KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH BÌNH ĐỊNH (31.3.1975 – 31.3.2025)
(VNBĐ – Thời đàm). Ngày cuối tháng Ba này đối với tỉnh Bình Định là một ngày đặc biệt. Tròn 50 năm trước, tỉnh được giải phóng để cùng với cả nước tiến một bước dài trong cuộc tổng tấn công vào thành lũy cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
50 năm trôi qua, cùng với cả nước, tỉnh nhà đã vượt qua bao khó khăn, thử thách xây dựng cơ đồ để giờ đây có một Bình Định vị thế trong khu vực duyên hải miền Trung và trên bản đồ Việt Nam. Hạ tuần tháng Ba, lãnh đạo tỉnh đã phấn khởi báo tin vui với Thủ tướng Chính phủ nhân chuyến về thăm Bình Định: Quý I, tốc độ tăng trưởng GRDP dự kiến tăng trên 7% (cùng kỳ quý I.2024 tăng 6,26%); riêng ngành công nghiệp tăng trên 10%. Đây là dấu hiệu khởi sắc, phù hợp với kịch bản tăng trưởng mới ở mức hai con số trong 10 năm liên tiếp, với mục tiêu năm 2025 đạt mức tăng trưởng 8,5 đến 9%!
Từ tháng Ba lịch sử này nhìn tới, Bình Định đang đứng trước nhiều vấn đề hệ trọng cần phải thực hiện trước khi cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới – “kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc”. Chưa bao giờ mọi thứ lại trở nên khẩn trương như ở thời điểm này khi tỉnh nhà từng ngày bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2025 cùng lúc tiến hành quyết liệt, mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương và các Kết luận: 126-KL/TW, 127-KL/TW, 128-KL/TW của Bộ Chính trị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đồng thời chuẩn bị chu đáo để tổ chức đại hội đảng các cấp theo Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị…
Cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy ở Bình Định đã đạt được kết quả bước đầu khi đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị đánh giá cao về việc hoàn thành tốt công tác sắp xếp ở giai đoạn 1. Bước đi lớn hơn ở giai đoạn 2 là xây dựng mô hình chính quyền hai cấp, bỏ cấp huyện; đồng thời thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh, thành theo định hướng của Trung ương trong điều kiện “vừa chạy vừa xếp hàng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm”.
Cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy được xác định là cực kỳ khó khăn khi phải đụng chạm đến nghề nghiệp, cuộc sống của nhiều người dẫn đến nhiều tâm tư, đòi hỏi sự nỗ lực làm tốt công tác tư tưởng của các cấp, các ngành, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân mà trước hết là tạo sự đồng thuận trong Đảng, các cấp chính quyền, xã hội vì sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, việc tinh gọn bộ máy phải chọn ra những cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ tầm, đủ năng lực trong bộ máy mới để đảm đương công việc. Có như thế mới công bằng cho những người phải chịu tinh giản và mới đáp ứng được những yêu cầu đưa đất nước vào “kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.”
Một bộ máy tinh gọn phải trên cơ sở một nền khoa học, công nghệ phát triển, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Chính vì vậy mà việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng trở nên cấp thiết. Bình Định đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình triển khai chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để thống nhất tư duy về vai trò thiết yếu của khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, xem đây là yêu cầu bắt buộc cho phát triển. Đồng thời, cần đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý theo hướng bám sát thực tiễn với phương châm “chủ động, nghĩ lớn”. Ngành Khoa học và Công nghệ cần tận dụng Nghị quyết số 57-NQ/TW để đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ địa phương, tập trung vào các nhiệm vụ khoa học, công nghệ trọng điểm gắn với thực tiễn và chuyển đổi số, ưu tiên tuyển chọn các đề tài nghiên cứu phục vụ phát triển nền tảng số, dịch vụ số và dữ liệu số cho các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển công nghệ sinh học, bán dẫn, AI và IoT nhằm xây dựng nền tảng khoa học, công nghệ tiên tiến, nâng cao giá trị sản xuất và năng lực cạnh tranh địa phương.
Từ tháng Ba nhìn tới, Bình Định rộn ràng bao việc. Ngoài việc tập trung triển khai mạnh mẽ, quyết liệt cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, ngày 25.3, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025 tỉnh Bình Định đạt từ 8,5 – 9%, góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá được giao các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt theo tinh thần “thần tốc, hiệu quả”!
Đây cũng là dấu hiệu cho thấy sự quyết tâm của tỉnh nhà nhằm chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để tỉnh bước vào kỷ nguyên mới!
DƯƠNG HIẾU