“Vương miện” cho “một nửa thế giới”

 (VNBĐ – Thơ và lời bình). Người ta thường nói: “Phía sau thành công của một người đàn ông đều có bóng dáng của một người phụ nữ”. Đó là người vợ thân yêu khi mà “đàn ông xây nhà” thì “đàn bà xây tổ ấm” . Nhiều nhà thơ Việt Nam đã có thơ hay và cảm động tặng vợ như nhà thơ Tú Xương viết về hình ảnh người vợ lam lũ đồng áng nông thôn: “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng”; hay nhà thơ Nguyễn Duy có cả một seri thơ tặng vợ. Nhà thơ Ngô Minh cũng là người rất yêu quý vợ. Ngôi nhà của ông ở Huế thường là “trụ sở” Hội Văn nghệ Huế thứ hai để anh em bạn bè đồng nghiệp tụ họp và truyền cho nhau cảm hứng sáng tạo. Bài thơ lục bát Hoa hậu được ông viết trong một hoàn cảnh: Vợ ông đi vắng về muộn chỉ có mấy bố con ở nhà mà ông thì vụng về không quen chợ búa nấu ăn. Trong những thời điểm ấy mới biết công lao thầm lặng của người vợ tảo tần đảm đang và rất đáng được tôn vinh là “Hoa hậu”.

Bài thơ tuần tự như một câu chuyện kể với nhịp lục bát khoan thai mà rất tâm trạng: “Trưa nay hoa hậu muộn về/ Bố con thi sĩ cơm khê lửa cười”. Hình ảnh “lửa cười” thật cởi mở thật cảm thông và cũng thật hóm hỉnh. Lửa cười để “cơm khê” bởi chúng quá lửa như vẽ ra sự bối rối vụng về của anh chàng thi sĩ tự thú, tự nhận mình : “Vô tư là giống trên đời” bởi: “Biết đâu rau đậu bời bời giá lên”. Chỉ hai chữ “bời bời” mà ta thấy được sự thất thường giá cả trong cuộc sống đời thường; “Bời bời” cũng thể hiện tâm trạng rối bời xoay sở trước bão giá, mất giá: “Đồng tiền như ả vô duyên/ Đầu hôm hăm mốt qua đêm còn mười”. Thì ra số đếm được thi sĩ thảng thốt đưa vào để so sánh thật đắc địa trong bối cảnh này. Cái hay, cái chân thật của nhà thơ là ông tự trách cái “ả vô duyên” làm cho không khí hơi thở đời sống ùa vào thơ ông có gì thật tươi ròng để từ đó mạch thơ đi thẳng vào cái chợ đời muôn kiểu, muôn mặt mà nhà thơ đã chạm phải, đã trả giá bởi sự vụng về tất tả của mình: “Lội quanh chợ cá chiều rồi/ Thứ ngon thì đắt, thứ ôi thì buồn”. Chữ “lội” không chỉ là động thái, mà còn là trạng thái của sự xáo trộn lặn ngụp trước dòng chảy của đời thường. Một sự tự vấn, tự cảm, tự nhận thật đáng yêu, thật hồn hậu chân tình biết bao.

Bất chợt hình ảnh người vợ hiền thảo chu đáo hiện lên không phải là sắc đẹp của hoa hậu mà là phẩm chất hy sinh hết mình lo toan cho chồng con. Chỉ một hình ảnh “em cười” trong: “Em cười cho bữa cơm ngon/ Trung thu chiếc bánh cho con nhớ mùa” đã làm rạng rỡ bừng sáng, chan hòa sum vầy của mái ấm gia đình, mái ấm tình thương. Rồi: “Chiều chồng chén rượu đĩa dưa/ Còn bầu, còn bạn đời chưa cạn tình”, có vẻ như ông kể lể, không, ông đang hồi tưởng, ông đang cảm phục, ông đang tôn vinh, ông đang hạnh phúc. Ở đây tôi rất thích hình ảnh “chưa cạn tình” không phải là sự đo lường vật chất mà đây là sự thẩm thấu, thức nhận cao hơn ghi nhận.

Bài thơ kết thúc thật có hậu mà cũng thật ân tình, lặng lẽ nhưng sự ấm nóng của tình thương yêu lan tỏa, lay thức như một hồi âm vang vọng đồng cảm với bao người: “Em thi hoa hậu một mình/ Âm thầm vương miện lặng im thơ đề”. Và chính bài thơ Hoa hậu là một vương miện vô giá của nhà thơ không chỉ dành tặng cho riêng vợ mình mà cho cả “một nửa thế giới”.

Hoa hậu

NGÔ MINH

Trưa nay hoa hậu muộn về
Bố con thi sĩ cơm khê lửa cười
Vô tư là giống trên đời
Biết đâu rau đậu bời bời giá lên
Đồng tiền như ả vô duyên
Đầu hôm hăm mốt qua đêm còn mười

Lội quanh chợ cá chiều rồi
Thứ ngon thì đắt thứ ôi thì buồn
Em cười cho bữa cơm ngon
Trung thu chiếc bánh cho con nhớ mùa
Chiều chồng chén rượu đĩa dưa
Còn bầu còn bạn đời chưa cạn tình

Em thi hoa hậu một mình
Âm thầm vương miện lặng im thơ đề…

NGUYỄN NGỌC PHÚ

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…

Đời cần lắm, những vần thơ

Sang đến thế kỷ hai mươi, Yến Lan, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi, đã hóa mình thành ông lái đò với bao niềm tâm sự trong bài thơ mang mang phong vị cổ, Bến My Lăng.