Chất dân gian trong sân khấu dân ca kịch Bài chòi

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Sân khấu dân ca kịch Bài chòi, hay còn gọi là sân khấu Bài chòi – loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc ta ra đời từ trò diễn xướng dân gian. Từ một loại hình hô hát để đánh bài trong chòi do anh (chị) hiệu diễn xướng, bằng sự sáng tạo độc đáo, thú vị theo lối dân gian, trải qua quá trình hình thành Bài chòi chiếu và Bài chòi từ “đất lên giàn” đã phát triển thành một loại hình nghệ thuật sân khấu hoàn chỉnh. Chính sự phát triển đó đã nâng cao giá trị của sân khấu Bài chòi đến gần với công chúng từ nội dung kịch bản, hình thức biểu diễn đến giai điệu ngọt ngào của âm nhạc.

Ra đời từ dân gian nên nhiều tích truyện trong dân gian được các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực Bài chòi khai thác, lồng ghép và dàn dựng nên nhiều vở sân khấu dân ca kịch Bài chòi đề tài dân gian tên tuổi như: Ông xã bà đội, Lâm Sanh – Xuân Nương, Thoại Khanh – Châu Tuấn, Cỏ tương tư, Hòn vọng phu. Các tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ giỏi nghề đã dựa trên những câu chuyện dân gian gần gũi, quen thuộc đối với người dân Việt Nam với những chủ đề về tình yêu, tình nghĩa vợ chồng, tình mẫu tử, tình người hay châm biếm, mỉa mai những thói hư tật xấu trong xã hội… để dàn dựng thành những vở sân khấu Bài chòi đề tài dân gian được nhân dân ưa thích và có sức sống vững bền vượt thời gian.

Vì bản thân sân khấu dân ca kịch Bài chòi xuất xứ từ dân gian nên nó được nhân dân lưu truyền trong phong trào quần chúng để ca ngợi, đả kích, nêu gương… những vấn đề nổi cộm trong cuộc sống và chiến đấu. Nội dung của những bài ca, vở diễn của sân khấu Bài chòi đã thể hiện tính chiến đấu cao, nhằm đấu tranh phê phán những tệ nạn của xã hội phong kiến (vở Ông xã bà đội), đả kích chống đối âm mưu thâm độc dã man của bọn thực dân, đế quốc và chính quyền tay sai bán nước. Đồng thời, sân khấu Bài chòi cũng thể hiện tính trữ tình một cách sâu lắng, nhằm ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước (vở Hạt muối Bác Hồ), tình yêu nam nữ thủy chung son sắc (vở Thoại Khanh – Châu Tuấn), nêu gương những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân dũng cảm chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc (vở Tiếng sấm Tây Nguyên). Sân khấu Bài chòi hấp dẫn, lôi cuốn người xem không chỉ về nội dung, tính chất mà còn bởi những tiết tấu sâu lắng, làn điệu ngọt ngào, đằm thắm, thiết tha làm say đắm lòng người.

Bên cạnh những vở diễn về đề tài dân gian, âm nhạc của sân khấu Bài chòi cũng chịu ảnh hưởng từ dân gian, góp phần hỗ trợ đắc lực cho chủ đề, tư tưởng của vở diễn. Đối với âm nhạc, các làn điệu dân ca hát ru, hò, vè, sắc bùa, các bài bản lý… xuất phát từ lao động, sinh hoạt hội hè, tình yêu lứa đôi, con người, tín ngưỡng, đình đám trong dân gian được vận dụng linh hoạt, sáng tạo, mượt mà vào một số làn điệu của sân khấu Bài chòi. Do đó, một số làn điệu của sân khấu Bài chòi ra đời từ dân gian và mang âm hưởng của dân gian. Các làn điệu dân ca áp dụng vào sân khấu Bài chòi với sự kế thừa có chọn lọc từ vốn truyền thống, lấy tinh hoa và cốt cách của dân ca để sáng tạo bổ sung đã tăng thêm màu sắc và mang lại sự phong phú về làn điệu. Nhiều làn điệu đã ăn sâu và đi vào tiềm thức của công chúng. Tiêu biểu là một số làn điệu như: hát ru, hò khoan, hò hê… Cụ thể như: Làn điệu hát ru được sử dụng trong lớp “chị Nguyệt ru con mơ về chồng” của vở Huyền thoại về tiếng hát:

Hời… hời… mẹ thương con ra cầu Ái Tử
Vợ trông chồng đứng núi Vọng Phu

Ngoài ra, các điệu hò, lý, vè, sắc bùa… cũng được vận dụng linh hoạt, đưa vào sân khấu Bài chòi khá nhuần nhuyễn. Trong vở Thoại Khanh – Châu Tuấn, lớp tiễn Châu Tuấn lên đường là một đoạn kết hợp nhiều làn điệu: nói lối Xuân nữ, vè Quảng và Lý thương nhau. Với giọng nói lối tình cảm ngọt ngào, đầm ấm, yêu thương, bằng thể thơ tự do, giai điệu ngân nga để rồi xuống Hò, chuyển qua điệu Xuân nữ cùng với nhịp ba song loan hòa lẫn cùng các cung đàn quyện vào nhau làm cho màu sắc sân khấu Bài chòi đậm đà hơn. Vai Tuấn Mẫu cũng trong lớp này, bằng điệu vè Quảng nhịp một chậm rãi, cấu trúc với chu kỳ của thơ lục bát thể hiện nội dung dặn dò, khuyên bảo. Kết thúc lớp này bằng điệu Lý thương nhau với giai điệu mượt mà, tình cảm tiễn đưa lưu luyến, khiến người xem không tránh khỏi bồi hồi, xúc động.

