Đồng hành cùng lính biển

(VNBĐ – Bút ký). Trung tuần tháng Tư, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 (CSB2) đã tổ chức một chuyến hải trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra kiểm soát liên ngành, thực thi pháp luật, phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) trên dọc biển 06 tỉnh miền Trung từ Quảng Trị đến Bình Định. Đồng hành cùng những người lính biển suốt mười ngày lênh đênh sóng nước, chúng tôi thêm hiểu những gian khó, nhọc nhằn của họ khi làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió trên vùng biển quê hương.

Bốn không ba tám
4038 là số hiệu con tàu cảnh sát biển thuộc Bộ Tư lệnh Vùng CSB2 mà đoàn chúng tôi gắn bó suốt hải trình 10 ngày (từ ngày 10 – 19.4). Dưới sự chỉ huy trực tiếp của đại tá Trần Hồng Quế, Phó Chính ủy Vùng CSB2 cùng sự điều hành từ Trung tâm Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Vùng CSB2, Tàu CSB 4038 luôn thực hiện đúng hải trình, thủ tục, nguyên tắc, và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các thành viên trong đoàn.

Thành viên biên chế của tàu CSB 4038 hầu hết là những người lính trẻ. Phần nhiều chưa đến ba mươi. Trung úy Nguyễn Văn Sỹ, chính trị viên tàu CSB 4038 chia sẻ, biên chế trên tàu gồm 20 người, đến từ nhiều miền quê khác nhau. Nhưng mỗi người, đều xác định rõ nhiệm vụ của mình, bảo vệ vùng biển, đồng hành cùng ngư dân, sẵn sàng ứng phó, chiến đấu khi có tàu nước ngoài xâm phạm. Sỹ kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện về những chuyến đi của tàu CSB 4038. Câu chuyện của Sỹ như dừng lâu hơn khi nhắc lại kỷ niệm giúp đưa 04 bệnh nhân huyện đảo Lý Sơn về cảng Dung Quất (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) để kịp thời cấp cứu. Đó là một ngày giữa tháng Mười gió bão năm 2022, tàu thuyền trên tuyến Lý Sơn – Sa Kỳ bị cấm hoạt động. Trung tâm y tế quân dân y kết hợp huyện Lý Sơn thông báo có một bệnh nhân bị nhiễm trùng uốn ván, cần phải chuyển viện cấp cứu. 02 bệnh nhân bị sốt xuất huyết và 01 bệnh nhân bị tai nạn gãy xương đùi cần phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Tàu CSB đã kịp thời rẽ sóng đến Lý Sơn để đưa các bệnh nhân vào bờ. Sỹ trải lòng: “Mỗi lần làm được một điều gì đó giúp đỡ tàu gặp nạn trên biển, hay hỗ trợ cho ngư dân lúc nguy cấp khó khăn, chúng tôi thêm niềm vui và động lực để kiên định gắn bó, yêu quý hơn màu áo cảnh sát biển mình đang mặc”.

