Bếp lửa nhà sàn và cầu thang nhà sàn của người Bahnar Kriêm

(VNBĐ – VHDGBĐ).

Bếp lửa nhà sàn của người Bahnar Kriêm

1. Vai trò của bếp lửa nhà sàn

Nhà sàn của người Bahnar Kriêm khi xưa, dù nhà lớn hay nhỏ, ít nhất đều có từ một đến hai bếp lửa. Người Bahnar Kriêm cho rằng, bếp lửa là hồn, là sự sống của con người chứ không phải như con thú vật trong thời kỳ chưa có lửa. Có lửa là có tất cả, từ thức ăn, thức uống, thức hút, thức đốt, đến việc cúng quải các vị Thần – Yang cũng như ông bà tổ tiên. Do vậy mà các cụ già cho rằng, bếp lửa nhà sàn là một vị thần, được gọi là Yang Tơ M’o hu, được đại diện bởi ông Táo chủ – Tơ M’o hu tơm. Yang có nghĩa là rất to lớn. Theo ý nghĩa đó, thần Bếp được coi tương đương như các vị thần Núi, thần Trời, thần Đất… Các cụ giải thích: Thần Núi thì cho rừng núi, thần Trời thì cho mưa nắng, thần Đất thì cho nơi ở của vạn vật trên thế gian này, còn Thần – Yang lửa – Tơ M’o hu là cho sự tồn tại của mỗi gia đình, trong đó có gia đình người Bahnar Kriêm.

Người Bahnar Kriêm cho rằng, trong mỗi nhà sàn có rất nhiều Thần – Yang, trong đó có thần Yang Tơ M’o hu tơm. Trong sự tồn tại của người Bahnar Kiêm, Yang Tơ M’o hu hay Yang Hnam, tức là Yang nhà cửa, luôn thường xuyên trông coi, phù hộ cho tất cả các thành viên trong gia đình gặp nhiều may mắn mỗi ngày. Thần – Yang bếp lửa là vị thần trông coi trực tiếp về ăn uống: khi no, khi đói, khi mạnh khỏe, khi ốm đau, với cuộc đời khi sáng, khi tối, khi ấm, khi lạnh… của mọi thành viên trong gia đình. Các thành viên trong gia đình đều mong muốn Thần – Yang Tơ M’o hu đừng làm những việc ác, gây đau khổ cho mọi người. Mọi thành viên đều luôn tôn trọng Thần: khi lửa to, lửa nhỏ, khi bếp có lửa hay không có lửa, trong những ngày có cúng quải, gia chủ cũng cúng mời Thần – Yang nhà cửa, Thần – Yang Tơ M’o hu đến uống rượu, ăn thịt cùng chung vui với gia đình.

Các già làng thường nói cho chúng tôi nghe về sự quý báu của lửa mặt trời. Lửa cho ngày sáng sủa để mọi người, vạn vật nhìn thấy nhau, cho người đi rừng, đi rẫy; khi về đêm, lửa đi ngủ… Riêng ngọn lửa nhà sàn thì cho sáng liên tục. Ban ngày cũng sáng, cho nấu, cho nướng, ban đêm cũng sáng, cũng nấu, cũng nướng được. Ánh lửa nhà sàn gần với mọi người, là của mọi người, muốn bất cứ lúc nào cũng được. Người bảo sáng là làm lửa sáng ngay. Người bảo tắt là làm lửa tắt ngay. Muốn lửa sáng to là to, bảo sáng nhỏ thì nhỏ… Lửa ăn ở gần gũi bên người đời. Theo đó, lửa có vai trò rất to lớn đối với đời sống con người.

Theo các già làng, lửa có mấy tác dụng lớn sau đây:

– Thứ nhất, lửa có tác dụng rất quan trọng trong nấu nướng. Từ khi có lửa, con người bước vào thời kỳ văn minh. Nói theo cách của các già làng người Bahnar, đó là thời kỳ đổi đời, là bước ngoặt vĩ đại của tiến trình lịch sử cộng đồng gắn với ăn chín, uống chín. Cuộc sống trở nên tốt hơn, vì không bị đau đường ruột, không mắc cơn sốt rét, trẻ em không còn ốm đau, mọi người cảm thấy trong người luôn khỏe mạnh… ngày – tháng .

– Thứ hai, lửa có tác dụng sưởi ấm lòng mọi người. Thời xa xưa, tổ tiên người Bahnar rất khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, ban ngày đi rừng, đi rẫy, thân trần, đầu đội trời, chân đạp đất; trời nắng, trời mưa còn trú tạm dưới hang gộp, dưới bóng cây, còn những ngày lạnh buốt không biết nương nhờ vào đâu nếu không có lửa sưởi ấm. Trời mưa lạnh ở trong hang hay nhà sàn, người Bahnar nhóm lửa lên, vừa nấu cơm, nướng củ, vừa sưởi cho ấm người. Rồi những đêm mưa giá lạnh, gia đình nhóm lửa, mọi người tụm năm, tụm bảy đưa chân gần bếp lửa, yên giấc ngủ cho đến tận sáng mai.

– Thứ ba, lửa có tác dụng soi sáng trong đêm tối. Lửa có tác dụng rất lớn cho mọi hoạt động của con người khi đêm về. Đi rừng, đi rẫy về tối, nhờ có ngọn lửa sáng mà mọi người được ngồi lại quây quần bên mâm cơm. Con mắt nhìn thấy nhau, mẹ cho con bú, ông hút thuốc, bà ăn trầu, rồi nghe kể chuyện, nghe các cụ hát bài hơmon… Ngọn lửa còn rất sáng trong những đêm vui hội gia đình, vui hội làng thâu đêm. Ngọn lửa soi sáng đường cho cặp vợ chồng trẻ từ rừng, từ rẫy về làng, soi sáng đường cho ông bà về đến chòi để giữ rừng, giữ rẫy.

– Thứ tư, lửa thường xuyên ở trong con người. Nguồn để làm ra lửa không cồng kềnh như con dao, cái điếu thuốc hay cái cây rựa mà nó là cái bật lửa, bao diêm chỉ nhỏ bằng hai ngón tay người lớn, như cái bánh in, rất nhỏ, để vào trong túi áo, túi quần, chỗ nào cũng được. Khi cần, người ta dễ dàng lấy ra để hút thuốc, để nhen lửa, để đốt đóm, đốt đuốc soi đường đi đêm. Khi lên rừng, lên rẫy, hay khi sang bạn chơi, đi ngủ lúc nào nguồn lửa cũng luôn ở trong thân chủ.

Trong vài chục năm gần đây, hộ gia đình của người Bahnar Kriêm thường chỉ có hai cặp là cặp ông bà già và cặp vợ chồng con cả hoặc em út ở nhà trông nom cha mẹ đang ở tuổi xế chiều. Vì thế, trong nhà sàn chỉ có hai bếp lửa, đặt ở hai vị trí khác nhau. Vị trí cặp vợ chồng ở có một bếp lửa, được gọi là bếp phụ; còn bên chỗ ở của ông bà, có một bếp, được gọi là bếp chính, hay bếp chủ. Theo truyền thống, xét về mô hình cấu trúc hay hình thức, cả hai bếp tương đối giống nhau, cả về to nhỏ, về cấu tạo, tính chất và cả cách sử dụng bếp lửa.

2. Bếp lửa nhà sàn của người Bahnar Kriêm

Bếp lửa nhà sàn của người Bahnar Kriêm, dù bên bếp chính hay bếp phụ đều tồn tại trong sự bảo vệ, che chở và đùm bọc của Thần – Yang Tơ M’o hu tơm và của tất cả thành viên trong gia đình. Tuy mỗi bếp một góc nhà, mỗi bếp đều có niềm vui nỗi buồn riêng, có những việc ứng xử trọng khinh khác nhau. Tuy không nhiều, không lớn, không chênh lệch lắm nhưng đều có nhiều điểm tương đồng về thái độ phục vụ nhu cầu cuộc sống của tất cả các thành viên trong gia đình.

a. Giống nhau:

– Thứ nhất, cấu tạo khung bếp đều là hình tròn, lấy đoạn đay oh nga làm vành đều dẻo dai và chắc chắn.

– Thứ hai, cả hai đều được đặt trên sàn nhà ở một vị trí đã chọn, cố định.

– Thứ ba, trong cả hai khung bếp, bếp phụ và bếp chính, đều được đổ một lớp đất mịn, được nặn, ép thật đều và thật chặt, bề mặt đất hơi nhô lên, tròn trịa. Lớp đất này, cộng với những tàn bụi của than củi, dần dần sẽ thành lớp tro trắng, mà người Bahnar Kriêm gọi là Tơ Nuh unh. Khi nào tro bếp đầy quá, gia đình xúc ra đem đổ vào các gốc cột nhà, mục đích ngăn kiến bò lên nhà.

– Thứ tư, cả hai bếp chính và phụ đều được đặt ba hòn đá – ông Táo, khi nhóm lửa đều sử dụng cây củi khô. Trước khi đi rừng đi rẫy, người Bahnar đều chú ý dập tắt lửa ở cả hai bếp để đề phòng hỏa hoạn.

– Thứ năm, cả hai bếp đều sử dụng lửa để nấu nướng thức ăn, thức uống, đồng thời làm nơi sưởi ấm cho các thành viên gia đình khi ngủ đêm, khi gặp mưa, gió lạnh.

b. Khác nhau:

– Về bếp lửa phụ:

Truyền thống của người Bahnar Kriêm thường là, khi bước vào nhà sàn, bên phải cửa chính có bếp lửa chính – tức là bếp chủ, còn hướng phía trái cánh cửa, là bếp phụ, là bếp của cặp vợ chồng con. Bếp phụ được đặt sát phên tường chiều rộng của ngôi nhà, ngay cạnh cửa sổ và cách chếch cửa chính khoảng ba hay bốn mét tùy theo nhà sàn rộng hay hẹp, là nơi sinh hoạt của con cháu trong nhà. Bếp phụ của người Bahnar Kriêm có khác chút ít so với bếp chính, thể hiện ở mấy điểm:

+ Thứ nhất, nếu so với bếp chính hay bếp chủ thì vòng tròn khung của bếp lửa phụ có nhỏ hơn một chút. Đường kính của khung vòng tròn bếp chính được cho là một mét (1m) thì vòng khung của bếp phụ chỉ có thể tám mươi phân (0,80m). Theo các cụ, đã gọi chính là phải lớn hơn phụ, hay đã gọi là chủ thì phải hơn hẳn các thành viên – kiểu như, ông là phải hơn cha, anh là phải hơn em, nhà rông phải to hơn ngôi nhà gia đình… Về mặt thực tế, nơi sinh hoạt quanh bếp lửa phụ có thể ít hơn, thường chỉ là cặp vợ chồng và một, hai con cái. Hoạt động trong bếp phụ, nấu nướng cũng không nhiều và thường xuyên, chỉ là giúp phụ khi mà bên bếp chính có yêu cầu. Bếp phụ chỉ đảm đương những sự vụn vặt, phục vụ cho nhu cầu của các thành viên trong nhà như: nấu rượu cần, nấu cám heo, phơi khô quần áo… Vị trí bên bếp phụ cũng là nơi con trẻ hay chơi bời, đùa nghịch, làm cho khu vực bếp lửa ít có bầu không khí nghiêm túc trong sinh hoạt. Hơn nữa, các cặp vợ chồng trẻ hay vắng nhà do đi rừng đi rẫy dài ngày, hoặc đi thăm anh em bạn bè, tối mới về nhà. Trong trường hợp đi lâu ngày như thế, ở nhà bếp lửa phải bỏ, không ai nhen nhóm. Các cụ cho rằng, bếp lửa nhà mà bỏ lâu ngày là bếp đã hoang vắng, con nhện đã giăng tơ… thì kiêng kỵ lắm. Sống trong một gia đình phải có nề nếp, kỷ cương, con cái có đi đâu lâu ngày, phải báo cho ông bà chủ biết để mà trông nom bếp lửa, tầm hai, ba ngày có thể nhen nhóm lửa một lần, để gia đình lúc nào cũng ấm cúng.

