Về yên bình dưới bóng cây

(VNBĐ – Tản văn). Khi góc hồn phố thị không đủ lắng dịu nghe từng hơi thở chạm vào con đường, chạm vào hàng cây, không thể chắt lọc được thứ âm thanh trong trẻo, tinh khôi tôi chợt thèm về dưới hiên nhà. Về nghe tiếng lộp bộp đu mưa trên mái rạ. Chìa đôi tay hứng bao giọt trắng ngần. Về ngồi dưới tán rợp lắng nghe gió hát, nghe bừng lên ngọt tiếng chim ngân.

Mỗi sớm mai, nghe tiếng lá rơi chao nghiêng trước mặt, nghe tiếng chim chuyền cành tập bay, thấy bầu trời cao rộng quá, trong xanh quá. Trên cành cao dõi tiếng ve ran, khẽ chạm vào thân cây tiếng ve trở mình im bặt, nín thở mấy giây chúng lại hòa tấu thêm cồn cào mùa hạ, thêm cồn cào bình minh ló rạng, thêm da diết cái nắng rực rỡ sắc màu. Dưới chân động đậy, lạo xạo lá khô, tiếng dế thở khe khẽ, tiếng côn trùng du dương. Tôi trèo lên cây nơi có tổ chim non, khẽ nhặt cọng rơm nhỏ bỏ vào tổ chim ngắm nghía những cái bụng ỏng chưa kịp mọc lông, những cái mỏ vàng háu ăn, những đôi mắt lim dim còn chưa quen với ánh sáng ban ngày. Tổ chim nhỏ bé lơ lửng ngỡ không an toàn mà bình yên quá đỗi. Đôi khi, thèm mắc một chiếc võng lên cành cây cao tận hưởng cảm giác bồng bềnh với mây, với gió. Và có lúc, cứ thế ngồi vắt vẻo, lim dim tưởng chừng ngủ quên trên cây.

Ngõ nhà tôi có mấy cây xoài rất to, khi mùa hoa xoài đến nếu như không gặp mưa nhiều, hoa đậu, cây sẽ sai quả trĩu trịt. Ăn từ lúc quả còn xanh dính đầy nhựa cho đến lúc chín mà không hết. Lúc quả xanh mẹ tôi thường dặn, hái quả phải khéo, đừng để nhựa xoài rơi vào áo quần, đặc biệt là mắt, sẽ ảnh hưởng tới thị giác vì nhựa xoài rất độc. Đến mùa quả chín, bọn chim chóc ở đâu bay tới mổ ăn không hết rụng đầy gốc cây. Tôi thường nhặt những trái rụng, cắt phần chim ăn đi rồi thưởng thức ngon lành. Bọn chim khôn thật đấy! Trái nào chúng ăn cũng đều là trái ngọt, thơm ngon. Những trái cây được nắng, vỏ hơi rám đỏ thường là những trái ngọt lịm. Tôi cũng dựa theo kinh nghiệm của chim mà hái trái ngon ăn trước kẻo chúng ăn nhanh hết sạch. Cây xoài không chỉ cho trái thơm ngon mà nhìn vào lá cây có thể dự báo thời tiết hoàn toàn chính xác. Mẹ tôi thường bảo, khi cây xoài nhiều lá non, màu lá đỏ tía là sẽ có mưa. Những hôm đó nếu có phơi thóc, phơi rơm phải cẩn thận, coi chừng chạy mưa không kịp.

Góc vườn nhà tôi trồng đầy chuối, buổi trưa bọn trẻ hay trốn ngủ ra đó dựng lều. Công việc cũng thật dễ dàng bởi chỉ cần chọn những gốc chuối gần nhau có hình khối. Sau đó lấy mấy thanh tre rào làm thanh ngang, sợi dây chuối khô chằng, buộc bốn xung quanh, tìm lá chuối to phủ lên là thành một mái nhà che nắng, che gió. Chúng tôi trải lá xuống nền đất, nằm gác chân khoan khoái, tự hào. Xong, cả bọn đi tìm những viên gạch làm kiềng, mảnh bát sành vỡ làm nồi, hái ngọn rau muống, rau khoai luộc trên ngọn lửa hơi mùi khói. Được tự tay nấu ăn, tự tay làm nhà cứ sướng âm ỉ mãi.

Cây không những cho tôi bóng mát, cho tôi lắng nghe âm thanh cuộc sống mà còn cho tôi cảm nhận bằng tất cả khứu giác, xúc giác, vị giác. Có những mùi hương mộc mạc quá đỗi mà khi đi xa lại thành xa xỉ. Những mùi tinh dầu từ lá sả, lá chanh, bạc hà, húng quế… tôi thèm hít hà buổi sớm bình yên. Mùi hương cau thoang thoảng những đêm trăng sáng. Mà đúng là chỉ đêm trăng sáng mới cảm nhận hương cau ngan ngát, thấm vào da, vào thịt. Nghe tiếng hoa cau rụng, khẽ rơi vào chum, vại như sóng sánh tan loãng hương thầm vào không khí, tiếng con nhái bén vội vàng nhảy xa trốn chạy, tiếng gió động rồi bất ngờ tàu cau già rơi cái rụp xuống sân gạch. Tôi thích thú ra nhặt đưa bà làm chiếc quạt mo mới. Quạt mới bao giờ mo cũng dẻo, quạt thơm phảng phất mùi cau non.