Mất sóng điện thoại, thiếu nước ngọt sinh hoạt trong những chuyến thực thi nhiệm vụ dài ngày, hiểm nguy lúc bão dông, bất trắc giữa biển dã khơi xa…, bao điều phải đối diện nhưng người lính biển chẳng hề nao núng. Khó khăn đã trui rèn cho họ một tinh thần kiên định, bản lĩnh ứng phó và thích nghi. Những ngày trên tàu, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi tài nấu bếp của các chiến sĩ. Dường như mỗi chiến sĩ là một đầu bếp tài hoa. Gian bếp của lính biển là căn phòng nhỏ hơn mười mét vuông và không gian tận dụng trên hành lang lối giữa con tàu. Nhưng ở đó, luôn được bày biện gọn sàng, sạch sẽ, ngăn nắp. Gian bếp lúc nào cũng đầy tiếng nói cười rộn ràng của những người lính. Tại đây, tôi gặp chàng lính trẻ hai mươi ba tuổi Hoàng Vĩ Hồ Bắc quê ở Quảng Nam. Tôi nhớ, có hôm thuyền chao lắc dữ dội, khi Bắc đang lụi hụi làm bếp cùng các chiến sĩ khác thì bị dao rơi xuống chân. Máu chảy. Em băng bó qua rồi lại tiếp tục công việc của mình như chưa hề có thương tích gì xảy đến. Bắc về đến “ngôi nhà bốn không ba tám” vào cuối năm 2022. Những ngày đầu lên tàu, Bắc cũng bị sóng nhấn vào những cơn say ngắc ngứ không dậy nổi. Tôi hiểu cái cảm giác say triền miên đến nỗi chẳng thiết tha gì kia qua những ngày trải nghiệm. Nhưng bất ngờ với câu nói rắn rỏi, nghiêm túc của Bắc khi nói về nghề làm cảnh sát biển: “Em yêu thích nghề này. Từ nhỏ, em đã mơ ước được làm một người lính biển. Và khi đã lựa chọn thì quyết kiên định với sự lựa chọn ấy đến cùng”.

Đồng hành
Từ khi Ủy ban châu Âu (EC) rút thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam, công tác phòng chống khai thác IUU là nhiệm vụ hết sức cấp bách của các cấp, ngành, địa phương, nhất là địa phương có biển. Thời gian qua, BTL Vùng CSB2 đã có nhiều hoạt động giúp bà con ngư dân nắm chắc phạm vi vùng biển Việt Nam, tự giác chấp hành pháp luật khi hoạt động trên biển, không đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; chung tay cùng các cấp, các ngành và cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” của EC. Nhiệm vụ trọng tâm của cuộc kiểm tra liên ngành lần này cũng chính là thực hiện công tác phòng chống khai thác IUU. Đại tá Trần Hồng Quế cho hay: “Để thực hiện tốt việc tuyên tuyền phổ biển cho ngư dân hiểu và chấp hành nghiêm các quy định về IUU trên địa bàn quản lý, BTL Vùng CSB2 chúng tôi xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Chúng tôi luôn có sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện nhiều biện pháp như: Phối hợp triển khai có hiệu quả Chương trình Công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” trong đó, tập trung triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo IUU các cấp về chống khai thác IUU với quyết tâm chính trị cao nhất. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vận động ngư dân chấp hành nghiêm quy định của IUU, về ảnh hưởng, tác hại của việc vi phạm IUU sẽ tác động trực tiếp đến đại cục chung của xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU và ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển nghề cá của Việt Nam, uy tín của nước ta trong ngoại giao…”.

Đại tá Trần Hồng Quế (thứ 03 từ trái sang) cùng đoàn công tác trao tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân Bình Định. Ảnh: V.P

Trong cuộc kiểm tra liên ngành trên vùng biển Đà Nẵng, đoàn công tác lên ca nô tuần tra tàu DNa 90479 TS, tàu hành nghề lưới rê. Thấy lực lượng CSB cùng đoàn công tác, anh Nguyễn Minh Mẫn (sinh năm 1974, quê ở Đà Nẵng), thuyền trưởng của tàu e dè bởi lỗi tàu thiếu thuyền viên so với định biên đã đăng ký khi xuất cảng tại cảng Mân Quan (Sơn Trà, Đà Nẵng). Thiếu tá Lê Hữu Chinh, Phó đội trưởng Phòng pháp luật (Bộ tư lệnh Vùng CSB2) đã ân cần phân tích những điều chưa đúng theo quy định của chủ tàu để ngư dân ý thức hơn việc tuân thủ quy định Nhà nước. Điều đó phần nào giúp anh Mẫn trấn tĩnh hơn và cam đoan sẽ chấp hành đúng theo quy định. Đến bây giờ, tôi còn nhớ rõ lời nói của người lính biển đầy sẻ chia quan tâm với ngư dân đang một mình giữa khơi xa: “Anh một mình ở giữa biển như này, hết sức nguy hiểm. Nhỡ như trái gió trở trời, đau ốm rồi không liên hệ được với bạn tàu hay người nhà thì sẽ ra sao?”.

