Rừng Bà Bơi tình người tình đất

KỶ NIỆM 46 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30.4.1975 – 30.4.2021)

(VNBĐ – Bút ký). Những ngày tháng Tư này, khi hào khí rầm rập tiến quân như vũ bão về phía Sài Gòn của quân giải phóng từ 46 năm trước được các phương tiện truyền thông liên tục nhắc nhớ, tôi lặng lẽ ngược đường về hướng núi Hoài Ân, tìm đến những người chiến sĩ từng chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 3 Sao Vàng để được nghe những điều chưa biết về một thời hoa lửa của cha anh và ngắm rừng Bà Bơi trong ánh ngày mới.

Tôi gặp vợ chồng chú Lê Văn Nam – Phạm Thị Hồng Vân và cô Nguyễn Thị Sáu là những chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng năm xưa, giờ đang an sống bên con cháu ở xã Ân Nghĩa (Hoài Ân). Chú Nam nguyên là chiến sĩ trinh sát, rành đường thuộc lối. Cô Vân từng là y sĩ trung đoàn, biết rõ việc quân y và thương binh. Cô Sáu trước làm y tá, sau qua vận chuyển cũng biết nhiều chuyện… Những câu chuyện kể được bổ sung, đính chính cho nhau, làm hiện lên một quá khứ hào hùng của vùng rừng núi Bà Bơi…

Rừng cùng nuôi quân
Rừng Bà Bơi thuộc dãy núi Kim Sơn, nằm trong hệ thống Trường Sơn Nam, trải dài từ lưng làng T2, xã Bok Tới đến giáp rừng An Toàn (An Lão), rừng Vĩnh Kim, Vĩnh Hiệp (Vĩnh Thạnh) phía tây và giáp rừng thấp của xã Ân Hữu, Đăk Mang (Hoài Ân) ở phía đông. Vị trí này nằm trên tuyến giáp ranh giữa vùng I và vùng II của Quân lực Việt Nam Cộng hòa nên có vai trò chia cắt – cô lập và mang nhiều ý nghĩa chiến lược.

Nhìn từ xa, cánh rừng Bà Bơi cong tựa một cánh cung đã cài nỏ. Đứng trên đỉnh cao nhất của rừng (chừng 700 mét so với mặt nước biển) có thể nhìn thấy nhiều đồng, làng, sông suối trên đất Hoài Ân; thấy phố Bồng Sơn người xe nhộn nhịp và cả cửa biển An Dũ với bờ cát vàng trải dài. Rừng tựa lưng vào dãy Trường Sơn, mặt hướng về đồng bằng ven biển, vững thủ lợi công. Từ cánh rừng này, người chiến sĩ Sư đoàn 3 dễ dàng ngược xuôi thần tốc như những cánh chim ngàn. Địa hình rừng trải dài và cao dần theo hướng Đông Nam – Tây Bắc. Mặt rừng có nhiều giồng, lũng, khe, suối và nhiều khu đất bằng. Đất rừng Bà Bơi chủ yếu là đất sỏi cơm cam có độ kết dính tốt, rất thích hợp cho cây rừng bám rễ, vươn cành. Rừng có nhiều cây to, thân thẳng như gõ, xay, sàm ná, dổi… xõa tán ở tầng trên. Tầng giữa có trâm, bốm, trám, mìn lin, lồ ô… phủ đầy dây leo, mây nước, mây hèo. Tầng dưới là những thảm đót, lau, lách và dương xỉ chen nhau. Suối rừng Bà Bơi quanh năm trong vắt, đá dựng thành dãy. Có đoạn suối, đá trải dài, lô nhô giữa dòng; có đoạn xếp chất như thành lũy…

Leo hết con dốc Bà Bơi, len qua mấy khu rừng thưa rồi lọt giữa một trảng rừng già có nhiều cây to san sát, chú Nam nói như reo: “Tới rừng Trung đoàn 2 rồi Sáu ơi!”. Cô Sáu đưa tay gạt lá rừng, đảo mắt, rồi cũng reo: “Ừ. Tới rồi! Cây sàm ná chỗ tui và anh gặp năm 69 kia nè!”.

