(VNBĐ – Truyện ngắn). Cuối năm, công ty Diêu may mắn nhận được khá nhiều đơn hàng. Thời buổi củi châu gạo quế, cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đầy đường nói gì đến công nhân như Diêu. Nhiều người mất việc xong không biết xoay xở thế nào, về quê cũng dở mà ở lại thành phố cũng không biết cầm cự kiểu gì. Diêu và đồng nghiệp biết mình sẽ vất vả hơn nhưng vẫn mỉm cười tươi rói. Gặp nhau, mọi người cùng động viên: “Thôi ráng lên, vì một cái Tết có thịt!”.
Buổi sáng hôm đó, đang chuẩn bị vào ca làm thì Diêu nhận được điện thoại. Số lạ. Diêu ngần ngừ, nhưng sau cùng vẫn quyết định nghe máy. Bên kia là giọng của một phụ nữ:
– Con có phải là Diêu không?
Giọng nói run run và yếu ớt, Diêu chưa nghe bao giờ. Diêu băn khoăn không biết cuộc gọi này mang đến điều gì cho mình. Để cẩn thận hơn, Diêu hỏi:
– Xin lỗi, ai ở đầu dây đó ạ?
Khoảng lặng bất ngờ xuất hiện. Có lẽ bên kia đang chưa biết phải mở lời như thế nào. Lúc Diêu phải lặp lại chữ “Alo” đến hai, ba lần thì bên kia mới ngập ngừng:
– Diêu à. Bác là mẹ của Toàn…
Lần này Diêu im lặng. Tại sao mẹ Toàn lại gọi cho mình? Sao bà có số điện thoại của mình? Bụng Diêu lúc đó có chút ấm ách, khó chịu vô cùng. Nhưng Diêu cố gắng giữ sự khó chịu đó lại, bởi dù gì đang nói chuyện với mình cũng là một người lớn tuổi. Một lúc sau, Diêu lên tiếng:
– Dạ, bác gọi con có chuyện gì không?
Qua điện thoại, Diêu cảm nhận một hơi thở gấp:
– Diêu à. Con có thể cho bác xin một cuộc gặp với con, có được không? Bác có chuyện này muốn nói với con…
Chừng như cảm nhận sự im lặng khá lâu của Diêu, mẹ Toàn vội nói:
– Diêu ơi. Mong con cứ xem đây như là lời khẩn cầu của người mẹ già tội nghiệp. Được không con?
Chuyện với Toàn, Diêu đã để nó chìm sâu vào quá khứ, không có ý định khơi lên làm gì. Diêu những muốn từ chối nhưng cái giọng tha thiết của mẹ Toàn làm Diêu cảm thấy khó xử thực sự.
– Thời điểm này đang là cao điểm ở công ty con. Nếu thu xếp được, con sẽ gọi lại cho bác sau nha bác!
– Bác cảm ơn con!
Diêu đã rất muốn quên Toàn, người ném lại cho Diêu lời hứa hẹn rồi biến mất cho đến bây giờ. Tốt nghiệp lớp 12, từ vùng quê nghèo của miền Trung đầy nắng gió, Diêu gói ghém một ít đồ đạc rồi vào Sài Gòn xin làm công nhân. Ngày qua ngày, Diêu chỉ biết cun cút đi làm, cuối tháng lãnh lương thì giữ lại một ít phòng thân, còn lại gửi về quê cho cha mẹ nuôi hai em ăn học. Không va chạm, không tiếp xúc nhiều nên lòng dạ con người như thế nào cô cũng không rành rẽ. Còn chưa kể, Toàn tạo cho mình cái vẻ ngoài chân chất, hồn hậu đến thế kia, thì sao Diêu không tin Toàn cho được. Hồi đầu, Diêu còn đau khổ, sầu uất khi bị bội phản. Nhưng rồi sau này, khi cu Bin ra đời, trong lòng Diêu, Toàn đã không còn là một sự vướng bận. Bin đã là tất cả với Diêu, là món quà lớn nhất mà Diêu nhận được trong cuộc đời.
Nhưng cuộc điện thoại sáng nay của mẹ Toàn đã phá vỡ những nỗ lực của Diêu. Dù muốn dù không, tâm trí Diêu thoáng chốc có hình ảnh của Toàn.