+ Thứ hai, về hòn đá – ông Táo, thường ba hòn đá được xếp đặt khoảng cách nhau ngay ngắn. Khi có công việc nấu nướng thì đem ba hòn đá – ông Táo ra đặt trong khung bếp, nấu nướng xong rồi có thể dời ông Táo đi. Bếp lửa phụ cũng có đặt ngay ngắn ba hòn đá – ông Táo Tơ mo hu, nhưng không được thường xuyên. Lúc cần nấu nướng thì để, còn không thì có thể dời ba ông Táo đi. Nếu cần thì lại đặt hòn đá nào đúng vị trí của hòn Táo ấy.

– Về bếp lửa chính:

+ Quan niệm về bếp lửa chính: Bếp lửa chính được người Bahnar Kriêm gọi là unh tơm, tức là bếp lửa gốc hay bếp chủ. Trước đây, mấy cụ cho rằng, trong nhà sàn của người Bahnar tồn tại mấy loại lửa: lửa để hút thuốc, lửa nến sáp mật ong, lửa bên bếp phụ và lửa bên bếp chính. Theo tập tục, bếp lửa bên vị trí ông, bà nghỉ ngơi được chọn làm unh hnam, tức là bếp chủ. Các loại lửa kia là lửa phụ, lúc có, lúc không, còn lửa bên bếp chính là ánh sáng, là hồn sống, là sự no ấm, hạnh phúc của gia đình; cho nên, đòi hỏi bên bếp chủ lúc nào cũng phải có lửa.

Bếp lửa chính hay bếp chủ có vai trò rất lớn trong gia đình của người Bahnar Kriêm, nếu gia đình có ông chủ, nhân vật chính, nhân vật chủ, được mọi thành viên trong gia đình kính nể, tôn trọng thì bếp chủ cũng đảm đương nhiều công việc quan trọng trong bếp lửa và được ông, bà chủ đề cao, sùng bái. Là Thần – Yang trong gia đình. Thời xưa, tổ tiên người Bahnar Kriêm sống theo tín ngưỡng đa thần, coi thế gian này chỗ nào cũng có các Thần – Yang ở cả:

Trên không gian bao la, có Thần ông trời.

Trên không gian rừng núi mênh mông, có Thần rừng, Thần núi.

Trên mặt đất, có Thần – Yang đất.

Trên mặt đất có nhiều con sông, con suối, có Thần – Yang đak.

Trong làng có Thần – Yang Pơlei.

Trong mỗi gia đình, có Thần – Yang Unh hnam.

Trong vòng khung bếp lửa nhà sàn, có Thần – Yang Tơ M’o hu.

Bếp lửa nhà sàn luôn được ông bà chủ và các thành viên trong gia đình coi trọng. Trong một năm, gia đình có nhiều ngày cúng quải lớn nhỏ như: lên nhà mới, lễ hội mừng sức khỏe gia đình, ăn cốm lúa mới, ngày thổi tai bé mới sinh… Tất cả đều liên quan tới các Thần – Yang trong nhà như: Thần – Yang cột nhà, mái nhà, sàn nhà, bếp lửa, nhà sàn – Yang Tơ M’o hu… Các quy mô cúng quải dù lớn hay nhỏ, vui hay buồn cũng mời tới Thần – Yang Tơ M’o hu đến chứng kiến và cùng chung vui, buồn với gia đình. Trong gia đình khi có người ốm, đau nặng hoặc ăn ở không được suôn sẻ, các cụ đều cho là, một số thành viên trong gia đình đã có ăn uống hay sinh hoạt không tốt với các Thần – Yang. Các cụ cho rằng, trong gia đình các thành viên biết ăn ở đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau thì các Thần – Yang trong nhà mới quý mến, cho nhiều sức khỏe, làm ăn khấm khá, gia đình hòa thuận và hạnh phúc.

+ Cấu trúc của bếp chủ: Khung bếp lửa chính rộng hơn khung bếp phụ và mô đất đắp lên cũng cao hơn. Đá ông Táo gồm có ba hòn, được đặt ngay ngắn trên khung bếp. Việc sử dụng ông Táo có khác hơn so với bên bếp phụ. Hai hòn đá – ông Táo (gọi là hai Táo) được đặt bên ngoài khung, sử dụng linh hoạt. Khi cần nấu, người Bahnar sẽ đem đặt hai ông Táo vào, còn hết nấu có thể đưa ra ngoài, nhường bếp để lùi củ mì, nướng chim, nướng thịt, để bếp lửa rộng rãi hơn, cho nhiều củi thêm, để lửa cháy to thêm, mọi người cùng ngồi sưởi ấm quanh bếp lửa, nhất là vào những đêm gió lạnh.

+ Việc nấu, nướng ở bếp chủ: Các thành viên trong gia đình đều nắm rõ các quy định về nấu nướng cái gì, cái gì không được nấu. Một gia đình dù lớn hay nhỏ, có thể từ hai đến ba cặp vợ chồng, nhưng đều cùng có một ông chủ nhà, cùng có chung bếp chủ, ông Táo chủ. Theo tập tục gia đình, họ đều làm chung một cái rẫy, đến mùa thu hoạch lúa, hoa màu trên rẫy đều tập trung vào trong một kho lúa, gọi là: xum ‘ba. Người Bahnar thực hiện phương châm cùng làm, cùng ăn, nếu hết thì cùng nhịn. Việc làm một số nghề khác như săn bắt chim thú, hái lượm, bắt xúc cá, tôm, ếch nhái… được con chim thú dù lớn hay nhỏ; được rau, củ, quả, hay cua, ốc, tôm, cá nhiều hay ít cũng đem về gia đình nấu chung, ăn chung. Một quy định đáng kể nữa là, các thức ăn, thức uống, nấu ở bếp nào cũng được nhưng nồi cơm cho cả gia đình ăn, hay một cặp vợ chồng nào đó ăn, thì phải được nấu tại bếp chủ. Các cụ diễn giải như thế này: người Bahnar coi ông chủ nhà như là một vị thần, là người dù không có tiền, có bạc hay giàu sang gì nhưng có phong cách sống gương mẫu, điềm đạm, giản dị, sống hòa đồng và biết tôn trọng tất cả các thành viên trong gia đình. Trong cuộc sống hằng ngày, ông chủ có sức hút lạ thường, khiến mọi người phải kính nể. Do vậy, mọi người rất gần gũi ông, quyến luyến với ông, xem cuộc sống hằng ngày không thể thiếu ông. Lúc ông đi rẫy, đi rừng hay sang nhà bạn uống rượu, các thành viên ở nhà, đến bữa ăn vẫn coi như ông đang ngồi cùng ăn cơm. Từ lòng kính yêu và trân trọng ông chủ nhà như vậy nên nồi cơm phải được nấu từ bếp chủ để gia đình cùng ăn chung hằng ngày. Tuy chỉ là cơm, hoặc cơm độn củ mì, củ nâu, củ mài; bữa ăn khi có thịt, có khi bữa rau, bữa củ là chủ yếu, song mọi người đều cảm thấy sung túc và hạnh phúc. Thiết nghĩ, tập tục đó rất là hay, nhiều gia đình của người Bahnar Kriêm vẫn còn duy trì cho đến mãi ngày nay.

+ Giàn bếp: Bếp lửa nhà sàn truyền thống của người Bahnar Kriêm thường bắt buộc phải có khung bếp, mô đất, ba hòn đá – ông Táo, củi đun và giàn bếp. Theo tập tục truyền thống ở người Bahnar Kriêm, chỉ bếp chính hay bếp chủ mới có giàn, vì mấy lý do sau:

Một là, thịt cũng như các thứ củ, quả khác mà ăn không hết, hoặc để dành ăn dần thì phải được để trên giàn bếp phơi cho khô.

Hai là, các thành viên trong gia đình phần lớn đi rừng, đi rẫy cả ngày, thậm chí hai, ba ngày mới về nhà, chỉ có ông bà chủ tuổi già, sức yếu thường hay ở nhà, hằng ngày vẫn duy trì được ngọn lửa trong bếp. Chỉ có hơi lửa thường xuyên mới làm khô ráo được các vật đặt để trên giàn.

Ba là, cấu tạo của giàn bếp rất đơn giản, chỉ đặt và buộc bốn cây, dài chừng một mét (1m), thành một hình vuông. Trên hình vuông đó người ta đặt nhiều cây nhỏ, đều nhau, được buộc lại cho chặt, sau đó đem treo lên trên, cách khung bếp lửa chừng một mét rưỡi (1,5m). Kinh nghiệm thực tế cho thấy, nếu trường hợp buộc giàn thấp quá, trong khi nhóm, nhen lửa hoặc trong nấu, nướng, quá trình đứng, ngồi dễ bị vướng. Nếu trường hợp giàn treo cao quá (trên 2 mét), thì khi lên đặt hoặc lấy các thứ xuống để sử dụng, sẽ khó khăn. Cho nên, các cụ cũng đã tính khi treo giàn lên cao chừng nào cho vừa.

3- Việc sử dụng cây củi khi nhóm lửa

Trong việc sử dụng lửa để nấu nướng hay sưởi ấm, cây củi đóng một vai trò rất quan trọng. Sự quan trọng đó được thể hiện ở mấy điểm sau đây:

– Thứ nhất, cây củi phải thật khô ráo, đúng truyền thống. Trước tiên, phải chọn những loại cây thật khô ráo. Cây ở trong râm, cây nằm dưới đất, cây ở dưới nước hay cây mục… là những cây không được ráo. Cho nên, khi nhóm lửa, chúng cháy không mạnh, lửa bén chậm, khói nhiều, ngọn lửa không to và cho than, tro không được tốt. Người đi rừng lấy củi, chủ yếu là chị em phụ nữ, phải biết tìm chọn đúng loại cây truyền thống chứ không phải thấy cây khô nào cũng vơ về. Người Bahnar Kriêm xưa nay vẫn còn lưu giữ tập tục: Trong ngày cưới, con dâu đến nhà chú rể là phải cõng hai gùi củi (brong, Tơ Oaih hay rei), không phải là loại cây tròn khô, mà là cây củi được chẻ ba, chẻ bốn, to bằng cổ tay người lớn, thẳng đẹp, và quan trọng hơn cả là phải đúng cây củi khô truyền thống. Trong quan niệm của người Bahnar Kriêm, chỉ những cô con gái lười biếng mới tìm loại củi này.