Khi tàu chúng tôi đến vùng biển Quảng Ngãi – Bình Định, biển đã êm hơn, thôi những con sóng lớn như muốn chồm lên nuốt chửng chiếc ca nô của đoàn công tác. Lần này, tôi theo đoàn kiểm tra và gặp một chiếc tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Định. Tàu mang số hiệu BĐ 91423 TS hành nghề giã cào đôi do ông Nguyễn Thanh Nam (sinh năm 1976, TP. Quy Nhơn) làm thuyền trưởng. Thấy tín hiệu của CSB, tàu hạ tốc đón khách. Lúc lên tàu, chúng tôi đã thấy cá đối, cá sọc dưa còn tươi ròng đầy khoang. Tại đây, chúng tôi gặp thuyền viên Nguyễn Xuân Sửu (72 tuổi, TP. Quy Nhơn). Ông Sửu bộc bạch những khó khổ của nghề biển dã, cùng bao nỗi lo toan vất vả khi phải lênh đênh, gán kế sinh nhai vào những mẻ lưới giữa trập trùng sóng bể. Có lẽ ông Sửu cũng không ngờ rằng, người CSB trò chuyện, hỏi han ông bằng sự gần gũi, thân tình suốt nửa tiếng đồng hồ là Phó Tư lệnh Vùng CSB2. “Chúng tôi vững tin vì trong những chuyến ra khơi của mình, khi cần luôn có các anh cảnh sát biển, biên phòng hỗ trợ hết mình”, ông Sửu tâm tình. Đoàn công tác đã tặng cho ngư dân món quà nhỏ là những nhu yếu phẩm thiết yếu và những lá cờ Tổ quốc. Lá cờ được căng lên, đỏ thắm trong gió, nụ cười tươi vui của ngư dân và những người lính biển làm ấm lên một góc nhỏ khoang thuyền, thắm thiết nghĩa tình.

10 ngày tuần tra, đoàn liên ngành đã tích cực tuyên truyền về IUU, tặng nhiều suất suất quà cùng 1.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân. Đoàn đã kiểm tra 47 tàu, lập biên bản vi phạm 03 tàu. Điểm chung của các lỗi vi phạm là đa số các tàu đều không mang theo giấy tờ tùy thân của thuyền viên, viết nhật ký khai thác thủy sản không đúng quy định, thiếu định biên thuyền viên theo quy định. Đại tá Trần Hồng Quế nhấn mạnh: “Có nhiều tàu thuộc nhóm tàu hoạt động trên biển để nhận hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua thực tế kiểm tra, nhiều thiết bị giám sát hành trình có thể bị tháo rời khỏi tàu và lắp lại mà không làm hỏng kẹp chì. Vì vậy, đề nghị Chi cục Thủy sản các tỉnh nghiên cứu cách thức lắp đặt, cách thức kẹp chì đối với thiết bị giám sát hành trình để các đối tượng không thể tháo rời khỏi tàu được. Bên cạnh đó, qua kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện nhiều tàu cá có số lượng thuyền viên thực tế không đúng theo danh sách đăng ký xuất bến, có tàu chỉ có 2/11 thuyền viên, có tàu 1/4 thuyền viên. Do vậy, đề nghị các lực lượng chức năng như Biên phòng, Chi cục Thủy sản làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát khi tàu cá về bờ, chú ý về số lượng thuyền viên có đảm bảo theo quy định về định biên thuyền viên tối thiểu và có thực hiện đánh bắt hay chỉ đưa tàu cá ra bấm định vị trí để nhận hỗ trợ”.