Ngày 02.9.1965, tại dốc núi Bà Bơi thuộc địa bàn xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, nay thuộc xã Bok Tới (Hoài Ân), Sư đoàn 3 Sao Vàng – sư đoàn chủ lực bộ binh cơ động quân giải phóng khu V – được thành lập; có nhiệm vụ phối hợp với quân dân địa phương phá ấp chiến lược, mở rộng vùng tự do, tiến đánh địch trên địa bàn tỉnh Bình Định và Nam Quảng Ngãi. Sư đoàn có 3 trung đoàn bộ binh: 2,12,22; một tiểu đoàn phòng không 12,7 ly; một tiểu đoàn pháo cối, một tiểu đoàn công binh – vận chuyển, một tiểu đoàn thông tin và một đại đội trinh sát. Dưới tán rừng Bà Bơi (mật danh T2) lành hiền, sư đoàn không ngừng lớn mạnh và đã tổ chức hàng nghìn trận đánh, sớm giải phóng vùng đất Hoài Ân khỏi ách kìm kẹp của Mỹ Ngụy, góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng tỉnh Bình Định, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Sư đoàn 3 Sao Vàng và nhiều trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội, cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn xứng đáng được nhà nước ta trao tặng danh hiệu anh hùng LLVTND.

Ngồi nghỉ chân dưới tán rừng già rợp mát trong khu rừng lịch sử, tôi cảm giác như đâu đây có tiếng chân người trên lá khô rơi dày. Một tràng âm thanh ve rừng ngân xa ngút ngắt… Chú Nam dộng dộng cán rựa xuống đất rừng, bảo: “ Đất vầy chứ chắc lắm! Hồi đó làm “hầm bò”, ở hết trong đất!”… Tôi thắc mắc chuyện “hầm bò”, thì chú Nam cười: “À! Đó là cái hầm trú ẩn của bộ đội Sư 3 ở đây. Nó được đào xuống đất, sâu tầm một mét rưỡi, dài 2m, rộng 2m, đủ chỗ cho 3 – 4 người nằm, trên gác cây to, phủ đất rồi phủ thêm ni lông. Những lúc có tin thám báo địch nhảy dù xuống rừng hoặc máy bay địch bay ngang thăm dò, bộ đội mình vào hết trong hầm. Vì thấp, vào hầm phải bò nên anh em gọi vui là “hầm bò!”. Rồi chú nói thêm: “Nhiều lần địch nghi ngờ, bay – bắn và ném bom dữ dội nhưng nhờ có cây rừng che chắn nên không trúng hầm. Vì bí mật của căn cứ, ta không bắn trả, thực hiện tốt mệnh lệnh chiến khu “Đi không dấu, nấu không khói, nói không to, ho không tiếng” nên căn cứ luôn an toàn”. Cô Sáu tiếp lời: “ Đất này cũng “đãi” bộ đội lắm! Năm ấy, tôi xin được mấy hom mì gòn của bà con Ân Nghĩa đem về giâm bên lán quân y. Mới có 4 tháng mà sắn mì cao ngập đầu. Bươi thử, tôi thấy có củ. Mừng quá, tôi nhổ lên. Ui, củ ơi là củ! Củ nào củ nấy to như cườm tay, luộc lên bùi ngận, thơm phức. Chuối ở đây cũng tốt. Chen lấn với cây rừng từng tấc đất nhưng nó lớn từng ngày, cây khỏe, củ to”. Rồi cô kể chuyện dây củ mài mọc chen cây và gộp đá cho cả rổ củ. Anh em hay nói vui rằng: Sư 3 mình có duyên với rừng Bà Bơi nên mới được rừng “đãi”. Bởi những cánh rừng bên kia con suối Tà Lăng đoạn giáp với sông Côn chảy qua địa phận Tây Sơn, không có lấy một dây củ mài. Rồi chua lẻ, tàu bay, rìu rìu, đọt mây, đọt sung, cơm nguội… nhưng nhiều nhất là rau ranh. Nhờ muối và sắn mì do bà con tiếp tế cộng với củ mài, củ chuối, nấm, rau rừng, cá suối mà bộ đội thêm sức tiến đánh quân thù trên nhiều mặt trận cho đến ngày giải phóng huyện Hoài Ân”.