Trước ngày thống nhất đất nước (1975), các nhạc sĩ sân khấu đã dựa trên chất liệu dân ca cổ, sáng tác nhiều bài hát mới và đưa vào sử dụng rất hiệu quả trong nghệ thuật sân khấu Bài chòi cả nước nói chung cũng như Bình Định nói riêng. Ví dụ như: Nhạc sĩ – NSƯT Hoàng Lê đã lấy từ chất liệu cổ bản để sáng tác bài Ghẹo Vàng anh làm cho giai điệu ngộ nghĩnh, mang tính hài hước và góp phần tạo hiệu quả cho lớp kịch bằng lối hát diễn xướng rất thú vị trong vở Đội kịch chim chèo bẻo. Hay bài Lía Phôn do nhạc sĩ – NSƯT Nguyễn Cung Nghinh sáng tác phát triển từ điệu vè nói lía dân ca Bình Định, lối hát như nói, mang tính chất xung đột pha lẫn kịch tính. Bài Lía Phấu được nhạc sĩ – NSƯT Hoàng Lê phát triển từ vè nói lía và nâng lên một bước từ giai điệu, tiết tấu đến khúc thức. Nếu như vè nói lía là hình thức hát nói tự do thì Lía Phấu trở thành bài bản khi sử dụng trong sân khấu Bài chòi.

Đến nay, việc tiếp thu, khai thác, phát huy các làn điệu hò, vè, lý, bả trạo… sử dụng trong sân khấu Bài chòi ngày càng tinh tế và áp dụng một cách khoa học. Trải qua một quá trình lao động sáng tạo, những tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ đã vận dụng vốn truyền thống lâu dài, đồng thời tạo ra sự mới mẻ nhằm bổ sung và làm tăng thêm hiệu quả trong sân khấu Bài chòi. Cụ thể như: Từ điệu Lý Thiên Thai trong dân gian, NSƯT Phan Ngạn viết lời mới sử dụng cho nhân vật Ra La (con của đức Vua Pơ Rim và nàng Si Ta) trong vở Chuyện tình nàng SiTa.

Rừng đẹp, rừng đẹp muôn hoa nở suối reo
Kìa tiếng chim hót vang vui cùng tìm bạn
Tìm bạn ta lý nọ trên cành a í a, trên cành líu lo
Tình đẹp, tình càng đẹp bao ước vọng ai ơi
Cùng nắm tay chung vui xây đời thêm đẹp
Đời đẹp ta lý nọ ân tình a í a ân tình chứa chan.

Qua sân khấu Bài chòi, người xem không chỉ thưởng thức nghệ thuật về hát, múa, diễn, âm nhạc mà chính nơi ấy, họ gửi gắm lòng mình, chia sẻ niềm vui, soi rọi cuộc đời. Tính độc đáo của nghệ thuật Bài chòi là không chỉ phản ánh kịp thời các đề tài dân gian trên kịch bản sân khấu mà còn thể hiện sức hút của các làn điệu trữ tình mang tính gợi cảm, thướt tha mượt mà như làn điệu Xuân nữ; hùng dũng, mạnh bạo như điệu Cổ bản, Xàng xê; dịu dàng, sâu lắng như điệu Hò quảng và các điệu lý, điệu hò, vè… Vì thế, Giáo sư Hoàng Châu Ký đã từng khẳng định: “Con đường đi lên sân khấu của Bài chòi là con đường đi lên từ làn điệu”.

Ngày nay, nhìn chung sân khấu Bài chòi có xu hướng cách tân, hiện đại hóa về nhiều mặt: cảnh trí, trang phục, sự hỗ trợ đắc lực của âm thanh, ánh sáng hiện đại… nhưng chất dân gian, mộc mạc của nghệ thuật Bài chòi ít nhiều vẫn còn được gìn giữ. Bình Định còn lưu giữ khá tốt vốn Bài chòi cổ trong dân gian và sân khấu Bài chòi truyền thống vẫn được đông đảo nhân dân yêu thích. Nghệ thuật Bài chòi luôn được người dân xứ Nẫu nuôi dưỡng và coi như “món ăn” tinh thần không thể thiếu đối với họ.

Có thể nói, sân khấu Bài chòi đã ra đời từ dân gian, gần gũi với nhân dân và trở thành “sợi dây” neo giữ tâm hồn người Việt. Sự tiếp thu, kế thừa và sáng tạo trong đề tài phản ánh cũng như âm nhạc của sân khấu từ dân gian, đã góp phần làm cho loại hình nghệ thuật này đậm chất dân gian, phong phú, mới mẻ về làn điệu và có sức sống vững bền trong đời sống.

THỤC NƯƠNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hanoi Art Connecting lần thứ 7

Hanoi Art Connecting lần thứ 7, diễn ra từ 29.10 đến 03.11.2024 tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, quy tụ hơn 130 nghệ sĩ, trong đó có 50 nghệ sĩ quốc tế từ 19 quốc gia…

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…

Đời cần lắm, những vần thơ

Sang đến thế kỷ hai mươi, Yến Lan, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi, đã hóa mình thành ông lái đò với bao niềm tâm sự trong bài thơ mang mang phong vị cổ, Bến My Lăng.