– Thứ hai, cây củi thường xuyên có sẵn trong nhà. Thời xa xưa, khi con người bắt đầu biết sử dụng lửa, đời sống của người Bahnar còn khổ đủ điều. Trong những ngày tháng nắng ấm, người Bahnar dễ dàng lấy được cây khô để nhóm, nhen lửa; còn đến mùa mưa bão việc kiếm củi trở nên rất khó khăn. Cây khô bị ướt, như bị ngâm trong nước, thì làm sao nhóm, nhen lửa được. Từ thực tế đó, ở những kỷ nguyên về sau, tổ tiên người Bahnar Kriêm đã bắt đầu biết phải dự trữ cây củi ở trong nhà. Trước đây, trong nhà sàn của người Bahnar Kriêm thường có chỗ để củi khô, thường ở các vị trí sau:

– Ở dưới gầm nhà sàn, có thể là kho cây củi, dự trữ được trong vài tháng.

– Trên trần cao giữa nhà sàn. Đây có thể là kho dự trữ cây củi thứ hai, cứ vài ngày, gia đình trèo lên lấy củi một lần. Tại kho này, số củi để tương đối lớn, có thể dự trữ đến hết thời gian mưa, bão (khoảng ba tháng), không tính củi sử dụng trong các ngày cúng lễ của gia đình.

– Nơi ở bên trái góc nhà, gần cánh cửa ra vào, có thể vừa là chỗ để bầu nước sinh hoạt hằng ngày, kề với đó là đặt một nhóm cây củi. Đây là kho cây củi dự trữ thứ ba, khi cần, gia đình có thể sử dụng trong một, hai ngày.

– Sát mé vị trí khung bếp lửa, có đặt nhóm (một gùi) cây củi, chủ yếu là để gia đình thường xuyên sử dụng. Thực tế cho thấy, một gia đình nhóm lửa, có thể sử dụng từ bốn đến năm cây củi, trong khoảng hai tiếng đồng hồ (lửa cháy liên tục), số cây củi này sẽ cháy thành tro. Như vậy trong một ngày từ sáng đến cả đêm, gia đình có thể tiêu cháy hết chừng một gùi cây củi (cây củi loại to bằng cổ chân người lớn), nếu cây củi loại nhỏ sẽ còn nhiều hơn.

4. Việc sử dụng cây củi và ngọn lửa trong nhà sàn

– Lửa vừa mới bắt đầu nhen nhóm: Cây củi được sử dụng trong khung bếp không dài quá và cũng không ngắn quá, thường chỉ chừng bảy mươi cho đến tám mươi phân (0,70 – 0,80m). Cây củi được thường xuyên thì trên bếp lửa phải có khoảng sáu cây củi nhỏ và bốn, năm cây củi lớn. Theo các cụ, khi mới bắt đầu nhóm lửa, người ta sử dụng nhiều vụn bùi nhùi, hay cây que nhỏ, là những thứ bắt lửa nhanh nhất, sau đó mới đến những cây củi nhỏ bằng ngón chân cái người lớn. Nấu nướng xong xuôi rồi, người Bahnar mới cho ba, bốn cây củi loại bình thường vào bếp, chủ yếu là để sưởi ấm hoặc để sáng nhà vào ban đêm.

– Cách nhen nhóm lửa trong nhà sàn: Từ thời xa xưa cho tới ngày nay, cách nhen nhóm lửa truyền thống trong nhà sàn diễn ra theo các bước sau đây:

+ Bước một: Sử dụng bùi nhùi để cầu lửa. Bùi nhùi và các thứ bắt lửa như lá cây, rơm rạ hay lá tranh thật khô ráo… Khi quẹt lửa vừa bật sáng, nhanh chóng đưa các thứ bùi nhùi vào, tức khắc ngọn lửa sẽ cháy to, ta sẽ có lửa một cách dễ dàng.

+ Bước hai: Nhóm củi cỡ các que nhỏ. Khi đã có ngọn lửa, ta đặt xuống mặt bếp khung lửa nhà sàn, cho các loại que, củi cây nhỏ từ ngón tay trở xuống đặt nhẹ nhàng và hơi thưa ra, trên ngọn lửa. Lúc này, có mấy yêu cầu: một) Các loại que, cây củi nhỏ phải được đặt nhẹ nhàng, nếu đặt mạnh quá thì ngọn lửa bị đè xuống, rồi sẽ bị tắt; hai) Các loại que, cây củi loại nhỏ phải được đặt hơi thưa, không nên đặt, nhóm lên nhiều quá, vì ngọn lửa bị nén chặt, dễ bị tắt; ba) Ngọn lửa vừa mới nhóm lên thường yếu ớt, cho nên, phải vừa đặt củi rất nhẹ nhàng, vừa lấy hơi nhẹ nhàng thổi để ngọn lửa mỗi lúc cháy thêm to lên.

+ Bước ba: Nhóm lửa bước hai với cây củi cỡ nhỡ. Bước này chỉ sử dụng cây củi cỡ khoảng từ ngón chân cái cho đến bằng cổ tay người lớn để ngọn lửa cháy to, cháy kỹ; chuẩn bị lấy than, và bắt đầu sử dụng lửa cho công việc nấu nướng.

+ Bước bốn: Nhóm lửa bước ba với cây củi cỡ lớn. Giai đoạn này, phần nấu nướng cơ bản đã xong, cho nên, chủ yếu sử dụng loại cây to bằng cổ chân người lớn, nhằm phục vụ cho các nhu cầu: một là, nấu rượu cần, nấu cám heo, nấu bánh tét, chủ yếu trong dịp Tết tươi; hai là, để sưởi ấm cho cả nhà, nhất là khi ngủ đêm; ba là, lùi các loại củ, nướng và các loại thịt; bốn là, nướng, đốt lông các loài con chim lớn, con thú loại nhỏ.

– Phải biết cách nhen nhóm lửa:

Trước hết, đó là khi nấu cơm. Kinh nghiệm cho thấy, ngọn lửa cháy không cần phải to lắm, nồi cơm đã sôi và cạn dần thì chỉ cần than lửa là cơm đủ chín ngon. Thiết nghĩ, đó là tập tục đẹp, gắn với những công việc tưởng chừng nhỏ nhoi như chọn cây củi, nhen nhóm lửa, lấy sức, ra mồ hôi, nước mắt, thổi hết hơi để có được ngọn lửa…

Thứ hai, khi thui lông chim, thú. Công việc này cần có ba loại lửa, mỗi loại phù hợp cho từng con chim thú một.

+ Loại thui lông các con thú lớn. Con nai, con trâu, con heo rừng, con sơn dương, con gấu… là những con thú lớn rất khó thui lông. Ngày nay, đối với những loài thú này, người ta có thể không cần phải thui lông mà chọn cách lột hết phần da. Trước đây, những con thú này đều được thui nguyên con. Khi nào thui xong, người ta mới mổ xẻ thành những phần nhỏ. Khi thui những con thú này chỉ cần hai, ba cây to bằng bắp đùi, bắt ngang qua ngọn lửa. Trong trường hợp này, đòi hỏi phải có nhiều cây củi cháy thật to, liên tục, khi thui hết lông mới thôi. Con vật lớn như vậy, đòi hỏi phải có, ít nhất từ hai đến ba người, mỗi người cầm một cẳng con thú, rồi lật đi lật lại rất vất vả mới thui. Khi thui xong, cũng cần nhiều người cắt, mổ, xẻ, băm, thái thịt con vật rồi đem chia phần cho dân làng, đem nấu nướng cùng ăn no nê.

+ Loài con thú cỡ nhỡ. Đó là các loài như chồn, nhím, dọc, khỉ, trăn… Thui các con này cũng không cần bếp, hòn đá – ông Táo, ngọn lửa cũng không cần to lắm. Công việc đỡ vất vả hơn, vì chỉ cần một người, vừa thui, vừa lật con thú qua lại, vừa lấy cây cạo lông là được. Khi mổ xẻ con vật cỡ nhỡ này cũng chỉ một người là đủ và cũng không phân chia nhiều như với các con thú lớn.

+ Loài con chim cỡ lớn. Đại bàng, con gà rừng, con công, con trĩ… là thuộc loài chim lớn. Khi thui lông, không cần phải sử dụng tới bếp, hòn đá – ông Táo; lửa cũng không cần cháy to lắm, chỉ một người vừa thui, vừa nhổ sạch lông. Công việc mổ xẻ cũng chỉ cần một người.

+ Loài chim, con vật cỡ nhỏ như con sóc, con chuột, con cu đất, con chim xanh, con bồ câu… Loại này thui lông rất dễ dàng. Lửa cháy vừa, một người có thể thui được nhiều con, mổ, xẻ cũng rất nhẹ nhàng. Thịt các loại con này ăn rất ngon, nó chỉ phục vụ trong gia đình hoặc hai, ba người ăn thôi.

Ở đây, lửa loại cháy nhỏ, nhẹ được sử dụng phổ biến nhất. Loại ngọn lửa này, yêu cầu bếp, hòn đá – ông Táo có cũng được, không có cũng được. Nó vẫn được người Bahnar Kriêm từ xưa cho đến nay vẫn thường xuyên sử dụng. Công dụng của ngọn lửa loại này chủ yếu là phục vụ nấu nướng. Thịt của tất cả con chim, thú cỡ lớn, cỡ nhỡ được cắt, băm thái nhỏ đều bỏ vào nồi, vào ống đem ra lửa bếp nấu, nướng.

Thứ ba, nhu cầu mức độ lửa khác nhau ở trong bếp lửa nhà sàn:

+ Nấu cơm: Nồi cơm chừng năm, sáu người ăn, được đặt ngay ngắn trên ba hòn đá – ông Táo, cây củi được nhóm lên chỉ cần ba, bốn cây cỡ nhỏ bằng ngón chân cái và khoảng hai, ba cây lớn hơn là đủ. Ban đầu, có thể cho ngọn lửa tăng cao lên để nước trong nồi cơm chóng sôi. Khi nước trong nồi cạn dần, lửa trong bếp cũng từ từ sẽ hạ nhỏ lại, và cuối cùng, tiếp tục có hai cách xử lý để nồi cơm chín đều. Cách thứ nhất, cho nồi cơm cạn nước, hãm lửa lại, tiếp tục để nồi cơm trên ba hòn đá – ông Táo cho đến khi nồi cơm chín kỹ mới bắc xuống. Cách thứ hai, cũng cho nồi cơm cạn hết nước, rồi khơi hết than củi ra kề bên hai ông Táo, sau đó bắt nồi cơm xuống, đem đặt vào trên mặt lớp than đó. Cách thứ hai này, có thêm công việc là phải thường xuyên xoay vòng nồi để cơm được chín đều.