Đêm trăng, chẳng cần làm gì, chỉ cần hít hà cái hương, cái vị trong ngần ấy cũng đủ làm ngọt mềm tuổi thơ, làm tan chảy, bồi hồi con tim, mơ màng con mắt.

Mùa hè, những gốc cây già cằn cỗi che mưa, che nắng, tán cây cứ vươn cao, xòe rộng ôm ấp khu vườn, ôm ấp ngõ nhỏ, ôm ấp khoảng sân. Có lúc, bố tôi muốn cưa một số cành để cho những luống rau phía dưới có thêm ánh nắng mà xanh non, mà phát triển nhưng tôi tiếc lắm, muốn giữ. Tôi cứ ước, mảnh đất phải lớn dần theo chu kì sinh trưởng của cây. Bố bảo có những cây cần cưa cành bị sâu, cành già cây mới phát triển tốt được. Vậy mà, đến mùa mưa bão, cây oằn mình chống chọi, những cành cao nhất luôn là những cành chịu tổn thương nhất. Tôi cứ buồn khi có năm, cây bưởi đào sai quả nhất vườn bị bão đánh bật gốc đổ rạp. Quả rụng rơi đầy gốc khiến tôi áy náy mãi. Giá cứ để bố cưa cành thì đâu có bị như vậy. Tôi nhận ra một bài học, cây cũng như con người không thể mang tình thương bao bọc, che chở mà trưởng thành được, đôi khi những đau đớn, mất mát nhỏ nhoi sẽ chỉ giúp cây hồi phục, tự chữa lành vết thương mà tồn tại, cũng như giúp con người vượt lên qua chớp bể, mưa nguồn. Đời cây càng già, càng cằn cỗi càng cần những cảm nhận thật sâu trong tim. Con người càng có tuổi càng không dễ bề nhỏ to tâm sự. Năm đó, tôi nhặt những trái bưởi cho vào một góc vườn mà không còn mảy may thèm khát những tép thơm mọng ngọt ngào. Đời cây, chỉ cống hiến và lay động đời người khi cây đã nằm xuống.

Tôi xa vườn cây đã bao năm, có những cây cứ già, cứ sâu bệnh rồi ngày một lụi dần. Lá rụng xuống, cành khô queo như người đàn bà đứng khóc. Tôi cũng quen với đời cây, quen với tự nhiên và sự tồn tại, mất đi của tự nhiên. Thỉnh thoảng có dịp về quê, tôi trồng thêm cây mới cho khu vườn lúc nào cũng phong phú và hình thành hệ sinh thái hoàn chỉnh. Đời cây là vậy, ngắn ngủi dâng hiến hoa thơm trái ngọt. Và tôi biết, những cây càng có hoa thơm, trái ngọt càng phải chắt chiu, khổ ải vươn lên mỗi ngày.

Hôm nay, tôi trở lại khu vườn, ngồi dưới tán cây nghe xanh mát mùa thu, xanh mát tuổi thơ. Có lúc tâm trạng chùng xuống, trống rỗng, có lúc mỉm cười nhìn tuổi thơ sáng trong, man mác, dịu ngọt. Bấy nhiêu đẹp đẽ đều có ở khu vườn. Và rồi khi về già, sau những năm tháng bôn ba, dường như con người ta lại tìm cỏ cây, hoa lá để làm bạn. Có lẽ, chỉ khi làm bạn với cây, chứng kiến vòng luân hồi của cây, từ những ngọt ngào mà cây mang lại cho đến những mất mát mà cây nhắc nhở thì con người cũng được trải nghiệm nhiều lắm để lớn lao, để trưởng thành, để già nua. Cuối cùng, đằng sau những dông bão, vấp ngã con người ta trở về lặng lẽ, bình yên, “ôn cố tri tân” với cây. Bình yên là thế: lòng nhẹ bẫng giữa đời thênh thang. Bình yên là thế: ngước lên trời, gió mây trôi nhanh ta cũng không phải vội vàng. Khẽ hít thở thật sâu, cảm nhận nơi lồng ngực một bầu thanh trong, dịu dàng đến mênh mang, thăm thẳm, khôn cùng.

DƯƠNG THẮNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Duyên nợ trùng sinh

Lê Văn Hưng lại nhớ Ngọc Bích. Bao nhiêu năm tháng trôi qua nhưng bóng dáng người xưa vẫn da diết không thôi. Ánh mắt tuyệt vọng sầu thảm của nàng phút biệt ly luôn vò xé tâm can…

Thơ dự thi của Thái An Khánh

An Nhơn ẩn vào ta bằng ngôn ngữ của lúa
đôi vai của mẹ gánh trĩu mặt trời
lấm tấm mồ hôi mặn mòi non nước
đất nặng nghĩa tình gieo hạt trái tim ai.