Hồi mới quen, Toàn nói với Diêu, tên em ngộ ha. Diêu bảo, thực ra, tên ban đầu của em là Diệu. Diệu trong diệu kỳ. Mẹ em ngã xe, em được đẻ non, sau đó còn ốm đau liên miên. Mọi người không ai tin là em sống được. Vậy mà em vẫn lớn lên, như một điều diệu kỳ! Nhưng lúc đi làm giấy khai sinh, không biết cha hồi hộp hay lo lắng kiểu gì đó mà quên mất cái dấu nặng.
Nói đến đây, cả Diêu và Toàn cùng cười. Chuyện có thật mà như tiếu lâm.
– Nhưng sau này em có thể đổi được mà? – Toàn thắc mắc.
Diêu bảo, thì đúng là pháp luật cho phép mình đổi tên. Có điều, cái tên này dù sao cũng đã gắn bó với em hơn hai mươi năm nay, không dễ nói bỏ là bỏ ngay được.
– Mà cái tên này, em nghĩ nó cũng có ý nghĩa nữa đó.
– Ý nghĩa gì? – Toàn hỏi.
– Là diêu trong lá diêu bông. Anh biết lá này không?
– Không, anh chưa gặp bao giờ. – Toàn thật thà trả lời.
Diêu cố nhớ lại câu thơ đã học từ hồi nảo hồi nào rồi đọc cho Toàn nghe:
– “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ
Chị bảo
Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng”(*).
Diêu đọc đến đây thì dừng lại, bảo, nó đó, rồi cười nắc nẻ. Toàn có lẽ không còn nhớ đến bài thơ này, nên khi thấy Diêu cười thì khuôn mặt thộn ra. Diêu phải ngưng cười để kể lại lai lịch của lá diêu bông cho Toàn nghe. Nghe xong Toàn hỏi, rồi người ta có tìm được không?
Diêu bảo, tìm được, nhưng không phải lá diêu bông. Rồi Diêu im lặng một lúc, sau đó thở dài, nói một cách ẩn ý, không ai tìm được lá diêu bông, em cũng không biết sẽ có ai tìm thấy mình không! Không ngờ, đến chỗ này Toàn tỏ ra sáng dạ bất thường, anh đã tìm ra rồi còn gì!
Lúc Toàn nói câu đó, Diêu có nhìn thấy trong mắt Toàn sự ấm áp và tràn đầy thương mến. Để nói về lý do khiến Diêu đồng ý yêu Toàn thì đó chính là vì đôi mắt. Đôi mắt nâu ấm áp, đầy tin cẩn. Diêu yêu và tin, không một mảy may lo lắng về những bất trắc có thể xảy ra với tình yêu của mình.
***
Đã một tuần trôi qua, Diêu vẫn chưa gọi lại cho mẹ Toàn. Bà cũng không gọi thêm, có lẽ vì nghĩ Diêu không muốn gặp mình. Đúng là Diêu những muốn như vậy. Cô muốn cắt đứt mọi giềng mối liên quan đến Toàn. Gặp rồi, không biết mẹ Toàn sẽ mang theo chuyện gì, lành hay dữ. Nhưng nghĩ đến giọng điệu như van nài của bà, lòng Diêu chùng xuống. Sau cùng, Diêu quyết định đi gặp mẹ Toàn. Dù sao bà là người đứng ngoài câu chuyện của Diêu và Toàn.
Khi Diêu đến, mẹ Toàn đã ngồi ở vệ đường, dưới một lùm cây, dáng vẻ thấp thỏm. Bà chừng hơn 60, hơi gầy. Thoạt nhìn, Diêu có cảm giác bà là một người kham khổ. Diêu mua hai ly nước chanh rồi đưa cho bà một ly. Mẹ Toàn đón ly nước từ Diêu, khuôn mặt có phần giãn ra:
– Cảm ơn con. Bác cứ sợ con không tới…
– Dạ, thời điểm này đúng là con đang rất bận. Tụi con phải tăng ca liên tục để công ty kịp hàng gửi cho đối tác.
– Ừ, cũng cuối năm rồi còn gì. Bác không làm phiền nhiều đến con đâu…
Mẹ Toàn thở dài, sau một lúc lựa lời rồi mới nói:
– Bác biết con vẫn còn giận Toàn rất nhiều. Là con thì bác cũng sẽ như vậy. Nhưng Diêu này, Toàn nó cũng khổ tâm lắm. Không phải bác là mẹ mà nói đỡ cho nó, nhưng thực tình là Toàn nó không thôi day dứt vì con…
Diêu không hiểu mẹ Toàn nói với mình những lời này để làm gì. Cuộc sống của Diêu dù đang lộn xộn nhưng Diêu sẽ ráng thu xếp, rồi dần dà đâu cũng sẽ vào đó. Diêu không muốn có thêm một chướng ngại nào nữa, nhất là chuyện với Toàn đã chìm vào quá khứ thì cũng nên để nó ngủ yên.