+ Cơm nướng: Dùng gạo được rửa sạch bỏ vào trong ống cây lồ ô hay cây mờ o, mà người Bahnar Kriêm gọi là long treng. Có thể sử dụng cây mờ o, chỉ chừng bằng bắp tay người lớn, không được to quá và cũng không nên nhỏ quá, đổ ngập mức gạo trong ống, mỗi lần có thể đốt (nướng) từ ba đến bốn ống, nhiều hay ít là tùy số lượng người ăn. Nướng cơm trong ống cũng gần như nấu cơm trong nồi. Ban đầu, người Bahnar cho ngọn lửa tăng lên, rồi hãm lửa lại khi nước trong ống đã cạn. Cuối cùng, đem nướng trên than củi. Tuy nhiên, phải thường xuyên trở ống để cơm được chín đều.

+ Lùi củ: Các loại củ, như củ mì gòn, củ lang, khoai sọ, củ mài, củ nâu… chủ yếu là để ăn lót dạ, hay ăn phụ. Khi lùi, người ta vùi kín các loại củ nói trên dưới đống tro và than lửa, sau đó chờ khoảng mười lăm đến hai chục phút là củ chín.

+ Thui lông gà, lông chim nhỏ: Cũng trên bếp lửa nhà sàn, có đầy đủ ba ông Táo, củi. Ngọn lửa được nhóm vừa để đủ thui lông con gà, các loài con chim nhỏ như con bồ câu, con chào mào, con sóc, con chuột… Ngọn lửa được giữ mức cháy nhỏ cho đến khi công việc hoàn thành.

+ Nấu thịt, nấu canh rau: Tất cả các loài cho thịt, từ con lớn, cho đến các loại con chim, thú nhỏ, con tôm, cua, ốc, cá hay đến rau, củ, quả đều được băm, thái nhỏ, để nấu cho khoảng chục người ăn, bỏ vào trong nồi, bắt lên trên ba ông Táo, người chủ nấu sử dụng ngọn lửa không to lắm, nhưng phải cháy đều cho đến khi nồi rau, thịt chín.

Thứ tư, lửa phục vụ cho sưởi ấm. Người Bahnar Kriêm cho rằng, ngọn lửa có vai trò quan trọng đối với con người. Nhờ có lửa, ngôi nhà sàn trở nên ấm cúng. Trong nấu nướng, việc sử dụng ngọn lửa theo nhiều mức độ khác nhau. Lửa cho các thành viên trong gia đình sưởi ấm là phải có thường xuyên. Khi mưa gió lạnh lẽo, hoặc đi rừng, đi rẫy về bị dầm mưa, giá lạnh, họ cần ngọn lửa nhen to để đủ sưởi ấm, đồng thời làm cho áo váy cũng chóng khô. Khi ngủ, ngọn lửa luôn duy trì thường xuyên. Đêm ngủ không có tấm áo mặc, không có tấm chăn đắp, mọi người chỉ đưa bàn chân quanh bếp là có hơi ấm của lửa. Khi ngọn lửa liu riu, sẽ có người ngồi dậy, nhóm cho lửa cháy to hơn, mọi người cứ thế mà ngủ cho đến tận sáng. Trong trường hợp đi rừng, đi rẫy cũng vậy. Ban ngày lao động cực nhọc, đêm về lại ngồi hoặc ngủ quây quần quanh bếp lửa. Lửa không phải nhóm nhẹ như ở trong nhà sàn, trái lại, được phép nhóm củi nhiều hơn, cháy thiệt to, để mọi người đang ngủ ở xa hay gần đều nóng, ấm, yên giấc trong đêm ngủ rừng. Ngọn lửa ở trong nhà sàn hay ở trong rừng phục vụ cho nhu cầu sưởi ấm đều cần thường xuyên cháy liên tục. Chỉ khác ở chỗ, lửa trong nhà sàn cháy nhỏ, êm dịu và người được thụ hưởng ít, còn lửa được trong rừng cháy rất to và người sưởi ấm cũng rất đông.

Thứ năm, lửa có tác dụng giữ cho nhà sàn lâu bền. Theo các cụ, nhà mà không có người ở thường xuyên sẽ bị mốc meo. Cây thì mọt ăn, bếp thì nhện giăng tơ, trần thì chim làm tổ, chuột làm ổ, nền, gầm nhà thì là nơi ẩn nấp của các loại rắn, rết… Cho nên, ngôi nhà dễ bị mục nát nhanh chóng. Bình thường, một ngôi nhà có thể sử dụng được ba bốn năm. Nhưng nếu không có ai ở thường xuyên thì chỉ trong hai hoặc ba năm là ngôi nhà không thể ở được rồi. Còn những ngôi nhà, như nhà gia đình trong làng, thường xuyên có người ở, có thể sử dụng lên tới năm, sáu năm. Ngọn lửa nhà sàn không chỉ sưởi ấm cho mọi thành viên trong gia đình mà khi có hơi lửa, còn làm cho các sâu mọt không đục, khoét cây cối trong nhà, chim, chuột, rắn rết cũng không dám bò tới, làm cứng cáp thêm cây, day, lá… tăng sức bền thêm cho ngôi nhà.

5. Ngọn lửa trong việc cúng quải

Theo truyền thống, trong việc cúng quải của người Bahnar Kriêm, bắt buộc phải có tập tục và các vật cúng lễ sau đây: cột cúng (Chơ mrưng xơ drô); các vật cúng, như rượu cần, heo, gà…; ngọn nến sáp mật ong rừng. Khi cúng quải, ngọn nến sáp mật ong luôn được đính ngay ở cây cần của người cúng hoặc ngay cột cúng – Chơ mrưng xơ drô. Tùy từng nội dung cúng quải, có lúc cúng ở cột cúng, chủ yếu là các Thần – Yang ở ngoài trời. Có lúc, cây cần và ngọn nến luôn đi theo ông cúng các Thần – Yang ở trong nhà, như:

Yang Jrăng Hnam, tức là thần – Yang cột nhà.

Yang Tơ Pơng, kơ chai Hnam, tức là Thần – Yang sà dọc, sà ngang nhà.

Yang Măng Hnam, tức Thần – Yang cửa ra vào.

Yang Unh Go, Tơ M’o hu, tức Thần – Yang bếp lửa.

Theo tập tục, trong quá trình cúng không được để ngọn nến tắt. Bởi theo các cụ: Ngọn nến là người, là lời thông báo, là lời mời đến các Thần – Yang xa, Thần – Yang gần và linh hồn ông bà, tổ tiên biết để đến chứng kiến ngày cúng quải và mời các vị cùng đến ăn thịt, uống rượu cần, chung vui cùng gia đình. Với lý do như vậy, ông cúng mà làm tắt ngọn nến là kỵ lắm.

Cầu thang nhà sàn của người Bahnar Kriêm

1. Cấu trúc chung của cầu thang

Ở Việt Nam ta, chúng tôi cảm nhận, nhà sàn của các dân tộc thiểu số đều có cấu trúc cầu thang, với hình dáng, cao thấp, rộng hẹp, đơn giản hay kiểu cách khác nhau. Chúng tôi xin lấy vài cụ thể:

– Cầu thang cao hay thấp: Cầu thang cao hay thấp là phụ thuộc ở nhà sàn. Nhà sàn cao thì cầu thang cao, ngược lại, nhà sàn thấp thì cầu thang cũng thấp lại. Chúng tôi cảm nhận, đa số nhà sàn đồng bào các dân tộc phía Bắc như người Tày ở Quảng Hòa (Cao Bằng), ở huyện Na Rì, Ba Bể, Bạch Thông (Bắc Kạn), ở Tràng Định (Lạng Sơn), người Hmông ở Hoàng Su Phì (Hà Giang), hay người Mường ở một số huyện Tân Lạc, Lạc Thủy, khu du lịch Mường Lát (Hòa Bình) và nhiều nơi khác nữa đều có cầu thang cao. Gầm nhà sàn thường là nơi để máy xay lúa, khung cày bừa và một số gia dụng khác, cho nên, cầu thang nhà cũng đòi hỏi phải cao.

Nhà sàn một số dân tộc ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, nhất là Bắc Tây Nguyên như người Xê Đăng, Giẻ Triêng, Rơ Mâm (Kon Tum), người H’rê, Kor (Quảng Ngãi), người Bahnar Kriêm, Chăm Hroi (Bình Định) và một số vùng, một số dân tộc khác nữa, dưới gầm nhà sàn chủ yếu là nơi chất cây củi, hay nơi dê, heo, gà thường lui tới, nên trước đây, cầu thang nhà thường là thấp.

– Cầu thang rộng hay hẹp: Gần như đại bộ phận cầu thang nhà sàn đồng bào các dân tộc thiểu số có chiều rộng, hẹp khác nhau. Phần lớn cầu thang nhà sàn đồng bào các dân tộc phía Bắc thường có bề ngang rộng từ 1m đến 1,5m, đủ cho hai, ba người lên xuống cùng một lúc. Người Bahnar Kriêm cũng như một số dân tộc thiểu số thuộc vùng Tây Nguyên hay các tỉnh thuộc duyên hải miền Trung, chiều ngang của cầu thang rộng chỉ khoảng chừng trên dưới 1 mét. Có ít dân tộc như người Ê Đê chẳng hạn, cầu thang chỉ dựng một cây, đủ cho một người, quen lắm mới lên xuống bình thường. Vậy nên, có câu chuyện vui như thế này: Có lần, đi tham quan khu du lịch Buôn Đôn của người Ê Đê (Đắk Lắk), tình cờ gặp một em người Kinh, nghe đâu quê ở tận mãi Hải Phòng, từ từ bước xuống, tay trái em cầm cây cầu thang, còn tay kia cố gắng kéo gọn lại hai đầu váy ngắn ngủn cho gọn, không may bị trượt chân, may có một anh gần đó nhanh tay giữ lại được. Nhìn mọi người, cô bé đỏ mặt chẳng nói nên lời…

– Vẻ đẹp của cầu thang: Phần lớn cầu thang nhà sàn đồng bào dân tộc thiểu số đều mang hình chữ nhật, được đặt theo chiều ngang hay chiều dọc. Mặt cầu thang đều sử dụng tấm ván rộng khoảng trên dưới một gang tay người lớn, tương đối dày, bào chuốt cẩn thận và được đóng ở từng bậc thang, chắc, rất ngay ngắn. Cầu thang nhà sàn người Ê Đê, tuy đơn độc chỉ có một hoặc hai cây tròn, đặt riêng biệt, cây nào cũng có thể to bằng cái gùi của người Ê Đê, được bạt từng nấc đều nhau, bao, chuốt bóng và đầu trên của cầu thang được đẽo một đầu con khỉ, có nơi còn đẽo một cái vú, hai cây cầu thang là một cặp, cái vú nào cũng đều tròn trịa.

2. Cầu thang nhà sàn của người Bahnar Kriêm

Người Bahnar Kriêm có tới ba, bốn loại ngôi nhà sàn. Điểm nổi bật là giữa các loại nhà sàn đó khá giống nhau về cấu trúc cầu thang.