Chúng tôi đến suối Nước Chè thuộc địa phận đóng quân của Trung đoàn 12. Cô Vân bảo: “Tên suối Nước Chè đoạn này là do bộ đội Sư 3 đặt chứ tục danh nó là suối Nước Bông. Suối này cho bộ đội không biết bao nhiêu là cá, ốc, cua, ngóe… Chỉ cần vài đọt mây hèo ủ chua có mùi thum thủm bỏ xuống nước là bắt được cua đá. Nhiều chiến sĩ đan được lờ, đó, đơm thả suốt đêm, bắt được khá nhiều cá, ốc… giải quyết được cái ăn cho bộ đội trong những ngày tắt đường vì chiến sự”…

Rừng níu chân người
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Sư đoàn 3 Sao Vàng chuyển đến địa điểm mới. Thấy mình không còn đủ sức, nhiều chiến sĩ Sư 3 xin ra quân và ở lại với đồng bào vùng căn cứ. Ông Đinh Sinh – chiến sĩ đội Giao vận – dựng nhà ngay dưới chân rừng, đưa gia đình đến ở, cùng với chính quyền địa phương vận động đồng bào Bana dựng xây đời sống mới. Ông được bà con quý trọng, sớm bầu làm cán bộ thôn rồi già làng uy tín của làng T2. Ông chia sẻ: “Lúc ấy, thấy vùng rừng này hiền, có suối chảy quanh năm, có đất để làm rẫy, có hóc để làm ruộng nước và đồng bào mình còn nghèo nàn lạc hậu nên tôi quyết ở lại”. Cô Nguyễn Thị Sáu quê ở Quảng Ngãi và anh Nguyễn Duy Tân quê ở Phú Yên yêu nhau ở căn cứ, cưới nhau trong những ngày miền Nam giải phóng rồi cùng ở lại sinh sống trên vùng đất cạnh chân núi Bà Bơi. Cô Sáu tâm sự: “Nhiều đồng đội mình từ cánh rừng này ra đi rồi đi mãi, không biết ai còn ai mất. Mình rời căn cứ về quê hay lập nghiệp ở nơi khác chẳng khác nào mình ruồng bỏ trách nhiệm hoặc “nhìn trăng quên đèn”. Hơn thế nữa, nghĩa tình đồng bào ở đây dày như núi. Mình đi xa, lương tâm sẽ cắn rứt”. Cô Mai Thị Thân và chú Lê Văn Nam cùng quê huyện Hoài Nhơn cùng ở lại gần căn cứ và cùng một lý do. Chú Nam bộc bạch: “Về quê sao được khi nhiều đồng đội còn nằm lạnh lẽo quanh đây do chính tay mình chôn, trong khi địa phương chưa có kế hoạch quy tập hài cốt liệt sĩ! Nếu ai cũng về thì người đâu làm mộ chí, kết nối với thân nhân”… Quả thật! Chú Nam ở lại và đã kết nối được với 6 thân nhân liệt sĩ, bốc – chuyển 6 mộ phần đưa về nghĩa trang quê nhà. Cô Thân cùng nhiều đoàn thân nhân vượt rừng, tìm và đưa được nhiều hài cốt liệt sĩ về quê.

Công cuộc làm ăn tập thể theo mô hình hợp tác xã (HTX) trên cả nước nói chung, trong đó có vùng đất Hoài Ân, không mấy hiệu quả. Cái đói, cái nghèo bủa vây người dân suốt mấy năm liền. Nhiều người ở Ân Đức, Ân Tường, Ân Hữu… có ý định rời làng đi Tây Nguyên, Long Khánh sinh sống nhưng thấy người Ân Nghĩa sống được với quê nhờ vào núi rừng Bà Bơi nên sớm từ bỏ ý định và học cách bám rừng trồng mì, phát nương trỉa lúa, chặt sặc, cắt đót, bứt mây, đốn lồ ô… đổi lấy lương thực, thực phẩm từ các HTX. Rừng Bà Bơi bấy giờ thu hút rất nhiều lao động. Ngoài người bản địa là đồng bào làng T2, xã viên các HTX Nông nghiệp ở Ân Nghĩa còn có người dân các xã lân cận và cả người miền xuôi: Phù Mỹ, Hoài Nhơn… cũng lục tục kéo nhau về rừng kiếm cái sinh nhai.