– Diêu à, Toàn cũng không sống được bao lâu nữa…
Nói đến đây, giọng mẹ Toàn nghẹn lại. Sự xúc động khiến bà trở nên khó khăn để tiếp tục câu chuyện. Bấy giờ, khuôn mặt Diêu tái nhợt. Diêu lắp bắp:
– Anh Toàn… bị làm sao vậy bác?
Đôi mắt mẹ Toàn đỏ hoe. Bà lấy tay chậm nước mắt.
– Ung thư vòm họng. Đã chuyển sang giai đoạn cuối rồi con ạ!
Mẹ Toàn dừng một lúc rồi nhìn Diêu.
– Toàn không nói ra nhưng bác biết, nó rất mong được gặp con. Bởi vì, Toàn vẫn còn yêu con nhiều lắm. Chỉ là lúc phát hiện ra bệnh, Toàn lựa chọn rời xa con, không muốn con bị khổ đó Diêu! Nó lẳng lặng xa con mà không nói lời nào, nên giờ trong lòng vẫn còn ray rứt, cảm thấy có lỗi với con.
Bất giác, mẹ Toàn thở dài:
– Bác cũng không biết ngày nào sẽ phải xa Toàn. Nhìn con mình sống những ngày ít ỏi còn lại trong dằn vặt, bác không đành lòng. Diêu ơi, con rủ lòng thương Toàn, thương bác. Con đến gặp Toàn lần cuối cùng, rồi tha thứ cho nó, để nó có ra đi cũng được ra đi trong thanh thản. Có được không con?
Quả thực, Diêu không hề nghĩ đến tình huống này. Đây rõ ràng là một sự sắp bày mà không ai có thể ngờ đến. Tai Diêu như ù đi. Không kìm thêm được nữa, Diêu òa lên khóc. Phải một lúc sau, Diêu mới dần dần bình tâm trở lại. Cô nhận ra đôi tay mình đã nằm trong tay của mẹ Toàn từ bao giờ. Đôi bàn tay khô gầy, của một người quen làm lụng khiến Diêu không khỏi mủi lòng. Diêu không có ý định thu đôi tay mình về.
– Tình hình của anh Toàn giờ sao rồi bác?
Mẹ Toàn bóp nhẹ bàn tay Diêu:
– Toàn vẫn nằm một chỗ như vậy. Thời gian gần đây, sức khỏe đã giảm sút đi nhiều.
Mẹ Toàn lại thở dài:
– Năm hết Tết đến rồi. Bác cũng chỉ mong nó mạnh, để hai mẹ con ăn thêm một cái Tết cùng nhau…
Cuối buổi, mẹ Toàn nhìn sâu vào mắt Diêu, giọng van vỉ:
– Gọi điện cho con đường đột thế này bác biết là không phải, nhưng là mẹ, bác không nỡ ngồi nhìn con mình phải sống trong dằn vặt, nhất là khi cái chết đang cận kề. Con giúp bác, đến gặp Toàn một lần thôi cũng được. Được không Diêu?
Diêu có phần bối rối:
– Con không dám hứa trước sợ bác lại trông, nhưng con sẽ ráng thu xếp. Bác về cho con gửi lời thăm đến anh Toàn!
***
Diêu đứng tần ngần trước ngõ nhà Toàn. Một ngôi nhà cấp 4 nằm ở ngoại thành. Cánh cổng gỗ khép hờ, có phần vẹo vọ đã lâu mà vì một lý do nào đó không được sửa chữa. Trước nhà có một khoảnh vườn, Diêu nhìn qua, thấy có xoài, mận cây nào cũng khô quắt. Góc vườn có một cây mai mà lẽ ra lúc này cần phải tuốt lá để có hoa kịp nở Tết. Đằng này, cây mai trong vườn nhà Toàn hãy còn sum sê lá, như thể nơi này thời gian đã ngưng đọng, hoặc giả không ai còn tha thiết gì đến chuyện Tết nhất.