– Nhà chòi giữ rẫy:

Nhà chòi giữ rẫy (chòi rẫy) có chức năng chủ yếu là để giữ lúa và hoa màu. Chòi rẫy còn là nơi sinh hoạt của các thành viên trong gia đình vào mùa sản xuất lúa rẫy. Ngoài ra, nhất là trong mùa cúng quải, cũng có thể anh em, bạn bè lân cận đến chơi, vui uống rượu ghè, gặp nhau, nói chuyện về sức khỏe và công việc làm ăn. Hoa màu thu hoạch xong, gia đình tổ chức cúng, báo cho các vị Thần – Yang, linh hồn ông bà, tổ tiên biết là mùa rẫy đã xong rồi, mời hồn lúa – yang xri ‘ba về làng, về kho lúa. Cúng quải xong, rẫy và chòi rẫy đều bỏ không ai đoái hoài tới. Do vậy, chòi rẫy được dựng có phần đơn giản, cả về quy mô lẫn hình thức. Cầu thang chòi rẫy cũng không ngoại lệ.

– Nhà kho lúa:

Nhà kho lúa, người Bahnar Kriêm gọi là xum ‘ba. Đối với người Bahnar Kriêm, lúa trên rẫy mỗi năm thu hoạch khá nhiều; có thể để dành ăn hai, ba năm mới hết. Do đó, lúa để ở trong kho mới lâu được.

Ngày trước, kho lúa được làm khá đẹp. Cầu thang làm khá đẹp, chắc và bền, có độ cao tương xứng với nhà kho, nhưng hơi nhỏ, chỉ vừa đủ một người lên xuống. Cầu thang nhà sàn thường làm rất kỹ càng, bốn trụ nhà là bốn tấm lá chắn bằng tôn, rất kín; con kiến, con mối cũng không lên được. Do vậy, cầu thang kho lúa được xem là nơi thần – yang xri ‘ba và một thành viên trong gia đình được phép lên xuống khi cần lấy lúa trong kho ra. Nhà kho lúa nhỏ, cho nên, chỉ có một cửa và một cầu thang mà thôi.

– Nhà Rông:

Nhà Rông là ngôi nhà chung của làng, là ngôi nhà to nhất làng. Cho nên, cầu thang của nhà Rông phải rộng, chắc chắn. Ngôi nhà chung của làng này được giao cho các nam thanh niên chưa vợ, chưa con canh giữ ngày đêm. Theo đó, cầu thang là nơi lên xuống nhiều nhất của nam thanh niên canh giữ nhà Rông. Những bước chân thưa thớt, êm ái, nhẹ nhàng giẫm lên từng thanh bậc cầu thang, là cảnh nhà Rông vắng vẻ, yên tĩnh. Ngược lại, nhà Rông có sự kiện, là những bước chân dồn dập, mạnh mẽ của các tầng lớp người lên xuống, giẫm lên thanh bậc cầu thang của nhà Rông.

Hàng năm, làng tổ chức nhiều lễ hội lớn nhỏ. Cầu thang càng nặng nề hơn, khi phải chấp nhận hàng trăm, hàng ngàn bàn chân giẫm lên thân mình. Nhưng, không nặng nề, dồn dập, hối hả nữa mà cảm thấy nhẹ nhàng, êm ái là bàn chân của những cụ già, những khách gần xa, của chị em phụ nữ, thỉnh thoảng mới lên được cầu thang, nhân làng có mở hội, mới vào được nhà Rông. Không chỉ chừng ấy, còn có nhiều bàn chân mềm mại, uyển chuyển của những chàng trai, cô gái làng vừa trình diễn cồng, chiêng, vừa múa xoang, nhẹ nhàng bước lên từng bậc cầu thang vào nhà Rông.

Cầu thang nhà Rông tuy không đẹp lắm nhưng lại chắc chắn, vững vàng. Cầu thang được thể hiện theo hai kiểu: một là, người ta chọn hai lõi cây chắc, cứng, bạt từng nấc, nhiều hay ít là phụ thuộc vào nhà Rông cao hay thấp, sau đó dựng kề sát lại với nhau lên trần Pra nhà Rông, theo một độ nghiêng nhất định; hai là, sử dụng vài tấm ván, có độ dày chừng nửa gang tay người lớn, chiều dài của ván chừng 1,5 m, cũng là chiều dài của cầu thang. Các đầu của tấm ván được buộc chặt vào hai cây trụ lớn, cố định, có độ nghiêng nhất định.

– Cầu thang nhà sàn gia đình:
Ngôi nhà sàn đã được dựng xong. Những người thợ đang làm sàn – Pra nhà sàn. Theo truyền thống của người Bahnar Kriêm, trước cửa chính tất cả các nhà sàn, từ chòi rẫy, nhà kho lúa, nhà Rông hay nhà gia đình đều có sàn – Pra. Trừ sàn – Pra nhà kho lúa, nhỏ bé, tất cả các sàn nhà khác đều rộng. Sàn – Pra là sân sàn trước, cao và gắn sát liền cửa chính nhà sàn. Làm sàn – Pra, người ta sử dụng nhiều tấm ván tương đối dày, đặt lên kề lại với nhau. Sàn cấu tạo theo hình chữ nhật, mặt bằng phẳng, có khoang rộng trung bình từ hai đến bốn mét vuông, không có phên và mái che. Sàn – Pra là nơi gia đình đón khách, để nước uống, rửa chân, rửa tay cũng như đặt một số vật cúng ông bà, tổ tiên…

3. Nơi đặt cầu thang

Phần lớn nhà sàn gia đình người Bahnar Kriêm có hai cửa sổ phụ, đều không đặt cầu thang lên xuống. Điều này muốn nói rằng, các thành viên trong nhà đều kết thành một khối thống nhất trong ngôi nhà chung, chủ nhà chung, bếp lửa chung và ra vào nhà sàn cũng chỉ một cầu thang chung.
Cầu thang lên nhà sàn của người Bahnar không đặt trực tiếp vào mép thanh của cửa chính, mà phải dựa vào thanh sàn – Pra. Cầu thang cao hay thấp là phụ thuộc ở thanh cây sàn – Pra. Cầu thang nhà sàn gia đình của người Bahnar đơn giản so với cầu thang nhà Rông.

4. Nguyên vật liệu làm cầu thang

Các nguyên vật liệu để làm cầu thang nhà sàn chủ yếu là cây và dây.

– Cây trụ làm cầu thang:

Trụ cầu thang được chọn kỹ càng, thường là lõi của các cây cầy, cây ké, cây trắc, cây xay… Có lõi rất cứng, rìu rựa chặt vào có thể tóe lửa. Các loại cây trên thường mọc trong rừng già. Lõi của chúng khi chôn sâu ở trong đất hay ngâm dưới nước thường lâu mục hơn so với loại cây khác.

* Cách tìm, chọn lõi cây:

Việc tìm các loại cây để làm cầu thang nhà sàn không phải ai cũng làm được, vì nó liên quan đến khả năng nhìn nhận ra hình thù, cây lá, màu sắc như thế nào. Nhiều thanh niên, trung niên trong làng không dễ biết được cây cầy, cây ké thế nào, cây xay, cây trắc thế nào… Mặt khác, phải biết chọn cây, chứ không phải nhận dạng ra cây rồi, cứ thế mà chặt. Ở đây, chỉ có những người đã có tuổi mới có kinh nghiệm tìm, chọn chặt được cây để làm cầu thang nhà sàn.

Các loại cây, nhất là cây trắc, cây cầy, cây ké thường hay thấy chúng sinh trưởng trên những vùng đồi đất cằn, phải tìm chọn cho thật kỹ, không được chọn chặt cây trong những trường hợp sau:

Thứ nhất, đó là những loại cây khô, rục. Các cụ giải thích như sau: cây đã khô, rục không biết chúng chết do vật gì gây nên, cho nên, cây cỗi, cây bị sâu, mối đục khoét hay bị sét đánh, gió, bão làm gẫy… là không được sử dụng. Người nào cố ý hay vô tình, nếu bị phát hiện sẽ chịu tội phạt, tùy theo mức độ vi phạm mà phạt nặng, hay phạt nhẹ.

Thứ hai, không được tìm chọn chặt những loại cây còi cỗi, bị gãy cành, ngọn, bị con mối, con kiến làm ổ.

Thứ ba, không chọn chặt những loại cây có bọng, có lỗ, gốc mọc chồi non, cây khác sống nhờ, sống gửi.

Thứ tư, không được chọn chặt những loại cây mọc ngay cạnh bờ suối, gần đất có ổ mối, ổ kiến, mọc ngay cận kề cây lớn. Các cụ diễn giải rằng: mọc cận kề bờ suối sẽ làm cho cây mềm yếu, có lõi nhưng không bằng cây ở những nơi đất khác. Cây mọc kề mô đất có ổ mối, ổ kiến, chất tạo nên lõi cây ít nhiều sẽ bị các loại mối, kiến hút lấy, làm cho chất lõi của cây không đảm bảo được tốt. Theo các cụ người Bahnar, cây đó đã bị bệnh do bị Thần – Yang gán ép.

Thứ năm, không được chọn nhặt những loại cây mà người ta chặt mà bỏ đi, mặc dù cây đó có tốt đến mấy. Các người già giải thích: Cây đó ai chặt? Không biết. Người ấy chặt cây để làm gì? Không biết. Cây chặt rồi tại sao lại phải bỏ? Không biết. Nói tóm lại, đó là cây không rõ ràng về nguồn gốc, về lí do bị vứt bỏ.

* Cách tìm, chọn cây:

Các loại cây rừng như tre, nứa, luồng, trúc, le… đều phát triển theo từng vùng, khi cần tiếp cận rất dễ. Còn các loại cây như cây cầy, cây ké, cây trắc, chúng mọc rất thưa thớt, cả khu rừng giỏi lắm chỉ có vài cây, cho nên tìm kiếm rất khó. Tìm được cây cần để làm cầu thang không hề dễ dàng. Theo kinh nghiệm của người già, đi rừng không chỉ lo săn bắn, làm bẫy mà lúc nào cũng phải để ý xem những cây này, trái cây này, rễ, lá cây thuốc này nó nằm ở đâu, con suối, khu rừng nào… Các loại cây để làm cầu thang cũng vậy. Cho nên, quy trình chọn chặt cây để làm cầu thang thường được bắt đầu bằng việc nhớ lại cây cần tìm nó mọc ở khu rừng nào, cạnh khe suối nào. Sau khi xác định được vị trí của cây, người Bahnar mới tìm đến chặt.

Trước khi tìm chặt cây để làm cầu thang, thì phải tính toán kỹ, chọn cây gì, để làm thứ gì, phải được tính trước. Có mấy loại cây sau:

* Cây trụ của cầu thang:

Trước đây, cây trụ cầu thang của người Bahnar Kriêm chủ yếu thường dùng bằng cây tròn. Cầu thang hẹp chỉ cần có hai cây là đủ, còn nếu là ngôi nhà rộng thì cũng chỉ cần ba cây. Tiêu chuẩn của cây phải đạt, trước hết cây phải có lõi, cây thẳng, to khoảng cỡ bắp chân người lớn, dài, tức là chiều cao của cây là phụ thuộc vào chiều cao cây ngang của Pra nhà sàn.