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, làng T2 dưới chân núi Bà Bơi trước đây thuộc xã Ân Nghĩa nay tách ra và nhập vào xã Bok Tới. Người dân T2 được nhận khoán giữ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng khoanh nuôi và được cấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp dài hạn cho rừng trồng dưới chân núi Bà Bơi. Nhờ cái chân đồng bào khỏe, cái tay hay làm và cái bụng ngay thẳng nên các loại rừng từ đệm đến lõi trong vùng núi Bà Bơi ngày một dày lên, xanh tốt, đảm bảo nguồn nước tưới quanh năm cho các hóc ruộng quanh làng. Hóc lúa tốt, rừng trồng cho nhiều cây nặng ký, bò nuôi dưới tán rừng chóng lớn nhanh đẻ… đã giúp cho đồng bào làng T2 sớm thoát khỏi đói nghèo, vươn lên khấm khá. Số lượng gia đình làm ăn khá giả ở làng tăng lên theo năm. Tiêu biểu có những gia đình Đinh Văn Ngốp, Đinh Văn Nhang vừa trồng rừng vừa làm dịch vụ: xay xát, chăm sóc – khai thác – vận chuyển – mua bán gỗ nguyên liệu… xây được nhà tầng, sắm được ô tô và nhiều vật dụng đắt tiền. Làng T2 từ vài mươi hộ dân sau năm 1975, nay đã có trên 300 hộ. Không một ai muốn rời làng.

Chú Lê Văn Nam và cô Nguyễn Thị Sáu thăm mộ đồng đội tại nghĩa trang dốc Bà Bơi. Ảnh: B.T.P

Xanh lên ký ức
Đất nước thống nhất đã 46 năm, việc Đảng, việc nhà, chuyện làng, chuyện xóm luôn đè nặng lên đôi vai những người chiến sĩ giải phóng năm xưa còn ở lại vùng căn cứ. Nhiều lúc tưởng chừng họ quên hết chuyện cũ, nhưng không! Họ vẫn nhớ như in từng sự kiện lịch sử, nhớ cả họ tên từng đồng chí cùng trung đội. Chú Nam kể vanh vách trận đánh chốt Gò Loi (Ân Tường, Hoài Ân) vào 1 giờ sáng ngày 09.4.1972, chuyện vượt đèo Cây Sung – ranh giới giữa Hoài Ân, Phù Mỹ – đụng độ với biệt kích Mỹ và việc xử trí cực kỳ lanh lợi của những chiến sĩ trinh sát Sư 3. Chú bảo: “Khổ thì khổ nhưng không thể quên kỷ niệm chiến trường, nhất là khu rừng Bà Bơi. Có khi do ta thường nghĩ đến, có khi tự nó ùa về. Nhưng cũng có khi do một yếu tố khách quan nào đó xuất hiện, làm ta nhớ quay quắt, chẳng hạn một cơn gió trái mùa, một mùi hương hoa rừng thoảng qua… Như mới hôm qua, đi ngang trại giam Kim Sơn, thấy mấy lùm hoa mua nở rộ, tôi bần thần nhớ đến căn cứ”. Nói đến đây, sắc mặt chú sáng hẳn lên. Chú đổi giọng: “Hồi đó, trước mùa chiến dịch thường có văn công về căn cứ. Nghe văn công, ai cũng háo hức. Nhiều người trằn trọc cả đêm, mong trời mau sáng để được đón. Văn công quân khu có nhiều cô gái dạn dày chiến trường, đàn hát rất hay. Sân khấu cho các cô biểu diễn thường là tảng đá bên hội trường Bộ chỉ huy trung đoàn. Các cô diễn ban ngày, không son phấn. Nhạc cụ chỉ có ghi ta và một đàn accordion nhưng hấp dẫn, lôi cuốn vô cùng! Hát hay và đẹp nhất có cô Trà My. Cô thường cài hoa rừng lên tóc lúc diễn. Khi thì hoa sim, khi bông trang, nhưng thường nhất là hoa mua. Hoa này màu tím rất duyên và ý nghĩa. Cô có chất giọng cao vút, trong như tiếng suối mùa xuân, thường hát những bài Tiếng đàn Ta Lư, Cô gái vót chông, Người con gái Pa Cô. Tiếng hát cô đã đưa chúng tôi đến nhiều ngả đường Tổ quốc, quên hết mọi gian khổ, hiểm nguy. Tiếng hát ấy, con người ấy đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in”.