Diêu chợt nhớ ra, hồi trước, lúc còn yêu nhau, có đôi lần Toàn nói về việc dẫn Diêu về nhà chơi. Bố Toàn mất sớm, mẹ bán đồ ăn ngoài chợ. Nhà chỉ có mỗi Toàn nên hai mẹ con rất thương yêu nhau. “Mẹ cũng mong có con dâu lắm rồi!”, khi nói câu đó, Toàn nhìn Diêu mỉm cười. Hồi đó, vì nhiều lý do, lần lữa mãi nên Diêu vẫn chưa có dịp theo Toàn về thăm nhà. Đến giờ thì ngôi nhà ấy đang ở trước mắt Diêu.
Bỗng nhiên Diêu khựng người lại, đắn đo giữa việc quay về hay tiếp tục tiến thẳng vào nhà Toàn. Cánh cổng không khóa, chỉ cần Diêu đẩy nhẹ một chút là đã có thể đi vào bên trong. Không dưới một lần Diêu quả quyết với lòng, sẽ chôn chặt câu chuyện về Toàn, để nó nằm mãi trong quá khứ. Đằng đẵng hơn năm năm trời, nào có ít gì. Bao sầu tương đã im lìm. Non ngàn và biển sâu, đâu đâu cũng được thời gian phủ lên những lớp bụi. Có còn gì nữa đâu để mà trông chờ, khơi lại dĩ vãng. Vậy nên, quyết định quay về lúc này vẫn còn kịp cho cô.
Nhưng rồi Diêu nhớ lại lý do khiến cô lựa chọn có mặt ở nhà Toàn lúc này. Suốt đêm qua, Diêu đã nghĩ ngợi không thôi, về việc tiếp tục giữ yên nhịp sống của hiện tại, không muốn có xáo động nào thêm, hay sẽ đến thăm Toàn. Diêu nằm miên man nhớ đến ánh mắt cầu khẩn của mẹ Toàn, nghĩ đến những ngày ít ỏi mà Toàn còn được sống. Thêm nữa là ý nghĩ dù muốn dù không Toàn cũng chính là bố của con trai mình. Nhớ lại những điều đó, Diêu cảm thấy lòng nhẹ nhõm phần nào.
Lúc Diêu chuẩn bị đặt tay dịch cánh cổng thì tình cờ mẹ Toàn từ trong nhà bước ra. Trông thấy Diêu, bà bước vội về phía cổng, không giấu được vẻ mừng rỡ:
– Con đến hồi nào, sao không gọi cho bác?
Diêu lễ phép:
– Dạ, con cũng vừa tới. Xin phép bác cho con vào thăm anh Toàn!
Mẹ Toàn đi trước, Diêu khẽ khàng theo sau. Vừa đến bậc thềm, mẹ Toàn nói như reo: “Toàn ơi. Diêu đến thăm con đây này!”.
Diêu bước vào phòng, sững người lại khi thấy Toàn nằm dính chặt trên giường. Như một ai đó xa lạ, không phải người trai có đôi mắt nâu ấm áp, tin cậy mà Diêu đã từng quen. Toàn gần như bất động trên giường, không có một chút dính dáng đến Toàn thuở nói với Diêu “Để anh đưa em về thưa chuyện với mẹ” lúc Diêu thông báo mình có thai. Dù rằng sau hôm đó, Toàn không một lần trở lại, cũng không còn bất cứ liên lạc gì với nhau, nhưng trong mắt Diêu chỉ có dung mạo đó, không quen với hình ảnh Toàn đang nằm trước mặt.
Ánh mắt Toàn nhìn Diêu đắm đuối, trong đó có mừng vui, hạnh phúc lẫn hối lỗi. Miệng Toàn mấp máy tên Diêu. Lúc này, sau khi biết được lý do Toàn rời bỏ mình, nhất là giờ trông thấy Toàn tiều tụy trước mặt, lòng Diêu không khỏi nhói đau. Nhưng là nỗi đau của niềm thương yêu, tuyệt nhiên không phải là hằn học. Bởi vậy, khi thấy Toàn khó nhọc nói lời xin lỗi, Diêu ngồi thụp xuống, cầm lấy bàn tay Toàn, nói trong nước mắt:
– Anh không cần nói gì cả…
Ngồi bên cạnh, mẹ Toàn rưng rưng khi nhìn Toàn rồi nhìn Diêu. Cuộc hội ngộ những tưởng sẽ diễn ra trong muộn phiền nhưng không ngờ lại nhẹ nhõm như vậy. Mới hay, mọi sự trong cuộc đời này, tất thảy vẫn ở lòng người. Khúc mắc đã được hóa giải, trong lòng mẹ Toàn dâng lên cảm giác hân hoan. Giọng bà có phần tếu táo:
– Nó giấu tịt số điện thoại, không cho bác gọi cho con đó Diêu. Bác phải chờ lúc nó ngủ say, mới dám mở điện thoại. Gọi cho con cũng là bác lén lút gọi đó!
Diêu nhìn mẹ Toàn rồi nhìn Toàn mỉm cười:
– Anh không ngốc mà quá ngốc!
Ngồi được một lúc, khi nhìn ra ngoài trời, thấy nắng đã lên cao, mẹ Toàn liền ôn tồn:
– Diêu này. Cũng trưa rồi, hay trưa nay ở lại ăn cơm cùng bác và Toàn nhé!
Diêu cảm nhận được sự ân cần trong lời mời của mẹ Toàn nhưng điều ấy e là khó với cô lúc này. Diêu lựa lời từ chối:
– Xin phép bác để hôm sau. Bây giờ con phải về công ty, việc cuối năm cũng đang nhiều…
– Ừ, vậy thôi hôm sau rảnh con ghé chơi rồi ăn với hai mẹ con bác bữa cơm nha!
Diêu mỉm cười thay cho lời đồng ý. Trước khi về, Diêu cầm lấy tay Toàn, trìu mến:
– Hôm sau em sẽ quay lại. Anh ráng ăn uống, giữ sức khỏe!
Toàn mấp máy môi, đôi mắt nhìn Diêu bịn rịn. Trong đôi mắt ấy có điều gì muốn nói với Diêu mà không thể cất lời. Diêu nhìn vào đôi mắt ấy, bao thương yêu lẫn xót xa tràn ngập trong lòng. Không muốn phải khóc òa lên trước Toàn, Diêu vội vàng đứng dậy rồi bước nhanh ra ngoài.
Mẹ Toàn tiễn Diêu ra tận cổng, đôi mắt bà mọng nước nhưng Diêu có nhìn thấy được niềm vui xôn xao xen lẫn trong đó. Trước khi để Diêu bước ra khỏi cổng, mẹ Toàn thủ thỉ:
– Diêu à. Bác thực lòng cảm ơn con rất nhiều vì đã tới đây. Toàn nó may mắn lắm mới gặp được một người như con.
Diêu cố gắng kìm giữ sự xúc động đang đầy lên trong lòng.
– Con cũng may mắn lắm mới gặp được Toàn. Anh Toàn bị như vậy, kể ra cũng vất vả cho bác. Bác ráng giữ sức khỏe để chăm sóc cho anh ấy nhé!
Lưỡng lự một lúc, Diêu đến ôm mẹ Toàn thật chặt. Là người chủ động, nhưng Diêu vẫn cảm thấy cái ôm đó ấm áp và gần gụi làm sao.
Trên đường trở lại công ty, bất giác Diêu sực nhớ là mình đã quên nói cho hai mẹ con Toàn về Bin. Trước khi đến, Diêu có đắn đo về việc này. Biết đâu tin này sẽ giúp Toàn phấn khởi hơn, có thêm sức mạnh để chống chọi với bệnh tật. Diêu nghĩ mình cũng không nên hẹp hòi, nhất là với một người mà thời gian được sống ngày càng rút ngắn lại. Nhưng cảm xúc khi gặp lại Toàn cuốn đi, khiến Diêu không còn nhớ gì nữa.
Mà mẹ Toàn không biết đã đành, còn Toàn, có lần nào anh nghĩ đến sự tồn tại của Bin? Hay chăng, Toàn đã nghĩ vì một lý do nào đó mà Diêu không thể giữ lại cái thai? Bất giác, Diêu nhớ lại ánh mắt của Toàn lúc Diêu sắp sửa ra về. Phải chăng Toàn cũng đang muốn hỏi về chuyện này? Mà thôi, Diêu tự nhủ, có lẽ mình sẽ nói chuyện này vào hôm sau. Và có thể hôm đó, Diêu sẽ đưa Bin tới, như một món quà bất ngờ mà Diêu muốn dành cho hai mẹ con Toàn. Vốn dĩ, cuộc sống này luôn có những bất ngờ mà không phải ai cũng lường được. Từ cuộc đời của mình, Diêu đã học được như vậy.
(*) Thơ Hoàng Cầm
HỒ HUY SƠN
(Văn nghệ Bình Định số 102 tháng 10.2021)