Đoàn công tác tuyên truyền cho ngư dân về việc chấp hành IUU. Ảnh: V.P

Trong chuyến đi này, ngoài CSB, còn nhiều đại diện cơ quan chức năng đến từ lực lượng Bộ đội Biên phòng; Công an; Kiểm ngư; Sở NN&PTNT và đại diện các văn nghệ sĩ đến từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị tham gia. Anh Nguyễn Văn Tuấn, Thuyền trưởng Hải đội 2 thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định, chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên tuần tra, kiểm soát khu vực biển Bình Định qua các vùng biển chính từ Quy Nhơn đến Cù Lao Xanh đến Tam Quan (Hoài Nhơn). Kiểm tra công tác giám sát hành trình 24/24, đẩy mạnh hơn việc tổng hợp danh sách tàu, kiểm tra việc tắt kết nối hành trình ở các tàu. Tuyên truyền cho ngư dân vươn khơi bám biển nhưng phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là không được đi qua vùng biển nước khác để khai thác, góp phần tháo gỡ thẻ vàng EC. Bởi khi gỡ được thẻ vàng, thì hải sản mới được giá, kinh tế biển Việt Nam mới phát triển hơn”. Khi nói về kinh tế biển và vai trò của ngư dân, ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng nhấn mạnh đến yếu tố nhân lực con người, đặc biệt là việc tiếp cận, tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân giữa vấn đề khai thác thủy sản bên cạnh đảm bảo an ninh quốc phòng biển đảo. Ông Ban tâm sự: “Qua chuyến đi, mỗi thành viên như thấu hiểu hơn công việc của cảnh sát biển. Đồng thời, từ những gì tiếp xúc ở đây, ta soi chiếu về công việc hiện tại ở đất liền, kể cả những quy định về khai thác đánh bắt hải sản, về vấn đề hỗ trợ, tuyên truyền cho ngư dân để làm sao hoàn thiện hơn, giúp người ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế, đảm bảo được cuộc sống ấm no vững bền”.

Những neo giữ…
Để tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế để tìm chất liệu khởi nguồn cảm hứng sáng tác, nhất là để hưởng ứng cuộc vận động của Bộ Tư lệnh CSB về sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật về lực lượng CSB với chủ đề “Cảnh sát biển vững vàng nơi đầu sóng”, BTL Cảnh sát biển đã mời 01 nhà văn từ Hà Nội và đại diện văn nghệ sĩ tiêu biểu của 06 tỉnh thành ven biển miền Trung tham gia chuyến đi lần này. Thực lòng, nhiều thành viên trong đoàn mong muốn được ghé thăm các hòn đảo dọc miền Trung, được tiếp xúc cùng ngư dân, tìm hiểu về đời sống văn hóa của những làng chài nép mình bên mép sóng. Thế nhưng, thuyền không ghé đảo. Những lúc dừng lại nghỉ ngơi, thuyền neo vào biển, gió như “thả neo” vào lòng người chơi vơi. Biển xanh và mênh mông quá. Con người như bé nhỏ, lọt thỏm giữa bốn bề. Thấp thoáng những ánh đèn xa xa, nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền như lây rây tâm trí. Nhưng bù lại cho đôi chút hẫng hụt ban đầu, chúng tôi đã có những trải nghiệm đáng nhớ trong đời, thấu tỏ hơn bao gian lao, vất vả của người CSB nơi đầu sóng ngọn gió. Trải nghiệm thực tế đã nuôi cấy nhiều xúc cảm đối với văn nghệ sĩ. Tạm tổng kết thành quả 10 ngày cùng các chiến sĩ, đã có hơn 50 tác phẩm thơ, nhạc, bút ký thành hình. Và tôi tin rằng, những dây dưa xúc cảm từ chuyến đi sẽ còn neo giữ, ủ cấy trong lòng nhiều nghệ sĩ, để khi cập bến về lại đất liền, tiếng lòng lại cất lên bao đồng điệu…

