ngẫm về thân phận, thời cuộc, hay như gã đang kể một câu chuyện nào đó… Như một ngày Tết Nguyên đán hơn mười năm trước, gã đi qua bến sông Trường Thi. Cái bến huyền hồ mà thi sĩ Yến Lan gọi là bến My Lăng ấy chỉ cách nhà gã vài ba cây số. Nhìn những dọi cát vàng khi chiều xuống, bóng người đàn bà lam lũ in hằn trên bến sông quê, gã nghĩ nhiều về má, về những người mẹ quê lành hiền. Gã nói, người phụ nữ ấy cũng như mẹ mình đã neo cuộc đời vào bến sông này. Rồi gã khe khẽ cất lời hát, nghe sao đẹp mà buồn quá, mênh mông quá: “Thương anh về bên bến sông. Đâu ngờ đời buồn mênh mông”. Cái buồn neo riết phận người. Lênh đênh năm tháng. Gã đã viết ca khúc Bến sông buồn bằng sự cảm thương về người phụ nữ, khẽ khàng hình bóng về mẹ trong những đồng cảm như thế. “Cơn mưa chiều hiu hắt bay. Nhủ lòng mịt mù qua ngay. Phố thị buồn không ngọn đèn. Một mình em với bến sông. Thương yêu ngày đêm ngóng trông. Đâu ngờ trả về hư không. Phố thị lúc em chưa về. Giờ đây vẫn bến sông buồn…”. Ngoài Bến sông buồn, gã sở hữu hàng loạt những ca khúc trữ tình, giàu chất thơ khác như Ngày gió qua sông, Như cây đã khô, Tôi về đếm lại ca dao, Miền phôi pha, Chỉ xin đã có lần… “Đâu ngờ trả về hư không…”, gã bâng quơ như nói về cuộc đời
và nói về mình. Có lẽ gã không đặt nặng những mất/ được của chính gã trong vô thường nhân sinh. Nhưng nhìn về cuộc đời, thấy gã đau, thấy nhạc gã day dứt trong những san sớt chân thành.
3.
Từ lúc lang bạt bên châu Phi năm 2004, thế giới của trống đã mở ra cho Diệp Chí Huy những biên độ tiếp nhận mới về âm nhạc. Đặc biệt khi ca khúc I’m your của Jason Mraz, phiên bản hát với guitar mộc và djembe năm 2007 đã cuốn hút sự chú ý của những người yêu nhạc khắp nơi trên thế giới với djembe. Trống djembe là một loại trống chơi bằng bàn tay, người ta hay gọi là handdrum. Loại trống này được làm thủ công từ một thân cây gỗ cắt ra, được khoét rỗng ruột, mặt trống được làm từ da sơn dương trên núi và thân trống được chạm khắc những hoa văn độc đáo của văn hóa châu Phi. Bởi thế, djembe vừa là một nhạc cụ vừa là một tác phẩm nghệ thuật về chạm trổ trên gỗ. Djembe có khả năng tạo ra muôn vàn nhịp điệu diệu kỳ. Mê hoặc bởi tiếng trống đầy chất hoang dại châu Phi này nên gã quyết tâm đem nó về Việt Nam. Dần dà, không chỉ ở ở Đà Nẵng, mà một số nơi khác cũng dần chú ý đến loại djembe này.