* Cây ngang làm cầu thang:

Tìm chặt cây làm cây ngang của cầu thang nhà sàn nhiều hay ít phụ thuộc vào chiều cao của cầu thang nhà cao hay thấp. Thường chỉ có bốn cây, chủ yếu là gỗ tròn; còn nếu ba cây thì khoảng cách cầu thang hơi lớn, trẻ con, người già yếu lên xuống sẽ gặp khó khăn. Nếu là nhà nhỏ, cây ngang của cầu thang chỉ cần dài một mét là đủ; còn ngôi nhà lớn, dựng tới ba trụ thì cây ngang cũng chỉ cần một mét rưỡi. Tiêu chuẩn của cây ngang đòi hỏi không cao lắm, không cần lõi mà quan trọng là cây già, cứng, thẳng và to cỡ cổ chân người lớn. Nếu cây to quá sẽ không cân đối với cầu thang, còn nhỏ quá thì sẽ không đảm bảo yêu cầu lâu bền. Kinh nghiệm cho thấy, cầu thang là nơi nhiều người đi lên, đi xuống hằng ngày; có người đi nhanh, có người đi chậm, có người trọng lượng nhẹ, có người rất nặng; thậm chí nhiều lúc phải cõng, khiêng cả vật nặng nên cây cầu thang không đảm bảo thì sẽ bị chóng gãy.

* Dây buộc cầu thang:

Theo truyền thống, để buộc cầu thang, người Bahnar thường sử dụng các loại dây mây, mà chủ yếu là mây rắc. Người Bahnar gọi là Hre kon. So với các loại mây khác, theo các cụ nói, dây nhỏ, chỉ bằng ngón tay út người lớn, có rất nhiều ở trong rừng và cũng dễ khai thác. Có thể nói, nếu người Kinh thường sử dụng cái đinh đóng thì người Bahnar coi dây mây rắc là cái đinh để sử dụng trong các công trình xây dựng nhà cửa. Các loại mây nói chung, mây rắc nói riêng, còn được sử dụng trong một số công việc khác như trang trí ngôi nhà, đan lát…

– Cách xử lý cây, dây làm cầu thang:

* Xử lý cây trụ cầu thang: Ta có hai hay ba cây, thường là cây tròn, bây giờ bắt đầu tiến hành cách xử lý:

Thứ nhất, lột vỏ cây. Trước tiên, người làm cầu thang phải tiến hành lột vỏ ba đoạn cây. Nếu loại cây nào không lột được thì phải dùng lưỡi rựa, lưỡi rìu cạo, bạt cho sạch hết vỏ, trẩy, chuốt cho bóng trơn.

Thứ hai, chặt ba cây cho thật bằng nhau. Hai hay ba cây đó phải chặt bằng cho thật đều nhau, dứt khoát không được để cây này dài hơn hay cây kia ngắn hơn.

Thứ ba, bạt hay đẽo cây làm nấc (bậc). Tất cả ba cây làm trụ cầu thang đều được đẽo bằng nhau và phải đều nhau. Để biết bằng nhau, ta cứ tưởng tượng như miếng hàm hay miếng nấc của một cây đã có sẵn, lắp một cây khác vào làm sao đảm bảo thật vừa khít. Để biết đều nhau, khi bạt hay đẽo làm sao khoảng cách giữa các nấc, bậc phải thật đều nhau. Khoảng cách giữa các bậc, nấc mà không đều nhau, thì cầu thang sẽ rất khó làm, và sẽ làm cho cầu thang nghiêng, méo, không cân bằng, sẽ bị dễ hư.

* Cách xử lý cây ngang làm cầu thang: Ta đang có ba hoặc bốn cây tròn đều nhau, bây giờ phải tiến hành xử lý.

Thứ nhất, lột vỏ cây. Cây nguyên sinh vừa mới chặt về, phải lột vỏ toàn cây. Theo quan niệm xưa, tất cả cây đều phải được làm sạch, người Bahnar Kriêm gọi là Pơ‘liêm kơ Hnam. Tức là, làm khác với nó khi đang ở trong rừng. Tất cả mọi vạn vật ở trên đời hay trong tự nhiên đều có hai phần, phần vỏ và phần thịt. Phần vỏ là phần giả tạo, phần chứa nhiều chất tạp, nên cần phải được loại bỏ. Trong rừng có nhiều loại cây rất dễ lột vỏ, nhưng cũng có không ít cây lột vỏ rất khó. Cho nên, phải sử dụng lưỡi rựa, lưỡi rìu cạo, gọt cho thật sạch hết vỏ.

Thứ hai, đo chặt cây cho bằng nhau. Cấu tạo nên nhà sàn đều được sử dụng rất nhiều loại cây, nhiều nhóm cây, thí dụ như nhóm cây làm cột nhà, nhóm cây keo, cây mè mà cây trụ hay cây ngang làm cầu thang cũng là một trong những nhóm. Tất cả, dù có nhóm nào đi nữa, đều phải được gọt sạch vỏ và đều đo chặt, dài hay ngắn cho thật bằng nhau.

Thứ ba, bạt, súc cây cho đều nhau. Theo các cụ, đây là phần làm đẹp. Đã bao thế hệ con cháu người Bahnar đều sử dụng cây rừng để làm nhà. Trong ngôi nhà sàn, trụ, cột nhà là cây to nhất, rồi đến các loại cây xà ngang, xà dọc, đến nhỏ nhất là các loại cây, cây dựng phên, cây rui, cây mè… tất cả đều lấy từ khu rừng quanh làng. Một số cây thường hay đập vào con mắt mọi người như cây cột nhà, xà dọc, xà ngang, cây cột cúng Chơ – Mrưng, cây cánh cửa… không thể để nguyên, mà phải được xử lý bằng cách súc, bạt, đẽo, chuốt, để làm sao không phân biệt bên nào là gốc và bên nào là ngọn của cây, trông có vẻ sáng sủa, sạch sẽ và đẹp mắt hơn. Cây ngang để làm cầu thang cũng vậy, cây nguyên sinh bao giờ cũng to về phần gốc và nhỏ về phần ngọn. Cho nên, cây được chặt về phải được xử lý, bằng cách bạt, đẽo, chuốt làm sao cho cây được tròn trịa, không phân biệt, bên nào là ngọn, bên nào là gốc, vừa sạch lại vừa trông đẹp mắt.

* Cách xử lý dây mây rắc:
Khác với các loại cây, khi khai thác may rắc, người ta đã phải lột vỏ từ rừng, khi đem đến nhà người ta chỉ chẻ chuốt sơ qua. Sử dụng những sợi dây mây, chủ yếu là để buộc cây cầu thang cho thật chắc, cho nên cũng không cần nhóm dây phải bằng nhau như nhóm các loại cây và người ta cũng không cần phải đẽo, bạt gì cả, chỉ dùng nguyên sợi dây mà sử dụng. Dây làm đẹp thêm cầu thang nhà sàn. Ngày nay theo xu hướng ngói hóa, kiên cố hóa nhà ở, trong đó có cả nhà sàn, phần nào đó, nhà sàn được sử dụng bê tông, sắt thép, ngay cả cầu thang cũng được xây gạch, xi măng, rắn, chắc như đá. Trước đây, ngôi nhà truyền thống của người Bahnar được tận dụng từ cây, dây, lá rừng như vốn tự có của nó. Mãi gần đây, ngôi nhà sàn của người Bahnar được làm đẹp, bằng cách tất cả các nhóm hạng mục cây đều được gọt vỏ, bạt đẽo, chuốt bao, thậm chí còn được khắc vẽ hoa văn trên một số mặt cây để trang trí cho ngôi nhà. Do vậy mà nhóm cây của cầu thang nhà sàn cũng được lột vỏ, đo, đẽo bằng nhau, trông đẹp mắt và sáng sủa hơn so với nguồn gốc vốn có của các loại cây, dây khi đang ở trong rừng.

5. Cách làm cầu thang

– Cách dựng trụ cầu thang:

Khi sàn Pra đã làm xong, người ta bắt đầu tiến hành làm cầu thang của nhà sàn. Trước tiên, đó là chôn trụ cầu thang. Cửa ra vào chính của nhà sàn người Bahnar Kriêm theo truyền thống không đặt ngay ở giữa mà thường là dịch về một phía của nhà sàn. Nhà sàn người Bahnar Kriêm, dù nhà giữ rẫy, nhà Rông hay nhà sàn gia đình đều gắn kề với sàn Pra. Sàn Pra bao giờ cũng được làm to hơn, rộng hơn khung cửa chính của nhà sàn. Do được làm rộng hơn nên chiều dài của sàn Pra bao giờ cũng phải chừa hai bên cánh cửa làm sao cho cân đối. Còn cầu thang nhà sàn cũng phải được đặt ngay đoạn giữa của thanh cây Pra. Công việc phải được làm theo trình tự như mô tả sau đây:

* Đào lỗ: Khi đã cân đối được đoạn giữa của thanh cây Pra, ông chủ bắt đầu cho người đào lỗ. Lỗ được đào nhiều hay ít là phụ thuộc vào trụ cây cột nhà sàn. Hai cây thì đào hai lỗ, ba cây đào ba lỗ. Tất cả lỗ được đào vừa đủ lọt cây trụ, độ sâu vừa phải, chỉ chừng một gang tay người lớn (0,2m).

* Cách dựng cây trụ: Có đủ lỗ rồi, ông chủ cho đặt một đầu của cây xuống lỗ. Theo tập tục, trụ cầu thang không dựng thẳng đứng mà phải hơi nghiêng, gần ngang với độ nghiêng của mái nhà, không được đứng quá và cũng không được nghiêng quá. Nếu cầu thang đứng quá thì rất khó khăn khi lên, khi xuống; còn nếu nghiêng quá thì cầu thang sẽ mắc phải hạn chế là cây đạp sẽ không chuẩn, sẽ bị trượt chân ra ngoài. Mặt khác, cầu thang có nguy cơ sẽ bị gãy khi cõng, mang những vật nặng lên xuống. Về mùa mưa, nước mưa thường hay đọng lại sẽ làm cho cây cầu thang dễ bị mục; nếu không thường xuyên kiểm tra là rất nguy hiểm.

* Cách chôn cây trụ: Trước khi chôn các cây trụ, ông chủ nhà cho mời thầy đến cúng, gọi là cúng dựng cầu thang nhà, người Bahnar gọi là Chơ Hmah Pơ hrưng kung. Việc cúng này khá đơn giản, gồm có các lễ vật như thịt xắt, một con gà trống hết lớn, một ghè rượu thiệt to và ngon. Cột Chơ – mrưng và cây nêu cúng được gọi là ‘long Pơ môn; được dựng và cúng ngay dưới chân cầu thang nhà. Khi các thủ tục cúng đã bày biện xong, ông thầy bắt đầu cúng. Nội dung của bài cúng là trình báo cho các Thần – Yang biết:

+ Ngôi nhà sàn của gia đình đã dựng xong xuôi, bếp lửa nhà sàn là khâu cuối cùng đã hoàn tất, nay gia đình cho dựng cầu thang lên nhà sàn, xin báo cho các vị Thần – Yang biết và gia đình mong nhận được sự phù hộ của các vị.