Đại diện các cơ quan chức năng, văn nghệ sĩ 06 tỉnh ven biển miền Trung tham gia vào đoàn kiểm tra liên ngành. Ảnh: V.P

Chuyến hải trình này đã cho chúng tôi nhiều kỷ niệm ấm áp. Đêm 15.4, dưới sự đề nghị của nhà văn Khánh Toàn đến từ Hà Nội, đại tá Trần Hồng Quế liền đồng ý tổ chức một đêm giao lưu văn nghệ, mừng sinh nhật tuổi 70 của một thành viên trong đoàn là nhà thơ Võ Văn Hoa đến từ Quảng Trị. Trong những căn phòng nhỏ chưa đầy hai mươi mét vuông được nối thông qua hành lang giữa tàu, các thành viên trong đoàn quây quần ấm cúng. Đèn tắt. Ánh sáng từ phía đèn pin điện thoại được bật lên thay những ánh nến lấp lánh. Niềm vui như nhen lên đẩy lùi bao giây phút vất vả của một ngày dài làm nhiệm vụ.

Nhà thơ Võ Văn Hoa bùi ngùi xúc động khi ở tuổi thất thập cổ lai hy lại đón một sinh nhật ngay giữa trùng dương. Ông bộc bạch: “Những ngày qua với tôi là một trải nghiệm quý giá, giúp tôi thấu hiểu hơn những vất vả của người lính biển. Giữa mênh mông sóng mà lại không có sóng. Giữa mênh mông nước mà lại thiếu nước rất nhiều. Những công việc ý nghĩa, những thầm lặng hy sinh của người chiến sĩ là chất liệu sống để những văn nghệ sĩ thể hiện những đồng cảm qua lăng kính nghệ thuật”. Hai ngày sau, niềm vui như được nối dài khi đoàn tổ chức đêm sinh nhật tuổi năm mươi cho anh Vũ Quốc Hiệp, một CSB được tăng cường từ tàu CSB 8002. Thiếu tá Hiệp cười hiền queo, xúc động nói lời cảm ơn giữa những lời chúc mừng của đồng đội và anh em trên tàu. Có lẽ đây là buổi sinh nhật hiếm hoi trong đời mà chúng tôi được dự, bởi không gian tổ chức quá đặc biệt, xa cách nơi đất liền, và buổi tổ chức sinh nhật nào cũng tràn ngập tiếng cười lời ca, xua đi những quạnh quẽ thường thấy của người lính biển khi neo thuyền giữa khơi xa.

Khi mỗi chúng tôi đã dần thích nghi với những sinh hoạt trên tàu, những cơn say sóng vật vờ đã lùi về phía sau thì cũng đến lúc phải kết thúc chuyến hải trình. Khi ngồi trên đất liền ghi lại những dòng này, trong trí tưởng tôi vẫn còn nghe ngân lên câu khẩu lệnh mỗi sớm mai: “Toàn tàu báo thức. Báo thức toàn tàu!”. Những khi ấy, tôi hiểu rằng những người lính biển dọc dài đất nước lại bắt đầu một ngày mới, bắt đầu những hải trình mới để đồng hành cùng ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương đất nước tôi.

VÂN PHI

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Làm nghệ nhân Bài chòi và làm thơ

Lý Thành Long là con nhà nòi hát Bội và Bài chòi dân gian. Từ bé, những làn điệu Bài chòi từ những nghệ nhân bên nhà ngoại đã cuốn hút anh…

Góp lửa cùng đồng đội

Trong chiến tranh và cả trong thời bình, những người lính quân khí luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, sát cánh cùng các binh chủng khác hoàn thành sứ mệnh lịch sử…

Soi trong mắt trẻ…

Bằng tình yêu thương, sự quan tâm chân thành, những người lính đã làm cha, làm mẹ “đỡ đầu”, tạo thêm điểm tựa tinh thần để các trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn vững tin đi về phía trước…