Đầu tháng 6.2023, tôi gặp lại Diệp Chí Huy khi gã trở về quê nhà An Nhơn, giới thiệu và hướng dẫn cho các đoàn viên, thanh niên, học sinh ở chính quê nhà về trống djembe. Gã đã kết hợp nhịp điệu trống djembe với âm nhạc Việt Nam, cụ thể là với ngay một ca khúc Ngày ta xa nhau do chính gã sáng tác. Nhìn những đôi mắt dõi theo say sưa của các bạn trẻ, tôi hình dung về hiệu ứng xúc cảm của trống và ca khúc của Diệp Chí Huy mang lại. Khi ngồi cùng gã tại một quán cà phê, câu chuyện của chúng tôi về âm nhạc như không có điểm dừng. Trái ngược với vẻ ngoài bặm trợn, tóc tai dài ngoằng khi bó cột lúc để mặc cho gió rối mù, gã có vẻ lành trong nụ cười hiền và phong cách nói chuyện nhẹ nhàng, lịch thiệp. Thoáng bắt gặp hình xăm trên tay gã, tôi gợi chuyện: “Ký hiệu của trống djembe hả anh?”. Gã gật đầu, bảo: “Hình xăm trên tay anh là logo trống djembe Châu Phi được làm tại Việt Nam với tên djembe D.FOLA. Thương hiệu này đã được Nhà nước cấp quyền sở hữu trí tuệ. Trống do mình xử lý lại gỗ, da và hình khắc. Logo djembe D.FOLA có 06 nhánh, 03 nhánh tượng trưng cho 03 âm cơ bản: Bass, Tone, Slap và 03 nhánh khác tượng trưng 03 kỹ thuật cơ bản: mute, flam, paradiddle. Hết thảy được bao quanh bằng vòng tròn như thái cực đồ, biểu tượng cho sự tổ hợp giữa văn hóa châu Phi và văn hóa phương Đông”.
Chơi trống theo nhóm không yêu cầu người tham gia phải có trải nghiệm âm nhạc trước đó, vì yếu tố của nhịp điệu từ trống đã bắt một nhịp cầu cho người thích trình hiện nhạc cụ đến gần hơn với âm nhạc. Diệp Chí Huy nhấn mạnh về nhịp điệu. Nhịp điệu là ngôn ngữ vượt trội so với lời nói, nó có khả năng xóa đi rào cản ngôn ngữ và mọi sự cách biệt. Gã nói: “Bạn lắng nghe những gì người khác đang chơi và tham gia vì nhịp điệu là một loại ngôn ngữ nằm sẵn bên trong mỗi người, nó vượt qua giao tiếp yêu cầu cú pháp văn phạm hay từ vựng hoàn hảo như lời nói, bạn đánh trống theo cảm nhận mà bạn thấy là tốt nhất đối với bạn. Không ngại ngần chi cả. Không có đúng sai, hay dở, bạn là một thành viên như mọi thành viên của dàn nhạc trong vòng tròn trống này để cùng nhau tạo ra âm nhạc và bạn không còn ngồi yên hay tách rời để thưởng thức một cách thụ động nữa. Chơi trống theo nhóm giúp bạn hòa đồng trong giao tiếp, ngay cả với những người còn nhút nhát, rụt rè, thiếu tự tin ngại tiếp xúc với chung quanh. Tham gia chơi trống theo nhóm sẽ truyền cảm hứng để người ta biết tự chủ, lĩnh hội cách làm việc theo nhóm, tinh thần đồng đội”.
Tôi thích thú khi gã chia sẻ về vấn đề tiếp cận âm nhạc hiện nay ở trẻ em. Và gã nói nhiều về nhịp điệu như một tâm huyết phát hiện. Theo gã, nhiều trẻ em muốn chơi một nhạc cụ giống như những nghệ sĩ hay thần tượng mà mình yêu thích nhưng đại đa số khi tiếp cận học hỏi một thời gian ngắn đã nản chí và từ bỏ ý định ngay tức khắc, không còn muốn đeo đuổi niềm đam mê ấy nữa do gặp phải nhiều khó khăn trong việc trình tấu nhạc cụ khi thực hành. Và việc sử dụng djembe đã góp phần cải thiện tình trạng học ngược này. “Nhịp điệu trước, đàn hát sau, nghe nói trước, đọc viết sau. Đó là nguyên lý cơ bản để người học nhạc khỏi… quay lưng với âm nhạc theo như cách “học ngược” hiện nay ở Việt Nam”, gã phân tích.
Ở Diệp Chí Huy, không thuần chỉ là nhịp điệu, là âm nhạc của sự ngẫu hứng, của chắt nhặt qua bao trở trăn, mà ở gã có sự tri nhận, tự trọng nghệ sĩ. Và tôi tin rằng, khi nào gã còn giữ những phẩm tính ấy, sáng tác của gã vẫn còn khiến nhiều người say đắm và bất ngờ xúc động…
VÂN PHI