+ Ngôi nhà sàn của gia đình đã dựng xong, nay gia đình tổ chức cúng dựng cầu thang lên nhà sàn mới, thông báo cho các linh hồn, ông bà, tổ tiên biết để phù hộ cho con cháu trong gia đình.

+ Hôm nay, ngày lành, tháng tốt, gia đình có tổ chức cúng dựng cầu thang lên nhà mới, mời các vị Thần – Yang đến chứng kiến và cùng chung vui ăn cơm, uống rượu ghè cùng gia đình.

+ Cầu mong các vị Thần – Yang cùng các linh hồn ông bà, tổ tiên phù hộ cho các thành viên trong gia đình, cũng như anh em, bạn bè, chú bác gần xa, lên xuống cầu thang luôn mạnh chân, mạnh tay, luôn vui vẻ; sống ở đời đoàn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau như anh em trong một nhà. Ai đi đâu gần hay xa lúc nào cũng nhớ về nhà cửa, nhớ về cầu thang nhà, nơi chôn rau cắt rốn.

Làm thủ tục cúng và ăn uống xong xuôi, công việc chôn trụ bắt đầu. Trước hết, phải kiểm tra lại cách đặt các trụ đã đúng kiểu quy định chưa, các nấc, bậc đã ngang bằng chưa. Điều cốt lõi các nấc, bậc phải thật là ngang bằng, nếu không cầu thang sẽ méo xẹo, không đều, không đẹp mắt, sẽ làm cho cầu thang chóng hư. Khi kiểm tra xong, thấy được rồi, bắt đầu cho chôn tất cả các trụ. Chôn xong, công việc tiếp theo là sử dụng day mây rắc buộc lại cho thật chắc tất cả đầu trên của cây trụ cầu với thanh cây ngang của sàn Pra.

– Cách buộc các cây ngang cầu thang: Cây ngang cầu thang thường là ba hoặc bốn cây tròn đã chuẩn bị đủ và các sợi dây mây rắc để buộc cũng có sẵn. Trước khi buộc, người ta cần phải kiểm tra lại xem các trụ cột đã chôn đúng quy cách chưa, cây đã được đặt thẳng hàng chưa, và xem lại các nút nấc, bậc đã ngang hàng chưa, nếu chưa thì người ta có thể chỉnh lại cho chuẩn xác, còn nếu thấy đã được rồi, thì bắt đầu tiến hành buộc từng cây một.
Khi buộc, gồm có ba người, mỗi người đảm đương một trụ, có sẵn dây sợi mây trong tay. Có thể họ buộc từ trên xuống hoặc từ dưới lên. Thứ tự đặt từng cây một vào chỗ nấc của cây trụ, nếu cảm thấy được rồi thì bắt đầu buộc thật chắc, kỹ càng, đảm bảo đúng quy cách. Trật tự buộc, có thể từ trên xuống hoặc từ dưới lên. Cây thứ nhất được đưa lên nấc, ba người cùng ngắm xem đã ngay thẳng chưa, độ nghiêng đã được chưa, khoảng cách chừa hai đầu cây đã bằng nhau chưa, nếu đã được rồi, mọi người cùng bắt đầu buộc. Cây thứ hai lại đưa lên nấc, mọi người tiếp tục ngắm nhìn xem cây đã thẳng chưa, đã khớp với nấc chưa, khoảng cách đã đều chưa, cảm thấy được rồi mọi người cùng nhau buộc cho thật chắc. Cây thứ ba rồi thứ tư tiếp tục đưa lên nấc và cách nhìn, cách ngắm, cách buộc đều tiến hành đều nhau như thế.

– Cách chỉnh, sửa lại cầu thang: Công việc buộc các thanh cây cầu thang đã xong, mọi người đều ngắm nghía lại các mối, chốt buộc của mình đã được hay chưa, đúng quy cách hay chưa. Theo yêu cầu của chủ nhà, mọi người tiếp tục công việc tiếp theo là dựng cây ở hai bên cầu thang, gọi là cây cầm hay cây vịn, người Bahnar gọi là ‘long rôp. Nghĩa là, mọi người, nhất là những người mang, cõng nặng hoặc các cụ ông, cụ bà có thể đưa tay nắm vào cây vịn để vững bước khi lên xuống cầu thang.

Người Bahnar Kriêm có tập tục cúng lễ lên nhà mới. Khâu cuối cùng được cho là đã dựng xong ngôi nhà sàn mới, phải làm xong khung bếp lửa và cầu thang nhà sàn. Ngôi nhà sàn cơ bản đã hoàn thành, nhưng đòi hỏi phải tiếp tục làm xong khung bếp lửa mới được gọi là hoàn thành ngôi nhà, mới được gọi là unh hnam, tức là ngôi nhà gia đình, hộ gia đình.Trong một đoạn bài cúng lên nhà mới, có lời nói: Phần cơ thể một con người đã dựng xong, nay cầu thang lên nhà mới, chân của một con người cũng đã làm xong, tức là đã hoàn thiện một ngôi nhà sàn đúng mẫu truyền thống… Như vậy, hoàn thành một ngôi nhà sàn đúng nghĩa, unh hnam là phải hoàn thành đầy đủ, bếp lửa và cầu thang nhà sàn. Cái ruột, cái lòng, cái hồn của ngôi nhà sàn là các thành viên trong gia đình, được ngọn lửa nhà sàn sưởi ấm tấm lòng mọi người, hãy đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Cầu thang của nhà sàn là cầu nối giữa gia đình với thế giới bên ngoài. Các vị Thần – Yang, linh hồn ông bà, tổ tiên với bao bạn bè, anh em, bà con cô bác gần xa sẽ gần gũi, hiểu biết lẫn nhau, mong muốn, phù hộ cho nhau, mong gặp nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống đời thường.

6. Mặt hạn chế của cầu thang nhà sàn

Nhà sàn của người Bahnar có thể sống vững được trong thời gian khoảng sáu, bảy năm. Bởi vì, các nguyên vật liệu trong rừng là vô cùng quý giá về nhiều mặt, nhưng trên lĩnh vực xây dựng nhà cửa truyền thống, không thể tồn tại lâu dài như các loại bê tông, xi măng, sắt thép mà thế hệ con cháu hôm nay đang sử dụng. Các loại lõi cây quý như lõi trắc, muồng, mun, xay, gõ… ở môi trường nguyên sinh, chúng có thể tồn tại trên dưới trăm năm, song khi trở về nơi sống mới lạ, tuổi thọ của chúng ít nhiều sẽ bị giảm. Còn các loại cây, dây, lá khác làm sao sống lâu bền như các loại cây lõi quý hiếm được.
Cầu thang nhà sàn, mặc dù cũng được sử dụng những nguyên vật liệu tốt, nhưng không thể so với cấu trúc của nhà sàn được, thể hiện những mặt hạn chế sau:

– Sử dụng nguyên vật liệu chưa tốt. Thường là, mấy cây trụ cầu thang được sử dụng những lõi cây quý, như lõi cây cày, cây ké, cây trắc… bảo đảm vững chắc, nhưng chúng chỉ sử dụng được những loại cây cỡ nhỏ nên chỉ có thể tồn tại được khoảng trên chục năm. Còn các vật liệu khác như mấy thanh cây ngang, cây dựng hai bên cầu thang, sợi dây mây rắc là những loại thường. Cây cày, cây ké tuy là loại cây rất cứng, lưỡi rìu, lưỡi rựa chạm vào là tóe ra lửa, nhưng cũng chỉ thọ khoảng trên chục năm là cùng.

– Nơi người lên xuống thường xuyên nên cầu thang không bền. Cầu thang là nơi hằng ngày có nhiều người lên xuống. Những hộ gia đình, tức là unh hnam lớn, làm ăn khấm khá, quan hệ anh em, bạn bè, họ hàng xóm giềng gần xa, khi vui, khi buồn, họ đi thăm viếng nhau nên hằng ngày người đi lên, xuống cầu thang lại càng đông hơn. Cũng không ít người cõng, vác, khiêng nặng giẫm lên cầu thang khi lên hay xuống. Rồi những ngày hội vui, gia đình tổ chức đánh cồng, đánh chiêng hát hò, nhảy múa cũng quanh Pra, quanh cầu thang nhà sàn. Với bao nhiêu sức nặng nhẹ thường xuyên đè lên, giẫm lên thì làm sao cầu thang giữ được lâu bền. Cầu thang có lúc cũng trẹo trụ, gãy cây, bứt dây, mỗi lần như vậy, chủ nhà phải kịp thời sửa chữa, làm sao không ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt của gia đình!

– Dễ hư hỏng khi thường xuyên tiếp xúc với ngoài trời. Số phận của cầu thang nhà sàn truyền thống của người Bahnar là thường xuyên ở ngoài trời. Chúng tôi được nghe một già làng có kể về cầu thang nhà, có đoạn nói như thế này: Nhiều ngày liên tục, trời nắng như có lửa đốt, con gà chui vào bụi mà ở, con heo xuống dầm dưới cái ao, dưới con suối, nhiều người luôn ở trong rừng, trong núi, làng vắng vẻ. Ở gia đình nọ, trong nhà chỉ có một mình cô con gái loay hoay đang nấu cám heo, trên người mồ hôi đổ ra như tắm. Cô thương cái cầu thang nên đã kéo nó lên để dưới bóng hành lang nhà. Tối về, ông nội biết được, phạt cháu gái, bằng cách khi nào có trận mưa thiệt to bảo cháu gái ra ngoài trời tắm, hết cơn mưa mới thôi… Câu chuyện trên ý muốn nói rằng, chiếc cầu thang không phải là vật vô tri, vô giác mà nó cũng là một con người, một thành viên trong gia đình; một thành viên chịu khó, chịu khổ, một mực thủy chung với gia đình mà luôn thường xuyên ở ngoài trời. Ngày đêm, giá lạnh, mưa bão cầu thang vẫn một mình lủi thủi ở ngoài đó, cho nên, việc bứt dây, gãy, mục cây là không thể tránh khỏi.

– Đi cầu thang thường bị trượt chân. Do khoảng cách cây này với cây kia của cầu thang bị thưa cho nên, người khi đi lên, đi xuống không để ý thường hay bị trượt chân. Các cụ già yếu, chân tay bước run run, trẻ con bước đi chưa vững, đùa nghịch trong khi lên, xuống cầu thang cũng dễ bị trượt chân. Rồi đến những ngày mùa mưa liên tục, cây cầu thang thấm nước, láng trơn, người đi lên, đi xuống không cẩn thận cũng dễ bị trượt chân. Ngoài ra, còn có một vài hạn chế khác như con trâu, con bò động phải, con heo ủi mạnh quá cũng làm cho cầu thang dễ bị đổ hoặc lung lay, làm cầu thang dễ hư hỏng.