Cô Vân gần gũi với thương binh, có nhiều chuyện nhớ nhưng nhớ nhất là chuyện mót cơm trôi nấu cháo cho thương binh năm 1968. Cô bùi ngùi: “Năm ấy, gạo, muối chậm đến trạm xá 70 của sư đoàn. Thương binh đói lả và kiệt sức. Họ rên, khóc, kêu, đòi thảm thiết. Tôi nghĩ nát óc nhưng vẫn không tìm ra cách. Tình cờ một hôm, tôi ra suối giặt đồ thương binh, thấy có nhiều hạt cơm trôi theo dòng nước. Tôi trố mắt một lúc rồi vội căng áo ra hứng. Hạt nào trôi ra ngoài, tôi chạy theo chặn lại. Một lúc, tôi gom lại được một nhúm. Số cơm hứng được, tôi rửa sạch nấu cháo cho thương binh. Ăn được ít muổng cháo gạo, thương binh khỏe hẳn nhưng khi biết được chuyện, ai cũng ôm mặt khóc rưng rức. Mấy ngày sau, chị em chúng tôi dò la mới biết được số cơm trôi ấy là của trạm xá K200 tỉnh đội rửa xoong nồi để chuyển đi địa điểm mới. Đơn vị ấy cũng đóng chân bên suối Tà Lăng nhưng ở đầu nguồn, cách chúng tôi chừng vài cây số”…

Nhớ căn cứ, nhớ đồng đội và đồng bào Ân Nghĩa, hằng năm cứ đến ngày Giải phóng huyện Hoài Ân 09.4 và ngày 30.4, nhiều cán bộ, chiến sĩ Sư 3 lặn lội đường xa về thăm. Mỗi năm có đến chục lượt người về. Mỗi lần về đều sáng lên vài, ba câu chuyện ấm áp tình người. Cô Vân tiết lộ: Cô mới được một đoàn cán bộ, chiến sĩ Sư 3 từng sống ở căn cứ Bà Bơi, trong đó có người từng ăn cháo nấu từ cơm trôi do cô mót mời dự cuộc gặp mặt 46 năm thăm lại chiến trường xưa tại hội trường UBND xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn). Người ăn cháo “đặc biệt” ấy tên Nguyễn Hữu Bằng đang công tác ở tỉnh Thanh Hóa. Cuộc gặp đẫm đầy nước mắt vì chú Bằng đem chuyện cô mót cơm trôi suối nấu cháo cho thương binh kể với mọi người và xin được nhận cô là ân nhân. Nhiều người dự gặp mặt, nghe xong chuyện sụt sùi… Bật khóc.

BÙI TẤN PHƯỚC

(Văn nghệ Bình Định số 96 tháng 4.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Góp lửa cùng đồng đội

Trong chiến tranh và cả trong thời bình, những người lính quân khí luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, sát cánh cùng các binh chủng khác hoàn thành sứ mệnh lịch sử…

Soi trong mắt trẻ…

Bằng tình yêu thương, sự quan tâm chân thành, những người lính đã làm cha, làm mẹ “đỡ đầu”, tạo thêm điểm tựa tinh thần để các trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn vững tin đi về phía trước…

Trở lại Trung đoàn 739

Tôi có dịp trở lại với Trung đoàn bộ binh 739 vào những ngày nắng tháng Tám… Thấm thoắt đã 10 năm trôi. Đường vào không phải băng qua con đường đất bụi mù…

Trọn tình yêu với đảo xanh

Tôi may mắn có chuyến đi thực tế đến Đại đội Hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh lần thứ hai, sau gần 10 năm. Bao cảm xúc thân quen chợt ùa về khi chiếc tàu vừa cập cầu cảng…