7. Việc cấm kỵ trong sử dụng cầu thang

– Không nên để trẻ con đùa nghịch quanh cầu thang. Trẻ em có rất nhiều nơi để vui chơi, đùa nghịch, như khoảng trống trước các sân nhà, gò, bãi rộng quanh làng… Vì thế, các em không được chơi đùa quanh cầu thang nhà sàn, đề phòng có thể xảy ra bất trắc không lường trước được. Đùa nghịch, chạy, đuổi bắt nhau, đi lên, đi xuống cầu thang, không may xảy ra trượt chân, trượt tay, rơi trên cầu thang, trên Pra xuống, nhẹ là bị xướt da, chảy máu, nặng thì gẫy chân, gãy tay, sứt đầu mẻ trán, rất nguy hiểm. Nghe các cụ nói rằng: trong trường hợp đùa nghịch, chạy lên, chạy xuống hay đi bình thường không may mà bị tai nạn chết người, thì kiêng kỵ lắm, gia đình có thể bỏ nhà mà đi nơi khác ở.

– Không được buộc trâu, bò ở cầu thang. Việc con trâu, con bò mà buộc ngay chân cầu thang gia đình cũng là việc cấm kỵ. Tại sao lại cấm kỵ buộc trâu, bò ngay dưới cầu thang nhà mình? Việc buộc con trâu bò dưới cầu thang nhà có thể xảy ra mấy hệ quả sau: Trâu bò phóng uế bừa bãi, gây mùi hôi thối không ai chịu được nổi, có thể làm gãy, đổ, hư hỏng cầu thang, cản trở việc đi lên, đi xuống và sinh hoạt của gia đình.

– Không được ngồi hoặc nằm ngay cầu thang. Xưa nay, các cụ truyền dạy rằng, đã đi là phải tới nơi, tới bến, đã đến chơi phải vào trong nhà. Rồi các cụ kể câu chuyện một người giận hờn: Có một người đang tức giận chuyện gì đó. Ông vào trong nhà to tiếng, la chửi ông chủ nhà. La chửi trong nhà đã rồi, lúc quay ra cửa để về, một chân ở trong và một chân ở ngoài bục nhà, ông lại tiếp tục chửi, tiếp tục la, rồi xuống tận cầu thang nhà cứ vẫn tiếp tục la chửi như vậy… Các cụ kết luận: chỉ có những thằng khùng điên mới có thái độ đứng, ngồi la chửi mất nết như vậy. Có công việc gì phải vào hẳn trong nhà hoặc đứng hẳn ngoài Pra, hay ở dưới đất mà nói chuyện, trao đổi công việc, không thể đứng chân trong, chân ngoài bục cửa nhà hoặc đứng trên cầu thang, đồng bào cấm kỵ lắm. Họ cho rằng, làm như vậy là có thù hằn nhau mới có thái độ chân trong, chân ngoài cửa như vậy; có thái độ khinh bỉ nhau; có nợ nần, trộm cắp của nhau; có xích mích việc gì đó mà chưa thể giải quyết được.

– Không được dời cầu thang. Trong khi đang có người ở trong nhà, dù chỉ một người cũng không được lật hoặc dời cầu thang ra khỏi vị trí, đây là lệ làng. Các già làng cho rằng, trong nhà đang có người mà cầu thang bị dời đi là gia đình đó không tốt, không muốn cho bạn bè, anh chị đến chơi. Lệ làng còn quy định, gia đình có cúng quải đặc biệt gì đấy, hay đang có người mang bệnh quái ác, cũng không được dời cầu thang đi. Chỉ trong trường hợp các thành viên trong nhà đi rừng, đi rẫy lâu ngày (hai, ba ngày), có thể nhấc cầu thang lên sàn Pra được. Trong trường hợp gia đình vắng nhà, đã nhấc cầu thang lên Pra mà có người nào đó lại đặt xuống, đây cũng phải mang tội. Câu hỏi đặt ra là, tại sao cầu thang được đem đặt lại chỗ cũ? Có thể đây là một việc làm xấu, chỉ có muốn hành động trộm cắp của người nào đó. Xưa nay người Bahnar cho rằng, trộm cắp là một việc làm rất xấu, không thể có suy nghĩ, chứa chấp ở trong con người.

Người Bahnar trước đây nghèo khổ trăm bề nhưng không hề trộm cắp của người khác. Các cụ cho chúng tôi biết một số tập tục hay:

+ Đi rừng thấy chim thú dính bẫy – không phải của mình là không được lấy.

+ Đi qua rẫy, thấy đu đủ chín, trái chuối chín – không phải của mình là không được lấy.

+ Khi gặp mưa to, không phải nhà mình, không tự tiện mở cửa vào trú mưa.

+ Không có chủ, không được tự tiện vào trong nhà lấy lửa…

– Thấy có lá cây cài trên cửa là không được lên cầu thang. Trong gia đình có công việc buồn như liên quan đến người chết, người đau nặng, hay có việc cúng quải, cấm kỵ việc gì đó là họ lấy một cành lá nhỏ đặt trên cánh cửa ra vào. Người ngoài, ngay cả người thân đến thăm, cũng không được bước lên cầu thang. Trường hợp có công việc gấp hay quan trọng, khách bước vào trong nhà thì các thành viên trong nhà cũng không ai đón tiếp. Có trường hợp, người thân như cha mẹ, anh chị, chú bác từ làng khác đến thăm thì bắt buộc nhờ gia đình ông bà hoặc con cái trong làng đón tiếp giùm. Trước đây, người Bahnar quan niệm rằng, nhà người ta đã cài cành lá cây xanh rồi mà cứ xông vào trong nhà thì người đó thiếu lịch sự, thiếu tôn trọng gia chủ. Xưa nay, hai từ tôn trọng được người Bahnar rất nâng niu, giữ gìn như một nguyên tắc ứng xử cao đẹp. Sống ở đời phải biết tôn trọng lẫn nhau mới sống đẹp, sống bền vững. Sống mà không tôn trọng lẫn nhau, chẳng khác gì loài thú tranh giành mồi, giành giật nhau, cắn xé nhau, ai mạnh thì được ăn, ai yếu thì ngậm ngùi, ngồi đó mà nhìn, thèm khát (câu ví von dân gian Bahnar), sống như vậy sao sống được?

Xin được kể một câu chuyện mà chúng tôi đã chứng kiến: “Người lớn trong gia đình đều bận việc, ông chủ phải cử cháu nội mới mười tuổi sang làng bên mời gia đình cô chú về ăn cốm lúa mới. Gia đình cô chú đón tiếp cũng chẳng khác gì người lớn, cũng thịt một con gà, đổ một ghè rượu, mời vài gia đình cùng đến chung vui. Cháu còn nhỏ, rất tôn trọng gia đình cô chú, ăn cơm, ăn thịt rồi cũng uống một, hai ngụm rượu làm phép”. Các già làng người Bahnar cho rằng: Dù già hay trẻ, dù lớn hay nhỏ, dù trai hay gái đều là thành viên trong gia đình nên phải được tôn trọng như nhau. Người Bahnar có tập tục chia thịt: Trong làng gia đình nào đó có được con thú lớn như con nai, con lợn lòi (heo rừng cỡ lớn) hoặc thịt một con trâu, con bò chẳng hạn thì thịt được chia đều, gia đình có sáu người thì được phần chia sáu miếng thịt, gia đình có ba thì được chia ba miếng. Tất cả các thành viên trong làng, trong gia đình, kể cả em bé đang trong bụng mẹ cũng được tính phần, vì các cụ cho rằng, đó cũng đã là một thành viên.

– Không được sử dụng cây cầu thang làm củi đốt. Theo tập tục truyền thống của người Bahnar Kriêm, khi đốt lửa bếp nhà sàn tránh dùng các loại cây sau đây để làm củi đốt: cây còn tươi sống, cây gẫy cành, ngọn, bọng, lỗ, cây đã từng làm nhà cửa, trong đó có cây cầu thang. Các cụ cho rằng, cầu thang cũng là một trong những vật quý, vật thiêng liêng, thậm chí có vùng còn cho là thành viên đáng tôn trọng trong gia đình. Cây dùng làm cầu thang không xấu mà là thứ tốt đẹp nhất. Thiết nghĩ, hàng ngàn năm trước, con người phải từng bước lên cầu thang nhà sàn mà thời ấy thường gọi là ngôi nhà cao dò. Rồi nhiều vùng miền, nhà sàn thành nhà đất, cầu thang cũng mất để lại cánh cửa nên thường được gọi là nhà cửa. Mãi những thế hệ sau này, trên đất nước Việt Nam ta chỉ còn lại ít vùng miền, vài dân tộc thiểu số còn ở trong ngôi nhà sàn và có cây cầu thang nâng đỡ từng bước chân con người khi lên, khi xuống. Có người mẹ già Bahnar Kriêm mắng đứa con nghịch ngợm của mình bằng câu: không cần cầu thang thì mày mọc cánh mà bay vào trong nhà đi (tiếng Bahnar được dịch là: đei pơ ‘nar mứt đei tơ Hnam). Ý muốn nói, vào nhà phải qua cánh cửa, có lên cầu thang mới vào được trong nhà sàn. Trước hết, tất cả các thành viên trong gia đình già trẻ, gái trai, mọi người đều gắn bó với cây cầu thang. Lúc chào đời, nhau rốn được cắt và chôn ngay dưới chân cầu thang. Lớn lên rồi trưởng thành, lấy vợ, lấy chồng, đi đây, đi đó ở xa hay ở gần, trở về với gia đình cũng bước lên trên cây cầu thang nhà. Con cái trưởng thành, ông bà già vui vẻ, sống chan hòa, đầm ấm, cây cầu thang đã góp phần đáng kể trong xây dựng cuộc sống hạnh phúc gia đình. Anh em, bạn bè gần xa ngày nào, tháng nào chẳng có người, có việc hay không có việc đến thăm gia đình cũng phải nhẹ chân bước từng bậc lên cây cầu thang nhà. Cây cầu thang không chỉ kết nối vạn vật ở dưới mặt đất với các Thần – Yang trên tầng cao xa, mà còn nối tình cảm giữa người với người sống, dù ở gần hay ở xa xích lại gần nhau, đoàn kết, thương yêu nhau hơn. Cây cầu thang có tầm quan trọng như vậy, cho nên, mọi thành viên trong gia đình, mọi người trong làng đều phải có thái độ tôn trọng cây cầu thang nhà sàn, không được chặt bỏ, không được đem quăng vào sông nước và không được sử dụng làm cây củi để đốt.

Bút danh, nghệ danh: Yang Danh.
Danh hiệu: Nghệ nhân Ưu tú.
Năm sinh: 1946.
Nơi sinh: Làng Tà Điệk, Kông Kring, Vĩnh Thạnh, Quê quán: Làng Tà Điệk, Vĩnh Hảo, Vĩnh Thạnh, Bình Định.
Điện thoại: 0919.174.680 – 0256.3786724.
Hội viên Hội VHNT các DTTS Việt Nam.
Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Tác phẩm chính: Sử thi Hơ mon Dăm Joong (2011); Tập tục truyền thống của người Bahnar Kriêm (2012); Văn hóa làng của người Bahnar Kriêm (2012); Cồng chiêng trong văn hóa người Bahnar Kriêm (2015); Tập tục ăn uống của người Bahnar Kriêm (2016).

YANG DANH

(Văn hóa dân gian Bình Định 2011 – 2020, NXB Văn hóa – Văn nghệ 2020).

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN